Tình hình và nhiệm vụ (Báo cáo tại Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá II) (4-1952)

I – TÌNH HÌNH THẾ GIỚI

– Phe hoà bình dân chủ mạnh hơn và sẽ thắng phe đế quốc gây chiến, song phải đấu tranh trường kỳ và gian khổ.

– Nguy cơ thế giới chiến tranh thứ ba vẫn nghiêm trọng, nhưng không nghiêm trọng hơn mấy nǎm trước.

– Ta ra sức kháng chiến tức là góp phần giữ gìn hoà bình thế giới.

Trong thời kỳ vừa qua, sự thật chứng tỏ rằng: phe hoà bình dân chủ do Liên Xô lãnh đạo ngày càng mạnh, phe đế quốc gây chiến do Mỹ cầm đầu ngày càng yếu.

Chúng ta không khinh địch, không nên đánh giá quá thấp lực lượng phe đế quốc. Nhưng chúng ta phải nhận rõ chỗ yếu của chúng.

Phe đế quốc có những điểm nhất trí, như âm mưu gây chiến, như mưu đi cướp nước người ta. Nhưng nội bộ chúng thì đầy những mâu thuẫn sâu sắc:

Chúng tranh quyền đoạt lợi lẫn nhau.

Tư bản trong mỗi nước cũng mâu thuẫn với nhau, như tư bản các ngành công nghệ khác thì mâu thuẫn với tư bản độc quyền chế tạo vũ khí. Điều này rõ rệt nhất ở Mỹ.

Chúng dốc hết sức kinh tế vào kinh tế chiến tranh. Tranh thủ thuế khoá thêm nặng, nhân dân thêm khó, số người thất nghiệp thêm nhiều. Do đó mà khủng hoảng kinh tế, mâu thuẫn xã hội và chính trị thêm trầm trọng.

ở các nước đế quốc và các nước thuộc địa, có hàng trǎm triệu người chán ghét chiến tranh, ủng hộ hoà bình, đấu tranh cho hoà bình, đồng thời đấu tranh cho quyền lợi kinh tế và chính trị của họ. Đặc biệt cuộc đấu tranh vũ trang của các dân tộc bị áp bức chống đế quốc xâm lược ngày càng lớn mạnh.

Đó là những mâu thuẫn, nó làm cho phe đế quốc ngày càng yếu và càng lâm vào tình trạng khủng hoảng.

Phe hoà bình, dân chủ đã mạnh, mà ngày càng thêm mạnh.

Vì nền tảng của nó là Liên Xô, Trung Quốc và tất cả các nước dân chủ mới ngày càng vững chắc, vì nó bao gồm toàn thể nhân dân yêu chuộng hoà bình và dân chủ khắp thế giới dưới sự lãnh đạo của Liên Xô.

Vì phe hoà bình dân chủ đoàn kết nhất trí.

Phe hoà bình dân chủ thắng phe đế quốc nhiều cuộc như: phe Mỹ buộc phải đàm phán ở Triều Tiên. Phe Mỹ không dám dùng bom nguyên tử ở Triều Tiên, vì Mỹ không giữ độc quyền bom nguyên tử, và vì sợ nhân dân thế giới phản đối; phe Mỹ gặp nhiều trở ngại trong việc thực hiện Hiệp ước Đại Tây Dương, vũ trang lại Tây Đức và Nhật Bản; phe Mỹ thất bại trong hội nghị Liên hợp quốc và buộc phải bàn vấn đề giảm binh bị, phải bàn hoà ước của Đức.

Phe Mỹ càng ngày càng bị cô lập.

Sự hoạt động của phe hoà bình dân chủ ngày càng mở rộng, càng tích cực: chính trị, vǎn hoá, xã hội, kinh tế, như Hội nghị kinh tế ở Moscou có 500 đại biểu ở 48 nước đến dự. Nó đã lôi cuốn được cả những nhóm tư bản các nước đang bị kinh tế chiến tranh và tư bản độc quyền Mỹ uy hiếp và áp bức. Nó sẽ phá chính sách phong toả của phe Mỹ. Nó càng chứng tỏ cái thuyết “chế độ tư bản chủ nghĩa và chế độ xã hội chủ nghĩa có thể cùng sống với nhau” của đồng chí Xtalin là đúng. Và do đó, mặt trận hoà bình lại thêm rộng, thêm mạnh.

Hội nghị hoà bình châu á và Thái Bình Dương (41) sẽ thêm lực lượng mới cho phe hoà bình dân chủ thế giới.

Tuy vậy, nguy cơ chiến tranh vẫn trầm trọng, vì phe đế quốc do Mỹ cầm đầu vẫn chuẩn bị chiến tranh toàn diện: quân sự, chính trị, kinh tế, khắp phương Tây và phương Đông. Chúng bắt đầu chiến tranh vi trùng ở Triều Tiên và ở Đông Bắc Trung Quốc. Chúng vẫn lǎm le đánh Liên Xô và Trung Quốc. Chúng vẫn mong dùng chiến tranh để làm chủ thế giới và để cứu chúng khỏi khủng hoảng.

