QĐND –Trong lịch sử dân tộc, Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội đã góp phần quan trọng cùng cả nước viết nên những trang sử hào hùng. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã tổng kết trong 8 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm diễn ra trên đất kinh thành, Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội là địa bàn của ba trận quyết chiến chiến lược giữ vai trò quyết định trên chiến trường. Đó là, trận Đông Bộ Đầu đầu năm 1258, trận Ngọc Hồi – Đống Đa đầu năm 1789 và trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
Khi chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972 mở ra, dân tộc Việt Nam đứng trước cuộc chiến tranh điện tử hiện đại bậc nhất của thế kỷ 20. Hà Nội đứng trước nguy cơ bị đưa về “thời kỳ đồ đá”. Đế quốc Mỹ đã mở chiến dịch tập kích 24/24 giờ bằng máy bay chiến lược B-52 vào thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, từ chiều tối 18 đến ngày 29-12-1972. Mục tiêu của cuộc tập kích chiến lược này nhằm tàn phá một số khu vực dân cư, nhất là Hà Nội, Hải Phòng, hòng gây tâm lý hoang mang, rối loạn trong nhân dân ta, làm áp lực buộc ta phải điều chỉnh một số điều khoản trong dự thảo Hiệp định và phải trở lại Hội nghị Pa-ri ở thế yếu; phá hoại tiềm lực kinh tế và quốc phòng, ngăn chặn từ gốc nguồn tiếp tế của hậu phương cho tiền tuyến, phá kế hoạch đánh lớn của ta sau này ở miền Nam Việt Nam; gây tổn thất lớn về người và của cải, vật chất, làm cho ta phải mất nhiều thời gian khôi phục sau khi chiến tranh kết thúc, do đó không đủ sức tiếp tục cuộc kháng chiến ở miền Nam. Bằng cuộc tập kích đó, bảo đảm cho quân đội và chính quyền Sài Gòn có thời gian tăng cường lực lượng, tạo thế mạnh cho các giải pháp chính trị sau này. Thông qua cuộc tập kích chiến lược lớn chưa từng có và từ sự tàn ác ghê gớm của nó, Mỹ muốn chứng minh cho thế giới biết sức mạnh quân sự của Mỹ và răn đe các nước đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Chúng đã hủy diệt nhiều phố phường, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Tổng thống Ních-xơn đã ra lệnh cho B-52 rải thảm hủy diệt phố Khâm Thiên – một khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Bom Mỹ đã tàn phá cả chiều dài khu phố hơn 1.200 mét, gần 2000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương. Máy bay B-52 của Mỹ còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư khác thuộc TP Hà Nội (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương…) làm hơn 1000 người thương vong. Đây là một cuộc tập kích chiến lược bằng không quân với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh và là một thảm họa nhân đạo chưa từng thấy. Cả thế giới phẫn nộ vì sự dã man, tàn bạo của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.
Xác máy bay B-52 rơi trên đường Hoang Hoa Thám. Ảnh: Tư liệu
Nhân dân Thủ đô đã thực sự trở thành một chủ thể đông đảo nhất của Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là sự tiếp nối truyền thống và là một sự kiện biểu trưng cho ý chí quật cường của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trên toàn cục ở Hà Nội, thế trận phòng không được xây dựng nhiều tầng và rộng khắp, có phương án hiệp đồng và bảo đảm chu đáo; chuẩn bị kỹ lưỡng cả thế trận phòng tránh và thế trận đánh trả; phân công hợp lý các binh chủng hỏa lực, vừa phát huy được sở trường, vừa phát huy được tính năng vũ khí; kết hợp với vừa chiến đấu vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm chi viện cho chiến trường…
Các đơn vị chiến đấu, phục vụ chiến đấu của dân quân, tự vệ trong chiến dịch có thời điểm lên tới 54.000 người, sử dụng 500 súng, pháo phòng không, triển khai 295 trận địa trực chiến. Sự kết hợp giữa hỏa lực phòng không chủ lực, địa phương và dân quân tự vệ đã tạo ra thế trận bắn máy bay vô cùng hiểm hóc. Cách đánh của nhân dân Thủ đô rất đa dạng và sáng tạo: Đánh chặn bảo vệ từ xa, đánh tiêu diệt lớn, đánh tập trung vào hướng chủ yếu, tầm bay chủ yếu của địch, “vạch nhiễu tìm thù”, đánh ba điểm, đánh “vượt nửa góc”, đánh gần, đánh đồng loạt nhiều tầng, đánh tập kích, cơ động phục kích, ngụy trang nghi binh lừa địch…
Các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong suốt cuộc chiến đấu đã biểu lộ cao ý chí và tinh thần kiên cường khắc phục mọi khó khăn gian khổ; phát huy những kinh nghiệm của chiến tranh nhân dân ở đô thị, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực để thực hiện các phương án tác chiến. Cùng với Bộ đội Phòng không-Không quân kiên cường và các tay súng tự vệ vững chắc, nhân dân thủ đô Hà Nội đã góp sức to lớn làm nên chiến công hiển hách. Cuộc sống đô thị được tổ chức theo kiểu thời chiến. Các cụ già, em nhỏ, học sinh, sinh viên về nơi an toàn. Công tác phòng không tại chỗ được triển khai tích cực. Mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan trường học, xí nghiệp đều xây dựng hầm hào trú ẩn. Trong thành phố có 230.000 hố cá nhân, 1.130km hào giao thông, hàng nghìn hầm tập thể.
