Chương IX – Phá hoại

Phá hoại là phần rất trọng yếu trong cách đánh du kích. Phá hoại có thể ngǎn cản được đội máy móc, đội kỵ mã và làm chậm trễ đội bộ binh (bộ binh là lính đi đất) của giặc.

Muốn phá hoại phải có dân chúng ủng hộ và giúp sức. Đồng thời dân phải làm vườn không nhà trống thì mới có hiệu quả nhiều. Quân giặc đến đâu, đường sá, cầu cống đều bị phá tiệt, lại phải đói khát khốn khổ.

A- Nguyên tắc trọng yếu của cách phá hoại.

Trước khi phá hoại phải xét rõ phá hoại như thế thì thiệt hại quân giặc như thế nào và có thiệt hại gì cho ta không.

2 1 . Trước khi thi hành phá hoại phải hiểu rõ tình hình quân giặc gần đó. Phải hiểu rõ con đường hay cầu cống mình định phá hình thế ra sao, tiếp giáp với núi sông thế nào.

3. Lúc phá hoại phải xếp đặt đội yểm hộ (đội yểm hộ là đội phụ trách che chở cho số người phá hoại). Đội yểm hộ phải đóng những nơi quân giặc có thể qua lại, nếu quân giặc yếu, đội yểm hộ có thể giải quyết được thì giải quyết nếu không đủ sức giải quyết thì lờ đi (nếu quân giặc không đi đến chỗ đường phá hoại) hoặc che chở số người phá hoại rút lui cho an toàn.

4. Phải chọn: a) thời gian, b) cơ hội, c) địa điểm.

a) Thời gian nên chọn ban đêm vì dễ bí mật.

b) Chọn cơ hội thì phải chú ý lúc nào phá hoại thì hại nhiều cho quân thù và lợi nhiều cho ta. Ví dụ: chúng ta đã biết ngày nào, giờ nào có đoàn xe của giặc đi qua con đường nào, thế là trước ngày ấy, giờ ấy, chúng ta đã phá hoại xong đường sá, cầu cống quân giặc sắp đi qua làm cho chúng bị đổ xe, tổn hại. Hoặc chúng ta đã biết giặc sắp đi qua con đường nào để tiến công chúng ta. Chúng ta lập tức phá hoại cầu cống, đường sá rồi ẩn núp gần đó, chực quân giặc đến, bối rối với chỗ phá hoại là chúng ta phục kích.

c) Còn địa điểm thì nên chọn nơi nào ? Phải chú ý hai mặt: một là nơi nào quân giặc ít chú ý canh gác tuần phòng, có thể tiến hành việc phá hoại dễ dàng. Hai là nơi nào hiểm yếu khó sửa chữa.

B- Cách thức phá hoại.

1. Phá hoại các thứ dây thép thì nên chọn các đoạn dây vượt qua sông núi hoặc ở đường ngã ba, ngã tư, vì phá hoại những chỗ ấy rất khó sửa chữa. Phải phá hoại cả cột lẫn dây. Nếu phá hoại để dụ quân giặc đến sửa chữa rồi đánh úp chúng thì nên chọn nơi có chỗ ẩn núp tốt.

Phá hoại xong phải vất hay huỷ những vật liệu đã bị phá hoại như cột dây thép, bình sành, giǎng dây, không để cho quân giặc dùng làm lại. Còn dây thép mang đi được thì mang, không mang được thì cũng huỷ tiệt.

Muốn cho quân thù khó tìm ra chỗ phá thì có thể dùng dây chì buộc vào dây thép rồi cho thông xuống đất, nếu có cột sắt thì cứ dùng chì nối dây thép với cột sắt làm cho luồng điện chạy qua cột sắt rồi chạy xuống đất. Dây bọc cao su thì cắt đứt một đoạn dây thép rồi bọc cao su lại như cũ. Phá như thế thì quân thù khó tìm ra chỗ bị phá. Lúc phá hoại dây thép chú ý không để điện giật. Phải mang bao tay da, lúc giông to, sấm sét thì phải thôi ngay.

2. Phá hoại cầu cống. Cầu gỗ, cầu tre, cầu phao (cầu phao là cầu kết thuyền làm) thì dùng chất cháy mà đốt, hoặc tháo gỗ, tháo tre, tháo thuyền. Cầu đá thì đào phá hoặc dùng thuốc nổ để phá. Cầu sắt thì phải có người chuyên môn dùng thuốc nổ mà phá.

3. Phá hoại đường xe hoả. Phải phá chỗ khó sửa chữa. Cách phá: có thể vặn đinh ốc để tháo đường ray. Nếu có người chuyên môn và có đủ đồ phá hoại thì có thể làm cho đường xe hoả vô dụng.

4. Phá hoại đường ô tô. Phá đường để chuẩn bị đánh úp, thì nên phá chỗ dễ ẩn núp. Nếu không thì chú ý phá nơi nào khó sửa chữa nhất, nơi đường quanh, lên dốc, xuống dốc, nơi qua sông. Nếu muốn đánh lừa làm hại quân giặc thì sau khi phá lấy ván lát lại rồi rải đất như đường thường. Xe ô tô quân giặc đi qua là đổ ngay. Chỗ con đường kẹt giữa núi có thể xô đá lấp hẳn đi. Chỗ thấp có thể tháo nước tràn ngập.

5. Phá đồn luỹ, thành quách. Đồn luỹ, thành quách là nơi chống giữ rất tốt của quân giặc, vì chúng có súng ống tốt. Chúng ta lấy được là phải phá huỷ ngay, vì chúng ta không thể nương dựa vào thành luỹ để chống lại với súng ống tốt của giặc.

Ví dụ: ở Hoa Bắc, các đội du kích của Đội quân thứ 8 thường tổ chức dân chúng phá hoại các đường ô tô, đường xe hoả, cầu cống, các thứ dây thép của Nhật. Chỉ trong một đêm, hàng mấy chục cây số bị phá hoại. Quân Nhật phải hao tổn nhiều mới sửa chữa lại, nhưng rồi lại bị phá hoại. Cứ như thế không biết bao nhiêu lần.

cpv.org.vn

Advertisement