(Dân trí) – Sĩ quan không quân Hung-ga-ri Istvan Toperczer, viết trong mấy cuốn sách của ông đang được trưng bầy tại Viện Bảo tàng bay Hoa Kỳ: “Cuộc chiến tranh trên không phận Bắc Việt Nam đã cuốn hút tôi…”.
Và rồi những cuốn sách này cũng đã cuốn hút nhiều người trên khắp thế giới quan tâm đến những sự kiện anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Từ câu chuyện ở Viện Bảo tàng bay Hoa Kỳ
Trong chuyến công tác sang Mỹ mua máy bay Bô-inh tháng 10 năm 2002, một số chuyên viên hàng không Việt Nam đến Viện Bảo tàng Bay Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn (Woa-sinh-tơn). Các anh, chị thấy một nhóm thanh niên Mỹ cùng một số khách quốc tế đang xem mấy cuốn sách tiếng Mỹ nói về không quân Việt Nam. Họ vui vẻ giới thiệu với nhau: Đây bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bắt tay nói chuyện với phi công Nguyễn Văn Cốc (1) sau chiến công đầu tiên của anh vừa bắn rơi tại chỗ chiếc F – 105D của phi công Mỹ J.Abbet trên bầu trời Vĩnh Phú. Đây ảnh Bác Hồ thân mật nghe phi công Phạm Thanh Ngân (2) nói chuyện bên chiếc Mig – 21 mang số hiệu 4520 của anh. Đây ảnh phi công Nguyễn Đức Soát (3) với chiếc Mig – 21 của trung đoàn 927 đã bắn rơi chiếc F – 4E của phi công Mỹ Cerak và Dingee. Đây bài viết về phi công Nguyễn Tiến Sâm trên chiếc Mig – 21 số 5020 đã bắn rơi chiếc F – 4E của phi công Spencer và Seck trên không phận Hà Bắc. Đây chuyện kể về trận đánh đêm 27/12/1972 trên không phận Hoà Bình, phi công Phạm Tuân đã bắn rơi chiếc B – 52D, loại pháo đài bay khổng lồ mà trước đây người Mỹ vẫn khoe là vô địch, bất khả xâm phạm. Đây bức ảnh những cô dân quân xinh đẹp đang dẫn giặc lái Mỹ bị bắt làm tù binh hoặc đang đi trên bãi biển mang mảnh chiếc máy bay Mỹ vừa bị bắn rơi trên bờ biển… Và đây nữa, hồi ức của sĩ quan không quân Hoa kỳ James B Souder nhớ lại chuyện khi đang bay trên chiếc F4 số 153025 bị Mig Việt Nam bắn rơi tại một địa bàn gần Hà Nội rồi bị bắt đưa về một trại giam tù binh Mỹ được gọi là Khách sạn Hin-tơn giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Theo đề nghị của mấy vị khách Hàng không Việt Nam, nhân viên Viện Bảo tang bay Hoa Kỳ đã cho mượn xem rồi biếu các anh chị khách quí mấy cuốn sách nói trên. Đó là cuốn “Không chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam” do nhà xuất bản Hoa Kỳ Ospray xuất bản mang số hiệu 104344 và cuốn “Những chiếc Mig 21 trong cuộc chiến tranh Việt Nam” do nhà xuất bản Anh Squadron xuất bản mang số hiệu 104647.
Tác giả 2 cuốn sách đều là sĩ quan không quân Istvan Toperczer người Hung-ga-ri. Một cuốn có ảnh những phi công được gọi là những con “át chủ bài” của Không quân Việt Nam. Trong cuốn khác, nhiều trang phụ lục còn thống kế chi tiết đến tên từng phi công Việt Nam ở từng đơn vị với từng loại máy bay đã bắn rơi chiếc máy bay nào của không quân Mỹ với tên từng phi công lái cùng tên địa điểm và thời gian bị bắn rơi.
Những chuyện chiến đấu của phi công Việt Nam đã được giới thiệu nhiều trong 2 tập sách có độ dầy gần 200 trang nói trên.
Trong bài viết này chỉ xin tạm trích dịch và giới thiệu ít chuyện điển hình.
Bìa ngoài 2 tập sách của tác giả Istvan Toperczer.
Từ trận đầu đánh B-52 Mỹ
Đây là những trang viết của tác giả trong hai tập sách:
“Mùa khô năm 1971 những hoạt động vận tải của binh đoàn 559 chi viện chiến đấu cho miền Nam Việt Nam thường bị máy bay B – 52 và AC – 130 đánh phá ngăn chặn. Không quân nhân dân Việt Nam được giao nhiệm vụ đánh trả máy bay Mỹ trên đường Trường Sơn.
