Hội nghị Fontainebleau khai mạc – Hồ Chủ Tịch không tham gia hội nghị.
Chủ tịch là thượng khách của Chính phủ Pháp mời qua chơi, nên không tham dự vào Hội nghị Fontainebleau.
Ở cung Fontainebleau có treo quốc kỳ Việt – Pháp. Khi hai phái đoàn tới, đội âm nhạc cử quốc ca hai nước. Ông Max André đứng dậy đọc diễn vǎn khai mạc. Đoàn trưởng Việt Nam là ông Phạm Vǎn Đồng trả lời. Trước là tỏ lòng cảm ơn Chính phủ và Đoàn đại biểu Pháp. Rồi nhắc đến việc vận động độc lập của dân Việt Nam. Ông Đồng nói tiếp:
“Trong lúc dân Việt Nam ra sức chống Nhật, thì chính phủ Vichy lại bán Đông Dương cho kẻ thù. Đến tháng 8 nǎm ngoái, dân Việt Nam nổi dậy tranh lấy chính quyền, tổ chức nước Cộng hoà dân chủ. Lúc đó Việt Nam đã thành một nước độc lập. Khắp Trung, Nam, Bắc phất phới lá cờ đỏ sao vàng. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, các địa phương đã bắt tay vào công tác trong cuộc hoà bình mới, để kiến thiết Tổ quốc Việt Nam.
Nhưng hoàn cảnh thình lình thay đổi: quân đội Pháp lại kéo vào, cuộc chiến tranh lại bùng nổ. Rồi đến Hiệp định ngày 6-3.
Chúng tôi lấy làm đau đớn mà phải nói rằng: người Pháp ở Việt Nam không thi hành đúng theo những khoản trong Hiệp định. Họ đã không đình chiến, lại tìm cách lấn thêm. Gần đây, họ lại chiếm vùng Kontum ở Trung Kỳ. Họ có những hành động táo bạo ở Bắc Kỳ, như việc chiếm Phủ Toàn quyền cũ.
Nhưng trước hết, chúng tôi hết sức phản đối sự chia rẽ Tổ quốc của chúng tôi, hết sức phản đối sự người Pháp ở Sài Gòn lập ra một nước và một Chính phủ Nam Bộ.
Thưa các ngài, Hiệp định ngày 6-3 đã để cho quân đội Pháp dễ dàng đi vào miền Bắc. Song đồng thời họ lại khiêu khích ở miền Nam. Chúng tôi phải nói thật rằng: cách hành động đó không giúp cho cuộc đàm phán thêm dễ dãi, không làm cho sự cộng tác giữa hai dân tộc Việt – Pháp có kết quả mau.
Chúng tôi muốn cộng tác. Vì chúng tôi yêu mến Tổ quốc của chúng tôi, cho nên chúng tôi muốn cộng tác với nước Pháp, trong một đại gia đình gồm những nước dân chủ tự do.
Chúng tôi muốn tham gia vào Liên bang Pháp quốc, xây đắp trên cái nền bình đẳng, bác ái.
Chúng tôi hiểu rằng: đó là chính sách của nhà đại chính trị là Chủ tịch Bidault, một vị lãnh tụ mà chúng tôi rất kính trọng. Chúng tôi tin rằng nếu theo chính sách đó thì cuộc đàm phán sẽ có kết quả hay”.
Đoàn trưởng Việt Nam nói xong, thì đoàn trưởng Pháp đề nghị: Hôm nay tạm nghỉ.
11 giờ, Tướng Gentilhomme đến thǎm Cụ Chủ tịch.
12 giờ, mấy vị cố đạo Việt Nam ở Paris và ở Bruxelles đến chào Hồ Chủ tịch, rồi ở lại ǎn cơm trưa. Cả ông bà Nguyễn Mạnh Hà cũng đến.
