‘Khi máy bay vừa dừng lại, tôi giật mình bởi phía trước là một hố bom khá lớn, chỉ nhích thêm một chút nữa thôi là máy bay của tôi đã đâm nhào xuống đó’, Đại tá Trần Cung nhớ lại.
“Trong bom đạn mịt mờ, tôi đã thấy những phụ nữ trên những ụ súng lia những khẩu súng trường theo các máy bay phản lực của Mỹ đang bay trên trời. Họ tin rằng họ có thể bắn rơi máy bay phản lực bằng một khẩu súng trường. Đây là một ý chí có tính chất truyền thống trong những người dân mà tôi đã gặp”, nhà báo Mỹ tường thuật lại trên tờ tạp chí “Quốc phòng toàn dân” về hình ảnh mà ông chứng kiến ở Hà Nội trong chiến dịch “Linebacker 2”.
Một khẩu súng trường có thể không săn đuổi được máy bay Mỹ, nhưng khi đã nhìn thấy những Khâm Thiên, những Bạch Mai, những Yên Viên… vùi sâu trong bom đạn, ý chí trong mỗi con dân người Việt là sẵn sàng ôm súng ra trận. Những cánh én bạc MIG.21 đã xung trận cùng một tâm thế đó.
Đối diện không lực Mỹ
Đại tá phi công Trần Cung (nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sao Đỏ, Sư đoàn bay Thăng Long) nay đã về nghỉ ngơi trong một ngôi nhà yên tĩnh nằm sâu trong một ngõ nhỏ ở đường Trường Chinh (Q. Thanh Xuân, Hà Nội). Ông đại tá có nụ cười rất hiền, ít ai tưởng tượng lại là một trong không nhiều người thuộc lớp phi công từng trực tiếp đọ sức với không quân Hoa Kỳ trên bầu trời Thủ đô.
Năm 1972, việc chuẩn bị đánh B.52 đã được các đại đội bay nghiên cứu, chuẩn bị trước hàng tháng, nhất là lực lượng đánh đêm của Trung đoàn Sao Đỏ. Nhưng thực ra, lúc đó cũng chưa ai biết “mặt mũi” B.52 nó như thế nào. Bao nhiêu cuộc trao đổi tìm cách phát hiện B.52, cách chống nhiễu, cách phóng tên lửa như thế nào cũng chỉ là trên sách vở. Cần phải cử một đoàn cán bộ đi nghiên cứu thực tế ở mặt trận B.3 – Vĩnh Linh xem các sân bay dã chiến hoạt động như thế nào.
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn tên lửa 257 Đinh Thế Văn và kíp chiến đấu của anh đã bắn rơi tại chỗ 4 máy bay B-52. Ảnh tư liệu.
Chấp hành mệnh lệnh của trên, đơn vị đã cử các biên đội, tổ cơ động ngày và đêm đi các sân bay để mai phục, nghiên cứu cách đánh máy bay B.52. Lúc đó, Trần Cung đang mang quân hàm Thượng úy và là phi công của Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, Sư đoàn 371.
15h ngày 11/12/1972, đại tá Cung nhớ rất rõ: Tôi nhận lệnh cơ động máy bay đến căn cứ sân bay Hòa Lạc. 16h30′, máy bay cất cánh bay ở độ cao thấp. Lúc đó, để giữ bí mật, chúng tôi không được phép liên lạc bằng vô tuyến và khi đến sân bay phải vào hạ cánh trực tiếp. Tổ cơ động lúc bấy giờ gồm có các phi công: Trần Cung, Bùi Doãn Độ, Nguyễn Văn Tài và Nguyễn Văn Đễ – phụ trách bảo đảm kỹ thuật.
Khoảng 19h ngày 18/12, kíp trực phát hiện thấy tiếng động cơ từ dãy núi phía Tây, cứ tưởng là máy bay của ta bay huấn luyện, mọi người chạy ào ra xem, hóa ra chiếc máy bay F.4 của Mỹ đang bay dọc đường băng ở độ cao thấp và tiếp theo đó là một loạt bom nổ rền vang.
