
Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam diễn ra rầm rộ ở nhiều nước trên thế giới. Nguồn: Internet
QĐND – Một trong những nhân tố góp phần giúp cho quân và dân Việt Nam làm nên kỳ tích “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, đập tan nỗ lực quân sự cuối cùng của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam chính là sự động viên, cổ vũ về mặt chính trị tinh thần của nhiều bạn bè trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ.
Suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972, dưới mưa bom, lửa đạn và chịu nhiều tổn thất, hy sinh trong đối chọi với máy bay B-52, nhân dân Việt Nam đã nhận được rất nhiều bức điện, lời động viên khích lệ tinh thần chân thành từ nhiều nguyên thủ quốc gia, của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và chính khách tiến bộ khắp các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Vụ Tổng hợp, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Việt Nam đã nhận được tuyên bố ủng hộ cấp chính phủ của 4 nước; tuyên bố ủng hộ cấp bộ ngoại giao của 10 nước; phát ngôn của chính phủ của 3 nước; tuyên bố của quốc hội và mặt trận yêu nước của 2 nước; thông tấn xã 5 nước ra tuyên bố; nguyên thủ, thủ tướng, phó thủ tướng của 30 quốc gia trên thế giới ra tuyên bố; 13 bộ trưởng bộ ngoại giao và một số bộ khác của các nước ra tuyên bố; khối các nước không liên kết cũng ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ cuộc ném bom của Mỹ…
Việt Nam không chỉ nhận được những lời đồng tình, ủng hộ, động viên chân thành của các nước bạn bè trong phe xã hội chủ nghĩa mà còn nhận được rất nhiều lời động viên, khích lệ từ phía Chính phủ và nhân dân những nước đồng minh của Mỹ, kể cả các chính khách và nhân dân tiến bộ Mỹ.
Ngày 27-12-1972, đồng chí Rô-lăng-lơ-roa, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp phát biểu: Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp sẽ làm hết sức mình cùng với các tổ chức dân chủ, hòa bình ở Pháp tăng cường hơn nữa sự ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam về mọi mặt tinh thần và vật chất. Hội nghị lần thứ 9 Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản ngày 26-12-1972 cũng ra lời kêu gọi nhân dân thế giới hãy “phát huy mọi sức mạnh có thể có, để giúp đỡ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm thực hiện hòa bình và quyền tự quyết dân tộc”. Ngày 6-1-1973, Liên minh toàn quốc hành động vì hòa bình Mỹ ra lời kêu gọi: Nhân dân Mỹ phải hành động kiên quyết, nhằm buộc chính quyền Ních-xơn phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác. Trước đó, ngày 21-12-1972, 17 nghị sĩ Mỹ đã chất vấn Tổng thống “rằng nếu ngài không thể hoặc không muốn đưa chúng tôi ra khỏi Việt Nam thì Quốc hội sẽ phải thi hành nghĩa vụ của mình để làm việc đó…”.
Ngày 28-12-1972, Liên đoàn Công đoàn thế giới tuyên bố đòi Mỹ chấm dứt ngay các cuộc ném bom và ký ngay không chậm trễ bản hiệp định giữa Mỹ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 20-10-1972, kêu gọi lao động và công đoàn các nước đẩy mạnh vận động đòi Ních-xơn chấp nhận những điều khoản đã thỏa thuận. Bức điện ngày 22-12-1972 của Liên đoàn các nhà khoa học thế giới gửi tới Tổng thống Ních-xơn yêu cầu “chấm dứt tức khắc những cuộc tiến công phản phúc và vô liêm sỉ này và sớm ký bản hiệp định đã thỏa thuận trước cuộc tuyển cử Tổng thống Mỹ…”. Sau này, nhớ lại những ngày cuối năm 1972, chính H. Kít-xinh-giơ cũng phải thừa nhận rằng nước Mỹ đã nhanh chóng bị chìm ngập trong làn sóng thịnh nộ đang dâng lên trước cuộc ném bom…
Chính những lời tuyên bố, phát ngôn lên án Mỹ mạnh mẽ, kiên quyết và quyết liệt của bạn bè quốc tế đã góp phần cảnh cáo, răn đe, kiềm chế bản tính hung hăng, hiếu chiến của chính quyền Mỹ; khiến cho Mỹ hết sức lúng túng, bị động, bị cô lập và chịu áp lực lớn từ nhiều phía cả trong nước lẫn trên bình diện quốc tế, buộc phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào đàm phán một cách thực chất, cam kết rút khỏi Việt Nam.
Như vậy, quân và dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu với bom, đạn, máy bay B-52 Mỹ với niềm tin chiến thắng và sự hậu thuẫn, ủng hộ to lớn không chỉ về vật chất mà cao hơn cả là về chính trị tinh thần của bạn bè trên thế giới. Chính tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh cộng với sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn đó đã làm nên thắng lợi vĩ đại có một không hai trong lịch sử không quân thế giới thế kỷ XX.
Trung tá Nguyễn Văn Quyền
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
qdnd.vn