Hôm đó, Hội kỷ niệm cố đạo Grégoire mời. Cụ Chủ tịch không đi được. Cụ viết thơ và phái người đến tham gia. Cố đạo Grégoire là một người rất hǎng hái trong thời kỳ đại cách mệnh Pháp. Ông ra sức đề sướng quyền tự do, bình đẳng cho tất cả các dân tộc, bất kỳ trắng, đỏ, vàng, đen. Ông kịch liệt phản đối dân tộc này áp bức dân tộc khác.
Chợ đen ở pháp rất phát triển – cụ chủ tịch có bầy cháu pháp – việt .
Ngày 7 tháng 7
Hôm nay là ngày chủ nhật. Nhiều kiều bào tới thǎm chào Cụ Chủ tịch. Có các anh em lính chiến và lính thợ ở các nơi xa đến. Các anh em trí thức cũng đến đông, như bác sĩ Tiệp ở Perpignan về.
12 giờ, Tướng Salan đưa con và em giai là bác sĩ Salan đến thǎm Cụ Chủ tịch.
8 giờ chiều, thành phố Versailles mời Cụ Chủ tịch đi xem hội đốt pháo hoa. Có nhiều pháo thǎng thiên rất khéo. Các vòi nước phun ra, nơi thì như những bức tượng thuỷ tinh, nơi thì như những dàn hoa non bộ. Hội diễn ở bên bờ hồ. Chung quanh hồ là vườn hoa. Đèn chiếu sáng như ban ngày. Khi đốt pháo và mở nước thì tắt đèn. Hoa pháo lẫn với hoa nước, nước lẫn với pháo, cả nước cả pháo chiếu xuống mặt hồ, xem rất là đẹp. Lại có nhảy múa và âm nhạc. Cuộc nhảy múa rất đặc biệt. Những người múa mặc áo rất đẹp, tay cầm màn lụa lượn qua lượn lại, có các đèn xanh đỏ chiếu vào: từ xa trông vào như rồng bay phượng múa, hoa nở mây tuôn, cực là xinh đẹp.
Cuộc vui mãi tới 11 giờ mới tan.
Tin tức: Hôm qua Hội bệnh lao khai đại hội ở Paris. Đại hội sẽ làm việc trong 3 ngày.
Hội này có 3 vạn hội viên. Theo lời báo cáo thì nước Pháp có 80 vạn người ho lao.
Nǎm nay so với nǎm trước, số người ho lao tǎng thêm 30 vạn. Có nhà thương, nhưng ít quá. Đại hội yêu cầu làm thêm nhà thương, và phế bỏ cách bóc lột những người có bệnh.
Theo các báo Pháp thì chợ đen ở Pháp phát triển lắm. Trong một nǎm mà chợ đen bán lậu đến 50 triệu kilô bánh mì và làm 40 vạn cái bông giả. Chỉ trong 6 tháng mà bọn buôn lậu xoay được 195 triệu tiền ngoại quốc, 27 triệu tiền Pháp, 200 kilô vàng, 173 triệu hàng hoá khác. Từ tháng 1 đến tháng 6, sở kiểm tra bắt được 173 người buôn lậu.
Ngày 8 tháng 7
12 giờ, Cụ Chủ tịch tiếp vợ chồng ông Marane, cựu Chủ tịch quận Seine. Ông Coste, nghị viên Quốc hội. Vợ chồng ông Poldès, vǎn sĩ. Có mời cả vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Hà ǎn cơm với khách.
5 giờ, Đô đốc Missoff thết tiệc trà hoan nghênh Cụ Chủ tịch. Ông Missoff có nǎm người con trai đều tham gia kháng chiến, và một người con gái Jacqueline 13 tuổi, rất mến Hồ Chủ tịch, và gọi Cụ bằng Bác Hồ. Từ lúc đến Paris, Cụ Chủ tịch đã có một bầy cháu giai, cháu gái, Pháp có, Việt có.
Mấy hôm nay, báo Pháp và ngoại quốc luôn luôn nói đến việc nước ta.