Từ phương Tây đến Cận Đông, chúng có khối Bắc Đại Tây Dương với những âm mưu và kế hoạch của nó.

ở phương Đông, chúng xâm lược Triều Tiên, ra sức biến nước Nhật thành cǎn cứ quân sự mạnh của chúng, chiếm đóng Đài Loan và giúp bọn Tưởng Giới Thạch, ráo riết hoạt động ở Đông Nam á, vũ trang cho bọn phản động Thái, Phi Luật Tân, Diến Điện xâm lược Việt, Miên, Lào và Mã Lai.

Việt Nam là bộ phận trong phe hoà bình và dân chủ thế giới chống bọn đế quốc gây chiến. Cuộc kháng chiến Việt Nam và cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình của nhân dân thế giới đều có ảnh hưởng lẫn nhau.

– Cuộc đàm phán ở Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến kháng chiến Việt Nam thế nào?

Nói chung, thì nếu cuộc đàm phán ấy đi đến kết quả đình chiến, thế là phe hoà bình dân chủ thắng lợi. Phe hoà bình dân chủ thắng lợi, tức là ta thắng lợi, vì ta là một bộ phận trong phe hoà bình dân chủ thế giới.

Nhưng chúng ta cần phải hiểu rõ: vô luận cuộc kháng chiến Triều Tiên sẽ phát triển thế nào, kết quả thế nào, chúng ta vẫn phải ra sức chuẩn bị lực lượng của ta cho đầy đủ, lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình; dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động.

– Tình hình Pháp và Bắc Phi ảnh hưởng đến kháng chiến ta thế nào?

Nhân dân Pháp, nhân dân Bắc Phi và nhân dân ta sát cánh đấu tranh chống đế quốc Pháp, Mỹ. Cho nên mỗi cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp và Bắc Phi đều giúp một phần vào kháng chiến của ta. Mà mỗi một thắng lợi của ta cũng giúp sức cho cuộc đấu tranh của nhân dân Bắc Phi và Pháp.

Nhân dân Pháp cũng phải đấu tranh trường kỳ và gian khổ. Vì ngoài những khó khǎn khác, nước Pháp đang bị kẹp vào trong gọng kìm thế lực Mỹ: một bên là phản động Tây Đức, một bên là phát xít Tây Ban Nha, trong nước Pháp thì đầy rẫy những cǎn cứ quân sự của Mỹ.

Nói tóm lại, các cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc, bất kỳ gần hay xa, to hay nhỏ, đều có quan hệ với nhau. Nhưng không thể ỷ lại nhau.

– Quan hệ giữa ta và Miên, Lào thế nào ?

Vì mọi quan hệ khǎng khít về địa lý, quân sự, chính trị, v.v. mà ta với Miên, Lào cũng như môi với rǎng. Hai dân tộc Miên, Lào hoàn toàn giải phóng, thì cuộc giải phóng của ta mới chắc chắn, hoàn toàn. Cho nên nhiệm vụ của ta lại phải ra sức giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào một cách tích cực, thiết thực hơn.

Đó là nhiệm vụ quốc tế của chúng ta.

Xét tình hình thế giới, thì chúng ta thấy rằng: phe đế quốc cũng như bầy thú dữ, càng gần đường cùng, thì chúng càng độc ác, hung hǎng.

Song lực lượng đoàn kết của 800 triệu nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ mới khác, và của 600 triệu chiến sĩ hoà bình khắp thế giới đã ký tên đòi 5 cường quốc ký công ước hoà bình là một sức mạnh mà phe đế quốc phải dè chừng. Thời giờ càng thêm dài thì mâu thuẫn của chúng càng thêm nhiều, lực lượng của chúng càng kém sút. Đồng thời, lực lượng phe hoà bình dân chủ càng thêm mạnh.

Mặt trận hoà bình, dân chủ là Mặt trận thống nhất của tất cả nhân dân thế giới yêu chuộng hoà bình, đấu tranh cho hoà bình. Trước mặt, nó là phe đế quốc gây chiến, một kẻ thù hung ác dữ tợn. Cho nên phe hoà bình dân chủ nhất định sẽ thắng lợi, nhưng phải đấu tranh trường kỳ và gian khổ.

Chúng ta ra sức trường kỳ kháng chiến, tức là góp một phần thiết thực vào cuộc chống đế quốc gây chiến và gìn giữ hoà bình thế giới.

Đồng chí Xtalin dạy chúng ta: nếu nhân dân khắp nơi kiên quyết đấu tranh để gìn giữ hoà bình, thì chắc giữ vững được và củng cố được hoà bình.

Vừa rồi, đồng chí Xtalin nói: nguy cơ thế giới chiến tranh hiện nay không nghiêm trọng hơn mấy nǎm trước. Lời ấy lại chứng tỏ thêm rằng lực lượng hoà bình, dân chủ đã ngǎn cản được bước tiến của phe đế quốc gây chiến và bảo vệ hoà bình thế giới một cách có hiệu quả.

