Quốc hội Pháp sắp thảo luận về vấn đề Việt Nam. Tôi thấy cần trình bày trước Quốc hội và nhân dân Pháp sự thật về vấn đề này. Vì tất nhiên các người đại diện Pháp ở Đông Dương sẽ tìm cách trình bày các việc xảy ra theo lối riêng của họ để làm sai lạc dư luận và tránh trách nhiệm.
Sự thật như thế này:
1. Mặc dầu 80 nǎm đau khổ lầm than dưới chế độ thực dân, dân tộc Việt Nam vẫn ham chuộng lý tưởng của nước Pháp và vẫn mến yêu dân tộc Pháp. Cho nên, sau khi giành lại được độc lập, dân Việt Nam đã ký với nước Pháp Thoả hiệp ngày 6-3-1946 5 , tiếp đón thân thiện quân đội Pháp trên đất nước mình, và rồi lại ký Tạm ước ngày 14-9-1946. Dân Việt Nam đã cam kết tôn trọng những quyền lợi kinh tế và vǎn hoá Pháp ở Việt Nam.
2. Nhưng người đại diện đầu tiên của nước Pháp ở Đông Dương là đô đốc Tiơry Đácgiǎngliơ đã nhất thiết coi rẻ những thoả hiệp đó. ông đã tiếp tục chiến tranh ở Nam Bộ và ở Nam Trung Bộ. Ông đã lập ra cái Chính phủ Nam Kỳ và cái nước Cộng hoà Nam Kỳ 6 giả hiệu, mục đích để chia sẻ nước chúng tôi. Ông đã triệu tập hội nghị Đà Lạt thứ hai 7 để phá cuộc hội nghị Phôngtennơblô 8 có nhiệm vụ giải quyết một cách vĩnh cửu vấn đề giao thiệp Việt – Pháp. Ông đã tổ chức việc phong toả cửa bể Hải Phòng để bóp nghẹt chúng tôi về mặt kinh tế. Ông đã ra lệnh chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn và nhiều nơi khác. Ông đã xui giục quân đội Pháp gây ra những vụ lưu huyết hàng ngày.
Nói tóm lại, ông đã áp dụng một chính sách vũ lực, một chính sách xâm lǎng, sau cùng đã có kết quả là đưa tới cuộc chiến tranh hiện tại.
3. Trong cuộc thế giới đại chiến vừa qua, trong khi thực dân Pháp hàng phục trước phátxít Nhật Bản, nhân dân Việt Nam đã chiến đấu chống Nhật, bên cạnh các nước Đồng minh. Nhờ sức tranh đấu, dân Việt Nam đã giành lại được độc lập và theo đúng Hiến chương Đại Tây Dương 9 và Cựu Kim Sơn đã thành lập nền Dân chủ Cộng hoà, dân Việt Nam muốn sống tự do và làm việc trong hoà bình. Dân Việt Nam mong được hợp tác thân ái với dân tộc Pháp.
4. Chính sách “bắt nạt” của các người đại diện Pháp ở Đông Dương đã bắt chúng tôi phải chịu đựng cuộc chiến tranh này. Chiến tranh chồng chất đổ nát và tang tóc lên trên đất nước chúng tôi, nhưng chúng tôi cương quyết chịu mọi sự hy sinh để bênh vực những nguyện vọng và quyền lợi của chúng tôi.
Chúng tôi muốn độc lập và thống nhất.
Chúng tôi muốn cộng tác với dân tộc Pháp trong khối Liên hiệp Pháp.
Chúng tôi muốn hoà bình để kiến thiết lại nước chúng tôi. Quốc hội và nhân dân Pháp cần phải làm cho cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này chấm dứt, cần phải giải quyết vấn đề Việt- Pháp một cách xứng đáng với nước Pháp mới.
5. Từ ngày 2-3-1947, để gây ảnh hưởng với Quốc hội và nhân dân Pháp, quân đội Pháp đã cố chiếm thành phố Hà Đông và vài làng khác. Họ đã đoạt được những gì? Họ đã đoạt được những đống gạch vụn và gio than. Nhưng trái lại, họ đã mở đầu cho thời kỳ chiến tranh du kích tốn kém và ác hại, có thể kéo dài tới 10 hay 20 nǎm.
6. Chúng tôi mong muốn những điều sau đây: Chúng tôi muốn nước chúng tôi độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi muốn hoà bình để kiến thiết lại nước nhà. Quốc hội và nhân dân Pháp, Chính phủ Pháp cần phải làm chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và tai hại này. Nước Mỹ đã thừa nhận độc lập của Phi Luật Tân, nước Anh đã thừa nhận nền độc lập của ấn Độ. Nước Pháp, xưa nay vẫn bênh vực cho tự do các dân tộc, phải có một cử chỉ tương tự đối với Việt Nam. Máu Pháp và Việt chảy đã nhiều. Chiến tranh không nên kéo dài nữa. Chiến tranh không đưa đến đâu cả. Chúng tôi sẵn sàng lập lại hoà bình. Chỉ cần Quốc hội và nhân dân Pháp có một cử chỉ thân thiện.
Ngày 5 tháng 3 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH
Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam, 1948, t.1, tr.55-56.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.