(ĐCSVN) – Thế kỷ XX loài người đã phải gánh chịu các cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử và cũng phải nếm trải một hình thức, một phương pháp tác chiến mới của chiến tranh, mà hậu quả do nó gây ra vô cùng to lớn. Đó là những cuộc tập kích đường không – một sản phẩm của chiến tranh hiện đại.
Tự vệ Nhà máy Y Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng
chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ gây tội ác ở Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12/1972.
(Ảnh: TTXVN)
Tập kích đường không là sự phát triển và biến thể của chiến tranh chớp nhoáng, nó ra đời không lâu sau khi loài người làm ra máy bay – một sản phẩm đánh dấu bước tiến vĩ đại của khoa học – công nghệ. Trớ trêu thay, mơ ước ngàn đời của con người muốn được bay lên không trung nhưng đến khi làm ra được những phương tiện bay để thực hiện khát vọng cháy bỏng đó thì chính nó lại gây ra thảm họa cho con người bằng các cuộc tập kích đường không. Có thể kể ra hàng loạt các trận tập kích đường không trong vòng mấy chục năm qua để thấy rõ tính chất khốc liệt của phương thức tác chiến hiện đại. Tập kích đường không là đòn đánh từ trên không bằng các lực lượng không quân đánh phá một cách ồ ạt, bất ngờ, liên tục trong một thời gian ngắn nên nó gây ra cái chết cho hàng loạt sinh linh, hủy hoại khủng khiếp cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị chiến tranh của đối phương. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức đã sử dụng hàng trăm máy bay tập kích đánh chiếm Na Uy ngày 9-4-1940 và chiếm được nước này trong thời gian ngắn; các cuộc tập kích đường không cũng của Đức đánh chiếm Hà Lan, Anh, đảo Cret-tơ của Hy Lạp; các cuộc tập kích đường không của quân đồng minh ở Man-tơ, Von-tuốc-nơ, Bắc Phi, Xi-xin, Noóc-măng-đi; của Hồng quân Liên Xô ở Vi-a-dơ-ma, Ki-ép; các cuộc tập kích đường không chiến lược của Anh và Mỹ vào các thành phố đông dân của Đức đều gây ra hậu quả khôn lường. Cuộc tập kích đường không của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941 là một trong những cuộc tập kích đường không điển hình trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhật Bản đã bất ngờ cho hàng trăm máy bay cất cánh từ các tàu sân bay phối hợp với các tàu thiết giáp, tàu diệt ngư lôi, tàu tuần dương, tàu phóng lôi và tàu ngầm tấn công Trân Châu Cảng trên quần đảo Ha-oai ở trung tâm Bắc Thái Bình Dương của Mỹ, giết chết hơn hai nghìn sĩ quan, binh lính, hàng nghìn người bị thương và mất tích, đánh chìm 150 tàu các loại, làm cháy, hỏng 170 máy bay của Mỹ. Trận tập kích đường không của Mỹ nhằm vào Thủ đô Nhật Bản ngày 16/3/1945 cũng gây cho Nhật thiệt hại nặng nề. Mỹ đã sử dụng 150 lần chiếc máy bay B.29 ném 1.500 tấn bom xuống các khu dân cư ở Thủ đô Tô-ky-ô của Nhật Bản, thiêu hủy sạch nhiều khu phố xá. Đặc biệt, ngày 6 – 9/8/1945, Mỹ đã mở cuộc tập kích đường không tàn bạo nhất, bất ngờ cho máy bay ném bom nguyên tử xuống thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki của Nhật Bản, giết chết, làm bị thương hàng vạn người, san phẳng, đốt cháy hàng chục ki-lô-mét phố xá, phá hủy hàng chục nghìn ngôi nhà. Nửa sau thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, trên thế giới đã xảy ra nhiều cuộc tập kích đường không với quy mô lớn, tính chất ngày càng khốc liệt hơn. Từ ngày 5 – 10/6/1967, Ix-ra-en đã phát động chiến dịch Focus dùng không quân ồ ạt tập kích vào các nước Ả-rập, có ngày cường độ hoạt động của không quân lên tới một nghìn lần chiếc, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược chớp nhoáng các nước Ả-rập. Trong vòng 6 ngày, nhờ sự hỗ trợ đắc lực và có hiệu quả của các cuộc tập kích đường không, Ix-ra-en chiếm được 70.000 ki-lô-mét vuông đất đai của các nước Ả-rập, gấp ba lần diện tích nước này, với 1,5 triệu dân. Năm 1991, lấy cớ trừng phạt I-rắc xâm lược Cô-oét, Mỹ đã cùng Liên quân (13 nước có không quân tham gia) mở liên tục các đợt tập kích đường không phá hủy tối đa tiềm lực kỹ thuật, quân sự của I-rắc, mục tiêu làm cho I-rắc tàn lụi không còn đủ sức tranh giành quyền lực với Mỹ ở khu vực Trung Đông. Năm 1999, Mỹ và NATO đã tiến hành các đợt tập kích đường không ở vùng Ban-căng gây sức ép và tiến hành chiến tranh leo thang ở Nam Tư. Đêm mùng 7/10/2001, lấy cớ tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, Mỹ đã bắtđầu các cuộc tập kích đường không đối với Áp-ga-nix-tan, thực chất là củng cố vai trò của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Trung Á và tạo điều kiện để nắm nguồn tài nguyên phong phú về dầu lửa ở khu vực này.
