Cầu truyền hình “Bản hùng ca Hà Nội”: Chương trình công phu, tâm huyết

QĐND – Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Đài PT-TH Hà Nội phối hợp với Báo Quân đội nhân dân, Sư đoàn Phòng không Hà Nội (Sư đoàn 361) tổ chức cầu truyền hình đặc biệt mang tên “Bản hùng ca Hà Nội”.

Trong buổi họp báo giới thiệu cầu truyền hình “Bản hùng ca Hà Nội” vào sáng 13-12, tại Đài PT-TH Hà Nội, ban tổ chức đã hé lộ với giới truyền thông nhiều thông tin quan trọng quanh việc tổ chức, kịch bản, khách mời… của cầu truyền hình đặc biệt này, được truyền hình trực tiếp vào 20 giờ ngày 16-12 tại kênh 1 và 2 Đài PT-TH Hà Nội; Đài PT-TH Đồng Nai, Quảng Trị, Sơn La, Tuyên Quang, Điện Biên tiếp sóng.

Ông Trần Gia Thái, Tổng giám đốc Đài PT-TH Hà Nội khẳng định: “Chương trình không chỉ đơn thuần tái hiện lại kỷ niệm, ký ức mà điều chúng tôi muốn nói tới là tinh thần bất khuất và bản lĩnh trí tuệ Việt Nam”.

Nét mới của chương trình chính là sự cải tiến về hình thức thể hiện, “Bản hùng ca Hà Nội” không diễn ra trong những khán phòng, studio được bài trí cứng nhắc, với màn giao lưu chiếm nhiều thời gian của MC với khách mời. Thay vào đó, ban tổ chức đã mềm hóa sân khấu tại 5 điểm cầu, là những di tích, trận địa khác nhau để tái hiện rõ nét và mang đến cho khán giả những hình dung rõ nét hơn về những ngày đêm lịch sử hào hùng của dân tộc cách đây 40 năm. 5 điểm cầu ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Sư đoàn Phòng không Hà Nội, Bảo tàng Chiến thắng B-52, Đài tưởng niệm Khâm Thiên, Trận địa tên lửa Chèm; trong đó, điểm cầu tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ là điểm cầu chính.

Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (người đứng phát biểu) khẳng định: “Thủ đô Hà Nội đã rất bình tĩnh, rất văn hóa trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt”.

Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân tâm sự: “Chúng tôi rất hồi hộp, chương trình đã được nhiều đài truyền hình tiếp sóng, đồng bào cả nước đang đón đợi cầu truyền hình đặc biệt “Bản hùng ca Hà Nội”. Câu chuyện chính trong chương trình sẽ là quân và dân Hà Nội, trong đó Sư đoàn Phòng không Hà Nội là nhân vật chính. 5 điểm cầu trong chương trình là những điểm cầu rất đắt, có được sự bao quát toàn diện, kể lại những câu chuyện hết sức phong phú, giàu tính nghệ thuật. Đến thời điểm này, công sức của Đài PT-TH Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân, Sư đoàn Phòng không Hà Nội đã được đền đáp xứng đáng. Tôi hy vọng tối 16-12, sẽ có thêm nhiều đài truyền hình tiếp sóng chương trình đặc biệt này”.

Những cuộc trò chuyện, giao lưu, biểu diễn văn nghệ tại mỗi điểm cầu sẽ gắn liền với bối cảnh thực, phông nền sẽ là các hiện vật cụ thể như máy bay, tên lửa, trạm ra-đa… MC cùng khách mời giao lưu trên xe điều khiển, phía sau bộ đội vẫn làm việc bình thường.

Bối cảnh luôn thay đổi sau mỗi lần trò chuyện và trong tổng thể cả chương trình, không có cảnh nào lặp lại. Để khắc phục tính nhàm chán, đơn điệu của những cuộc giao lưu truyền thống, tiết tấu của chương trình sẽ được đẩy nhanh hơn, mỗi cuộc trò chuyện, tiết mục văn nghệ không kéo dài quá 5 phút.

Người xem sẽ được biết mặt những nhân vật góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” 40 năm trước. Đó là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đình Kiên, người tham gia bắn rơi 4 chiếc B-52, trong đó có kỷ lục bắn rơi 2 chiếc B-52 trong vòng 9 phút chỉ với 2 quả tên lửa SAM-2; là Trung tá Dương Thuận, người ấn nút bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 đầu tiên trên thế giới, là Phạm Thị Viễn, nữ tự vệ cùng đồng đội bắn rơi máy bay F111 đêm 22-12-1972, cũng chính là người con gái được nhà thơ Tố Hữu nhắc đến trong bài thơ: Việt Nam: Máu và hoa…

Tất cả các tiết mục văn nghệ trong chương trình sẽ được hát live và chơi nhạc sống. Tại điểm cầu Khâm Thiên, nhạc sĩ Phú Quang và hai người con sẽ thể hiện ca khúc Em ơi Hà Nội phố trong chính ngôi nhà của nhạc sĩ tại phố Khâm Thiên.

Đại tá Đặng Đình Tuấn, Chính ủy Sư đoàn Phòng không Hà Nội cho hay: “Sư đoàn Phòng không Hà Nội, tiền thân là Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội tự hào bắn rơi 25/34 máy bay B-52 trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, trong đó có 16 chiếc B-52 rơi tại chỗ. Vinh dự cho chúng tôi, sau năm 1972 tiếp tục được nhận nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Hà Nội”.

Trong buổi họp báo, ban tổ chức cũng cho hay, ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng sẽ được “hàn lâm hóa” qua ba giọng ca của ca sĩ Opera Kyo York (Mỹ), Cho Hea Ryong, Park Sung Min (Hàn Quốc) cùng dàn hợp xướng quốc tế; đệm nhạc sẽ là clarinet Đào Nhật Quang, piano Trang Trịnh và dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Các nghệ sĩ quốc tế biểu diễn ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng sẽ mặc áo dài. Bên cạnh đó là những tiết mục ca nhạc nghệ thuật, được biểu diễn bởi các ca sĩ hàng đầu Việt Nam như Mỹ Linh, Trọng Tấn…

Cầu truyền hình “Bản hùng ca Hà Nội” có thời lượng 150 phút.

Bài và ảnh: ĐÌNH HÙNG
qdnd.vn

Advertisement