Nhật ký 12 ngày đêm – Kỳ 1

Sau những hồi còi báo động…

Đêm 18-12

QĐND – Từ 6 giờ chiều, tại hầm chỉ huy của Bộ tư lệnh Thủ Đô, mọi người đã đủ mặt. Bản đồ miền Bắc phủ mi-ca treo trên tường. Chị Sanh, tiêu đồ viên ngồi trước mặt, tay cầm sẵn bút chì màu, tai dán vào ống nghe.

Tin chiến thắng tràn ngập trên các trang báo.Ảnh Tư liệu

19 giờ. Tiêu đồ viên báo mục tiêu xuất hiện từ nhiều hướng… Nhiều tốp từ Gu-am, từ U-ta-pao đang bay vào. Bút chì xanh, bút chì đỏ vẽ đường bay của chúng trên bản đồ. Một người vẽ không kịp, không xuể. Chị Ngân đeo ngay ống nghe vào tai và ghi tiếp cùng với Sanh. Mấy chục con mắt dõi theo bàn tay tiêu đồ viên và những đường mũi tên xanh, đỏ, cứ mỗi lúc một gần Hà Nội: 100km, rồi 80km…

19 giờ 30 phút. Trực ban thông báo cho đài truyền thanh bằng điện thoại, đồng thời đóng cầu dao kéo còi báo động đặt trên nóc Nhà hát Thành phố. Hàng chục máy điện thoại đặt trong hầm báo tin tức đi cho các nơi sẵn sàng đối phó và đánh địch.

19 giờ 45 phút. Hàng đàn B-52 vào ném bom rải thảm. Từ các đài quan sát trên cao đã báo về cơ quan chỉ huy những địa điểm địch vừa đánh, đồng thời tin máy bay cháy trên bầu trời. Máy điện thoại réo liên hồi. Cán bộ tác chiến được phái đi ngay trong đêm đến các hiện trường để kiểm tra, rút kinh nghiệm và đôn đốc công tác phòng không, sơ tán, tổ chức chiến đấu… Mỗi tổ phái viên đều mang theo máy bộ đàm trên ô tô để gọi thẳng bằng vô tuyến từ hiện trường về ngay Ban chỉ huy.

21 giờ. Hội đồng phòng không họp tại một căn hầm rộng và ra lời kêu gọi sơ tán triệt để. Các đồng chí chủ tịch các khu, huyện… đều có mặt. Họp nhanh, gọn, khẩn trương. Nét mặt mọi người đanh lại. Thủ đô phải chiến đấu tốt và phòng tránh tốt!

Một đêm thức trắng. Khu về họp ngay với khối, huyện họp ngay với xã. Kiểm tra trận địa, đốc thúc việc sơ tán các vùng trọng điểm… Phương tiện đi lại chỉ có xe đạp, đi trong đêm gió lạnh, giữa những đợt bom B-52 nổ…

Suốt đêm, sáu lần kéo còi báo động. Các đồng chí tiêu đồ viên thay nhau làm việc. Chị Sanh, chị Ngân, một người ở Gia Lâm, một người ở Đông Anh. B -52 đánh vào quê hương mình, các chị biết lắm chứ, nhưng lúc này không thể phân tán tư tưởng, không thể nghĩ gì khác ngoài những tiếng tạch tè, những con số ký hiệu trong máy.

Ngày và đêm 19-12

5 giờ sáng. Đài truyền thanh Hà Nội truyền đi một cái tin làm rạo rực lòng người: Hà Nội đã hạ 3 “pháo đài bay” B-52, bắt sống giặc lái, hạ uy thế của không lực Huê Kỳ ngay trong trận đầu. Một cái rơi ngay xuống xã Yên Thường-Gia Lâm, nơi chúng vừa gây tội ác. Ngôi nhà của ông Sơn bị sập. Cái thân nó to bằng mấy con trâu mộng, đuôi và hai cánh gẫy cắm phập xuống những cánh ruộng chung quanh. Cán bộ biên tập cùng với nhiếp ảnh, quay phim, lập tức đến nơi để lấy tài liệu bổ sung cho triển lãm chiến thắng nhân ngày kỷ niệm quân đội 22-12.

