Chuyện đời thường của Nguyên soái G.Giu-cốp

Trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức xâm lược, Ghê-ô-ghi Giu-cốp là một trong số ít các vị nguyên soái tài ba lỗi lạc nhất, đóng góp công lao to lớn có tính quyết định vào chiến thắng quân thù. Tên ông đã trở nên nổi tiếng không những với các dân tộc của Liên bang Xô-viết mà còn vang khắp thế giới. Thế nhưng, trong một khoảng thời gian dài, đời sống riêng tư của ông thì không được “trơn tru” như ý sau danh hiệu được quân và dân Xô-viết phong tặng –“Nguyên soái chiến thắng”.

Mới đây, bà Ma-ga-ri-ta-con gái đầu lòng của ông đã cởi mở kể lại một số tình tiết trong cuộc sống gia đình vào “những năm tháng xa xưa ấy” với tuần báo Luận chứng và Sự kiện của Liên bang Nga.

Chuyện bắt đầu từ năm 1919

Năm 1919, Ghê-ô-ghi Côn-xtan-ti-nô-vích Giu-cốp lúc đó là Trung đoàn trưởng của Hồng quân Công nông Xô-viết, đã bị thương trong một trận kịch chiến với quân Bạch vệ phản cách mạng của tướng Côn-trắc, An-tô Ya-nin-người đồng đội của Giu-cốp đã cứu và đưa ông từ chiến trường rừng rực lửa đạn tới Xi-ri-xưn trên một chiếc xe ngựa kéo. Lúc đó người vợ chưa cưới của Ya-nin là Pô-li-na đã cùng với em gái mình là Ma-ri-a Vôn-khô-va (là mẹ của bà Ma-ga-ri-ta sau này) tới thăm ông. Thấy Giu-cốp nằm “cô đơn” trong quân y viện, họ đề nghị Ma-ri-a tới chăm sóc vị trung đoàn trưởng đang dưỡng thương này. Về sau, ông kể lại với con gái-bà Ma-ga-ri-ta: “Khi tỉnh giấc, bố thấy một cô gái có đôi mắt xanh như lá cây lưu ly”. Từ cái nhìn đầu tiên ấy, ông tuyên bố với Ya-nin: “Quả là tuyệt! Cậu hãy cưới Pô-li-na, còn tớ thì lấy Ma-ri-a”.

Tuy nhiên, Giu-cốp đã không kịp cưới Ma-ri-a. Ông được đi nghỉ dưỡng thương, còn Ma-ri-a thì trở về nhà bố mẹ. Mối tình đầu bị “tạm hoãn”. Năm 1921, Giu-cốp và Ya-nin trên đường công tác đã nghỉ đêm tại nhà của một vị mục sư ở tỉnh Vô-rô-ne-giơ. Khi họ đang ngồi uống trà thì Giu-cốp nghe thấy tiếng sột soạt. Ông nói nhỏ với Ya-nin: “Phía sau bếp này có ai đó đang cựa quậy”. Rồi đứng dậy và đi tới bếp lò, ông nói: “Nào, ai đó, hãy ra đây!”. Từ bếp lò, một cô gái vẻ luống cuống xuất hiện. Giu-cốp nhìn thẳng vào cô ta: “Cô là ai?”. Cô ta đáp: “Tôi là con gái của cha (linh mục-TG)”.Ghê-ô-ghi cười to với chiến hữu: “An-tôn, có lúc nào cậu nhìn thấy một cô con gái của cha không?”. Rồi ông mời cô ta ngồi vào bàn. “Khởi đầu” của câu chuyện đầu tiên của Giu-cốp và cô gái A-lếch-xan-đra Zui-cốp-va đã diễn ra như vậy. Rồi tự nhiên họ đã thành “đôi lứa”.

Mấy năm sau, Giu-cốp mới tìm gặp được bà Ma-ri-a Vôn-khô-va và lại thành “đôi lứa”, (có thể vì bà Zui-cốp-va không có con). Vậy là người trung đoàn trưởng mưu lược tài năng này phải “sống giữa hai mặt trận”(!). Năm 1929, bà Ma-ri-a sinh được cho ông người con gái đầu tiên-bà Ma-ga-ri-ta sau này-thì Giu-cốp muốn “thoát khỏi” bà Zui-cốp-va. Nhưng bà này đâu có chịu, bà yêu cầu để Ma-ga-ri-ta cho bà nuôi, nếu không thì bà sẽ bêu xấu ông khắp thế gian. Và sau đó bà Zui-cốp-va cũng đã viết đơn tố cáo Giu-cốp lên cấp trên khiến ông bị “cảnh cáo đảng” vì tội “lấy hai vợ”.