“Tất cả xuống hầm ẩn nấp”, tiếng chỉ huy vang lên. Mọi người nhanh chóng xuống hầm K5. Ngay sau đó, Sở chỉ huy Quân chủng phát lệnh kiểm tra tình trạng sân bay. Sau khi đồng chí trợ lý tác chiến kiểm tra và báo về sở chỉ huy, lệnh “Cấp 1: vào vị trí chiến đấu”; “52 Ấp Bắc – Cờ Hồng: mở máy, cất cánh” được phát ra.
“Hôm đó, như có sự linh cảm, mọi khi tôi điều khiển máy bay lăn, tăng cửa dầu lớn nhất, thả phanh rồi mới tăng lực; nhưng lần này tôi cho máy bay tăng lực xong mới thả phanh để máy bay tiếp xúc đường băng một cách ngắn nhất, nên máy bay của tôi chạy đà và tách đất rất sớm…
Sau này, khi rút kinh nghiệm, đồng chí Nguyễn Văn Đễ, phụ trách kỹ thuật đã vỗ vai tôi: “Phúc lớn cho nhà cậu, hôm ấy may là máy bay tách đất sớm, không thì đã “xong rồi”, vì phía cuối đường băng những tấm ghi do bom Mỹ bắn phá đã bị uốn cong, dựng ngược lên. Chỉ chậm một chút thôi, càng máy bay của cậu bị mắc vào đó, máy bay nổ thì không biết sẽ ra sao nữa”, ông cười vang kể lại.
Máy bay tách đất, thượng úy Trần Cung tiếp tục bay theo phương án “X”, ở độ cao thấp, vì các tàu và hạm đội của Mỹ ở biển Đông ra sức gây nhiễu, phá sóng vô tuyến điện, gây khó khăn cho việc chỉ huy, dắt dẫn của ta. Theo tính toán thời gian, khi bay được 3/4 quãng đường thì Sở chỉ huy lệnh cắt thùng dầu phụ, tăng lực, vòng phải lên độ cao 8.500m – hướng 3600.
“Lúc đó, tôi hiểu phải thực hiện phương án “Y” (nghĩa là B.52 của địch đang đánh vào Hà Nội). Tôi hồi hộp lắm nhưng vẫn tự dặn lòng: Đây là thời cơ có một, không hai, phải quyết chiến, quyết thắng… Vừa lúc đó, Sở chỉ huy thông báo: Mục tiêu B-52 phía trước 25 km“.
Trần Cung cho máy bay tăng lực, tăng tốc độ bay theo số M = 1,2; tốc độ tiếp cận tới B.52 khoảng 300 đến 400km/h. Sở chỉ huy lệnh “Bình Minh” (nghĩa là bật ra-đa trên máy bay). Sau khi bật ra-đa, Trần Cung phát hiện thấy mục tiêu ở cự ly 15 km và chỉ sau 5 giây trên màn hình máy bay xuất hiện nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực dày đặc, ngoài trời thì tối đen như mực. Phải xử lý loại trừ nhiễu để chọn mục tiêu thật của B.52 nhưng rất khó khăn, trong khi đó máy bay của Cung vẫn giữ nguyên tốc độ lớn để tiếp cận B.52.
Lệnh từ Sở chỉ huy vang lên: “52 chú ý cảnh giới phía dưới, bên phải, phía sau”. Trần Cung phát hiện thấy 2 vệt sáng đang bám đuổi phía phải của máy bay, đoán chắc đó là F.4 của Mỹ. Khi khuất góc nhìn, Cung cho máy bay tăng độ nghiêng 900 và vòng gấp, tăng gia trọng lớn, đã nhìn thấy bên trái phía trên máy bay có 2 vệt sáng dài làm chiếc MIG rung mạnh.
