QĐND – Trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972, do địch sử dụng nhiều thủ đoạn tác chiến điện tử, gây nhiễu hỗn tạp gây khó khăn lớn cho bộ đội phòng không-không quân. Trong giai đoạn đầu chiến đấu, lượng đạn tên lửa SAM-2 (SA-75) tiêu hao nhiều, song hiệu quả chiến đấu thấp. Với tinh thần kiên quyết chiến đấu, phát huy trí tuệ, vận dụng các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật khoa học, ta đã từng bước giải được bài toán này, chủ động bảo đảm đủ đạn cho các đơn vị đánh thắng.
Bộ đội Tiểu đoàn tên lửa 57 (Trung đoàn 261) báo động chiến đấu. Ảnh tư liệu.
Để có đủ lượng đạn tên lửa SAM-2, ngành kỹ thuật đã chủ động chuẩn bị trước số lượng và chất lượng đạn; đẩy nhanh tốc độ lắp ráp đạn mới; sửa chữa kịp thời số đạn hư hỏng đưa vào chiến đấu. Các xưởng lắp ráp đưa bộ phận dự bị vào sản xuất, bảo đảm mỗi tiểu đoàn kỹ thuật có thêm một dây chuyền lắp ráp. Các đơn vị đã áp dụng sáng kiến: Nạp nhiên liệu sẵn, lắp ráp đạn ngay trên xe kéo đạn và hợp lý hóa một số động tác kỹ thuật, tăng năng suất lắp ráp gấp đôi… Lực lượng vận tải trực chiến ngay tại các xưởng, có đạn là cấp tốc đưa đạn về đơn vị chiến đấu.
Bảo đảm hiệu suất chiến đấu, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương dành tên lửa để đánh máy bay B52, đồng thời, gấp rút cơ động đạn tên lửa từ phía Nam ra tăng cường cho Hà Nội; công tác chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ và đánh tập trung hơn nữa. Trắc thủ điều khiển đạn cần kết hợp chặt chẽ các phương pháp như điều khiển ba điểm, vượt nửa góc, bám sát tự động hoặc hỗn hợp… Tích cực vận dụng trí tuệ, khả năng phán đoán và kinh nghiệm đánh của các trắc thủ nhằm giảm tối đa số lượng đạn đánh vào một mục tiêu. Chỉ huy tiểu đoàn tên lửa phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hạ lệnh phóng, đã đánh là phải chắc thắng, không chắc thắng không đánh…
Bằng cách đó, bộ đội ta đã từng bước khắc phục tình trạng tiêu hao đạn lớn, các đơn vị chiến đấu tiết kiệm đạn, hiệu quả, có trận sử dụng 2 quả đạn bắn rơi tại chỗ 2 máy bay B52 của Mỹ, khiến cả thế giới khâm phục.
Trần Văn Toản
qdnd.vn