‘Mỗi quả đạn là một B.52’

“Hồi kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta có câu “Một viên đạn là một quân thù”. Bây giờ ta thực hiện câu nói đó: Mỗi quả đạn là một B.52″, lời hô vang của tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa 57 Nguyễn Văn Phiệt giữa bom đạn mịt mù đã xốc toàn trận địa vào cuộc “săn” B.52, dù số lượng đạn còn rất ít.

>>‘Rồng lửa’ Thăng Long xung trận / Chặn đứng ‘pháo đài bay’ / Lầu Năm Góc: Lẩn tránh và Giấu diếm / ‘Điện Biên Phủ trên không’: Chuyện từ phía bên kia

LTS: 40 năm, một hành trình thời gian đủ dài để các tài liệu từng được liệt vào dạng “Tuyệt mật” (Top Secret) có thể được mang ra ánh sáng, để có cái nhìn đầy đủ về 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” , từ hai phía.

Không nhằm nhắc nhớ, khơi gợi về một chương buồn trong quan hệ Việt – Mỹ, loạt bài nhằm cung cấp thêm một góc nhìn lịch sử, từ người trong cuộc. Và cũng hi vọng, sự thật lịch sử được minh định. Và đó cũng là lời nhắc nhở, rằng ”không có gì quý hơn độc lập, tự do’ và không ai có thể xâm phạm điều đó.

“Bóc vỏ” để SAM2 “làm bàn”

Đêm 20/12/1972, đúng như dự đoán của Bộ Tư lệnh, Mỹ huy động một lực lượng khá lớn: 90 lần chiếc B.52, 151 lần chiếc máy bay chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ, tổ chức đánh vào 3 nơi: Hà Nội – Hải Phòng – Thái Nguyên.

Tại mặt trận Hà Nội, mặc dù thời tiết xấu nhưng một biên đội MIG.21 đã được lệnh cất cánh, đánh thẳng vào đội hình B.52 vừa triển khai xong. Bị tấn công bất ngờ, đội hình bay của đối phương tán loạn, các chiến sỹ tên lửa bỗng thấy cường độ nhiễu trên màn hiện sóng giảm hẳn và mọi người đều thầm cảm ơn các chiến sĩ không quân của ta đánh “bóc vỏ” tiêm kích tạo điều kiện cho tên lửa “làm bàn”.

Lúc 20h20′, tiểu đoàn 93 bố trí ở Phú Thượng đã bắt được tốp B.52 vào đánh Gia Lâm. Chờ đến cự ly 32km, tiểu đoàn trưởng ra lệnh cách đánh 3 điểm và đón X góc ở cự ly thích hợp nên đã bắn trúng mục tiêu, chiếc B.52 còn nguyên cả bom rơi gần như thẳng đứng xuống rìa làng Yên Thượng, cạnh ga Yên Viên. Sau đó tiểu đoàn 77 cũng áp dụng phương pháp đánh trên nhưng ở cự ly gần hơn chút ít, đạn trúng mục tiêu.

Cách đánh mới càng được khẳng định sau hai trận thắng của Tiểu đoàn 93 và 77. Quân chủng kịp thời thông báo tin chiến thắng xuống các đơn vị. Vừa  động viên tinh thần và ý chí chiến đấu vừa kịp thời phổ biến kinh nghiệm để hiệu quả chiến đấu cao hơn, diệt được nhiều B.52 hơn.

Khoảng 10 phút sau, ba tiểu đoàn 78, 79, 94 lần lượt phóng đạn vào 6 chiếc B.52 đang bay vào hướng ga Yên Viên. Thấy tín hiệu mục tiêu bị xóa, tiểu đoàn 94 phóng tiếp quả đạn cuối cùng góp phần tiêu diệt một chiếc B.52. Lúc này là 20h 30′.

Phát huy truyền thống phát sóng tìm mục tiêu đánh gần, tiểu đoàn 77 liên tục bám sát dải nhiễu sau và cũng chờ đến cự ly thích hợp mới nâng cao thế phát sóng và chỉ 4 phút sau đã bắn rơi tại chỗ chiếc B.52 ở xã Vạn Thắng ( Ba Vì, Hà Tây cũ).

Như vậy, chỉ trong chưa đầy 20 phút, sự phối hợp tuyệt đẹp của không quân với bộ đội tên lửa Hà Nội đã bắn rơi 4 máy bay B.52, trong có 2 chiếc rơi tại chỗ.

Vào lúc 4h30′ rạng sáng ngày 21/1, 45 lần chiếc B.52 Mỹ lại tiếp tục nối đuôi nhau men theo sườn dãy Tam Đảo vào đánh khu vực Gia Lâm – Yên Viên. Do ta phán đoán chính xác đường bay của đối phương, lại có khí thế chiến thắng của các đợt chiến đấu trước trong đêm, các đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội rất bình tĩnh tự tin bước vào trận đánh mới.