Tin tức là: 1) Hãng thông tin Nhật “Kyodo” bảo rằng ở xứ Nagono, một người đàn bà nông dân đẻ ra đứa con gái có 2 mình, 2 đầu, 4 chân, 4 tay, nhưng 2 mông đít dính nhau.
2) Người Pháp, người Bỉ và người Thuỵ Sĩ thi viết chữ tắt. Người Pháp là cô Annes Guillot viết mỗi phút 288 chữ, được giải nhất.
3) Tỉnh Piète phía Bắc nước Pháp, trong thời kỳ chiến tranh, 40 vạn mẫu đất đều bị người Đức chôn địa lôi. Từ ngày hết chiến tranh, Chính phủ Pháp dùng 3.500 người Pháp và 38.000 tù binh Đức để đào địa lôi. Trong lúc đào, 48 người Pháp và 141 người Đức bị nổ chết, 59 người Pháp và 181 người Đức bị thương. Đến ngày hôm kia đào được 50 vạn quả địa lôi.
Hội pháp – việt là hội lập ra để ủng hộ nền độc lập Việt Nam hoan nghênh cụ chủ tịch – cụ chủ tịch đi gặp thủ tướng bidault, nói chuyện đến 12 giờ đêm.
Ngày 9 tháng 7
8 giờ sáng, ông Trive, là Giám đốc nhà máy ciment và nhà máy điện, máy nước ở Bắc Bộ, đến chào Cụ Chủ tịch.
9 giờ, ông Saravanne đến thǎm Hồ Chủ tịch. Ông là người ấn Độ, mới được dân ấn cử làm nghị viên trong Quốc hội Pháp (có 5 chỗ đất ấn là thuộc địa Pháp). Ông còn trẻ, rất thông minh. Đối với dân tộc Việt Nam nhiệt liệt tỏ tình thân thiện.
7 giờ chiều, ông bà Sainteny thết tiệc trà hoan nghênh Cụ Chủ tịch. Tiệc dọn ngoài vườn dưới bóng cây, trời mát, khách đến rất đông. Hai đoàn đại biểu Việt – Pháp cùng đến dự tiệc.
Ngày 10 tháng 7
8 giờ sáng, ông Bernard đến chào Cụ Chủ tịch. Ông trước làm quan nǎm. ở bên ta đã lâu. Nay đã gần 80 tuổi, nhưng còn mạnh khoẻ lắm. Ông hiểu rất rõ việc bên ta, và đối với cuộc xây dựng nền độc lập của ta, ông rất sốt sắng ủng hộ.
9 giờ, một nhà báo Mỹ đến phỏng vấn.
1 giờ trưa, Cụ Chủ tịch mời ông bà Sainteny ǎn cơm. Có cả bà thân sinh ông Sainteny và cụ Sarraut, nguyên Toàn quyền Đông Dương. Cụ Sarraut là thân sinh ra bà Sainteny.
5 giờ, luật sư Baptiste đến thǎm Hồ Chủ tịch. Ông là người da đen vào dân Pháp. Trong cuộc chiến tranh lần thứ nhất, bị thương cụt cả hai tay. Thế mà thân thể vẫn mạnh khoẻ, tính tình vẫn vui vẻ. Rất đồng tình với nước ta.
8 giờ chiều, Cụ Chủ tịch tiếp các ông Thoumyre, ông Trive và mấy người Pháp chuyên môn về các ngành kinh tế ở bên nước ta. Nói chuyện về cách Việt – Pháp cộng tác, làm sao cho dân Việt cũng có lợi, người Pháp cũng có lợi.
Ngày 11 tháng 7
8 giờ sáng, mấy anh chị em kiều bào Nam, Bắc đến chơi rồi cùng ǎn sáng với Cụ Chủ tịch.