Ở Việt Nam, trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tập kích đường không vô cùng ác liệt, đỉnh cao là cuộc tập kích đường không chiến lược Lai-nơ-bếch-cơ II cuối tháng 12/1972. Đây là chiến dịch có quy mô lực lượng tác chiến đối kháng trên không gian lớn nhất từ sauChiến tranh thế giới thứ hai, gồm toàn bộ không phận miền Bắc, trong đó Thủ đô Hà Nội là điểm tựa phòng ngự đối không cuối cùng và quyết định thắng bại giữa ta và địch. Mỹ đã huy động tới mức cao nhất lực lượng không quân chiến lược, không quân chiến thuật và không quân hỗn hợp nhằm “biến Hà Nội thành bình địa”, “hạ gục Hà Nội” trong phen quyết đấu cuối cùng.
Trong chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, Mỹ đã huy động 193 chiếc máy bay chiến lược B-52 từ Gu-am và U-ta-pao (chiếm hơn 48% tổng số máy bay chiến lược B-52 của toàn nước Mỹ), xuất kích 663 lần chiếc đánh vào miền Bắc, tập trung ở khu vực Hà Nội tới hơn 400 lần chiếc. Chiến dịch này là một mô hình đặc trưng cho cuộc tập kích đường không hiện đại nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới tính đến thập kỷ bảy mươi của thế kỷ XX. Mỹ đã huy động khoảng 1.000 máy bay chiến thuật các loại, chủ yếu là F-105, F-4A, A-6A, A-7A, F-111A (chiếm 31% tổng số máy bay chiến thuật của Mỹ), xuất kích tới 3.920 lần chiếc để hộ tống, bảo vệ B-52 và trực tiếp đánh phá các sân bay, các trận địa phòng không, các mục tiêu khác của ta. Lần đầu tiên Mỹ sử dụng cả một liên đội máy bay “cánh cụp cánh xòe” F-111 khoảng 50 chiếc, xuất kích mỗi đêm từ 10 đến 25 lần chiếc, hoạt động xen kẽ giữa các đợt đánh phá của B-52. Ngoài ra, Mỹ còn sử dụng 50 máy bay KC-135 tiếp dầu trên không, máy bay trinh sát không người lái để chụp ảnh và nhiều máy bay gây nhiễu ngoài đội hình như EB-66, EA-6A cùng 60 tàu chiến các loại của hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Tất cả các căn cứ không quân của Mỹ ở Đông Nam Á đều được Mỹ sử dụng để phục vụ tối đa cho trận tập kích quy mô này. Với việc tiến hành một chiến dịch tập kích đường không chiến lược lớn như vậy, chính quyền Mỹ hy vọng chỉ trong vòng vài ngày sẽ “bắt Hà Nội phải quỳ gối”, đưa Thủ đô của chúng ta “trở về thời kỳ đồ đá”.
Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã ném hơn 100 nghìn tấn bom đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Riêng Hà Nội, 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném xuống hơn 10 nghìn tấn bom đạn, tương đương 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki của Nhật Bản năm 1945. (Mai-cơn Mác-lia đánh giá tương đương 5 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hi-rô-si-ma – TG). Ních-xơn muốn biến Hà Nội thành Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki không cần bom nguyên tử. Chúng đã hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí sáng tạo, với ý chí quyết chiến, quyết thắng quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 34 chiếc máy bay chiến lược B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-111 (2 chiếc rơi tại chỗ) và 42 máy bay chiến thuật các loại, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã buộc Mỹ phải chấp nhận ký kết Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sau bốn mươi năm chúng ta có điều kiện để nhìn nhận đầy đủ hơn, toàn diện hơn về tầm vóc to lớn và ý nghĩa sâu sắc của chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” để tiếp tục khẳng định rằng đó mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thế trận Phòng không – Không quân nhân dân bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là bản hùng ca bất tử.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã phải đương đầu với hàng trăm cuộc chiến tranh xâm lược của phong kiến, thực dân, đế quốc và đều giành thắng lợi vẻ vang. Những chiến công hiển hách của các vị tiên liệt như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung… mãi mãi là những trang vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Kế thừa truyền thống quật cường của Bạch Đằng, Như Nguyệt, Đông Bộ Đầu, Vạn Kiếp, Chi Lăng – Xương Giang, Rạch Gầm – Xoài Mút, Ngọc Hồi – Đống Đa…; thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân ta tiếp tục lập nên những chiến công kỳ diệu, viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc. Chúng ta đã làm nên trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954; chiến thắng vẻ vang trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, tạo tiền đề để giành thắng lợi hoàn toàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta khẳng định, chiến dịch đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược cuối năm 1972 của Mỹ “Là chiến dịch đầu tiên trên thế giới đã đánh thắng không quân hiện đại của đế quốc Mỹ. Đây thực sự là một chiến công vĩ đại trong lịch sử dân tộc ở thế kỷ XX, là bản hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:”Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành chân lý sáng ngời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thôi thúc quân và dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác; đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù.
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân Phòng không – Không quân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ; là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc, là ý chí, quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Dân tộc ta vốn có truyền thống vẻ vang trong chống giặc ngoại xâm, suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta luôn luôn phải đối mặt với kẻ thù có tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh gấp nhiều lần nhưng nhân dân ta đều nêu cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng đứng lên chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Lịch sử đã chứng minh hùng hồn rằng lòng yêu nước, thương nòi, chí căm thù giặc sâu sắc của nhân dân ta có sức mạnh vô song, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ, nhấn chìm mọi kẻ thù xâm lược. Trong thời đại mới, truyền thống yêu nước được gắn với yêu chủ nghĩa xã hội đã trở thành động lực to lớn thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng cao cả. Cùng với chủ nghĩa yêu nước, ý chí dám đánh, biết đánh, quyết đánh thắng đã trở thành quyết tâm của cả dân tộc mỗi khi bị xâm lăng. Đó chính là sức mạnh chính trị tinh thần, là yếu tố tiên quyết nhất bảo đảm giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta.