Loại B. 52H sản xuất 122 chiếc. B.52H bàn giao đợt cuối vào tháng 10/1962 cho Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược (SAC). Ảnh tư liệu

“Có thế nào ta đánh thế đấy”

Sau ba ngày bị đánh phá, việc vận chuyển đạn bị ùn tắc, đặc biệt đường giao thông vào Hà Nội phải qua hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đuống càng thêm khó khăn. Mặc dù đã lập bến phà, cầu phao song vẫn gây ra ùn tắc. Chính vì thế mà trong đợt đánh phá lần này có đơn vị không tiếp tục chiến đấu liên tục được do đạn chưa chở đến kịp, có đơn vị có số đạn chỉ còn ở dưới mức quy định tối thiểu.

Tuy nhiên, các chiến sỹ đều động viên nhau: có thế nào ta đánh thế ấy, đã đánh là phải thắng. Trường hợp Tiểu đoàn 57 đứng chân ở trận địa Đại Đồng là một ví dụ. Đứng trước tình thế chỉ còn hai quả đạn trên bệ phóng, Nguyễn Văn Phiệt (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57) đã hô vang: “Hồi kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta có câu: “Một viên đạn là một quân thù”. Bây giờ ta cũng thực hiện câu nói đó: Một quả đạn là một B.52″.

Đúng 5h9′, Tiểu đoàn 57 thực hiện ngay khẩu hiệu của mình đề ra, bắt được mục tiêu, phóng một quả vào tốp 318. Tiếp theo tiểu đoàn 77 còn lại hai quả đạn, cũng phóng một quả vào tốp 318. Hai chiếc B.52 bị hạ gục.

Hai phút sau, lúc 5h11′, Tiểu đoàn 57 phóng nốt quả đạn còn lại của mình vào tốp B.52 mang số hiệu 532. Một chiếc trong tốp này bốc cháy sáng rực cả một góc trời rồi đâm đầu xuống chợ Thá, núi Đôi (Vĩnh Phúc).

Tin chiến thắng tới tấp báo về sở chỉ huy. Tất cả Bộ Tư lệnh Quân chủng được sống lại cái không khí tưng bừng mừng vui của đêm đầu tiên bước vào chiến dịch. Có thể xem đây là một trận tiêu diệt lớn, một trận then chốt. Đêm thứ ba, với số đạn ít hơn hẳn hai đêm trước, các đơn vị tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã hạ được 7 chiếc B.52 của Mỹ. Có đến 5 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 12 phi công Mỹ.

Đặc biệt xuất sắc là các trận đánh xảy ra từ 5h09′ đến 5h14′ ngày 21/12: chỉ trong vòng 5 phút các Tiểu đoàn 57, 77, 79 đã liên tiếp bắn rơi 4 chiiecs B.52 trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ, một kỷ lục về hiệu suất chiến đấu.

Riêng Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261), với hai quả đạn trong vòng 2 phút, liên tiếp bắn rơi 2 chiếc B.52, thực hiện đúng khẩu hiệu mình đề ra “một quả đạn tên lửa bắn rơi một B.52”. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt, sỹ quan điều khiển Nguyễn Văn Kiên, kíp trắc thủ: Thi, Lịch, Đài trở thành kíp chiến đấu nổi tiếng của bộ đội tên lửa phòng không.

Ráp sát thủ diệt B.52

Đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe cũng đã giảm sút nhiều; thế nhưng khi nhắc về những kỷ niệm sâu sắc của một thời trận mạc, gương mặt Trung tướng Lương Hữu Sắt (nguyên Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Quốc phòng) bừng sáng khi kể việc bảo đảm đạn cho tên lửa đánh máy bay Mỹ trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Ngày ấy, ông được cấp trên giao nhiệm vụ cùng với đội ngũ cán bộ Cục kỹ thuật Quân chủng tổ chức bảo đảm vũ khí trang bị cho các đơn vị hỏa lực của PK- KQ đánh máy bay Mỹ, trong đó có việc bảo đảm đạn cho các đơn vị tên lửa. Đầu năm 1972, khi mở chiến dịch Trị Thiên, trên đã lệnh cho Cục Kỹ thuật chuyển 700 quả đạn vào chiến trường. Thế nhưng do đường xa hiểm trở, đối phương lại đánh phá ác liệt nên ròng rã suốt 4 tháng trời mới chỉ chuyển được 400 quả đạn.

Tháng 4/1972, Mỹ ném bom ra miền Bắc, việc vận chuyển đạn phải ngừng lại. Trung đoàn 257, 275, rồi cả các đơn vị của Sư đoàn 361, 363 cũng lần lượt di chuyển ra Bắc, nhưng không chuyển đạn ra được. Tình hình đạn đạn tên lửa ở miền Bắc lúc ấy khá khó khăn. Cục Kỹ thuật phải tính toán giải quyết khó khăn này bằng cách phục hồi 300 quả đạn hỏng đang nằm ở kho Sóc Sơn (Quảng Ninh) từ năm 1967.