9 giờ, các đại biểu nam nữ của Tổng hội giáo học Pháp đến chào Hồ Chủ tịch. Nói chuyện về vấn đề vǎn hoá Việt và Pháp. Các đại biểu mong Việt Nam độc lập mau thành công để vǎn hoá Việt và Pháp trao đổi một cách bình đẳng và thân mật. Khi ra về, các đại biểu ân cần gửi lời chúc anh em trí thức Việt Nam gắng sức giúp nước.
1 giờ trưa, Đại tướng Juin đến thǎm Cụ Chủ tịch.
6 giờ, Hội Pháp – Việt làm tiệc trà hoan nghênh Hồ Chủ tịch. Hội này là do những người Pháp có danh vọng lập ra, để ủng hộ cuộc độc lập Việt Nam. Các hội viên không chia đảng phái, tôn giáo và giai cấp, hễ ai đồng tình với Việt Nam là được vào Hội.
Hôm nay hội viên đến rất đông. Đại biểu Chính phủ thì có các Bộ trưởng Gay, Thorez, Tillon, v.v..
Đại biểu trí thức thì có các ông Jourdain, Aragon, v.v..
Đại biểu khoa học thì có ông bà Curie.
Đại biểu phụ nữ thì có các bà Cotton, Duchesne, v.v…
Đại biểu báo giới thì có các ông Vaillet, Cogniot, v.v..
Đại biểu Quốc hội Pháp thì có các ông nghị thuộc địa.
Đại biểu các nước cũng đông.
Có cả đại biểu Việt – Pháp trong cuộc Hội nghị Fontainebleau.
Kiều bào đến dự rất đông.
Chủ tịch Justin Godart và bà Curie đọc lời hoan nghênh có những câu thấm thía, thân mật vô cùng.
Hồ Chủ tịch cũng có đáp lại mấy lời cảm ơn Hội Pháp – Việt. Các nhi đồng Việt Nam hát quốc ca hai nước. Rồi có chớp bóng và múa hát, thật là vui vẻ.
8 giờ, Cụ Chủ tịch đi gặp Bộ trưởng Moutet.
10 giờ, Cụ lại đi gặp Thủ tướng Bidault, nói chuyện đến 12 giờ khuya mới về.
Tin là: Một nhà khoa học ở nước Colombie, nghiên cứu vô tuyến điện tìm ra một thứ ánh sáng rất ghê gớm, cách xa mấy dặm nó cũng có thể làm chết người.
Hồ chủ tịch tuyên bố với các nhà báo 6 điều – các nhà báo khen lời cụ chủ tịch đứng đắn và chân thành.
Ngày 12 tháng 7
9 giờ sáng, các kiều bào làm nghề thầy thuốc bào chế và chữa rǎng đến chào Cụ Chủ tịch.
Kiều bào ở Pháp, có nhiều người làm thuốc có tiếng như các bác sĩ: Lê Tấn Vinh, Trần Hữu Tước, Trần Bá Huy, Lê Đình Thi, Hoàng Xuân Hãn, v.v..
1 giờ trưa, ông Godart mời Cụ Chủ tịch ǎn cơm. Ông là cựu Bộ trưởng, nay làm Chủ tịch Hội Pháp – Việt, thường ra sức tuyên truyền người Pháp để ủng hộ cuộc độc lập của nước ta. Hai ông bà đều rất hiền hành, tử tế.
6 giờ, Cụ Chủ tịch tiếp các nhà báo. Đại biểu các báo Pháp và các báo ngoại quốc, những người chụp ảnh, quay phim đến cũng đông như lần trước.
Hồ Chủ tịch tuyên bố 6 điều:
1) Việt Nam đòi quyền độc lập. Độc lập không phải là đoạn tuyệt với Pháp, mà ở trong Liên hiệp Pháp quốc, vì như thế thì lợi cả cho hai nước. Về mặt kinh tế và vǎn hoá, Việt Nam vui lòng cộng tác với Pháp.
2) Việt Nam tán thành Liên bang Đông Dương, với Cao Mên và Ai Lao. Nhưng quyết không chịu có một Chính phủ liên bang.