Thật là khó vì phi công Việt Nam lúc này chưa quen hoạt động ở địa bàn này. Một số sĩ quan không quân được cử đến Mụ Giạ nghiên cứu hoạt động chiến đấu của B -52. Tháng 9 năm 1971 một số đơn vị Ra-đa cũng được điều đến Ba Đồn (Quảng Bình) và Vĩnh Linh với mục đích tìm cách “bắt” những hình ảnh hoạt động của mục tiêu B-52.
Ngày 04/10/1971 trung đoàn 921 cử phi công Đinh Tôn vào Đồng Hới. 19 giờ 13 phút ngày 20/11/1972, anh nhận lệnh xuất kích đánh một tốp B-52 địch. Phát hiện B-52 trước mặt nhưng vì phán đoán điều kiện không thuận lợi cho chiến đấu, anh được lệnh trở về Bắc. Phát hiện Mig, tốp B-52 quay sang phía Thái Lan.Thấy Mig đã bay ra Bắc, B-52 tiếp tục trở lại hoạt động. Hồi 20 giờ 00 hôm đó có thông báo “Một tốp B-52 xuất hiện cách bắc Sầm Nưa 60km”, phi công Vũ Đình Rạng xuất kích từ sân bay Anh Sơn lúc 20 giờ 46 phút và anh đã trở thành người phi công Việt Nam đầu tiên đánh B-52 Mỹ.
Sở chỉ huy mặt đất thông báo có 3 mục tiêu cách anh 100km. Rạng vứt thùng dầu phụ bay lên cao độ cao 10km và khi chỉ còn cách địch 15km, anh mở ra-đa, bật công tắc, tăng tốc. Thấy một B-52 vào tầm bắn anh phóng tên lửa. Phát hiện tiếp một B-52 trước mặt, Rạng phóng tên lửa thứ hai rồi hạ cánh xuống sân bay Anh Sơn lúc 21 giờ 15phút. Sau này, anh được biết chiếc B-52 đầu tiên bị anh bắn trúng đã buộc phải hạ cánh xuống sân bay Nakhon Phanomb ở Thái Lan rồi bị tháo rời rồi đưa về Utapao.
Chính phi công Kalp Wetter Haln trên chiếc B-52 bị Vũ Đình Rạng bắn hạ đã lại bay trên một B-52 khác sang đánh Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972, bị tên lửa ta bắn rơi, bị bắt làm tù binh đã kể lại chuyện bị Mig Việt Nam bắn trúng đêm 20/11/1972.
Sau trận đánh đêm 20/11/1971, máy bay B-52 Mỹ đã phải tạm ngừng hoạt động trên đường dây 559 một thời gian”.
Đỉnh cao
Đó là tiêu đề một chương trong tập sách “Những đơn vị Mig 21 trong cuộc chiến tranh Việt Nam”. Tác giả phân tích:
“Cuộc chiến tranh trên không phận Bắc Việt Nam lúc này đã lên đến đỉnh cao của giai đoạn khốc liệt. Năm 1972 có thể coi là thời kỳ chiến đấu sung sức của không quân nhân dân Việt Nam. Đây cũng là lúc không quân và hải quân Mỹ nỗ lực giành ưu thế trên chiến trường Việt Nam khi thực hiện chiến dịch Line Backer… cùng với việc dùng B-52 tiếp tục đánh phá mạnh những đường vận tải ở quân khu 4.
Về phía không quân Việt Nam các sĩ quan cao cấp đã có những nghiên cứu giá trị về chiến thuật của đối phương, thực nghiệm những sáng kiến, những biện pháp hữu hiệu chống lại không quân Mỹ. Tuy nhiên dường như những cố gắng của Việt Nam chưa đạt hiệu quả. Ví dụ đêm 13/04/1972 khi B-52 đánh vào Thọ Xuân, Mig Việt Nam xuất kích nhưng không thành công vì thời tiết xấu. Mấy tuần sau một tốp F4 giả làm B-52 đã đánh lừa được ra-đa của không quân Việt Nam. Mig-21 bay lên với ý định đánh B-52 nhưng một chiếc đã bị F-4 Mỹ bắn rơi.
Sau nhiều tháng xây dựng kế hoạch, không quân Việt Nam tin chắc rằng kế hoạch đánh B-52 của mình sẽ thành công với mục tiêu chủ yếu là: Bắn rơi B-52 và bắt sống giặc lái Mỹ.
Ngày 14/12/1972 tổng thống Nixon thông qua kế hoạch dùng B-52 đánh Hà Nội và Hải Phòng. Ba ngày sau, chiến dịch Line Backer II được triển khai. 19 giờ 40 (giờ Hà Nội) ngày 18/12/1972, B-52 đánh sân bay Kép, Nội Bài, Gia Lâm, Hoà Lạc và Yên Bái cùng lúc với Đông Anh, Yên Viên, Đức Giang và Đài phát thanh Mễ Trì. Thời gian này Hải Phòng cũng bị đánh phá. Ngày 27/12/1972 một số máy bay Mig – 21 xuất kích với quyết tâm bắn hạ B-52.