Tuy vậy, nguy cơ chiến tranh vẫn trầm trọng và nhiệm vụ trung tâm của nhân dân thế giới là phải tỉnh táo và mạnh mẽ đấu tranh để bảo vệ hoà bình.

II – TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC

– Kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ và gian khổ, phải tự lực cánh sinh.

– So với nǎm ngoái, thì hiện nay thế địch yếu đi, ta mạnh lên.

– Giai đoạn cầm cự tức là giai đoạn ta chuẩn bị đầy đủ để chuyển sang tổng phản công.

Bên địch:

ở Pháp cũng như ở Việt Nam, đế quốc Pháp đã thành tay sai của đế quốc Mỹ.

Vì theo Mỹ, mà nước Pháp gặp nhiều khó khǎn về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính. Chính phủ Pháp thì trúc đổ liên tiếp như sung rụng.

ở Việt Nam, cũng như ở Pháp, Mỹ một mặt thì giúp Pháp, một mặt thì lấn Pháp, và cần thiết càng ngày càng tích cực can thiệp vào Việt, Miên, Lào.

Mỹ nắm Pháp, dùng Pháp, giúp Pháp để duy trì cuộc chiến tranh xâm lược Việt, Miên, Lào hòng biến Việt, Miên, Lào thành cǎn cứ chiến lược chuẩn bị đánh Trung Quốc.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt, Miên, Lào đã làm Pháp thiệt hại nặng nề và đương gặp nhiều khó khǎn.

Từ ngày bắt đầu chiến tranh đến sau chiến dịch Hoà Bình, Pháp đã mất ngót 20 vạn binh sĩ chết, bị thương và bị bắt.

Và cho đến nay, Pháp đã hao tổn hơn 1.247.610 triệu quan.

Chết nhiều người, tốn nhiều của như thế, mà hoàn toàn không có hy vọng thắng lợi, cho nên tinh thần quân đội Pháp càng kém sút, dư luận Pháp càng xôn xao, nhân dân Pháp càng chống chiến tranh ở Việt Nam.

Thêm vào đó, lại có mâu thuẫn giữa Pháp và Mỹ, nhưng chẳng qua là mâu thuẫn giữa chủ và tớ.

Nói tóm lại: thế địch càng ngày càng yếu, chúng đang bị động trên chiến trường Bắc Bộ.

Tuy vậy, lực lượng địch vẫn còn mạnh, chúng cố giữ đồng bằng Bắc Bộ và tiếp tục củng cố vùng tạm bị chiếm ở Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng vẫn còn âm mưu đánh ra vùng tự do. Địch tích cực xây dựng và lợi dụng nguỵ quyền, nguỵ quân, thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Chúng được Mỹ giúp nhiều tiền bạc và vũ khí.

Trong bè lũ bù nhìn có bọn thân Mỹ, có bọn thân Pháp, nội bộ chúng có mâu thuẫn. Nhưng vô luận mâu thuẫn giữa chúng thế nào chúng vẫn là bù nhìn, vẫn là phản nước, phản dân.

Tuy bù nhìn không có uy tín gì trong nhân dân, nhưng do chính sách xảo quyệt của đế quốc Pháp, Mỹ, lại vì trong vùng tạm bị chiếm, công tác tuyên truyền của ta chưa được phát triển, cho nên nhân dân ở những vùng đó không khỏi bị lừa bịp và chịu ảnh hưởng của chúng hoặc ít hoặc nhiều.

Vì vậy, chúng ta phải ra sức tuyên truyền chính sách của ta và vạch rõ chính sách chia rẽ của địch.

Đế quốc Pháp, Mỹ đã đạt được một phần kết quả trong kế hoạch tổ chức nguỵ quân để dùng người Việt đánh người Việt. Do đó mà chúng có thể bổ sung quân số thiếu hụt để tiếp tục chiến tranh xâm lược.

Vì vậy, cần phải thiết thực thi hành chính sách của Chính phủ đối với nguỵ quân, phải ra sức vận động nguỵ quân, ra sức làm cho chúng tan rã.

Trong nguỵ quyền, nguỵ quân có những đứa đại gian ác, song cũng có những phần tử bị ép buộc hoặc vì tinh thần lung lay mà theo giặc.

Chúng ta phải xét rõ những phần tử khác nhau đó, và dùng chính sách khác nhau mà đối phó. Đối với bọn đại gian đại ác thì phải trừng trị theo pháp luật. Đối với bọn sau, thì cho “cải tà quy chính”, lập công chuộc tội.

Gần đây, vì địch gặp khó khǎn, chúng phao tin đồn về đàm phán. Mục đích để đánh lừa dư luận Pháp, để Mỹ giúp thêm, và làm cho ta nảy ra tinh thần cầu an, sơ hở.

Quân và dân ta phải ghi nhớ điều này: bọn đế quốc Pháp, Mỹ sẽ bám Việt, Miên, Lào đến cùng, ta chỉ có một chính sách ra sức kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn. Thế là rõ.