3) Nam Bộ là một bộ phận nước Việt Nam, không ai có quyền chia rẽ, không lực lượng nào có thể chia rẽ.
4) Việt Nam sẽ bảo hộ tài sản của người Pháp. Nhưng người Pháp phải tuân theo luật lao động của Việt Nam, và Việt Nam giữ quyền mua lại những sản nghiệp có quan hệ đến quốc phòng.
5) Nếu cần đến những người cố vấn, thì Việt Nam sẽ dùng đến người Pháp trước.
6) Việt Nam có quyền phái sứ thần và lãnh sự đi các nước.
Cụ Chủ tịch nói tiếp:
“Tôi tin nước Pháp mới. Tôi có gặp nhiều người Pháp phụ trách, họ đều hiểu chúng tôi. Về phần chúng tôi, chúng tôi rất thực thà. Chúng tôi mong rằng người khác cũng thật thà với chúng tôi. Chúng tôi quyết không chịu hạ thấp chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không muốn hạ thấp nước Pháp. Chúng tôi không muốn đẩy người Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng chúng tôi nói với họ: các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người họ muốn bóp cổ chúng tôi.
“Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam. Chỉ có lòng tin cậy lẫn nhau và sự cộng tác bình đẳng, thật thà, thì mới đi đến kết quả thân thiện giữa hai nước”.
Hôm sau, các báo đǎng rất nhiều và bình luận rất nhiều về cuộc nói chuyện đó. Nhiều báo khen lời Hồ Chủ tịch đứng đắn và chân thành.
Báo N.L. viết: Những lời đó tỏ ra rằng, Hồ Chủ tịch và Chính phủ Việt Nam quyết tâm dàn xếp sự quan hệ Việt – Pháp bằng cách hiểu biết nhau và lòng hữu ái giữa hai dân tộc. Thế mà có một vài tờ báo Pháp có cái thái độ thật là khó thương. Họ bày đặt những chuyện giả dối, vô lý để khiêu khích. Họ muốn phá cái tình thân thiện giữa 2 dân tộc Việt – Pháp, tuy làm như vậy là có hại cho Tổ quốc Pháp. Họ đã quên cái kinh nghiệm ở Syrie và Liban rồi sao?.
Tin tức thế giới:
Chính phủ ý mới thành lập.
Thủ tướng kiêm Bộ Nội vụ: ông Gaspari, Đảng Dân chủ.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ Ngoại giao: ông Nenni, Đảng Cộng sản.
Đảng Dân chủ giữ thêm 5 bộ: Canh nông, Giáo dục, Hải quân, Thương mại, Giao thông.
Đảng Cộng sản giữ thêm 4 bộ: Tài chính, Tư pháp, Hàng không, Tiếp tế.
Còn vài bộ khác do Đảng Xã hội và Đảng Cộng hoà giữ.
Hồ chủ tịch dự ngày quốc khánh của nước pháp
Ngày 13 tháng 7
Sáng sớm, Cụ Chủ tịch tiếp kiều bào.
1 giờ trưa, Đô đốc Barjot mời Cụ Chủ tịch ǎn cơm.
3 giờ, bà Rosenfeld – đại biểu báo “Phụ nữ” đến phỏng vấn Cụ Chủ tịch về phụ nữ Việt Nam. Hồ Chủ tịch nói rằng: Phụ nữ Việt Nam từ 18 tuổi đều có quyền tuyển cử và ứng cử, và trong Quốc hội Việt Nam có mười nghị viên phụ nữ. Nghe vậy, bà Rosenfeld lấy làm thích ý, và bà nói: mong lần tuyển cử sau, chị em phụ nữ Việt Nam sẽ trúng cử nhiều hơn.
3 giờ, báo hàng tuần “Grégoire” đến phỏng vấn.
8 giờ, ông Michelet – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mời cụ Chủ tịch ǎn cơm.