Trước việc này, do bà Zui-cốp-va vô sinh, nên họ đã nhận bé gái E-ra làm con nuôi năm 1928, và tới năm 1937 còn nhận thêm En-la. Hai cô gái này luôn luôn cho rằng mình là con ruột đích thực của Giu-cốp và Zui-cốp-va. Bà Ma-ga-ri-ta cũng như nhiều bà con họ hàng ruột thịt không trách điều đó, vì vào thời ấy việc “nhận con nuôi” thì sẽ bị “rắc rối to” theo pháp luật. Hơn nữa, vì bà Zui-cốp-va thực sự bị bệnh “vô sinh” nên việc nhận con nuôi cũng như “nhận thêm” con đẻ của bà Ma-ri-a là để tạo lập một gia đình đàng hoàng và chủ yếu là để giữ được Giu-cốp bên mình. Biệt hiệu “người đeo bám” được người thời đó tặng cho bà A-lếch-xan-đra Zui-cốp-va vì bà đã “có công” níu giữ Giu-cốp, quyết không cho ông “lòng thòng” với những phụ nữ khác, vì lúc đó có biết bao nhiêu người đẹp ngưỡng mộ ông.

Giu-cốp và người vợ cuối Ga-li-na Xê-mi-ô-nốp-na cùng con gái út Ma-sa. Ảnh tư liệu

Con đích thực-bố đích thực?

Bà Ma-ri-a Vôn-khô-va có được đứa con gái với Giu-cốp, rất tự hào điều này, nhưng cũng không chịu đựng nổi với tình thế lúc đó. Khi chị gái bà là Pô-li-na mất vì bệnh thương hàn, người chồng Ya-nin phải vừa chiến đấu vừa chịu cảnh “gà trống nuôi con”. Do vậy, bé Vô-lô-đi-a 3 tuổi được dì Ma-ri-a nuôi dưỡng. Và từ khi Ya-nin hy sinh trên chiến trường thì bà Ma-ri-a làm mẹ nuôi của các đứa con người chị gái… Ma-ga-ri-ta lại có thêm em nuôi nhưng vẫn chưa rõ được bố đẻ mình.

Sau một thời gian dài “nóng ruột tìm hiểu sự thật” thì Ma-ga-ri-ta được mẹ đẻ vừa cho tờ giấy chứng nhận khai sinh, ở mục bố đẻ ghi “Bố-Ghê-ô-ghi Côn-xtan-ti-nô-vích Giu-cốp”. Lập tức con gái Ma-ga-ri-ta viết thư cho bố ngoài chiến trường và được bố viết thư trả lời ngay. Từ đó bố và con luôn viết thư cho nhau trong suốt cuộc chiến tranh. Sự liên lạc qua lại giữa hai bố con được thông suốt là nhờ cô y tá Li-đa Gia-kha-rô-va. Sau mấy lần bị thương, sức khỏe ông “có vấn đề” nên cấp trên đã biệt phái một nữ y tá 19 tuổi-cô Li-đa-để trực tiếp chăm sóc ông. Và giữa họ đã xảy ra “chuyện tình cảm” khó tránh khỏi.

Trong những năm tháng lửa đạn chiến tranh khốc liệt đó, “bà đầu tiên” A-lếch-xan-đra Giui-cốp-va không để cho vị nguyên soái này yên. Bà luôn luôn “đánh thức” ông, thậm chí có lúc ra ngay chiến trường để “kiểm tra và kiềm chế” ông. Ông rất bực dọc, khổ tâm, có lần nói với cô y tá: “Li-đa, cái người luôn luôn “đeo bám” ấy lại tới quấy rầy đấy!”. Cũng may, Giu-cốp là vị danh tướng tài ba luôn luôn say sưa, đam mê suy nghĩ về chiến lược, chiến thuật để giành chiến thắng trước quân thù nên mọi cái “râu ria”, “nhỏ nhặt” đó ông đã bỏ qua.

