(Chinhphu.vn) – Với nhà báo-nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Át, bức ảnh ““Pháo đài bay B-52 đền tội trên bầu trời Hà Nội đêm 26/12/1972” là một trong những tấm ảnh khiến ông tự hào vì nó không chỉ là tấm ảnh ghi lại một chiến công mà tấm ảnh còn khơi gợi biết bao kỷ niệm về 12 ngày đêm tháng 12/1972 khi Mỹ dùng B52 ném bom Hà Nội…
Ông Nguyễn Xuân Át bên Đài tưởng niệm Khâm Thiên, nơi lưu giữ nhiều hình ảnh về những ngày B52 của Mỹ ném bom phố Khâm Thiên năm 1972. Ảnh: VGP/Việt Hà
Đã hơn 40 năm, nhưng hình ảnh Hà Nội những ngày tháng Chạp năm 1972 vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Át. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, nhiều lúc giọng ông trầm hẳn xuống khi hồi tưởng về những ngày B 52 Mỹ ném bom Thủ đô Hà Nội.
Thưa ông, để có được những tấm ảnh ghi lại chân thực và sống động những ngày đêm lịch sử đó, hẳn những người làm báo cũng có những phút giây sinh tử?
Ông Nguyễn Xuân Át: Trong chiến tranh, những người làm báo cũng phải bám các trận địa, trận đánh, tình hình diễn biến của các trận đánh của lực lượng phòng không không quân, để ghi lại những thời khắc, hình ảnh đáng nhớ của các chiến sỹ ta.
Thực tế, lúc đó anh em xác định hi sinh là bình thường. Là bộ đội xung trận rồi thì không có ai nghĩ đến chuyện lẩn tránh, tinh thần chiến đấu rất cao, bất chấp những khó khăn gian khổ ác liệt, phức tạp.
Đêm 18/12/1972, địch bắt đầu đánh vào Hà Nội, thì sáng hôm sau (19/12), tôi được phân công nhiệm vụ lên chụp ảnh xác máy bay B-52 bị bắn rơi ở Phù Lỗ, Đông Anh. Lúc đó, cầu Long Biên không đi được, phải đi cầu phao Chương Dương. Nhưng đường tới Đông Anh cũng bị tắc vì bị đánh bom, cây cối đổ, nhà sập, đất cát tung tóe.
Vậy những ngày đó, người Hà Nội sống ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Át: Trong những ngày đó, những người Hà Nội không có nhiệm vụ chiến đấu, sản xuất đã nhận được lệnh đi sơ tán hết. Từng dòng người lớn cứ đi tỏa về các hướng bằng cả xe đạp xe thồ, ô tô, đi bộ,… trâu, bò, ngựa, xe cùng theo. Và đông nhất là hướng đường số 6 Hà Đông.
Những người ở lại, lúc máy bay địch không đánh thì vẫn sinh hoạt bình thường. Mỗi khi có báo động thì người dân xuống hầm, còn bộ đội sẵn sàng chiến đấu.
Bức ảnh “Pháo đài bay B-52 đền tội trên bầu trời Hà Nội đêm 26/12/1972” của tác giả Xuân Át
Bức ảnh “Pháo đài bay B-52 đền tội trên bầu trời Hà Nội đêm 26/12/1972” đã trở thành bức ảnh nổi tiếng trong bộ sưu tập ảnh về chiến thắng B-52 của quân và dân Hà Nội. Xin ông nói thêm về thời khắc ghi lại bức ảnh đó?
Ông Nguyễn Xuân Át: Tôi chụp ngay tại phố Khâm Thiên, nhà tôi lúc đó ở con phố này. Ban ngày đi trực chiến nhưng ban đêm, tôi được phép về qua nhà. Vệt sáng trong bức ảnh là đám cháy phát ra từ chiếc máy bay B-52 bị bắn, nó ngoài sức tưởng tượng vì tôi cũng chưa nhìn thấy bao giờ. Ngay khi bom B-52 chuẩn bị trút xuống Khâm Thiên, cả khoảng trời nơi tôi đứng tối đen như mực. Anh tôi nói: “Mưa chú ạ”. Còn tôi bảo: “B-52 đấy anh ạ”.
Lúc ấy tôi 32 tuổi. Đêm 26/12 là trận đánh then chốt, đến sáng 27/12, tôi điện về chỉ huy sở, đồng đội của tôi trực ở chỉ huy sở đã nói như gào trong máy: “Có đúng Át không? Đêm qua chúng tao đã thắp hương mày rồi”. Hẳn lúc đó mọi người đều nghĩ tôi đã chết….
Bây giờ nhớ lại những ngày tháng đó, ông cảm thấy điều gì?
Ông Nguyễn Xuân Át: Lúc đó, chiến tranh ác liệt, cho đến bây giờ, có những cái thời đó vẫn được nhớ đến, có cái cũng bị sao nhãng đi. Nhưng tôi không bao giờ quên được những hình ảnh đau thương mùa đông năm 1972. Khi ấy, lòng căm thù địch trào dâng, những người lính đã nói với nhau: “Thù này không đội trời chung, muôn đời muôn kiếp không quên…”
Giờ đây, đã 40 năm trôi qua rồi, chiến tranh cũng đã qua rồi, nhưng mỗi lúc nghĩ lại vẫn thấy như mới ngày hôm qua, vẫn nguyên cảm giác đau thương mất mát, lòng căm thù, ý chí chiến đấu để chiến thắng, những cảm giác ấy cứ đan xen trong tâm trí…
Có thể các bạn trẻ bây giờ không thể hình dung hết được về những ngày hào hùng ấy. Phim ảnh, tư liệu chỉ phản ánh phần nào sự ác liệt của chiến tranh cũng như tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của lớp thanh niên chúng tôi thời đó, còn tôi nghĩ những ai đã trải qua những ngày tháng lịch sử ấy thì không dễ dàng quên được. Tôi thấy tiếc là mình không ghi lại hết được những hình ảnh Hà Nội lúc đó, những hình ảnh về chứng tích tàn khốc của chiến tranh, những hình ảnh về người Hà Nội, người Việt Nam anh hùng chống Mỹ…
Việt Hà thực hiện
chinhphu.vn