Cầu phao Chương Dương qua sông Hồng vẫn đứng vững. Từng đoàn xe nối đuôi nhau đi. Cầu treo vắt qua sông Đuống vẫn còn. Công nhân đường dây truyền thanh cũng đang đạp xe đạp gấp qua cầu để nối lại những quãng bị đứt đêm qua…

Ông Sơn kể lại cho chúng tôi nghe cái bó đuốc khổng lồ từ trên trời lao xuống, trong lúc ông đang ngồi dưới hầm. ông nói: “Tôi thường nghe kể pháo đài bay ghê gớm lắm, to lắm, mang được nhiều bom và tối tân, hiện đại lắm. ấy thế mà nó lại thua ở đây”.

Thế là chúng tôi đã có thêm nhiều bức ảnh và hiện vật về B -52 đem trưng bày ở Tràng Tiền. Bộ đồ bay của tên giặc lái cũng được đưa về phòng triển lãm làm tang chứng.

Xe chúng tôi tới Uy Nỗ vào lúc 9 giờ sáng. Đường đi vào làng bị cày xới. Bom thả vào xóm, thả xuống ruộng, vào nhà trẻ, trường học, trạm xá… Hai ba quả chui xuống đất chưa nổ chỉ thò ra cái đuôi đen sì.

A Dỵ, Bí thư Đảng ủy xã, đêm hôm qua cả vợ và 4 con đã thiệt mạng. Nhưng anh vẫn kiên cường cùng các đồng chí khác trong lãnh đạo xã tổ chức cho người già và trẻ con sơ tán, chôn cất người chết, đưa người bị thương đi cấp cứu… Mấy chục cỗ hòm mang về lúc 10 giờ đêm để trong trường học đầu làng. Đợt thứ hai bom ném tan cả mấy chục cỗ hòm, không còn lại một mảnh nguyên. Nhà trường cũng đổ sập. Lại phải đi mua hòm khác về chôn cất cho bà con. Đào xong huyệt vào lúc ba giờ sáng thì nó lại đến. Huyệt người chết cũng bị đào bới lên, anh chị em dân quân phải sửa sang lại cho đến sáng mới xong. Tất cả đảng viên và thanh niên đều ở lại tổ chức canh gác nhà cửa cho đồng bào, đào thêm hầm hào, bố trí trận địa. Gương dũng cảm tận tụy của họ đã lôi kéo cả dân làng.

B-52 lại rải thảm ở Đông Anh, Gia Lâm và F.111 ném bom cháy đốt trụi làng Thanh Nhàn gần ô Đống Mác thuộc khu Hai Bà Trưng.

Ngày và đêm 20-12

Hội đồng phòng không thành phố họp lần thứ hai. Trên bản đồ đã vẽ bằng vệt đen những vệt B -52 dài hình chữ nhật. Tham mưu trưởng báo cáo về những trận đánh vừa qua, thiệt hại do địch gây ra và chiến thắng của ta. Như vậy là trong vòng 30 giờ từ tối 18-12 đến rạng sáng 20-12, Hà Nội đã bắn rơi 13 máy bay Mỹ, trong đó có 5 chiếc B -52, bắt sống nhiều giặc lái. Triển lãm chiến thắng mở cửa. Chúng tôi phải hạn chế khán giả mỗi lượt không quá 50 người.

Bệnh viện Bạch Mai bị bom B-52.

