Chương X – Thông tin và liên lạc

Đánh du kích cần xếp đặt thông tin và liên lạc cho nhanh chóng, chắc chắn và chu đáo. Không có thông tin và liên lạc với các nơi thì đội du kích đứng chơ vơ giữa trời, không làm gì được.

Thông tin và liên lạc của du kích phần lớn nhờ cậy vào dân chúng. Người phụ trách thông tin và liên lạc phải chọn người nhanh nhẹn, chắc chắn và khôn khéo, dùng lối đi bộ, đi ngựa, đi xe, đi thuyền để đưa tin tức. Lúc cần phải dùng nhiều người, đi nhiều đường phòng khi người này bị trắc trở, đường này bị trắc trở thì còn người khác, đường khác. Hẹn nhau phải hẹn nhiều địa điểm, nhiều giờ khác nhau phòng khi địa điểm này hay giờ này bị trắc trở còn địa điểm khác, giờ khác. Phải ước định với nhau dấu hiệu hẹn nhau như: ở gần núi thì dùng tiếng chim kêu, gần làng thì dùng gà gáy, chó sủa; dọc đường phải có dấu hiệu riêng như ở rừng thì vạch da cây (1) , ở làng thì dùng dấu riêng viết trên tường. Ban đêm thì có thể đốt lửa, ban ngày có thể hun khói hoặc dùng lối khác thông tin liên lạc với nhau. Phải chờ lúc đội du kích phát triển nhiều thì mới có cách thông tin liên lạc bằng dây thép và vô tuyến điện.

cpv.org.vn

——————————

1. Sự kiện thành lập Đảng: Vào những nǎm 1928-1929, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta tiếp tục dâng lên khắp đất nước. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã được truyền bá mạnh mẽ trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Một trào lưu cách mạng mới xuất hiện, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của một chính đảng thực sự của giai cấp công nhân.

Những phần tử tiên tiến trong phong trào cách mạng đã nhận thức được tình hình đó và đã đứng ra thành lập những tổ chức cộng sản đầu tiên.

Ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Hà Nội. Đông Dương Cộng sản Đảng ra Chánh cương, Tuyên ngôn, nêu rõ đường lối của Đảng là làm cách mạng dân chủ tư sản do giai cấp vô sản lãnh đạo, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hành công nông liên hiệp. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã thúc đẩy phong trào cộng sản ở trong nước tiến mạnh. Tháng 7-1929, An Nam Cộng sản Đảng cũng được thành lập. Tháng 9-1929, những đảng viên ưu tú của Đảng Tân Việt ra tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

Trong vòng 4 tháng, ba tổ chức cộng sản liên tiếp ra đời. Sự kiện đó chứng tỏ việc thành lập Đảng Cộng sản là yêu cầu phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam nǎm 1929. Nhưng lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cũng như nguyên tắc tổ chức của chính đảng Mác – Lênin không cho phép tồn tại tình hình là trong một nước mà có ba tổ chức cộng sản. Vì vậy tổ chức một Đảng duy nhất của giai cấp công nhân là yêu cầu bức thiết của phong trào cách mạng ở Việt Nam lúc đó.

Nhận được tin có các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, Quốc tế Cộng sản đã gửi thư kêu gọi các tổ chức cộng sản này thống nhất lại.

Sau khi nắm được tình hình trên, Nguyễn ái Quốc, với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng đã cử đại biểu đến dự Hội nghị. Riêng Đông Dương Cộng sản liên đoàn, không kịp cử đại biểu đến dự được, sau Hội nghị này đã xin gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị hợp nhất mang tầm vóc lịch sử của một Đại hội thành lập Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Tr.10.

Advertisement