Thân ái gửi các cháu thanh niên cả nước,
Từ hôm 19-5 đến nay, Bác liên tiếp nhận được thư của các cháu.
Những thư ấy, hoặc là của từng nhóm như bộ đội, nhà máy, trường học, cơ quan…, hoặc là riêng của từng cháu.
Nếu trả lời riêng cho mỗi nhóm, mỗi cháu, như ý muốn của Bác, mà cũng là ý muốn của các cháu, thì Bác phải có hàng trǎm thư ký giúp, và hàng chục tạ giấy! Vì chính sách tiết kiệm nên Bác trả lời các cháu bằng một thư chung này.
Trong thư, các cháu đều báo cáo thành tích thi đua ái quốc. Bác rất vui lòng vì, hoặc nhiều hoặc ít, cháu nào cũng có thành tích. Thí dụ:
Cháu Nguyễn Thị Thành, xưởng X.P. (Công đoàn Lê Hồng Phong), tǎng nǎng suất 330 phần trǎm.
Cháu Nguyễn Thị Giao Tiên, xưởng X.B. (Công đoàn Bông Lau), tǎng nǎng suất hơn 200 phần trǎm.
Cháu Nguyễn Hữu Bắc, Trung đoàn X., được bầu làm chiến sĩ anh hùng (24 tuổi, bị thương bốn lần, được khen thưởng 6 lần).
Còn nhiều, nhiều cháu có thành tích khác, Bác không thể kể hết. Lại có những thành tích chung, như các cháu học sinh các trường đã thi đua tham gia việc sửa đường, công trái, bình dân học vụ; hoặc như các cháu thanh niên xung phong hǎng hái giúp việc các chiến dịch, vận tải, sửa đường, v.v.. Nói tóm lại, các cháu đã thi đua khá. Đó là ưu điểm đáng khen.
Song nói chung, các cháu vẫn còn nhiều khuyết điểm trong thi đua. Để sửa chữa những khuyết điểm ấy, để tranh lấy những thành tích to lớn, Bác giúp các cháu vài ý kiến sau đây:
1. Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước.
2. Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là phải sao cho mỗi nhóm, mỗi người tự giác tự động.
3. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. Khi đặt kế hoạch phải tuyệt đối tránh sự sơ suất “đại khái”, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng.
4. Thi đua không nên thiên về một phía. Phải điều hoà 3 nhiệm vụ với nhau: tǎng gia sản xuất, công việc hằng ngày và học tập (chính trị, vǎn hoá, tình hình trong nước và thế giới).
5. Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người). Trong lúc thi đua, phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi.
6. Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi. Vì vậy, thật thà tự phê bình và thân ái phê bình là một lực lượng để đẩy mạnh thi đua.
7. Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là những đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào. Vì vậy, trong thi đua, chúng ta phải đồng thời bồi bổ lực lượng và tinh thần của quần chúng.
Đó là mấy điểm chính. Nếu các cháu làm đúng như vậy, thì chắc các cháu sẽ có thành tích to hơn, nhiều hơn nữa.
Bác mong các cháu nghiên cứu kỹ những điểm đó, rồi báo cáo kết quả cho Bác biết.
Về thanh niên nông dân, phải đặc biệt cố gắng trong vụ mùa thắng lợi. Riêng về thanh niên trong bộ đội, Bác mong các tiểu đoàn, trung đoàn và đại đoàn trực tiếp gửi cho Bác những danh sách các chiến sĩ được bầu làm anh hùng thanh niên (trong 30 tuổi, tên tuổi và công trạng).
Bác hôn các cháu, chúc các cháu vui vẻ thi đua và lượm được nhiều thành tích vẻ vang.
Ngày 1 tháng 8 nǎm 1951
HỒ CHÍ MINH
Báo Nhân dân, số 22, ngày 23-8-1951.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.