Sức mạnh chính trị tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” còn được biểu hiện ở lòng tin, quyết tâm đánh thắng trận đầu, quyết tâm bắn rơi tại chỗ máy bay B-52, bắt sống giặc lái, tạo niềm tin đánh bại hoàn toàn mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù và tinh thần vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt; tinh thần độc lập tự chủ, tự cường, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể.
Sức mạnh chính trị tinh thần còn được thể hiện sinh động ở sự phát huy cao độ ý chí quyết tâm, thế mạnh, sở trường, sở đoản của tất cả các lực lượng, của các loại vũ khí; động viên tổng lực sức mạnh cho chiến dịch. Quân chủng Phòng không – Không quân luôn xác định đúng vị trí, vai trò là trung tâm hiệp đồng, là lực lượng nòng cốt trong tác chiến Phòng không – Không quân, là chỗ dựa vững chắc cho các lực lượng Phòng không – Không quân nhân dân. Sức mạnh chính trị tinh thần còn là sự khéo léo sử dụng khả năng kỹ thuật, chiến thuật, uy lực vũ khí, đồng thời tạo điều kiện để phát huy sức mạnh chiến đấu tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân. Lực lượng phòng không các địa phương, dân quân, tự vệ đã nêu cao ý chí quyết tâm, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, góp phần tạo lập thế trận nhiều tầng, nhiều nấc, liên hoàn, hiểm hóc như “thiên la, địa võng” đánh địch trên mọi hướng, mọi độ cao, mọi thời điểm, mọi khu vực.
Được tận mắt chứng kiến cuộc chiến đấu của nhân dân ta trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, nhà báo Mỹ I-tơn đã bày tỏ lòng thán phục trước hình ảnh những nữ dân quân, tự vệ Hà Nội dũng cảm chiến đấu với không quân Mỹ: “Trong bom đạn mịt mờ, tôi đã thấy những phụ nữ trên những ụ súng lia những khẩu súng trường theo các máy bay phản lực khổng lồ của Mỹ đang bay trên trời. Họ tin rằng, họ có thể bắn rơi máy bay phản lực bằng một khẩu súng trường. Đây là một ý chí có tính chất truyền thống trong từng người dân mà tôi đã gặp”.
Với mưu đồ bá chủ thế giới, đế quốc Mỹ đã làm ra nhiều loại vũ khí giết người tối tân như vũ khí hạt nhân, tàu ngầm nguyên tử và máy bay chiến lược B-52. Chúng luôn luôn nuôi ảo tưởng nhằm khuất phục đối phương bằng sức mạnh vũ khí. Máy bay chiến lược B-52, kể từ khi ra đời, Mỹ đã dùng làm con bài răn đe, dọa dẫm những người yếu bóng vía. Trên thực tế, B-52 là loại máy bay chiến lược hiện đại, khó có thể bắn hạ, nằm trong bộ ba vũ khí chiến lược của đế quốc Mỹ, với sức chở tới 30 tấn bom đạn, B-52 có sức tàn phá khủng khiếp được Mỹ sử dụng lần đầu tiên ở chiến trường Việt Nam từ năm 1965. Như vậy, đối với Việt Nam, Mỹ không chỉ dọa dẫm mà đã sử dụng B-52 để ném bom rải thảm giết chóc không thương tiếc những người dân vô tội và hủy diệt một dân tộc có chủ quyền ngay từ những ngày đầu leo thang chiến tranh.
Khi bị đế quốc Mỹ đem quân xâm lược nước ta, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa để bảo vệ Tổ quốc. Mọi sự đe dọa và các thủ đoạn tàn bạo của Mỹ không làm nao núng tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân ta. Với ý chí Không có gì quý hơn độc lập, tự do, chúng ta đã đánh cho đế quốc Mỹ và tay sai những đòn đích đáng trên cả mặt đất, mặt nước và trên không trung bất kể chúng có binh hùng, tướng mạnh, có vũ khí tối tân, hiện đại. Mỹ hy vọng đưa con “át chủ bài” B-52 ra sẽ khuất phục được nhân dân ta, hòng cứu vãn được tình thế bi đát của chúng. Nhưng nhà cầm quyền Mỹ đã lầm. B-52 hay “bê” gì thì Việt Nam cũng quyết đánh và quyết đánh thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy quân và dân ta như vậy.
Quyết tâm đánh thắng B-52 của nhân dân ta được bắt nguồn từ tầm nhìn xa trông rộng và sự chỉ đạo chiến lược sáng tạo, tài tình của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu ngay từ khi đế quốc Mỹ chuẩn bị leo thang chiến tranh ra đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân vào đầu những năm 60 thế kỷ XX. Đảng và Bác Hồ đã nắm vững quy luật của chiến tranh, sớm nhìn rõ bản chất và âm mưu của kẻ thù, phân tích đúng tình hình, dự báo sớm, chính xác diễn biến sẽ xảy ra. Từ đó, đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta chuẩn bị sẵn sàng về con người, về lực lượng, về vũ khí trang bị kỹ thuật, về thế trận và cách đánh. Trong suốt quá trình chỉ đạo cuộc kháng chiến, máy bay B-52 và âm mưu sử dụng B-52 trên chiến trường Việt Nam của đế quốc Mỹ luôn luôn là mối quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ ra một cách cụ thể về công tác chuẩn bị, xây dựng lực lượng, trang bị vũ khí, tổ chức huấn luyện, rèn luyện bộ đội để sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của Mỹ, kể cả khi chúng dùng máy bay chiến lược B-52 đánh phá miền Bắc.