Chính sách của chúng ta vốn là chính sách thực hiện hoà bình và ủng hộ hoà bình. Song hoà bình ắt phải ra sức tranh lấy, phải dùng lực lượng tranh lấy, phải do kháng chiến thắng lợi mà tranh lấy. Quyết không nên ảo tưởng, không ngồi chờ nó đến. Chúng ta càng cố gắng, lực lượng càng to, thắng lợi ta càng lớn, thì việc thực hiện hoà bình chân chính ở Việt Nam càng chắc chắn.

Bên ta:

Hơn một nǎm nay, ta có tiến bộ về mọi mặt, song tiến bộ ấy chưa đủ với nhu cầu của kháng chiến, vì kháng chiến càng ngày càng gay go, càng phát triển.

Quân sự: Từ thắng lợi ở biên giới nǎm 1950, tình hình tiến dần có lợi cho ta. Hiện nay, ta đang ở trong giai đoạn cầm cự, giai đoạn gay go nhất của cuộc kháng chiến. Giai đoạn cầm cự tức là giai đoạn ta chuẩn bị đầy đủ để chuyển sang tổng phản công, đó là giai đoạn quyết định kết quả của cuộc kháng chiến. Cho nên, ta phải cố gắng nhiều trong giai đoạn này.

Về tổ chức, trang bị và chính trị, quân đội ta đã lớn mạnh hơn trước nhiều. Những thắng lợi trong nǎm 1951 và đầu nǎm 1952 ở trước mặt địch và sau lưng địch đã chứng tỏ điều đó. Đó là do ta cố gắng, do các nước bạn giúp đỡ, do kết quả những cuộc chỉnh huấn của ta.

Cuộc thắng lợi của chiến dịch Hoà Bình đã phá tan kế hoạch Thu- Đông của địch, đã đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch ở Bắc Bộ, đã có tiếng vang dội trong nước và ngoài nước.

Bộ đội địa phương và dân quân du kích cũng tiến bộ. Việc phối hợp với quân đội chủ lực ở các nơi, nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ, việc mở rộng vùng du kích, việc phá tề và vận động nguỵ binh… đều có thành tích khá.

Tuy vậy, thắng lợi trong vùng sau lưng địch ở Bắc Bộ chưa được củng cố; vùng tạm bị chiếm và vùng du kích ở miền Nam còn gặp nhiều khó khǎn.

Quân đội ta đã tiến bộ nhiều, nhưng còn nhiều nhược điểm: trình độ kỹ thuật, chiến thuật còn kém, nhất là trình độ chính trị chưa được nâng cao, lập trường giai cấp chưa vững, cán bộ công nông chưa được cất nhắc đúng mức.

Cho nên Đảng và Chính phủ đặt việc chỉnh quân là một công việc chính hiện nay.

Kinh tế tài chính: Trước đây, chúng ta không chú trọng đầy đủ đến công tác kinh tế, tài chính, chúng ta thiếu quyết tâm ổn định nền tài chính, kinh tế để gây cơ sở phát triển sản xuất một cách thuận lợi và để bồi dưỡng lực lượng cho nhân dân, cho kháng chiến.

Nhưng gần đây, chúng ta đã cố gắng nhiều về mặt này: một mặt tiến hành mấy công tác tài chính, ngân hàng, mậu dịch, một mặt đề ra kế hoạch sản xuất và tiết kiệm.

Công tác kinh tế tài chính cùng công tác sản xuất và tiết kiệm quan hệ khǎng khít với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, cho nên cần phải ǎn khớp với nhau.

Tài chính, mậu dịch, ngân hàng, làm việc thuận lợi, thì mới thúc đẩy mạnh kế hoạch sản xuất và tiết kiệm.

Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm thực hiện đầy đủ, thì sẽ giúp tài chính, mậu dịch, ngân hàng phát triển.

Nǎm ngoái, thu thuế nông nghiệp có kết quả khá. Nhưng trong lúc thi hành có nhiều nơi (thí dụ Liên khu IV) chưa nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, chưa đi đúng đường lối nhân dân, cho nên kết quả không đầy đủ. Nǎm nay, cần phải sửa chữa kịp thời những khuyết điểm đó.

Chúng ta đã bước đầu trong việc đặt nền tảng tài chính, mậu dịch, ngân hàng, nhưng cán bộ chưa nắm vững chính sách, chưa thông thạo chuyên môn, chưa chấp hành kỷ luật tài chính một cách nghiêm khắc.

Chính trị: Trải qua mấy nǎm kháng chiến, chúng ta đã cố gắng và tiến bộ về mặt chính trị.