Đúng là máy bay Mỹ đã phóng tên lửa về phía máy bay của Cung. Nhanh chóng vòng trở lại theo hướng bay cũ, Trần Cung tiếp tục giữ tốc độ và đuổi theo chiếc B.52 phía trước. Vừa ổn định được hướng bay thì Sở chỉ huy lại thông báo: “Cảnh giới, phía dưới, bên trái”. Lúc đó, chiếc F.4 của Mỹ lại đuổi theo và phóng tên lửa tới máy bay của Cung, nhưng Cung lại phát hiện và kịp thời tránh được.
Lần thứ 2 tránh thoát được tên lửa của đối phương, Trần Cung đưa máy bay trở lại hướng bay, đề nghị dẫn đường thường xuyên thông báo cự ly đến mục tiêu để kịp thời công kích theo lệnh. Lúc này màn hình ra-đa của máy bay không thể thấy được B.52 do nhiễu dày đặc nên muốn phóng tên lửa phải chờ lệnh của chỉ huy từ mặt đất…
Nhíu đôi mày, ông phác một cử chỉ dứt khoát: “Tôi còn nhớ như in cái đêm hôm ấy. Đêm đó bầu trời Hà Nội không có trăng, nhưng sao dày đặc, mây quy khoảng 3 đến 4 phần nên vẫn nhìn thấy sông Hồng uốn lượn như dải lụa, núi Tam Đảo sừng sững uy nghi. Vì không được phép bay vào vùng hỏa lực bảo vệ Hà Nội với bán kính 50 km, nên tôi phải điều khiển máy bay bay ở phía Tây“.
Lúc này tại khu vực Hà Nội, các hỏa lực tầng cao, tên lửa, cao xạ bắn lên sáng rực bầu trời và 1 chiếc B.52 vừa bị trúng đạn của lực lượng tên lửa phòng không bùng lên như bó đuốc khổng lồ ở phía Bắc Hà Nội.
Rồi ông thở dài nuối tiếc: “Đúng là cơ hội lập công đã không đến với mình. Lúc đó, phát hiện thấy đèn báo lượng dầu còn ở mức dự bị, tôi đã báo về mặt đất. Sở chỉ huy lệnh bay về sân bay Nội Bài hạ cánh. Khi máy bay bay đến khu vực sân bay Nội Bài nhưng không thể liên lạc được vì sân bay vừa bị địch đánh phá.
Sở chỉ huy tiếp tục ra lệnh đưa máy bay về sân bay Kép, đến nơi sân bay cũng bị địch đánh phá nên cũng không thể liên lạc được với mặt đất. Tôi tiếp tục nhận lệnh bay về sân bay Gia Lâm thì đèn hàng hành sân bay không chuẩn bị kịp nên tôi lại tiếp tục cho máy bay trở lại sân bay Nội Bài. Ác một nỗi, tôi cứ bay đến khu vực sân bay nào thì đều bị hỏa lực của ta bắn dữ dội, bởi đêm tối nên họ tưởng máy bay địch…”.
Hạ cánh trên miệng hố bom
Đã không còn cơ hội tiêu diệt B.52, nên Trần Cung quyết tâm phải đưa máy bay về hạ cánh an toàn, trường hợp bất đắc dĩ mới phải nhảy dù. Thế rồi, trong cái rủi lại có cái may! Lúc đó, do tình huống đặt ra nên phương pháp bay có sự thay đổi. Phi công Cung bay với tốc độ nhỏ để tiết kiệm dầu liệu. Chính cách bay ấy đã cứu Cung không bị trúng đạn, bởi hỏa lực mặt đất của ta thường bắn theo tốc độ lớn của máy bay Mỹ.
Khi đến khu vực sân bay Nội Bài, Cung điều khiển máy bay vào vòng kín rất hẹp, sau vòng 4 thì thả càng, thả cánh tà 450 đồng thời bật đèn pha, lúc này hỏa lực dưới mặt đất mới không bắn nữa. Trần Cung đã điều khiển máy bay hạ cánh trong điều kiện không có chỉ huy, không có đèn chiếu mà đèn sân bay chỉ còn lác đác mấy chiếc ở cuối đường băng. Lúc đó ông chỉ nghe loáng thoáng được một câu từ đài thông tin sơ tán: “Đồng chí cứ yên tâm hạ cánh!”.