Quân chủng tổ chức 2 dây chuyền sản xuất đạn; chỉ thị cho Sư đoàn 361 và 363 tổ chức tiếp 2 dây chuyền nữa. Cán bộ, chiến sỹ lăn lưng ra làm việc không quản ngày đêm mới khôi phục được 300 quả đạn để cấp phát cho các đơn vị. Tháng 8/1972, số đạn Liên Xô hỗ trợ cho ta mới đến ga Đồng Đăng. Quân chủng giao cho Cục Kỹ thuật lập trạm tiếp nhận ở Lạng Sơn.

Để số đạn tên lửa kia về được mỗi trận địa; công đầu thuộc về cán bộ, chiến sỹ các tiều đoàn kỹ thuật. Đạn tên lửa được tháo rời từng bộ phận, đóng vào các hòm khác nhau: hòm đầu đạn, hòm đuôi, hòm cánh, hòm nhiên liệu… đến ga tàu phải dùng cần cẩu cẩu xuống. Khi vận chuyển, phải sử dụng xe chuyên dụng chở những thùng đựng đạn đến nơi cất giấu an toàn cách đó vài chục cây số, mà phải di chuyển trong đêm để tránh con mắt cú vọ của kẻ thù.

Ngay cả việc vận chuyển đạn tên lửa về trận địa Hải Phòng hay Hà Nội cũng gặp muôn vàn khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng rất cao. Chỉ cần sai sót nhỏ sẽ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, bởi, mỗi hòm là một bộ phận của quả đạn, tài liệu lại không đi kèm. Tuy vậy, tình trạng lạc hòm hay “nhầm lý lịch” đã không xảy ra. Cứ ròng rã tuần tự như thế, đến tháng 11/1972, 1.000 quả đạn tên lửa đã được chuyển an toàn từ nước bạn về Việt Nam.

Khi bước vào chiến dịch 12 ngày đêm, các đơn vị tên lửa trên miền Bắc cũng có một số đạn dự trữ, nhưng không đáng kể. Để phục vụ cho các trận địa tên lửa của Hà Nội và thành phố Hải Phòng có hai tiểu đoàn, hai dây chuyền sản xuất đạn. Họ được bổ sung thêm quân liên tục thay nhau sản xuất cả ngày lẫn đêm để kịp có đạn cho bộ đội chiến đấu.

Tuy nhiên, mới chỉ qua hai đêm đầu tiên của chiến dịch, nguy cơ thiếu đạn tên lửa đã xảy ra. Ngay cả khi Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ chủ trương dành tên lửa chỉ đánh B.52, thì hầu như đêm nào cũng có những tiểu đoàn phải đánh đến quả đạn cuối cùng. Bởi lẽ, mỗi một mục tiêu B.52 có khi ta phải bắn vài ba quả.

Đêm 18/12, ta bắn rơi 3 chiếc B.52; đêm 19, ta bắn rơi 2 chiếc B.52; đêm 20, số B.52 bị hạ gục đã lên tới 7 chiếc. Để khắc phục tình trạng thiếu đạn tên lửa, Tư lệnh Quân chủng trực tiếp giao nhiệm vụ cho tướng Sắt phải chỉ đạo tìm phương án tháo gỡ. Lúc bấy giờ chỉ có Tiểu đoàn kỹ thuật 95 đang sản xuất đạn phía bắc sông Hồng và Tiểu đoàn 80 sản xuất đạn ở Phùng. Tướng Sắt đề nghị điều tiểu đoàn kỹ thuật của Trung đoàn 274 tăng cường cho dây chuyền sản xuất tên lửa của Tiểu đoàn 80; điều đội lắp ráp đạn của xưởng A31 xuống tăng cường tiếp cho Tiểu đoàn 80.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho chiến đấu!”, “Tất cả cho sản xuất đạn tên lửa”, cả guồng máy lắp ráp đạn tên lửa được vận hành hết công suất. Sản lượng tăng gấp đôi. Thêm vào đó, trước đây vì bố trí các bãi lắp ráp đạn tên lửa ở xa nhau là để giảm tổn thất nếu bị Mỹ ném bom, nay tốc độ lắp ráp này không thể nào đáp ứng nổi. Qua nhiều ngày đêm cùng anh em trong đơn vị tìm tòi, Tiểu đoàn trưởng kỹ thuật Dương Quảng Châu đã đề ra sáng kiến mới: nạp nhiên liệu sẵn, lắp ráp đạn ngay trên xe kéo đạn và hợp lý hóa một số động tác kỹ thuật, vì thế mà năng suất lắp ráp đạn trong một ngày đêm tăng lên gấp đôi.

Nhờ vậy, tình trạng lắp ráp đạn không theo kịp yêu cầu chiến đấu đã cơ bản được giải quyết. Khi Mỹ đưa B.52 ồ ạt vào ném bom Hà Nội, miền Bắc đã có đủ cơ số đạn tên lửa để nghênh tiếp chúng. Điển hình là đêm 26/12, Mỹ sử dụng 105 lần chiếc B.52 đánh liên tục, tập trung vào nhiều mục tiêu quan trọng ở Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên; có 8 máy bay B.52 bị lưới lửa phòng không của miền Bắc bắn hạ.

Trường Minh
vietnamnet.vn

(còn tiếp)

Advertisement