Nhờ sự tiên đoán thiên tài và sự chỉ đạo sát sao của Bác Hồ, các lực lượng Phòng không – Không quân và quân dân miền Bắc đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, tích cực tìm hiểu tình hình địch, đặc biệt là đã đưa các lực lượng tên lửa, ra-đa, không quân, cao xạ vào nam Quân khu 4 – nơi máy bay B-52 hoạt động thường xuyên để vừa nghiên cứu vừa tìm cách đánh và đánh B-52.
Quyết tâm đánh thắng B-52 của ta được thể hiện ở ý chí dũng cảm, kiên cường, tinh thần chủ động, mưu trí sáng tạo vượt qua khó khăn, ác liệt của bộ đội Phòng không – Không quân trong nghiên cứu tìm cách đánh thắng B-52. Việc đưa các lực lượng Phòng không – Không quân vào vùng đất lửa là một quá trình công phu, gian khổ, chồng chất khó khăn và gian khổ, hy sinh. Nhất là đưa một Trung đoàn Tên lửa với hàng trăm xe pháo cồng kềnh vượt hàng trăm cây số qua các trọng điểm ác liệt như cầu Hàm Rồng, Bến Thủy, Đồng Lộc, Ka Tang, khe Ve, ngầm Bùng, khe Dinh, Quán Hầu, sông Gianh, Xuân Sơn, Long Đại… quả là nhiệm vụ hết sức cam go chưa nói đến phải “ở lâu, bám sâu, trụ vững” trong vùng chảo lửa ngày đêm bị cày xới bởi đạn bom của kẻ thù. Có những Tiểu đoàn Tên lửa trên đường vào chiến trường đã bị địch đánh hỏng gần như toàn bộ khí tài, cán bộ, chiến sĩ thương vong nặng nề, phải quay ra Bắc củng cố lực lượng, nhận khí tài mới; có đài ra-đa mỗi lần phát sóng không chỉ bị bom giội từ trên không mà còn bị pháo, tên lửa từ các hạm tàu ngoài biển bắn vào; mỗi chuyến xuất kích của không quân từ sân bay tuyến trước vào chiến trường như những chuyến bay cảm tử, vừa phải đối phó với địch ở trên không vừa phải cảnh giác với chúng ở đất liền, ngoài biển; bộ đội cao xạ vừa phải làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông vận chuyển vừa bảo vệ các trận địa tên lửa, ra-đa và phối hợp hiệp đồng với các đơn vị bạn trong tác chiến hợp đồng quân binh chủng vừa phải đánh địch tự bảo vệ mình. Trong khi đó, từ nam Quân khu 4 trở vào, có giai đoạn không quân, hải quân địch tác oai tác quái, ném bom, bắn pháo, phóng tên lửa vào bất cứ đâu chúng muốn để tiêu diệt các lực lượng của ta, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến. Sự khốc liệt đã được kẻ thù đẩy lên đến đỉnh điểm khi chúng đánh hơi chúng ta đưa tên lửa và các lực lượng vào Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị), nhưng kẻ thù đã không ngăn nổi ý chí quyết tâm đánh B-52 của bộ đội Phòng không – Không quân. Chính nhờ có ý chí sắt đá ấy nên dù phải trải qua những năm tháng ác liệt ở chiến trường nam Quân khu 4, phải trả giá bằng bao mồ hôi, xương máu, bộ đội Ra-đa, Tên lửa, Không quân, Cao xạ sau những ngày “nếm mật nằm gai”, “tàng hình rình mồi” đã “bắt được cọp” trong hang ổ của chúng. Bộ đội Tên lửa đã bắn rơi máy bay chiến lược B-52 trên bầu trời Vĩnh Linh. Các lực lượng đã từng bước đúc kết được những kinh nghiệm quý báu về quy luật hoạt động, các thủ đoạn tác chiến, đội hình bay, lực lượng bảo vệ của máy bay chiến lược B-52 để xây dựng thành cuốn cẩm nang đặc biệt về cách đánh loại “pháo đài bay” này.
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân còn được thể hiện ở ý chí chiến đấu kiên cường của nhân dân miền Bắc trong xây dựng thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân và sự kế thừa, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới; là chiến thắng của trí thông minh và lòng dũng cảm của dân tộc ta chống cuộc tập kích đường không có quy mô lớn của kẻ thù với vũ khí trang bị hiện đại.
Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 của quân và dân miền Bắc với lực lượng không quân chiến lược của Mỹ thực chất là cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam với sức mạnh tổng lực của đế quốc Mỹ được tập trung vào sức mạnh của không lực Hoa Kỳ. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cũng chính là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật sử dụng lực lượng, bài binh, bố trận, cơ động tác chiến, theo một ý định, cách đánh đã được chuẩn bị, tính toán từ trước kết hợp với sự chuyển hóa linh hoạt trước các diễn biến, tình huống. Trong suốt chiến dịch ta đã phát huy cao độ tiềm năng chiến đấu của lực lượng Phòng không – Không quân ba thứ quân, lấy Quân chủng Phòng không – Không quân làm nòng cốt, tạo nên hệ thống hỏa lực Phòng không – Không quân rộng khắp và quy tụ thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng, vừa tập trung hiệp đồng đánh tiêu diệt lớn, vừa đồng thời đánh liên tục, đánh tại chỗ, đánh rộng khắp trên các địa bàn.