Phi công Cung quyết định cho máy bay tiếp đất ở ngoài đường băng. Sau khi tiếp đất, tắt máy, thả dù giảm tốc, phanh tối đa, máy bay đã chạy vượt qua những hố bom bi.
“Thật ra, vì không đủ ánh sáng nên khi đó tôi không thể nhìn thấy các hố bom trên đường băng. Nhưng chính thế lại thêm một lần may mắn: Khi máy bay vừa dừng lại, tôi giật mình bởi phía trước là một hố bom khá lớn, chỉ nhích thêm một chút nữa thôi là máy bay của tôi đã đâm nhào xuống đó. Lúc này nhìn đồng hồ máy bay đã báo là hết sạch dầu“, 40 năm sau, đại tá Cung thở phào nhẹ nhõm như chuyện vừa xảy ra hôm qua.
Trong khi đó, tình hình chiến sự vẫn diễn ra mỗi lúc một ác liệt. Trên bầu trời máy bay Mỹ vẫn đang hoạt động rất ráo riết. Không thể khác, Cung liền ra khỏi máy bay và chạy đến miệng hố bom lớn cạnh đường bê tông để nếu cần thì lăn xuống đó tránh bom của đối phương.

Phạm Tuân – Trung đoàn 921 trong trận đánh đêm 27/12/1972 đã bắn rơi 1 máy bay B-52 trên bầu trời Mộc Châu – Sơn La. Đây là chiến công đầu tiên của Không quân Việt Nam bắn rơi B-52 của Mỹ. Ngày 3/9/1973, anh được tuyên dương Anh hùng LLVT.
Đêm cuối tháng, trời tối đen như mực, khoảng mươi phút sau, Cung phát hiện loang loáng phía sau chừng 50m có một máy bay vừa hạ cánh đang nằm chềnh ềnh ở trạng thái nghiêng lớn. Do bị chấn động mạnh nên buồng lái của nó bị biến dạng, phi công đang cố đạp nắp buồng lái để chui ra.”Đoán là máy bay của ta, tôi liền hô to:
– Ai đấy?
– Tôi – Tuân đây! Phi công Phạm Tuân đây!
Đúng là đồng đội mình rồi. Tôi nhanh chóng chạy lại kéo Phạm Tuân cùng đến cạnh hố bom lớn. Chờ cho địch ngưng bắn phá, chúng tôi quyết định chạy bộ vượt qua bãi đất về khu vực đài K5 và trở về Sở chỉ huy Trung đoàn rút kinh nghiệm sơ bộ…”, ông nhớ lại cảnh 2 phi công dắt nhau chạy tránh bom đêm nào.
Sau khi nhận báo cáo sơ bộ về đợt đầu không quân cất cánh đánh B.52, Quân chủng ra lệnh tiếp tục sử dụng lực lượng không quân đánh B.52. Trung đoàn sử dụng 2 phi công Vũ Đình Rạng, Vũ Xuân Thiều và một số phi công khác tiếp tục cất cánh đánh B.52, nhưng do kinh nghiệm đánh đêm chưa nhiều nên mấy đêm tiếp theo lực lượng không quân của ta đều chưa tiêu diệt được B.52. Riêng thượng úy Trần Cung tiếp tục nhận lệnh cơ động chiến đấu đến sân bay Yên Bái, sân bay dã chiến Phú Thọ, sân bay Cẩm Thủy…
Trong lần cất cánh ấy, tuy không có cơ hội tiêu diệt B.52, nhưng việc phi công miền Bắc Việt Nam dám lái MIG đột nhập vào giữa vòng bảo vệ dày đặc các loại tiêm kích chiến đấu hộ tống B.52, đã phá được đội hình tác chiến của không quân Mỹ. Đây là lần đầu tiên, MIG21 của miền Bắc Việt Nam đã ngang nhiên đối đầu với “Pháo đài bay” bất khả xâm phạm của Hoa Kỳ.
Trường Minh
(Còn tiếp)