Gần đây, tình hình và công tác của chúng ta có sự phát triển mới:

Đảng công khai hoạt động, Việt Minh và Liên Việt thống nhất, ủy ban liên lạc Việt – Miên – Lào thành lập, ta có đại sứ ở Liên Xô và Trung Quốc, chính sách ruộng đất, chính sách thuế nông nghiệp, các chính sách mới về kinh tế tài chính, chính sách sản xuất và tiết kiệm đã được thi hành và ngày càng được thi hành đầy đủ hơn. Những thắng lợi to lớn trong chiến dịch Hoà Bình, cuộc đấu tranh sau lưng địch đương giữ vững và phát triển. Những việc đó làm cho quân và dân ta thêm hǎng hái, làm cho uy tín của Đảng và Chính phủ thêm sâu rộng.

Phong trào thi đua ái quốc dần dần có nền nếp. Bộ đội thi đua giết giặc lập công, nhân dân thi đua tǎng gia sản xuất, cán bộ thi đua sửa đổi lề lối làm việc, nói chung đều có kết quả.

Phong trào thi đua đã giúp nâng cao trình độ giác ngộ và củng cố thêm mối đoàn kết của nhân dân.

Cuộc Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc trong tháng 5 là một dịp tốt cho Đảng và Chính phủ động viên toàn quân và toàn dân thực hiện các nhiệm vụ và công tác kháng chiến.

Về chính quyền: Chúng ta có tiến bộ nhiều, nhưng vì chúng ta quan niệm chưa đúng tính chất và sự quan trọng của chính quyền nhân dân nên chưa thật sự kiện toàn chính quyền về mặt công tác, tổ chức, cán bộ.

Nền tảng mọi công tác là cấp xã, mà cấp xã nhiều mơi còn xộc xệch lắm, nhiều ủy ban kháng chiến hành chính xã do kỳ hào cũ, hoặc địa chủ, phú nông nắm, công tác sinh hoạt Hội đồng nhân dân không đều, số cán bộ thoát ly sản xuất quá nhiều, bộ máy cồng kềnh, nhiều giấy tờ, hình thức…

Từ cấp trên xuống cấp dưới, công việc chậm trễ, nhiều khi không ǎn khớp.

Chúng ta phải sửa chữa các khuyết điểm kể trên, coi trọng và thật sự kiện toàn chính quyền dân chủ nhân dân về các mặt công tác, tổ chức, cán bộ.

Nói đến chính trị, chúng ta phải xét thái độ của các giai cấp và tầng lớp xã hội Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến, để định phương châm, chính sách cho đúng.

Giai cấp công nhân: Trải mấy nǎm kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, giai cấp công nhân đã đoàn kết toàn dân, lãnh đạo toàn dân kháng chiến cứu nước. Các tầng lớp nhân dân bắt đầu nhận rằng: chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công.

Giai cấp nông dân: Nông dân là tối đại đa số trong nhân dân nước ta, là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cách mạng, là giai cấp đóng góp nhiều nhất trong kháng chiến. Nông dân nói chung ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như: giảm tô, giảm tức, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian, chia công điền, thu thuế nông nghiệp. Chính sách ấy đã đem lại lợi ích thiết thực cho quần chúng nông dân. Nhưng trong lúc thi hành, cán bộ chưa nắm vững chính sách, chưa theo đúng đường lối quần chúng, nên chưa phát huy được tính tích cực của quần chúng, chưa cải thiện đời sống nông thôn nhiều hơn, chưa biết tổ chức chặt chẽ và rộng khắp lực lượng to lớn của quần chúng nông dân.

Bần nông và cố nông là bán vô sản và vô sản trong nông thôn, là quần chúng chủ lực của cách mạng, là đồng minh chắc chắn nhất của giai cấp công nhân. Bần cố nông đã góp phần lớn lao nhất vào cuộc kháng chiến, sung vào bộ đội, đi dân công, đóng thuế nông nghiệp.

Trung nông chẳng những kiên quyết tham gia kháng chiến, tham gia phản đế phản phong, mà còn có thể tham gia cách mạng xã hội chủ nghĩa. Họ là đồng minh vững chắc của giai cấp công nhân. Trải qua mấy nǎm kháng chiến, trung nông đã đông đảo thêm và địa vị của họ ở thôn quê ngày càng quan trọng.

Phú nông cũng ở trong giai cấp nông dân, họ là tư sản trong nông thôn. Họ có thể đi với giai cấp công nhân trong cách mạng dân tộc và dân chủ.

Chúng ta không thể coi phú nông như địa chủ, cũng không thể coi phú nông như trung, bần, cố nông, không để họ giữ quyền lãnh đạo trong chính quyền và đoàn thể quần chúng ở nông thôn.

Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo, thì nông dân mới được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công nhân mới lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi.

Cho nên giai cấp công nhân ắt phải chǎm chú đến vấn đề nông dân, phải củng cố công nông liên minh.

Giai cấp địa chủ là giai cấp áp bức bóc lột nông dân theo lối phong kiến.

Một số đại địa chủ phản động đã theo địch, làm Việt gian bù nhìn. Chúng là kẻ thù của nhân dân, chúng phản bội Tổ quốc. Chúng ta phải đánh đổ chúng.