Các trường học được lệnh tạm nghỉ. Trên đường từ Hà Nội ra các cửa ô, người đi sơ tán nườm nượp như một dòng sông bất tận, xe đạp nọ nối xe đạp kia đi hàng hai, mọi thứ buộc trên xe, nào phích nước, chăn bông, đèn dầu hỏa, gạo, mì, ba-lô quần áo… Một hai đứa trẻ ngồi đằng sau, đứa nọ ôm chặt lấy đứa kia cho khỏi ngã. Mẹ đèo con, chồng đèo vợ, chị đèo em… Tất cả im lặng, không một tiếng kêu ca. Thỉnh thoảng lại gặp một cái xích -lô sơ tán. Trên xe, một bà mẹ và bốn năm đứa con với trăm thứ bà giằn để trên lòng; dưới sàn, một cái túi bên trái, hai ba bó bên phải… Có gia đình chất mọi thứ lên đầy một cái xe bò có bốn năm người ngồi lên trên. Có lẽ ông chủ xe bò đưa cả nhà đi sơ tán bằng phương tiện riêng của mình… Công an và ban đại biểu đứng ở các bến xe để sắp xếp, giúp đỡ người đi sơ tán. ủy ban Hành chính thành phố ra lệnh trưng dụng tất cả ô tô để đưa người đi sơ tán. Đi không mất tiền mua vé.

Tôi đưa con đi sơ tán về đến nhà thì vừa kịp đi họp báo hồi 4 giờ tại Câu lạc bộ Quốc tế. Tám thằng giặc lái trong đó có 5 thằng ngồi pháo đài bay rơi xuống đất bị bắt đem ra trình diện. Hàng chục ống kính chĩa vào khuôn mặt tái nhợt của chúng. Đó là những “nhân chứng sống” về sự thất bại chua cay của không quân Mỹ, những khách mới của khách sạn “Hin -tơn Hà Nội” đang cúi đầu… Ních -xơn vẫn lòe bịp rằng tù binh Mỹ sẽ được về ăn Tết Nô -en với gia đình.

19 giờ 30 phút. Địch đánh kéo dài trong một tiếng rưỡi liền, đợt nọ nối tiếp đợt kia, kết hợp B -52 với F.111 vừa thả bom vừa phóng tên lửa xuống thành phố. Sân bay Gia Lâm bị đánh phá hồi 20 giờ 6 phút. Những chuyến bay trong tuần phải hủy bỏ.

Ngày và đêm 21-12

Còi thành phố báo yên lúc 6 giờ sáng.

Chúng tôi chạy lên chỗ bị đánh phá. Từ trên đê bước xuống, chúng tôi đến ngay một ngôi nhà sát ven đường. Tiếng khóc trong hầm vọng ra. Tôi gọi mấy đồng chí dân phòng. Chúng tôi kéo mấy cái cột nhà rơi lấp miệng hầm và moi đất ra. Một cái tay với với lên khỏi miệng hầm rồi một cái đầu hở lên. Một người phụ nữ và hai con nhỏ đã được cứu sống. Trong kia nhà đổ hàng loạt; gạch, đất bắn tung lên. Mấy cái ô tô chở cát sỏi của hợp tác xã xây dựng đang cháy. Một em bé ngơ ngác tìm mẹ. Mẹ và chị em đã chết giữa cái hố bom trước mặt, cánh tay và cẳng chân văng đi chỗ khác. Một chị phụ nữ bế em về nhà mình. Một lúc sau, chúng tôi lại thấy chị quay ra cứu các em khác. Chị là ai?

Suốt ngày hôm ấy, công việc khắc phục hậu quả vẫn tiếp tục. Buổi trưa, lúc mọi người đang còn ngủ thì còi báo động lại rú lên. Hàng đàn “con ma” kéo vào đánh phá các khu lao động phía nam thành phố và ném sáu quả bom vào ga Hàng Cỏ. Gian nhà chính của ga trên nóc có cái đồng hồ sụp đổ đến sát đất, cắt ngôi nhà ra làm ba khúc.

Ngõ Lý Thường Kiệt, trước mặt là Đại sứ quán Cu-ba cũng bị đánh phá. Toàn bộ các ngôi nhà trong ngõ đều bị sập. Một bà cụ và hai đứa cháu nhà số 1 khi báo động chạy xuống hầm hoàn toàn vô sự. Khi bà cụ ngoi lên thì gian nhà chỉ còn là đống gạch vụn.

Cụ nói với chúng tôi:

– Các cháu sống cả không đứa nào việc gì. Còn người thì còn của phải không ông?