Ở tất cả các địa phương trên miền Bắc đều có lực lượng phòng không sẵn sàng đánh máy bay địch, ở đâu cũng có hệ thống báo động Phòng không nhân dân, có hầm hào trú ẩn, có trận địa bắn máy bay và thực hiện phòng tránh sơ tán triệt để nhằm đối phó thắng lợi với mọi tình huống. Các lực lượng Phòng không tầm thấp, tầm trung không đánh được máy bay B-52 thì đánh máy bay chiến thuật, máy bay bay thấp. Các lực lượng đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ tạo thành thế trận trên mọi độ cao, hiểm hóc, liên hoàn, vừa có chiều sâu vừa có trọng tâm, trọng điểm, hoạt động nhịp nhàng, có thể liên tục đánh địch từ xa đến gần, đánh địch ở mọi tầng cao, đánh từ nhiều phía, đánh trực diện, đánh từ sau, từ bên sườn, gây cho địch lúng túng không thể cơ động tránh được lưới lửa phòng không, đảm bảo chiến đấu thắng lợi của toàn bộ chiến dịch.
Các lực lượng dân quân, tự vệ trong chiến dịch là lực lượng tại chỗ rộng khắp, có nhiệm vụ đánh máy bay địch bay thấp, hoạt động theo đội hình tốp nhỏ, chiếc lẻ, trực tiếp bảo vệ các mục tiêu quan trọng của địa phương. Ở nhiều khu vực trọng yếu, dân quân, tự vệ đã thực sự là thành phần quan trọng trong chiến thuật “dựng màn đạn”, tạo ra “tọa độ lửa” trên chiến trường miền Bắc. Ngoài nhiệm vụ tập trung bắn máy bay, lực lượng Phòng không ở địa phương và dân quân, tự vệ còn là lực lượng báo động phòng không nhân dân, chỉ đạo và tổ chức sơ tán phòng tránh, bắt giặc lái nhảy dù, san lấp, sửa chữa sân bay, làm trận địa tên lửa, cao xạ, ra-đa, ngụy trang cất giữ vũ khí, khí tài, cứu thương, tải thương. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch,các đơn vị súng máy phòng không chủ yếu do lực lượng dân quân tự vệ đảm nhiệm được bố trí đón lõng bắn máy bay bay thấp. Ta đã tổ chức 364 phân đội dân quân, tự vệ với 1.428 khẩu pháo và súng máy phòng không các loại; tổ chức trên 100 trận địa pháo phòng không, gần 500 đài quan sát xa, quan sát bổ trợ, tạo thành thế trận phòng không nhân dân khắp trên các vùng miền. Hiếm có dân tộc nào có lực lượng dân quân, du kích, tự vệ được trang bị pháo cao xạ để đánh máy bay siêu âm hiện đại như ở Việt Nam. Với tinh thầnđánh giặc bằng mọi loại vũ khí, trang bị hiện có, các lực lượng “phi chính quy” của ta không chỉ sử dụng các loại súng pháo phòng không cỡ nhỏ như 12,7ly, 14,5ly mà còn thuần thục thao tác, sử dụng các loại cao xạ 37, 57, 85, 88, 90, 100ly để hạ phản lực siêu âm của Mỹ. Trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cả 5 chiếc máy bay hiện đại cánh cụp, cánh xòe F-111 đều do các lực lượng dân quân tự vệ và pháo cao xạ tầm trung tiêu diệt, không ít tên giặc lái từng mệnh danh là “người hùng” của nước Mỹ bị những dân quân “đầu trần, chân đất” tóm cổ.
Chứng kiến cuộc đọ sức quyết liệt giữa lực lượng không quân chiến lược của Mỹ với lưới lửa phòng không miền Bắc, báo Tin Mỹ và Thế Giới ngày 21/12/1972 đánh giá: “Hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam hiện đại, rộng khắp và hiệu quả đến nỗi trong bất kỳ một trận đánh phá nào, 90% máy bay của không quân Mỹ phải lo bảo vệ máy bay ném bom để chống lại MiG tiến công, đồng thời khống chế súng phòng không và tên lửa mặt đất”. Tạp chí Tin Mỹ hằng tuần thì tuyên bố không úp mở rằng: “Hiện nay Bắc Việt Nam có hệ thống phòng không lớn nhất và mạnh nhất thế giới. Các pháo thủ Việt Nam là những tay súng giỏi nhất vì họ có rất nhiều kinh nghiệm”. Sự thú nhận của người Mỹ là một bằng chứng sinh động khẳng định sức mạnh tổng hợp của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc.