Một bộ phận đại địa chủ thì có thái độ lừng chừng. Chúng ta phải kéo họ về phe kháng chiến, đồng thời phải đấu tranh để họ thi hành chính sách của Đảng và Chính phủ.

Còn trung địa chủ và tiểu địa chủ thì hoặc là họ giữ thái độ trung lập, hoặc là tham gia kháng chiến. Một số trí thức xuất thân trung, tiểu địa chủ, và những thân sĩ tiến bộ thì hǎng hái tham gia kháng chiến. Cho nên chúng ta đoàn kết với họ để kháng chiến.

Cũng có một số trung, tiểu địa chủ, vì trọng lợi ích riêng của họ hơn lợi ích chung của kháng chiến, của dân tộc mà có thái độ ngoan cố, như không bằng lòng chính sách giảm tô, giảm tức, thuế nông nghiệp. Đối với họ, chúng ta phải thuyết phục, phải đấu tranh để thực hiện những cải cách dân chủ.

Đối với những tầng lớp khác nhau và những phần tử khác nhau trong giai cấp địa chủ, chúng ta phải có những chính sách khác nhau.

– Giai cấp tiểu tư sản: Giai cấp này là một trong những động lực cách mạng, là bạn đồng minh tin cậy của giai cấp công nhân. Nói chung thì họ thừa nhận sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Họ hǎng hái kháng chiến cứu nước.

Trải qua mấy nǎm kháng chiến, đời sống của họ gặp nhiều khó khǎn, chưa được thiết thực cải thiện.

Trong tư tưởng và hành động, họ thường lung lay. Chúng ta phải cố gắng giúp đỡ họ cải thiện đời sống, cải tạo tư tưởng, rèn luyện chí khí và giữ vững lập trường phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến.

– Giai cấp tư sản: Bọn tư sản mại bản, có quyền lợi dính liền với đế quốc Pháp, Mỹ, là bọn phản động, phản quốc. Chúng ta phải đánh đổ chúng.

Tư sản dân tộc thì ủng hộ cách mạng dân tộc và dân chủ, ủng hộ kháng chiến, tán thành chính sách của Đảng và Chính phủ (như chính sách lợi cả chủ và thợ, cả công và tư). Nhưng hoàn cảnh kháng chiến hạn chế hoạt động kinh doanh của họ. Phần nhiều, họ có thái độ “chờ thời”.

Dân tộc thiểu số: Nói chung, đồng bào thiểu số rất hǎng hái tham gia kháng chiến, nhờ đó chúng ta đã phá được chính sách chia rẽ dân tộc của địch. Nhưng có nơi thì một phần vì ta chưa có chính sách rõ rệt, một phần do cán bộ địa phương kém, cho nên ở đó có một số đồng bào thiểu số bị địch lợi dụng, chống lại ta.

Tôn giáo: Phần lớn đồng bào tôn giáo, nhất là các tầng lớp lao động đều yêu nước kháng chiến, như công giáo ở nhiều nơi, như Cao Đài kháng chiến, v.v.. Một phần thì bị địch lợi dụng như nguỵ quân Cao Đài, Hoà Hảo, công giáo ở Nam Bộ. Một số đồng bào công giáo tuy bản chất thì tốt, nhưng bị bọn cầm đầu phản động lung lạc, nên họ hoài nghi chính sách của Đảng và Chính phủ.

Đó là vì, địch dùng chính sách chia rẽ, song một phần cũng vì ta chưa có phương pháp thích hợp để vận động đồng bào tôn giáo. Đồng thời vì cán bộ ta kém, có nơi đã có những hành động lố lǎng, phạm đến tín ngưỡng và quyền lợi của đồng bào tôn giáo.

Nói tóm lại, tối đại đa số nhân dân ta là tốt, yêu nước, cǎm thù giặc, ủng hộ kháng chiến. Nhưng vẫn còn một số vì họ đặt lợi ích cá nhân, lợi ích giai cấp của họ lên trên lợi ích dân tộc, hoặc vì họ bị địch lừa phỉnh, mua chuộc mà có thái độ lừng chừng, hoặc ngoan cố, thậm chí phản động.

Càng ngày địch càng dùng thủ đoạn quỷ quyệt và thâm độc hơn chia rẽ nhân dân ta, hòng phá khối đoàn kết toàn dân của ta.

Chúng ta phải thi hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ đối với các giai cấp, tầng lớp, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, để mở rộng và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất, phá âm mưu của địch: dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.

Về Mặt trận Liên – Việt: Việc thi hành chính sách Mặt trận, cũng như tổ chức và công tác Mặt trận có bề rộng nhưng kém bề sâu, kém củng cố cơ sở của Mặt trận là công nông liên minh, vẫn thiên về đoàn kết một chiều, kém đấu tranh, giúp đỡ, phê bình, giáo dục.

Các ban lãnh đạo Mặt trận sinh hoạt không đều, công tác bị động. Các cấp uỷ đối với Mặt trận thì hoặc khoán trắng, hoặc bao biện. Ta chưa phát huy hết khả nǎng của Mặt trận.