Hai người con bà cụ là diễn viên Ngọc Dư và Lệ Thanh. Trước đó một tuần, đoàn Kim Phụng đi biểu diễn ở Hà Bắc. Ngày hôm sau, anh Ngọc Dư mới biết tin.

Trong Nhà máy điện lúc ấy còn hơn một chục người. Khi có còi báo động, nhà máy hạ lệnh cho mọi người rút hết. Thọ là một tổ trưởng vận hành lò nên ở lại đến phút cuối cùng. Bên cạnh anh là Hòa. Anh xem lại hệ thống đồng hồ, xem lại áp suất, nhiệt độ, công suất… Vừa lúc đó, một tiếng nổ rung chuyển nhà máy. Mặt đất như đưa võng. Bụi bốc mù trời. Điện tắt tối om. Thọ và Hòa đã hy sinh bên lò cao. Máu của các anh đã thấm vào bụi than đen nhưng dòng điện không mất và những người thợ khác xông lên cứu lò, cứu máy tiếp tục công việc của các anh.

Bệnh viện Xanh Pôn tiếp tục nhận bệnh nhân. Từ mấy ngày nay, các bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý… làm việc suốt ngày đêm, có người đứng bên bàn mổ 48 tiếng liền. Hôm nay họ lại mổ giữa những tiếng bom nổ dữ dội buổi trưa, cửa kính rung lên, máy bay gầm rú trên đầu. Điện mất! Phải dùng máy nổ. Ban đêm, để giảm bớt ánh sáng có lúc phải dùng đèn pin.

… Trời rét ngọt. Đường phố vắng lặng. Bách hóa tổng hợp chỉ mở cửa đến 6 giờ chiều. Thỉnh thoảng mới có những anh tự vệ, những chị cứu thương đi lại. Xe công an đi tuần tiễu suốt đêm trên đường.

Khoảng 3 giờ 30 phút sáng, còi báo động và tiếng loa truyền đi mệnh lệnh của Hội đồng Phòng không thành phố. Tiếng nói đĩnh đạc của chị phát thanh viên chậm rãi đọc lần thứ nhất rồi nhắc lại lần thứ hai. Chúng tôi biết rằng B-52 sắp vào. Trên nét mặt mọi người không hề thấy dấu hiệu của sự hoảng hốt. Chỉ năm phút sau tiếng bom đã nổ rền ở phía nam thành phố. Thấy ánh chớp lóe lên ở phía chân trời là liền sau đó mươi giây nghe thấy tiếng bom nổ. Pháo từ các phía bắn lên dữ dội theo đường cầu vồng và chụm lại một vùng trên không. Một quả đạn tên lửa lao vút lên cao rồi ngùng ngoằng lộn lên, lộn xuống đi tìm địch trong đêm. Gặp máy bay Mỹ, nó chập lại thành một bó đuốc lớn rồi tách ra thành nhiều ngọn đuốc nhỏ rơi xuống rất nhanh. Từ trong các hầm cá nhân chung quanh Bờ Hồ, người ta mở nắp ra nhìn lên trời và reo to: “Máy bay cháy! Máy bay cháy! Bà con ơi!”. Nhìn xuống bóng nước Hồ Gươm, những ngọn đuốc sáng rực rung rinh tưởng như những mảng sao băng lớn từ trên trời cao đang lao xuống. Hồ Gươm là con mắt của người Hà Nội. Hồ Gươm đã nhìn thấy B-52 bốc cháy, chứng kiến cái thất bại nhục nhã của con chủ bài không lực chiến lược Huê Kỳ.

Đêm nay, chúng ném bom hủy diệt Bệnh viện Bạch Mai giữa lúc bệnh nhân đang yên giấc dưới hầm. Ngày 27-6-1972, chúng đã ném bom xuống bệnh viện làm sập mất hai khoa của cái nhà thương lớn này. Lần này Ních-xơn lại ném bom hủy diệt. Liệu y có tìm cách chối cãi nữa không?

————-

Kỳ 2: Một “Nô -en đẫm máu”!

(Trích ghi chép của nhà báo NGUYỄN BẮC)
qdnd.vn

Advertisement