Ông Michelet là lãnh tụ Đảng Cộng hoà (M.R.P). Trong thời kỳ kháng chiến, có công trạng to với nước Pháp. Hai ông bà rất trung hậu. Tuy còn trẻ tuổi mà đã có 7 con.
Ngày 14 tháng 7
Hôm nay là ngày Quốc khánh của nước Pháp. Ngày 14 tháng 7 nǎm 1789, dân Pháp nổi cách mệnh chống vua chúa, chống phong kiến, phá ngục Bastille. Ra khẩu hiệu: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Cuộc cách mệnh đó mở đường cho các cuộc cách mệnh dân quyền trong thế giới.
Tự đó đến nay, nước Pháp lấy ngày 14-7 làm ngày Quốc khánh.
9 giờ sáng, Chính phủ Pháp mời Hồ Chủ tịch đi dự lễ duyệt binh.
Trên khán đài, Chủ tịch Bidault ngồi trước, kế đến ông Michelet, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và ông Tillon, Bộ trưởng Quân giới. Hồ Chủ tịch ngồi bên tay phải. Ông Auriol, Chủ tịch Quốc hội ngồi bên tay trái. Đại tướng Juin và Tổng bộ tham mưu ngồi giữa. Các Bộ trưởng và nghị viên ngồi sau. Sứ thần các nước ngồi một bên, về phía hữu. Các quý khách ngồi một bên, về phía tả.
12.000 người quân đội kéo qua. Trống rung cờ mở, khí tướng oai nghiêm. Lại có mấy ngàn công nhân đại biểu cho các xưởng máy quân sự cũng kéo đi qua với quân đội. Thật là quân dân hợp tác. Có mấy chiếc máy bay liệng qua liệng lại trên trời. Quân đội ǎn mặc theo kiểu Mỹ, rất gọn gàng. Súng ống, xe cộ cũng theo kiểu Mỹ, rất bệ vệ.
Trưa, có một cuộc biểu tình khác của dân chúng. Người đông như kiến, tiếng hò reo rầm một góc giời. Kiều bào Việt Nam ta cũng có tham gia. Khi họ đi qua, dân chúng Pháp hoan hô rất nhiệt liệt.
Tối, các nhà thờ, các công sở, các công viên, các rạp hát, các đình đài, đèn chiếu sáng chưng. Phố nào cũng có đám nhẩy đầm. Các con đường lớn người đông như nêm cối.
Gần 9 giờ, có 5, 6 nơi đốt pháo hoa. Đầy giời xanh, đỏ, vàng, tím, tiếng nổ đì đùng, như núi lửa sao sa! Cuộc vui mãi gần khuya mới hết.
Trưa hôm đó, Hồ Chủ tịch viết thơ cảm ơn Chủ tịch Bidault, đại ý nói:
“Tôi lấy làm sung sướng mà được cùng nhân dân Pháp chúc mừng ngày kỷ niệm vẻ vang. Trong ngày này cách 150 nǎm trước, nước Pháp đã làm cho thế giới biết và ham bình đẳng, tự do. Ngày 14 tháng 7 là lúc rạng đông cho quyền chính trị tự do và công bằng xã hội, cho cả các dân tộc và cả mọi người.
“Trong lúc mà dân Pháp và dân Việt đương tìm cách để thực hành sự cộng tác thật thà và thân thiện, ngày 14 tháng 7 lại càng có ý nghĩa đặc biệt đằm thắm cho hai nước chúng ta”.
Tất cả kiều bào ở paris và đại biểu các tỉnh đến hoan hô chủ tịch – các chị em pháp lấy chồng việt cũng dắt con đến.
Ngày 15 tháng 7
Hôm nay, vợ chồng ông Poldès mời Cụ Chủ tịch về nhà quê chơi, cách Paris chừng 30 cây số. Đi qua làng X, là quê hương của ông Daguère, người đã tìm ra cách chụp ảnh. Vừa rồi, các nhà mỹ thuật Pháp có tổ chức một cái hội để kỷ niệm ông Daguère. Hội đó mời Hồ Chủ tịch làm danh dự hội trưởng. Nay nhân dịp Hồ Chủ tịch đi qua, những người đại biểu dân làng ra đón để cảm ơn. ở trong làng đó, có một cái bảng khắc bằng chữ đồng to: “74.000 người cộng sản chết vì Tổ quốc”.