Chiến thắng của chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” không chỉ tính bằng số mục tiêu được bảo vệ, số lượng máy bay địch bị bắn rơi mà ý nghĩa to lớn của nó là đã động viên được toàn dân tham gia chiến đấu, phòng tránh đánh trả và tổ chức lao động sản xuất. Ở khắp các địa phương trên miền Bắc, từ miền núi đến đồng bằng đâu đâu cũng tổ chức các tổ săn máy bay bay thấp, bố trí các vọng quan sát, xây dựng hệ thống báo động phòng không bằng còi, kẻng. Các công sở, nhà máy, trường học đều tổ chức ngụy trang thường xuyên, có hệ thống hầm hào trú ẩn xung quanh nơi làm việc, học tập. Nhân dân các địa phương đã tích cực cùng bộ đội chủ lực xây dựng hệ thống trận địa phòng không, làm trận địa giả, ngụy trang nghi binh cho bộ đội. Phong trào trồng cây xanh, đào công sự trên các đường phố, đường quốc lộ, đường giao thông trong xóm, làng được phát động rộng rãi. Mọi người khi ra đường, học sinh đi học đều phải ngụy trang, đội mũ rơm, đeo nùn rơm, đề phòng bom đạn địch. Trong bom đạn ác liệt các công xưởng, nhà máy, trường học, cơ quan, trên ruộng đồng khắp nơi trên miền Bắc đâu đâu không khí lao động sản xuất, học tập, công tác vẫn diễn ra sôi nổi và hết sức khẩn trương. Khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” được dấy lên thành những cao trào mạnh mẽ.
Ở Hà Nội, trước khi bước vào chiến dịch, quân và dân Thủ đô đã tổ chức được 36 đài quan sát xa, 414 đài quan sát bổ trợ, bố trí 16 còi báo động lớn, 1.300 loa công cộng, 48.133 loa gia đình để báo động phòng không, hướng dẫn phòng tránh và phục vụ chiến đấu. Toàn thành phố đã đào được 63 vạn hầm cá nhân, 178.519 hầm kèo chữ A, 6.119 hầm cất giấu tài sản; 1.130 ki-lô-mét giao thông hào để phòng tránh bom đạn ở các khu vực dân cư, cơ quan, xí nghiệp và dọc hai bên đường giao thông, sơ tán hơn 50 vạn người ra khỏi khu vực bị đánh phá, tổ chức 1.202 điểm và tổ cấp cứu, 11 tổ phẫu thuật, 226 cơ sở điều trị. Đây là một thành công lớn trong việc hạn chế thiệt hại do chiến tranh gây ra đối với nhân dân Hà Nội. Do đó, trong suốt 12 ngày đêm chiến dịch, ngoài những khu vực bị trúng bom B-52 rải thảm như phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai…, còn lại thương vong, tổn thất không lớn.
Với tầm vóc to lớn và ảnh hưởng mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” của dân tộc ta đã mang ý nghĩa thời đại sâu sắc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta được đánh dấu bằng những chiến công to lớn, từ chiến thắng Ấp Bắc, Vạn Tường, Núi Thành đến Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, chiến dịch Trị Thiên, chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và kết thúc thắng lợi hoàn toàn bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những cuộc chiến tranh giải phóng lâu dài, nhiều gian khổ, hy sinh và cũng là một trong những chiến thắng to lớn, vẻ vang nhất trong lịch sử Việt Nam, mang ý nghĩa sâu sắc trong thời đại ngày nay. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đánh giá: “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là chiến công mang tầm vóc thời đại, là đỉnh cao chiến công trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam anh hùng với tên đế quốc đầu sỏ Hoa Kỳ”. Sau bốn mươi năm nhìn lại chúng ta càng tự hào, càng nhìn nhận rõ hơn tầm vóc vĩ đại chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” trong thời đại Hồ Chí Minh.
Nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong điều kiện một nửa nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc không chỉ là hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam mà còn là mặt trận đánh Mỹ nóng bỏng. Trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giữa ta và Mỹ diễn ra trên chiến trường miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc được thôi thúc bởi ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của cả dân tộc; sự cổ vũ bằng những chiến công vang dội của quân và dân miền Nam đánh bại sức mạnh quân sự của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ.
Chiến tranh bao giờ cũng là sự thử thách lớn nhất đối với một dân tộc, một chế độ xã hội. Đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ cuối tháng 12/1972 đã minh chứng hùng hồn về sức mạnh của chế độ mới – chế độ xã hội chủ nghĩa, được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng; về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và bản chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chiến thắng đó được kết tinh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Phòng không – Không quân, trở thành động lực to lớn thôi thúc quân và dân ta vượt qua khó khăn ác liệt, chiến đấu ngoan cường và giành chiến thắng vẻ vang.
Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam đã trở nên quyết liệt, trên miền Bắc ta đã khẩn trương từng bước chuyển mọi mặt sinh hoạt và sản xuất sang chế độ thời chiến. Đảng ta kiên quyết giữ thế chủ động tiến công trên chiến trường miền Nam, phát huy vai trò của miền Bắc là hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa trong cuộc chiến tranh. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã phát huy cao độ quyền làm chủ của mỗi người dân trong thời chiến, không những giữ được sự ổn định mà còn phát triển không ngừng về mọi mặt. Trên toàn miền Bắc, chiến tranh nhân dân đất đối không phát triển rộng khắp, khí thế vừa sản xuất vừa chiến đấu và đẩy mạnh chi viện cho tiền tuyến phát triển mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân. Trong suốt cuộc chiến tranh cực kỳ ác liệt, phải hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn của giặc Mỹ, mặc dù ta còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng trẻ em đều được học hành, ai cũng có cơm ăn, áo mặc kể cả khi gặp thiên tai, bão lụt nặng nề trong các năm 1969, 1971. Ở khắp các địa phương, nhà máy, công trường không kể già, trẻ, trai, gái tất cả sẵn sàng cầm súng bắn máy bay Mỹ bảo vệ quê hương. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã hun đúc ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thành sức mạnh vô song của cả dân tộc để đánh bại kẻ thù cho dù chúng có nhiều âm mưu thủ đoạn gian ngoan và các loại vũ khí tối tân, hiện đại.