Khuyết điểm ấy là do chúng ta còn coi nhẹ chính sách và công tác Mặt trận. Cán bộ và đảng viên ta phải hiểu: Mặt trận mạnh thì kháng chiến càng mạnh. Mặt trận hoạt động sôi nổi thì công việc kháng chiến càng thuận lợi.

Chúng ta phải thi hành đúng chính sách Mặt trận của Đảng, giúp Mặt trận hoạt động mạnh hơn, sâu hơn, thiết thực hơn.

Về Đảng: Đảng ta có cơ sở khắp cả nước, Đảng đã thu hút những người cách mạng nhất, ưu tú nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng có chính cương, đường lối đúng. Đảng lãnh đạo toàn dân đoàn kết kháng chiến, tranh được nhiều thắng lợi. Đó là thành tích vẻ vang của Đảng ta.

Những khuyết điểm của Đảng là: giáo dục và tổ chức kém, cho nên số đảng viên đông (hơn 70 vạn) nhưng chất lượng kém.

Nhiều đảng viên và cán bộ ta rất hy sinh tận tuỵ, làm gương mẫu trong mọi việc, được quần chúng kính phục và yêu mến. Nhưng số đông cán bộ và đảng viên ta chưa được rèn luyện trong đấu tranh, chưa được cải tạo tư tưởng, lập trường giai cấp vô sản không vững, (nhất là đảng viên thành phần tiểu tư sản và đảng viên mới), cho nên đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng như:

– Không phân biệt rõ bạn và thù.

– Kém ý thức trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh.

– Không nắm vững, không thi hành đúng chính sách đại đoàn kết của Đảng, khi thì quá “tả”, khi thì quá hữu (thường là quá hữu).

– Kém ý thức dân chủ và kỷ luật trong Đảng. Tự phê bình và phê bình không thật thà, không rộng khắp.

– Bệnh quan liêu, hủ hoá, tham ô, lãng phí khá nặng.

Về tổ chức thì các chi bộ, nhất là các chi bộ xã, quá kềnh càng, lỏng lẻo, thành thử ít có sinh hoạt chi bộ, hoặc chỉ có hình thức.

Để phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm trên, Trung ương quyết định việc chỉnh Đảng là công tác chính phải làm ngay trong nǎm nay.

III – NHIỆM VỤ VÀ CÔNG TÁC TRƯỚC MẮT

Để thiết thực chuẩn bị tổng phản công, Trung ương đề ra 3 nhiệm vụ lớn. Để thi hành những nhiệm vụ đó, Trung ương đề ra 4 công tác chính cho nǎm nay.

Đảng là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc. Để làm tròn nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, Đảng phải mạnh, toàn Đảng tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Cho nên chỉnh Đảng là việc chính, phải đặc biệt chú trọng.

Xét tình hình thế giới và tình hình trong nước, Trung ương định ra 3 nhiệm vụ lớn và 4 công tác chính như sau:

Ba nhiệm vụ lớn:

– Tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích.

– Phá chính sách của địch: dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.

– Bồi dưỡng lực lượng của nhân dân, của kháng chiến. Hai nhiệm vụ trên: Đánh địch về mặt quân sự và về mặt chính trị là để tiêu hao lực lượng địch. Tiêu hao lực lượng địch, bồi dưỡng lực lượng ta, hai việc ấy phải đi đôi với nhau. Tǎng gia sản xuất và tiết kiệm là để bồi dưỡng lực lượng ta, đặng tiêu hao lực lượng địch. Tiêu hao lực lượng địch là để bồi dưỡng lực lượng ta. Cho nên 3 nhiệm vụ ấy phải cùng tiến hành với nhau.

Để hoàn thành 3 nhiệm vụ ấy, chúng ta phải làm 4 công tác chính dưới đây:

1. Thực hiện kế hoạch tǎng gia sản xuất và tiết kiệm:

Để cho dân hǎng hái và có sẵn mà đóng góp cho kháng chiến, thì phải bồi dưỡng lực lượng của dân. Muốn bồi dưỡng lực lượng của dân, thì phải động viên, tổ chức, giúp đỡ, hướng dẫn dân tǎng gia sản xuất và tiết kiệm. Phải dùng lực lượng của dân bồi dưỡng lực lượng cho dân. Phải bồi dưỡng lực lượng cho dân nhiều hơn yêu cầu đóng góp.

Đồng thời phải giáo dục nhân dân và cán bộ tiết kiệm và chống những bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí, nếu không thì một phần khá to của dân đóng góp sẽ bị tiêu hao một cách vô ích.

2. Giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh sau lưng địch:

Trong giai đoạn cầm cự, cuộc đấu tranh sau lưng địch ngày càng quan trọng. Phải vượt mọi khó khǎn để xây dựng, củng cố và phát triển cơ sở nhân dân trong vùng du kích và vùng tạm bị chiếm. Phải bám chặt lấy nhân dân, phải tổ chức và lãnh đạo nhân dân ở những vùng ấy đấu tranh bằng mọi cách để phá chính sách của địch: dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Phải giữ vững và phát triển chiến tranh du kích, tích cực chống càn quét, ra sức củng cố và mở rộng cǎn cứ du kích, đẩy mạnh toàn bộ cuộc đấu tranh dẻo dai sau lưng địch.

