Ngày 21/6/1925, số báo Thanh niên đầu tiên do Bác Hồ sáng lập đã trở thành thời điểm lịch sử đáng ghi nhớ của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong chặng đường hoạt động cách mạng của mình, Bác đã sớm thấy được lợi khí cách mạng của báo chí và Bác cũng là người đã sử dụng sắc bén báo chí để làm một trong những phương tiện quan trọng nhằm chiến đấu cho sự nghiệp cứu nước. Ngày 01/4/1922, tại Pháp, Bác sáng lập báo Le Paria (Người cùng khổ). Tại Trung Quốc, Bác cho ra đời tờ Thanh niên; tại Thái Lan, Bác thành lập báo Thân ái, Đồng Thanh. Năm 1943, hai năm sau khi về nước Bác cho ra đời tờ Việt Nam Độc lập. Năm ngày sau khi khai sinh nước Việt Nam độc lập, Bác cùng Trung ương Đảng thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Mối quan tâm và quan điểm nhất quán của Bác khi đề cập báo chí cách mạng là xác định được mục đích và nhiệm vụ của nó. Bác nói: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cần phải chú ý đến cùng, phải coi quan trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa vừa là phương tiện cổ vũ, truyền bá thực thi văn hóa. Nó là đội quân đi đầu trong công tác tư tưởng”.
Trong thư gửi cho lớp học viết báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – lớp học viết báo mang tên nhà báo, chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Bác đề ra yêu cầu của báo là phải xác định nhiệm vụ, mục đích, tôn chỉ, đối tượng và hình thức. Tuy rất dễ hiểu nhưng những lời dạy của Bác lại mang tính lý luận rất kinh điển của báo chí hiện đại, sát đúng tình hình cách mạng của đất nước vừa mới giành độc lập. Bác nói: Nhiệm vụ của báo là tuyên truyền cổ động, huấn luyện giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng coi tờ báo ấy là của mình thì hình thức cách sắp đặt bài vở, cách in phải sáng sủa.
Báo chí Đảng phải tuyên truyền, cổ động, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng, là diễn đàn của quần chúng nhân dân với các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Bác chỉ ra những khuyết điểm mà báo chí chúng ta thường gặp là: tuyên truyền không kịp thời, chính trị suông quá nhiều, Bác nhắc nhở báo chí phải thật sự tôn trọng sự kiện. Bởi “nhà báo là người có khả năng tạo ra dư luận để ủng hộ hoặc phê phán một hiện tượng xã hội, vì thế mà phải công tâm, phải có phẩm chất trung thực”.
Với vốn kinh nghiệm của một nhà báo cách mạng tài năng, Bác đã hướng dẫn các nhà báo một số điểm cần lưu ý khi viết báo: Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực, ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại 3,4 lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào khó hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu.
Những lời căn dặn của Bác đối với những người làm báo, viết báo đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY TÂN PHÚ
tanphu.hochiminhcity.gov.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.