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã làm thất bại toàn bộ các mục tiêu chiến lược của Mỹ, đánh sập “thần tượng không lực Hoa Kỳ”, phá sản quan điểm quân sự “sức mạnh không quân quyết định thắng lợi trong chiến tranh”, đẩy Mỹ vào thất bại chiến lược toàn diện về quân sự và chính trị, tạo bước ngoặt lịch sử dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu năm 1975. Nếu thập niên 50của thế kỷ XX, nhiều nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh đã giành độc lập sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam thì tới thập niên 70 của thế kỷ này sau thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và dưới sự tác động của thắng lợi của nhân dân Việt Nam, nhiều nước thuộc thế giới thứ ba đã đứng dậy đấu tranh giành chủ quyền độc lập cho đất nước.
Nhìn nhận về chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt của nhân dân ta, các nhà lãnh đạo, các học giả, nhà báo, nhà văn trên thế giới đã đánh giá rất cao và hết lòng ca ngợi. Ông Rô-mét Chan-đra – Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới lúc đó đã nói: “Việt Nam đồng nghĩa với sự quang vinh, lòng dũng cảm và tinh thần quyết thắng. Nhân dân các dân tộc trên thế giới mắc một món nợ rất lớn đối với Việt Nam. Mỗi lần đứng bên hố bom do đế quốc Mỹ rải xuống Việt Nam, chúng tôi đều nhận ra rằng nhân dân Việt Nam không phải hy sinh chỉ vì Việt Nam mà vì cả chúng tôi. Những người anh hùng ngã xuống trên mảnh đất Việt Nam là những liệt sĩ của thế giới, vì họ đấu tranh cho cả thế giới, cho châu Phi, châu Mỹ La-tinh, châu Á, châu Âu và cho cả nhân dân nước Mỹ”. Chúng tôi nhìn thấy ở Việt Nam tương lai của cả loài người”.
Nhà báo Pháp Mác-ri-bu viết: “Xưa nay chưa từng có một dân tộc nào nhỏ như vậy, mà lại có trọng lượng tolớn như thế đối với lịch sử”. Còn nhà văn Pháp nổi tiếng Giắc-mô-đa, một người theo đạo Thiên Chúa, vốn rất xa với tư tưởng của chúng ta, nhưng chỉ sau mấy ngày Mỹ dùng B-52 đánh phá Hà Nội, đã viết: “Nếu dân tộc Việt Nam vĩ đại mà đầu hàng thì cả loài người sẽ suy sụp. Chiến thắng đế quốc Mỹ, nước đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, loài người tiến bộ coi Việt Nam là lương tri của thời đại”. Sở dĩ chiến thắng của nhân dân ta được bạn bè khắp năm châu khâm phục, trân trọng bởi vì chúng ta đã để lại cho họ niềm tin chiến thắng của sức mạnh chính nghĩa, sức mạnh của thời đại mới, của cách mạng vô sản. Đồng thời cuộc chiến đấu của chúng ta luôn luôn vì một mục tiêu cao cả là đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã chứng minh sức sống mãnh liệt của hệ tư tưởng mới, một học thuyết cách mạng, khoa học nhất của nhân loại trong thời đại hiện nay mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Đặc biệt, những vấn đề về chiến tranh và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại ngày nay và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam càng được sáng tỏ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, truyền thống yêu nước, truyền thống bất khuất kiên cường của dân tộc đã có bước phát triển về chất khi được trang bị những vấn đề cơ bản về thế giới quan và nhân sinh quan của chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã biết phát huy và quy tụ sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc, kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại để phát động toàn dân tiến hành một cuộc chiến tranh đất đối không chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới. Ních-xơn và Lầu Năm Góc với bộ máy chiến tranh tinh vi, hiện đại vào hàng số một thế giới nhưng không thể hiểu nổi một đất nước tất cả toàn dân không kể trẻ, già, trai, gái, với mọi vũ khí có trong tay đều nhất tề đứng lên chiến đấu khi bị xâm lược.
Sau thất bại thảm hại của cuộc tập kích chiến lược, nhiều học giả Mỹ và phương Tây đã chỉ trích gay gắt sự non kém, ngạo mạn trong đường lối chiến tranh xâm lược của chính quyền Ních-xơn, dựa vào sức mạnh của vũ khí, coi vũ khí là yếu tố quyết định sức mạnh giành chiến thắng trong chiến tranh. Giáo sư lịch sử quân sự Học viện tham mưu không quân Mỹ E-tin-pho, người đã trực tiếp tham gia chiến tranh Việt Nam, tác giả cuốn sách “Gió ngang – Những điều không thể thiếu về mặt văn hóa của chiến tranh đường không”, đã viết: “Cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã thất bại từ lâu. Nó thất bại vì đối phương đã đề ra chiến lược quân sự giỏi hơn, một chiến lược nhận thức chiến tranh ở phạm vi rộng lớn hơn, coi như một hiện tượng văn hóa kết hợp chặt chẽ các mặt xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao, cũng như quân sự. Chiến lược hòa hợp với lịch sử và văn hóa Việt Nam đã loại bỏ những lợi thế và làm tê liệt không lực – sức mạnh to lớn nhất của Mỹ”.
Học giả Rô-be Ghi-lanh thì viết: “Chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa yêu nước đã nhân lên gấp bội ý chí hy sinh quên mình của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Họ vẫn tiếp tục chiến đấu dưới làn bom khủng khiếp của Mỹ, vị tất đã tìm trong lịch sử có kẻ sánh bằng. Thực chất người Mỹ đã không biết tý gì về đất nước mà họ tiến công. Người Mỹ có thể tàn phá đất nước này bằng bom đạn nhưng đất nước này thậm chí khi bị tổn thương vẫn không chịu cúi đầu, vẫn không chịu khuất phục”. Rõ ràng sức mạnh để giành chiến thắng trong chiến tranh phải là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó nhân tố con người là quyết định nhất.