Đó là một công tác rất quan trọng trong việc chuẩn bị chuyển sang tổng phản công.

3. Chấn chỉnh quân đội:

Muốn cho quân đội ta quyết chiến quyết thắng hơn nữa thì phải sǎn sóc đời sống vật chất của họ, nâng cao trình độ chiến thuật và kỹ thuật của họ, nhất là giáo dục chính trị, làm cho có lập trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc, phải khởi đầu từ cán bộ dần dần đến toàn thể nhân viên. Phải chú trọng bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ công nông. Phải làm cho quân đội ta trở nên thật là một quân đội cách mạng của nhân dân, một quân đội vô địch.

4. Chỉnh Đảng:

Đảng phải thật mạnh, thật trong sạch để thiết thực lãnh đạo những nhiệm vụ công tác nói trên. Muốn lãnh đạo vững thì trước hết cán bộ và đảng viên phải có tư tưởng và lập trường vững chắc để lãnh đạo, để xung phong làm gương mẫu. Vì vậy, chỉnh Đảng là việc chính mà chúng ta phải làm ngay.

Chỉnh Đảng phải làm từng bước, phải có trọng tâm:

– Chỉnh huấn cán bộ trước rồi mới chỉnh đốn chi bộ.

– Chỉnh đốn tư tưởng trước rồi mới chỉnh đốn tổ chức.

– Chỉnh huấn cán bộ cao cấp phải do Trung ương trực tiếp lãnh đạo vì đó là mấu chốt của việc chỉnh đốn toàn Đảng.

– Chỉnh huấn nhằm vào: nâng cao trình độ tư tưởng và chính trị của cán bộ và đảng viên, tẩy bỏ tư tưởng phi vô sản và tiểu tư sản, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, đoàn kết toàn Đảng để Đảng làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của mình.

Để làm cho quảng đại quần chúng nhân dân tham gia kháng chiến, để tǎng thêm lực lượng của nhân dân hơn nữa và để bảo đảm kháng chiến lâu dài và chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công, chúng ta cần phải phát động quần chúng mạnh mẽ hơn nữa. Cho nên chỉnh Đảng xong, thì phải chỉnh đốn công tác quần chúng.

Trong việc chỉnh đốn này, trước hết là chỉnh đốn công tác nông vận, vì tối đại đa số nhân dân ta là nông dân và nền tảng kinh tế của ta hiện nay là nông nghiệp.

Việc chỉnh đốn tổ chức và công tác của chi bộ và của Hội nông dân cứu quốc sẽ cùng làm trong cuộc phát động quần chúng này.

*

*      *

Tình hình quốc tế lợi cho ta, phe hoà bình dân chủ của ta mạnh, Đảng anh em ra sức giúp ta. Nhân dân và bộ đội ta hǎng hái. Cán bộ và đảng viên ta cố gắng. Đường lối của Đảng ta đúng. Chúng ta có đủ những điều kiện thắng lợi, vậy cán bộ và đảng viên ta phải có tư tưởng đúng, lập trường vững, quyết tâm nắm chắc và hoàn thành 3 nhiệm vụ và 4 công tác chính. Như thế là chúng ta làm đúng đường lối trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, thiết thực chuẩn bị tổng phản công để giành thắng lợi cuối cùng.

Báo cáo trong khoảng từ 22
đến 28-4-1952.
Tài liệu lưu tại Cục lưu trữ
Vǎn phòng Trung ương Đảng.
cpv.org.vn

(41) Hội nghị hoà bình châu á và Thái Bình Dương: Họp từ ngày 2-10-đến 13-10-1952 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Dự Hội nghị có 429 đại biểu nhân dân các nước châu á, châu úc, Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ, đại biểu của 5 tổ chức quốc tế và một số nhân sĩ các nước được mời.

Hội nghị được tổ chức nhằm tǎng cường tình đoàn kết giữa nhân dân các nước châu á và Thái Bình Dương, đẩy mạnh phong trào bảo vệ hoà bình ở khu vực này, cô lập bọn đế quốc gây chiến đứng đầu là đế quốc Mỹ.

Vấn đề trọng tâm mà Hội nghị thảo luận là vấn đề độc lập dân tộc và bảo vệ hoà bình. Hội nghị khẳng định: đấu tranh cho độc lập dân tộc và đấu tranh cho hoà bình thế giới là một. Hội nghị đã vạch ra chương trình hoạt động cụ thể nhằm đoàn kết và đẩy mạnh hơn nữa phong trào hoà bình của các dân tộc châu á và Thái Bình Dương. Hội nghị đòi chấm dứt chiến tranh ở Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Campuchia, Mã Lai, v.v.. Tr.451.

Advertisement