Chương XI – Chín thứ đất

Trong phép dùng binh có 9 thứ đất: tán địa, khinh địa, tranh địa, giao địa, cù địa, trọng địa, kỷ địa, vi địa, tử địa.

1- Các chư hầu tự đánh nhau trong nước mình gọi là tán địa. (Vì lòng binh lính tản mạn, không chuyên nhất).

Tán địa thì chớ đánh. (Trước phải làm cho quân ta chí khí chuyên nhất).

2- Quân ta vào đất người, nhưng chưa vào sâu gọi là khinh địa. (Vì quân ta giác ngộ chưa sâu).

Khinh địa thì chớ dừng lại. (Phải làm cho quân ta giác ngộ sâu hơn).

3- Ta lấy được chỗ đó thì ta lợi. Địch lấy được chỗ đó thì địch lợi, gọi là tranh địa. (Như những nơi trọng yếu, bên nào cũng muốn tranh lấy).

Tranh địa thì chớ đánh. Ta phải bao vây phía sau.

4- Ta có thể qua, địch có thể lại, gọi là giao địa. (Vì giao thông dễ dàng).

Giao địa thì chớ tuyệt. Ta phải giữ cẩn thận.

5- Đất trung lập, giáp giới nhiều nước. Ai đến trước thì được dân thiên hạ, gọi là cù địa.

Cù địa thì ta ngoại giao cho khéo.

6- Vào sâu đất người, xung quanh nhiều thành thị làng mạc, gọi là trọng địa.

Trọng địa thì mau tranh lấy lương thực.

7- Chỗ nhiều rừng núi đầm ao hiểm trở, gọi là kỷ địa. Gặp kỷ địa thì kéo đi mau.

8- Đường vào thì hẹp, đi quanh co mới đến. Địch ít người cũng có thể đánh ta người đông, gọi là vi địa. (Rừng núi bao vây, tiến thoái đều khó).

Vi địa thì phải dùng mưu. Chắn giữ những nẻo đường ra vào.

9- Chỗ đó nếu đánh mau thì sống, không đánh mau thì chết, gọi là tử địa.

Gặp tử địa thì phải kiên quyết đánh.

Cho nên người tướng giỏi phải khiến cho địch phía trước, phía sau không giúp được nhau, chỗ đông chỗ ít, không cứu được nhau, kẻ trên kẻ dưới không ưa nhau, quan lính không ưa nhau, lính tráng không cùng nhau đồng tâm hiệp lực.

Lợi cho ta thì ta động. Không lợi cho ta thì ta tĩnh.

Nếu quân địch một cách chỉnh tề kéo đến, thì ta nên tạm tránh chủ lực của nó. Ta nên trước – cướp lấy những chỗ rất cần cho nó, (như những nơi nó để kho tàng, những đường giao thông của nó…) thì nó phải thoái.

Việc binh quý mau chóng. Ta đi theo con đường địch không ngờ, đánh vào chỗ địch không phòng bị.

Quân ta vào sâu đất người, thì lòng họ chuyên nhất. Ta lấy lương thực ở nước địch, quân đội ta ǎn no.

Ta cẩn thận nuôi dưỡng họ chớ bắt họ lao khổ quá để nâng cao khí lực của họ. Ta đặt kế hoạch khôn khéo, thình lình đánh vào quân địch. Thế thì quân đội ta ai cũng không sợ chết, ai cũng hết sức đánh.

Hễ quân lính đã đến chỗ xung quanh đều địch nhân, thì lòng họ kiên cố. Vào sâu đất địch, tinh thần họ bị ràng buộc, thì họ nhất trí ra sức đánh.

Cho nên quân ta không chờ khuyên rǎn, mà họ tự giữ. Không chờ dặn dò mà họ tự nghe. Không chờ dạy bảo mà họ tự thân thiết với nhau. Không chờ mệnh lệnh mà họ tự tin.

Ta phải cấm sự mê tín, và đề phòng sự tuyên truyền của địch. Thế thì dù chết quân ta cũng không muốn thoái.