Chiến thắng lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” có thể coi như một cuộc đụng đầu lịch sử tiêu biểu, mang nhiều ý nghĩa sâu xa về chính trị và quân sự, không những đối với quá khứ mà còn cho cả tương lai.Thất bại nhục nhã đó đã để lại “hội chứng Việt Nam” nặng nề còn đeo đẳng, ăn sâu lâu dài trong lòng nước Mỹ, không dễ gì xóa được. Suốt bốn thập kỷ qua, người Mỹ đã dày công mổ xẻ dưới nhiều góc độ khác nhau để tìm ra lời giải cho thất bại thảm hại của họ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam nhưng họ không thể tìm ra đáp số chính xác. Đơn giản là vì họ không hiểu biết về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam và nền văn hóa Việt Nam, cụ thể là họ không phân biệt được chính nghĩa và phi nghĩa, giữa nhân văn và bạo tàn, giữa độc lập, tự do và áp bức, xâm lược.
Tướng Pan-mơ – Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, trong cuốn sách “Vai trò quân sự của Mỹ trong cuộc chiến tranh 25 năm ở Việt Nam” đã viết: “Chỉ chúng ta, những người thất bại trong chiến tranh Việt Nam nay phải chịu đào bới lại quá khứ để tìm ra những bài học áp dụng cho tương lai”. Nhưng dù có đào bới thế nào chăng nữa thì sự thật vẫn là sự thật, không ai có thể phủ định được; sự thật đó như một chân lý hiển nhiên là không thể dùng bom đạn để khuất phục ý chí con người.
Giáo sư Mỹ Guen-ter Lê-vy trong tác phẩm nổi tiếng “Mỹ ở Việt Nam” đã khẳng định: “Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II là thất bại chính trị – quân sự của Mỹ, vì nó không buộc được đối phương đầu hàng, nghĩa là có những nhượng bộ mới. Bắc Việt Nam, về thực chất đã kết thúc cuộc chiến tranh với một hiệp định có lợi cho họ… Mỹ phải thừa nhận một điều khoản mà họ đã dồn mọi nỗ lực hơn 10 năm qua để nó không xảy ra –sự có mặt của các lực lượng Bắc Việt Nam ở miền Nam Việt Nam được hợp pháp hóa… Sự kiện sau đó đã chứng minh, chỉ hơn hai năm sau cái gọi là “rút quân trong danh dự” của Mỹ, Bắc Việt Nam đã hoàn thành cái việc mà họ muốn là giải phóng miền Nam và thống nhất hoàn toàn đất nước”.
Tiến sĩ Ga-bri-en Côn-cô viết trong cuốn “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” đã bóc trần tính chất không tưởng trong nỗ lực tuyệt vọng của Tổng thống Ních-xơn: “Mọi người, kể cả không quân đều thừa nhận rằng sử dụng B-52 là rất sai lầm và việc ném bom không có tác dụng về mặt quân sự lâu dài. Không lực gây thương vong đáng sợ cho các mục tiêu dân sự, nhưng đồng thời cũng phải trả giá chưa từng có”. Ngay với tổn thất máy bay chiến lược B-52 mà Mỹ thừa nhận thì tỷ lệ bị ta tiêu diệt là trên 10% trong vòng hơn mười ngày, một con số cao hơn con số không quân Mỹ có thể chịu đựng được nên đã làm cho họ mất tinh thần. Thực tế trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ở những nơi có hỏa lực phòng không mạnh, tỷ lệ tổn thất về máy bay của bên tấn công trong các cuộc tập kích đường không thường là trên dưới 1 đến 2% so với tổng số máy bay tham chiến. Trong cuộc tập kích chiến lược cuối tháng 12/1972, chỉ tính riêng B-52 bị bắn rơi lên tới 34 chiếc trong tổng số 193 chiếc tham chiến, chiếm tỷ lệ hơn 17%.
Sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, trên trường quốc tế phong trào cách mạng thế giới trên khắp các châu lục phát triển rất mạnh mẽ, tiến công phá vỡ chiến lược toàn cầu của Mỹ ở nhiều khu vực.
Thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ngoài mục tiêu chính trị và quân sự, nước Mỹ chịu một hậu quả lớn về kinh tế; với 676 tỷ đô-la (thời giá lúc bấy giờ – TG) chi cho chiến tranh Việt Nam đã không đem lại kết quả gì; nước Mỹ phải gánh chịu di chứng nặng nề của chiến tranh, giải quyết hậu quả lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh và một lực lượng ngụy quân, ngụy quyền bỏ chạy, di tản sang Mỹ sau chiến tranh mà Mỹ phải cưu mang, gánh chịu.
Bốn mươi năm nhìn lại chiến thắng lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, đặc biệt là sau các cuộc chiến tranh do Mỹ cùng các nước đồng minh của Mỹ gây ra và các cuộc tiến công hỏa lực đường không của chủ nghĩa đế quốc tiến hành từ những năm cuối thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI, chúng ta càng hiểu rõ hơn giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa thời đại của chiến thắng vĩ đại này. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, âm vang chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” sẽ vang vọng suốt chiều dài lịch sử dân tộc, mãi mãi là bản hùng ca bất tử.
Nguyễn Phương Diện (CTV)
cpv.org.vn