Hơn 40 năm miệt mài sáng tạo, họa sĩ Trần Mai là người vinh dự được vẽ tranh cổ động cho 7 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc liên tiếp và đã được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về thể loại tranh này: Giải Ba cuộc thi vẽ tranh cổ động kỷ niệm Chiến thắng Moncada (Cu-ba) – năm 1978, giải Ba cuộc thi tranh cổ động quốc tế tại Liên Xô (cũ) – năm 1984, giải vàng Festival thanh niên sinh viên Thế giới tổ chức tại Bình Nhưỡng – năm 1989, giải Nhì cuộc thi sáng tác mẫu tem chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội…
Trung tuần tháng 9 vừa qua, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật ở 16 Ngô Quyền-Hà Nội, đã khai mạc triển lãm “79 mùa xuân” của họa sĩ Trần Mai. 79 bức tranh cổ động về Bác Hồ là tâm huyết suốt một đời cầm bút của người họa sĩ lão thành.
Họa sĩ Trần Mai quê gốc ở Thái Bình, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Với tình yêu hội họa từ nhỏ, ông đã không quản nắng mưa, hằng ngày đi bộ từ bãi Phúc Tân vào nội thành Hà Nội, lân la tại các phòng tranh, hóng chuyện các họa sĩ, nghệ nhân để học lỏm những yếu tố cơ bản của hội họa như hình họa, màu sắc, bố cục, phối màu, trang trí… Có thể nói, sự trưởng thành về hội họa của Trần Mai là do cuộc sống, do ông biết xả thân vào thực tiễn để tôi luyện cây bút vẽ của mình.
Họa sĩ Trần Mai bên một tác phẩm sắp hoàn thành
Được biết đến với nghề vẽ tranh cổ động từ trong kháng chiến chống Pháp, trở thành Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957 nhưng “kỷ lục” đầu tiên của Trần Mai là vào những năm kháng chiến chống Mỹ, nhất là những năm tháng Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc ác liệt, mỗi ngày ông đều cho ra đời một bức tranh cổ động. Trong ký ức của nhiều người Hà Nội thời bấy giờ còn nhớ rõ hình ảnh những tấm pa-nô, áp-phích trên tường nhà Bưu điện Hà Nội vào mỗi sáng vẽ những chiếc máy bay B52, những “thần sấm”, “con ma” của Mỹ bị quân dân ta bắn rơi. Đó vừa là tấm pa-nô tuyên truyền, vừa như bảng thông tin về thắng lợi của quân dân miền Bắc. Thuở ấy, ít nhà có đài nên mọi người chỉ nghe thông tin chiến sự qua loa truyền thanh và những tấm pa-nô như thế. Tác giả của những tấm pa-nô đầy chất thời sự đó chính là họa sĩ Trần Mai. Ngày nào ông cũng nghe ngóng tình hình chiến sự rồi đêm đến lại chong đèn vẽ suốt đêm để sáng hôm sau anh em có tranh cổ động kịp thời treo lên cho nhân dân ngắm nghía, trầm trồ bàn tán…
79 bức tranh cổ động-79 bức chân dung-79 mùa xuân dâng lên Bác, đó là tâm nguyện lớn lao trong suốt cuộc đời cầm bút vẽ của họa sĩ Trần Mai. Ông tâm sự: “Trong hai năm qua, hình ảnh Bác Hồ chiếm lĩnh gần như mọi suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của tôi. Đấy không chỉ là tình cảm đặc biệt của cá nhân tôi dành cho Bác, mà Người cũng chính là nguồn cảm hứng sáng tạo vô biên của tôi và đây sẽ là bộ sưu tập quý giá nhất trong hơn 40 năm cầm bút vẽ của tôi”.
Tuy nhiên, suốt những năm miệt mài đắm chìm vào từng nét cọ, không phải lúc nào ông cũng thành công. Có những bức ông buộc lòng phải bỏ đi, hoặc có những bức phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần cho giống, cho đúng chủ đề và cái quan trọng là truyền được cảm xúc của mình vào đó. Ông nói: “Vẽ về Bác rất khó! Làm sao phải toát lên được phong thái, cốt cách của Người. Vì vậy trong mỗi tác phẩm, tôi đều cố gắng thể hiện được hình ảnh của Bác, từ khuôn mặt, nụ cười, dáng ngồi, đôi tay…”. Hơn nữa, dòng tranh cổ động vốn mang tiếng là “khô khan”, bởi vậy, không chỉ truyền được cảm xúc của mình vào với các mảng màu, đường nét, hình khối, ông còn phải tìm cách làm “mềm hóa” những bức tranh ấy. Những câu thơ đã quen thuộc trong lòng nhân dân ta như: “Lời Bác dạy chúng con nghe rõ/ Mỗi lời Người vang vọng núi sông”, “Con cá rô ơi chớ có buồn/ Chiều chiều Bác vẫn gọi rô luôn” hay “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, “Mong manh áo vải hồn muôn trượng”… được Trần Mai dùng để đặt tên cho mỗi tác phầm của mình, để những bức tranh đi vào lòng người xem một cách tự nhiên và có sức sống lâu bền.
Với 79 bức tranh, họa sĩ Trần Mai đã cố gắng để vẽ nên cuộc đời của một con người vĩ đại. Suốt từ khi Bác ra đi tìm đường cứu nước, đến khi tìm được lý tưởng cách mạng, rồi dẫn dắt nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên làm người tự do, mỗi một thời điểm, một chặng đường trong cuộc đời Bác đều được họa sĩ Trần Mai tìm tòi, thể hiện bằng những hình ảnh đặc trưng, không trùng lặp nhau về ý tưởng, chủ đề. Cuộc đời giản dị và cao đẹp của Bác cũng được tái hiện trong tranh với hai gam màu chủ đạo là màu nâu và vàng. Điều đáng trân trọng là, dù sức khỏe không còn nhiều, nhưng họa sĩ Trần Mai vẫn cố gắng vẽ tất cả những bức tranh này bằng chính bàn tay cầm cọ của mình suốt hơn 40 năm qua, với những màu sắc tự nhiên chứ không dùng màu “ảo” và kỹ thuật đồ họa trên máy vi tính.
Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG
qdnd.vn