Sau chiến tranh, người nữ y tá Li-đa gọi điện cho con gái Giu-cốp: “Ma-ga-ri-ta Ghê-ô-ghi-ép-na, tôi mời chị tới chỗ tôi dùng trà”. Ma-ga-ri-ta đến, đi vào nhà bếp thấy một người đàn ông rất giống mình bèn hỏi nhỏ Li-đa: “Ai đấy?”. Cô y tá cười: “Chính là bố chị đấy!”. Hai bố con gặp nhau hàn huyên tâm sự ở “nhà một người khác”. Nhưng rồi vị nguyên soái này cũng buộc phải rời cô y tá Li-đa. Bà Giui-cốp-va đã viết tới 10 bức thư tố cáo sự việc đó, khiến cấp trên phải thải hồi cô. Khi Li-đa bị đưa ra khỏi Quân y viện của Bộ Quốc phòng và trả về Mát-xcơ-va, ông đã giúp đỡ cô tìm được việc làm và một căn hộ ở khu chung cư. Về sau bà đã kết duyên với một vị trung tá về hưu.

Thực ra, Nguyên soái Giu-cốp đã rất nhiều năm phải sống với “người mình không yêu”. Còn bà Giui-cốp-va, ngoài chuyện vô sinh lại là người thích mua sắm các đồ dùng xa xỉ, khoe khoang của cải, hợm hĩnh… Ông rất khổ tâm nhưng vẫn không dứt ra được. Có lẽ cũng do vậy mà ông đã “ga lăng” với một vài phụ nữ thấy “ý hợp tâm đồng”. Ví như chuyện ông với một bác sĩ thạo nghề xoa bóp chữa trị bệnh viêm rễ thần kinh ở một bệnh viện cao cấp của quân đội. Nữ bác sĩ Ga-li-na Xê-mi-ô-nốp-na này tận tình xoa bóp chữa trị cho ông, kết quả nhiều lần hoàn toàn “như ý”. Do hằng ngày “lửa gần rơm” nên họ đã bén duyên. Kết quả của “cuộc tình lãng mạn” này là cô gái Ma-sa ra đời vào năm 1957, là con gái út của ông.

Lần này thì bà Giui-cốp-va “mạnh tay” hơn viết đơn lên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô yêu cầu đày kẻ chia uyên rẽ thúy kia tới Xi-bia. Đáp lại, vị nguyên soái này đã thu gói đồ đạc của mình rời khỏi gia đình đó. Đây là một dịp để Khơ-ru-sốp (lúc đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô) lợi dụng để đả kích Giu-cốp. Vốn hiềm khích với vị nguyên soái được quân và dân Xô-viết yêu kính, ông ta đã đưa “vụ án” về đạo đức và đứa con gái ngoài giá thú của Giu-cốp ra xem xét ở Đoàn Chủ tịch (sau này là Bộ Chính trị-TG).

Vậy là, trong cái gia đình “nhiều vợ” của vị nguyên soái lừng danh này có 4 cô con gái mà ai cũng cho mình là con đích thực của bố Giu-cốp. Nhưng thực ra chỉ có hai người, Ma-ga-ri-ta giống bố như đúc. Tuy về sau tất cả họ đều “ăn nên làm ra”, nhưng sự gắn bó ruột thịt thì “chưa được như ý”.

Để giữ mãi kỷ niệm đầy ý nghĩa về người cha nổi tiếng của mình, người con gái cả đích thực Ma-ga-ri-ta đã lập ra Quỹ “Ghê-ô-ghi Giu-cốp”. Bà nói: “Những gian kế mà Khơ-ru-sốp đã bày trò để mưu hại Giu-cốp chưa thấm vào đâu so với việc ngày nay một vài nhân vật có tiếng cố tình gièm pha tên tuổi của Ghê-ô-ghi Giu-cốp. Do vậy, tôi quyết định lập ra quỹ mang tên cha tôi để quảng bá cho di sản của ông”.

Quỹ này đã được nhiều cá nhân và tổ chức xã hội của nước Nga nhiệt tình tham gia. Và kết quả đầu tiên rất thành công là xây dựng được tượng Giu-cốp trên quảng trường Ma-nhét ở Mát-xcơ-va do nhà điêu khắc Via-trê-xláp Clư-cốp tạc tượng. Ông đã lấy hình mẫu của người con gái đích thực của vị Nguyên soái Chiến thắng-bà Ma-ga-ri-ta để tạo mẫu bức tượng bán thân đặc biệt này.

Nguyễn Hữu Dy
qdnd.vn