Sự bạo tàn của kẻ thù không làm cho nhân dân ta hoang mang, mà chỉ càng tăng thêm quyết tâm đánh Mỹ của quân và dân Hà Nội. Trong tổn thất, đau thương càng thể hiện rõ sự sâu nặng của nghĩa đồng bào. Hà Nội chiến đấu vì cả nước; cả nước hướng về Hà Nội sẻ chia, cổ vũ. Hàng trăm tấm gương sáng ngời của Thủ đô xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực: trong bảo vệ sản xuất, bảo vệ trật tự, tính mạng, tài sản của nhân dân, trong cứu thương, cứu hỏa, trong đùm bọc cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là hình ảnh của các chiến sĩ công nhân dũng cảm lặn lội bám trụ ngày đêm để bảo đảm giao thông thông suốt, bất chấp bom đạn của kẻ thù. Đó là hình ảnh về tấm gương hy sinh anh dũng của hai công nhân Đặng Đức Thọ và Vũ Xuân Hòa bám máy đến cùng để bảo đảm dòng điện cho Thủ đô. Đó là hình ảnh các chiến sĩ công an đường phố sâu sát, nắm dân, quên mình để cứu chữa, bảo vệ tính mạng nhân dân. Đó là lực lượng cứu sập, cứu hỏa quên mình dưới bom đạn địch làm nhiệm vụ. Đó là hàng trăm ngàn các chiến sĩ tự vệ, các hội viên chữ thập đỏ và cả những người dân bình thường vì nghĩa lớn đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm tận tình cưu mang bà con, xóm ngõ của mình trong cơn hoạn nạn. Đội ngũ các thầy thuốc, những “chiến sĩ áo trắng” từ giáo sư, bác sĩ đến y tá, hộ lý đã lăn lộn bất chấp mọi nguy hiểm để làm nhiệm vụ cao cả của những lương y vì sự sống còn của hàng ngàn nạn nhân… Nhiều đảng bộ, chi bộ và đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến. Hàng trăm tổ chức đảng và cấp ủy các chi bộ, đảng bộ và hàng ngàn đảng viên được biểu dương gương mẫu trong đợt chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ. Mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, đã góp phần tạo nên chiến công rực rỡ trong Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
Nhờ sự chuẩn bị tốt cả về tư tưởng và tổ chức, lực lượng và phương tiện, quân và dân miền Bắc nói chung, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng… đã đánh trả địch những đòn đích đáng ngay từ những trận đầu và đã đánh bại cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ. Trong toàn bộ cuộc chiến đấu đập tan cuộc tập kích 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ (trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F111), bắt sống hàng chục giặc lái…
Thắng lợi của quân và dân ta trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam niềm tự hào, tự tin và làm giàu thêm ý chí và tri thức về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng; là thắng lợi của truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân thủ đô Hà Nội. Chiến thắng ấy đã góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
(*) Trích tham luận gửi về Hội thảo Khoa học “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam” – Đầu đề của Báo Quân đội nhân dân
TS TRƯƠNG MINH TUẤN – Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
qdnd.vn