Quân ta không ham thừa tiền, không phải vì họ ghét của. Họ không sợ chết, không phải vì họ ghét sống lâu. (Nhưng vì không bị sự ham muốn vật chất bó buộc, thì chí khí càng kiên quyết). Khi có lệnh ra đánh thì những người đương bị bệnh, cũng hǎng hái khóc lóc muốn theo ra trận.

Cho nên dùng binh khéo thì như con rắn: “thốt nhiên”. Thốt nhiên là một thứ rắn ở Thường Sơn. Đánh đầu nó thì đuôi nó cứu, đánh đuôi nó thì đầu nó cứu. Đánh lưng nó thì đầu đuôi nó đều cứu.

Thử hỏi, có thể khiến cho quân đội như con rắn thốt nhiên không? Có thể lắm. Người nước Ngô và người nước Việt xưa nay vẫn không ưa nhau. Nhưng họ đi chung một chiếc thuyền gặp cơn sóng gió thì họ cũng hết lòng cứu nhau, như tay phải cứu tay trái.

Bởi vậy cần phải làm cho người yếu cũng nhất trí với người mạnh. Phải lợi dụng địa thế đất cứng cũng như địa thế đất mềm. (Cứng mềm là gần xa, rộng hẹp, hiểm bằng, sinh tử).

Người làm tướng phải yên tĩnh không để ai dò được mình. Phải nghiêm chính, lo xa và làm việc có hệ thống.

Phải bưng bít tai mắt binh lính, không cho họ biết kế hoạch của mình. (Phải rất bí mật).

Phải thường thay đổi cách làm việc, thay đổi cách dùng mưu, làm cho người ta không dò đoán.

Phải thường đổi chỗ ở, đổi đường đi, làm cho người ta không biết được.

Đem quân ra trận, như trèo lên tường cao rồi cất cầu thang. Đem quân vào đất địch, thì như nẩy cò súng, (nghĩa là kiên quyết tiến tới, không nghĩ đến giở về). Như lùa bầy dê, đem đi thì đi, đem lại thì lại, họ không biết là đi đâu.

Đem quân đến chỗ nguy hiểm là việc của tướng. Vậy nên tướng cần phải hiểu rõ chín sự biến đổi của địa thế, phải hiểu rõ lúc nào nên tiến, lúc nào nên thoái. Phải hiểu rõ tâm lý của người. Quân đội ta vào đất người vào cạn thì lòng họ rời rạc, vào sâu thì lòng họ nhất trí. Cho nên lúc bị vây thì họ ra sức chống cự, bất đắc dĩ thì họ ra sức đánh, bị bức thì họ liều.

Quân đội giỏi, đánh nước lớn thì quân địch không tập trung được; ra oai với địch, thì bầu bạn nó không nhóm họp được. Cho nên ta lấy được thành và huỷ được nước địch.

Thǎng thưởng rất rộng rãi, mệnh lệnh rất nghiêm ngặt, chỉ huy ba quân cũng như sai khiến 1 người.

Bảo họ làm việc, chớ nói nhiều lời.

Cho họ biết lợi, chớ nói đến hại.

Ném vào chỗ mất, thì họ mới còn.

Hãm vào chỗ chết, thì họ mới sống.

Đẩy vào chỗ hại, họ mới làm nên thắng lợi.

Cho nên trong việc dùng binh, ta giả đò theo ý của địch, nhưng ta ra sức theo một phương hướng, thì ta có thể nghìn dặm phá địch.

Thế thì gọi là khéo làm thì thành công.

Vậy nên khi đã định dùng binh, thì phong toả các lối giao thông, huỷ các giấy thông hành, không qua lại với địch nữa, ta tự sửa soạn công việc.

Địch mở hé cửa ải, thì ta lập tức xông vào. Trước ta tranh lấy những nơi quan trọng của địch, (như cửa bể, thành trì, …), một mặt thì ta luôn luôn dự bị cùng địch quyết chiến.

Cho nên ban đầu thì lặng lẽ như người con gái tơ. Khi địch mở cửa thì ta nhanh chóng như thỏ rừng, địch không trở tay kịp.

cpv.org.vn

Advertisement