Nhà ông Poldès, rừng bọc xung quanh. Thanh vắng mát mẻ. Cây tốt hoa thơm. Ǎn cơm rồi, Cụ Chủ tịch kéo ghế nằm dưới gốc cây. Thật đúng câu:
“Thảnh thơi vui thú yên hà,
Tùng là bạn cũ, hạc là người quen”.
Nghỉ ngơi đến 3 giờ, lại vội vàng phải về, vì có khách đợi.
5 giờ, có mấy nhà báo đến phỏng vấn.
Từ ngày Hồ Chủ tịch đến Paris, bận việc quá, chưa gặp được toàn thể kiều bào. 9 giờ tối hôm nay, kiều bào tổ chức một cuộc hoan nghênh ở Palais des Mutualités.
Trước 9 giờ, tất cả kiều bào ở Paris, và đại biểu các tỉnh đã đến đông đủ. Các chị em Pháp lấy chồng Việt cũng vui vẻ theo chồng dắt con đến tham gia. Chừng hơn 2.000 người, một nhà chật ních, cờ đỏ sao vàng bay phất phới, khẩu hiệu ái quốc cǎng đầy nhà.
Anh em thanh niên phụ trách giữ trật tự. Mỗi người đến thì các chị em phụ nữ gắn cho một ngôi sao vàng.
Đúng 9 giờ, Hồ Chủ tịch và phái bộ bước vào. Toàn thể đứng dậy hoan hô. Tiếng vỗ tay rầm rầm như sấm.
Các đoàn thể tặng hoa cho Cụ Chủ tịch và phái bộ. Lại vỗ tay, lại hoan hô. Kiều bào hát quốc ca theo âm nhạc. Anh đại biểu đọc lời chúc. Rồi Cụ Chủ tịch báo cáo tình hình trong nước và khuyên kiều bào: một là thân ái đoàn kết; hai là ủng hộ Tổ quốc và Chính phủ.
Kế đến, các ông Phạm Vǎn Đồng, Dương Bạch Mai và Đặng Phúc Thông báo cáo. Hồ Chủ tịch và ông Đồng trao cờ và thư các đoàn thể trong nước gửi tặng các đoàn thể kiều bào. Toàn thể lại vỗ tay hoan hô.
Trước khi tan hội, toàn thể đứng dậy hô khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn nǎm! Nam Bộ là đất nước Việt Nam!
Lúc Cụ Chủ tịch ra về, kiều bào đồng thanh hát bài “Hồ Chí Minh muôn nǎm”.
Hôm nay kiều bào ai cũng nhớ lại rằng, mấy nǎm trước, khi ở nhà bước chân ra đi, Việt Nam còn là xứ thuộc địa. Nay nhờ đồng bào đoàn kết phấn đấu, mà nước ta trở nên một nước dân chủ tự do. Trông thấy Hồ Chủ tịch và phái đoàn cũng như trông thấy Tổ quốc yêu quý.
Lại trông thấy lá quốc kỳ Việt Nam rực rỡ bay trong nước Pháp. Lại trông thấy Chính phủ Pháp tiếp rước Hồ Chủ tịch một cách rất long trọng, và nhân dân Pháp đối với Hồ Chủ tịch một cách rất thân mật, ai cũng nhận thấy rằng lần này là lần đầu, mà dân Việt Nam được mở mặt, mở mày với người ta. Vì vậy cho nên hôm nay kiều bào ai cũng hớn hở, vui mừng, sung sướng.
Tin tức thế giới: 10 vạn công nhân xứ Iran bãi công.
Đ.H
Bạn phải đăng nhập để bình luận.