Trong số những phi công chiến đấu này có Phạm Tuân. Lúc 22 giờ 30 phút anh nhận lệnh cất cánh từ sân bay Yên Bái vượt qua 200m – 300m mây mù dầy đặc, Tuân phát hiện một máy bay F4 bay gần. Đồng thời anh được thông báo có B52 từ Mộc Châu đến. Sở chỉ huy mặt đất ở Mộc Châu, Sơn La báo cho Tuân biết khoảng cách giữa máy bay anh với B-52 địch: 60km, 50km, 40km… Anh vứt thùng dầu phụ bay lên độ cao 7000m. Ra-đa mặt đất nhắc Tuân chú ý những chiếc F-4 đi hộ tống B-52.
Thấy một ánh sáng vàng trước mặt, Tuân tăng tốc độ bay lên 1200km/giờ và bay lên độ cao 10.000m ngang với tầm hoạt động của B-52. Anh báo cáo về Sở chỉ huy: “Phát hiện mục tiêu. Xin công kích”. Mệnh lệnh mặt đất: “Phóng hai tên lửa rồi nhanh chóng thoát ly”.
Đội hình B-52 Mỹ ở khoảng cách 2 – 3km, Tuân kiểm tra tên lửa. Khi đã bay cao ngang chiếc B-52 số 3, Tuân ấn nút phóng hai tên lửa ở cự ly 2000m. Một vùng cháy lớn bao chùm chiếc B-52, Tuân vòng gấp sang trái, hạ độ cao xuống 2000m rồi hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái.
Tiếp đó ngày hôm sau 28/12/1972, hồi 20giờ 41phút phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thuỷ theo chỉ huy của Sở chỉ huy mặt đất đuổi đánh một tốp B-52. Phát hiện mục tiêu trên bầu trời Sơn La đã sát gần mình, Thiều phóng một tên lửa. B-52 địch bị trúng đạn. Chiếc Mig-21 của Thiều đã bay sát gần B-52, anh lao thẳng vào máy bay Mỹ rồi bị vỡ tan cùng chiếc B-52 Mỹ”.
Một lần, đến gặp Trung tướng Phạm Tuân, tôi hỏi:
– Trung tướng còn nhớ lần tác giả Istvan Toperczer đến phỏng vấn Trung tướng?
– Tôi nhớ không kỹ lắm vì đã có rất nhiều nhà báo và khách quốc tế đến gặp, lúc ở cơ quan làm việc của tôi, lúc ở Bảo tàng Không quân, bên chiếc Mig -21 MF mang số hiệu 5121 mà tôi đã bay, hạ chiếc B-52 D Hoa Kỳ đêm 27/12/1972 rồi hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái, được trực thăng đưa về sân bay Nội Bài và ngay hôm đó đã nhận nhiệm vụ trực chiến. Tuy bị máy bay B-52 oanh tạc, nhiều nơi trên sân bay bị thiệt hại nhưng đã được sửa gấp ngay. Vì thế thế trong suốt thời gian 12 ngày đêm chiến đấu chống B-52 Mỹ, Mig -21 của chúng tôi vẫn cất cánh hoạt động tốt.
* * *
Trong mấy trang đầu cuốn sách của mình, tác giả Istvan Toperczer giới thiệu với độc giả nhiều khó khăn ông đã phải vượt qua để thuyết phục các nhà xuất bản cho xuất bản 2 tập sách của ông vì phía Hoa Kỳ cho rằng trong cả hai tập sách của ông, ông đã tuyên truyền nhiều điều có lợi cho chiến thắng của Việt Nam tuy ông cũng có đề cập đến một số điểm yếu của Không quân Việt Nam thời gian đầu chiến đấu chống B-52 Mỹ.
Năm 2012, trong cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng B-52 Mỹ của Quân chủng Phòng không – Không quân, nhiều nhân chứng lịch sử đã cùng nhau ôn lại những câu chuyện của 40 năm trước trong thời gian chiến đấu ác liệt chống lại và đánh thắng một đối thủ hùng mạnh vào loại nhất thế giới. Khi biết về những hình ảnh, những chuyện chiến đấu hào hùng của không quân Việt Nam trong những tập sách của tác giả Istvan Toperzer hiện đang trưng bầy trong Viện Bảo tàng Bay Hoa Kỳ, được biết nhiều người trên khắp toàn cầu đang ca tụng, khen ngợi chúng ta, mỗi người đều thấy tự hào, vinh dự đã chiến đấu xứng đáng với truyền thống quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Hà Nội tháng 12 năm 2012
Đại tá Đỗ Sâm
dantri.com.vn
(1) Phi công Việt Nam đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất (9 máy bay)
(2) Sau này là Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị
(3) Sau này là Tư lệnh Không quân.