“Công tử” cũng bị tóm

QĐND – Trong những chiến dịch phá hoại miền Bắc, không quân Mỹ thường sử dụng loại máy bay trinh sát điện tử và gây nhiễu EB66. Phi công và nhân viên quân sự Mỹ khi được “cưỡi” EB66 đi vào dò la bầu trời Việt Nam thường tỏ ra khoái chí. Họ gọi EB66 là “công tử” vì làm nhiệm vụ trên máy bay này khá an toàn với nhiều trang, thiết bị hiện đại. Hoạt động của EB66 gây ra rất nhiều khó khăn cho đối phương. Thời kỳ đầu, bộ đội ta luyện tập rất kỹ nhưng không sao “săn” được EB66.

Chiến sĩ Ngô Xuân Bình, người tham gia diệt chiếc EB66 đầu tiên ngày 4-2-1967 kể: “Hôm đó, chúng tôi phục kích đã 3 ngày mà không phát hiện được EB66. Lại thêm hai chiếc máy bay RF101 của địch bay sát vào trận địa khiến chúng tôi tưởng kế hoạch phục kích bị lộ. Chỉ huy tiểu đoàn nhận định, có thể địch cho RF101 đi thám thính trước khi đưa EB66 vào, nên chúng tôi kiên quyết chờ địch”.

Phi công tù binh Mỹ chơi bi-a tại “khách sạn Hin-tơn” – Hỏa Lò. (Ảnh chụp lại từ Bảo tàng Chiến thắng B-52)

Đến 14 giờ cùng ngày, một tốp máy bay địch xuất hiện. Qua 4 lần mở máy bắt tín hiệu, xác định chiếc thứ 3, bên trái của tốp địch chính là EB66, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Dương hạ lệnh phóng 3 quả đạn. Ngay quả thứ nhất đã trúng mục tiêu, quả thứ 3 lại bắn trúng khiến chiếc EB66 tan tành giữa bầu trời. Tổ giặc lái có 4 tên thì chỉ có 2 tên sống sót; đó là đại úy Nô-ran Đa-ni-en và đại úy G.Phơ-kin. Cả hai đều bị thương, sau khi được sơ cứu, dẫn giải về Hà Nội, chúng khai với cán bộ hỏi cung của ta là Phan Mạc Lâm: “Ngồi trên EB66, chúng tôi cứ tưởng các ông sẽ không làm gì nổi. Không ngờ bị bắn dữ dội như vậy. Chúng tôi nhảy dù xuống một khu rừng rậm, người bị bỏng, tưởng sẽ chết vì thú dữ. Không ngờ, dù nhảy vào rừng, chúng tôi vẫn bị người dân địa phương phát hiện, vây bắt. Bị bắt nhưng chúng tôi lại thấy may vì người dân đã tha tội chết, lại được sơ cứu và đưa về đây”.

Được ta đối xử nhân đạo, nhiều tên giặc cướp trời về sau tỉnh ngộ, cung cấp cho ta nhiều tin tức có giá trị về các loại máy bay trinh sát điện tử, sự phối hợp tác chiến giữa máy bay trinh sát với các máy bay khác trong từng trận đánh. Nhiều phi công còn thật thà thừa nhận: “Chúng tôi được quan chức quân đội Mỹ nhồi vào sọ tâm lý chủ quan, coi thường hệ thống phòng không của Việt Nam. Bọn họ biết tâm lý đó là không tốt nhưng cũng không thể làm khác, vì có như thế mới “lừa dụ” được phi công mang bom vào hủy diệt Việt Nam”.
Sau chiếc EB66 đầu tiên bị diệt, bộ đội ta, cả phòng không lẫn không quân hiểu rõ hơn tính năng, đặc điểm của loại máy bay này nên số lượng EB66 bị bắn rơi ngày càng nhiều, khiến các phi công Mỹ không tên nào còn tỏ ra “khoái chí” nữa, mỗi khi được phân công lái loại máy bay này đi gây tội ác trên bầu trời miền Bắc.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG
qdnd.vn

Advertisement