Chúng tôi vững tin vào thắng lợi cuối cùng của mình (7-1953)

Hằng nǎm, vào cuối tháng 6, chúng tôi thường điểm lại những kết quả của sáu tháng đã qua và chuẩn bị kế hoạch cho sáu tháng sắp tới. Trong sáu tháng đầu nǎm nay, song song với việc tiếp tục cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chúng tôi đã bắt đầu tiến hành hai nhiệm vụ chủ yếu: giáo dục chính trị cho cán bộ và cải cách ruộng đất.

*

*      *

Sau khi Cách mạng Tháng Tám nǎm 1945 thắng lợi, Đảng có khoảng 5.000 đảng viên. Phần lớn những đồng chí đó vừa ra khỏi các nhà tù của Pháp ở Côn Đảo, Lao Bảo, Sơn La, v.v.. Trong số ấy có người đã ở tù 15-17 nǎm.

Từ nǎm 1946, Đảng đã phát triển nhanh có khi quá nhanh. Đến cuối nǎm 1950, Đảng đã có gần 700.000 đảng viên. Do không đồng thời tiến hành một công tác có hệ thống đối với các đảng viên mới, cho nên việc tǎng quá nhanh số đảng viên đã làm cho trình độ giác ngộ chính trị của đảng viên bị giảm sút. Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định ngừng kết nạp đảng viên và tổ chức những lớp học chính trị để giáo dục cho đảng viên những kiến thức sơ đẳng của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Do thiếu kinh nghiệm và rất thiếu giảng viên có chất lượng nên ban đầu kết quả không được hài lòng lắm.

Ban Chấp hành Trung ương đã cố gắng hết sức mình để vận

dụng kinh nghiệm của các đảng anh em, trước hết là Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm cải tiến công tác giáo dục tư tưởng. Từ tháng 6 nǎm 1952 đến tháng 6 nǎm 1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức 3 lớp học, với 800 học viên, tất cả đều là những người phụ trách các cơ quan trung ương, tỉnh và khu của Đảng và Chính phủ (cũng có cả những người ngoài Đảng). Các lớp học đó đều do các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo.

Các ban chấp hành khu và tỉnh đã tổ chức các lớp học cho cán bộ tỉnh và huyện gồm 11.380 học viên.

Như vậy tổng cộng đã có 12.180 người dự các lớp học chính trị. Tuỳ theo các điều kiện địa phương, các lớp học đó kéo dài 2, 3 hoặc 4 tháng. Chương trình học tập gồm các chủ đề sau: Cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam; cuộc chiến tranh yêu nước và sự nỗ lực của dân tộc; chính sách Mặt trận dân tộc, chính sách ruộng đất, kinh tế và tài chính của Việt Nam; tổ chức Quân đội nhân dân; công tác trong các vùng tạm bị địch chiếm; những điều kiện để trở thành đảng viên.

Việc học tập những vấn đề trên được thực hiện trên cơ sở những tác phẩm của Mác, Ǎngghen, Lênin, Xtalin và báo cáo của đồng chí Malencốp tại Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô, những tác phẩm của đồng chí Mao Trạch Đông, những bài viết của đồng chí Hồ Chí Minh, những vǎn kiện của Đảng.

Trong Quân đội nhân dân, tất cả binh lính và sĩ quan cũng đều theo các lớp học chính trị. Chương trình học tập của họ nhẹ hơn.

Việc học tập được gắn liền với việc phê bình những khuyết điểm trong công tác của chúng tôi và với việc tự phê bình. Cuối khoá dành một hoặc hai tuần lễ để mỗi học viên tổng kiểm thảo. Kết quả tương đối tốt. Điều đó thể hiện trong thái độ thành thật của học viên khi phơi bày những khuyết điểm và nhược điểm trong công tác của mình cũng như trong việc cải tiến công tác hằng ngày của các tổ chức Đảng và các cơ quan Chính phủ. Trong quân đội, kết quả còn nổi bật hơn trong việc tǎng cường kỷ luật, sự giác ngộ chính trị, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của các chiến sĩ. Kết quả chủ yếu là trình độ tư tưởng chính trị của cán bộ chúng tôi được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đầu tiên đó, chúng tôi cũng đã có nhiều khuyết điểm: thời gian học tập quá ngắn, không đủ giáo viên, nghiên cứu chưa đủ sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, v.v.. Khuyết điểm khác là: trong số 1.365 học viên đang giữ các trọng trách, chỉ có 139 người là công nhân và 351 người là nông dân lao động. Do đó, Đảng còn cần phải cố gắng cải thiện thành phần xã hội các cán bộ của mình.

Mặc dù có những khó khǎn và khuyết điểm, kinh nghiệm đã chỉ ra rằng công tác giáo dục tư tưởng đang đi trên con đường đúng đắn. Nó sẽ ngày càng được cải tiến để khắc phục những khuyết điểm ấy.

*

*      *

Ngay từ khi bọn thực dân Pháp và đế quốc Nhật bị đuổi khỏi đất nước, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra sắc lệnh về các biện pháp cải cách ruộng đất: chia ruộng đất của bọn đế quốc và bọn phản quốc cho nông dân nghèo, chia ruộng công, giảm 25% địa tô, v.v.. Nhưng các địa chủ lớn đã tìm mọi cách để trốn tránh pháp luật. ít người trong bọn chúng đã thành thực thực hiện việc giảm địa tô.

Tháng 12 nǎm ngoái, nhân dịp kỷ niệm ngày bắt đầu cuộc chiến tranh yêu nước, trong lời kêu gọi nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: chính là nông dân, dân lao động đã cung cấp phần lớn các chiến sĩ cho quân đội chúng ta, đã gánh vác phần lớn công việc ở tiền tuyến và hậu phương.

Nhưng họ lại là những người nghèo nhất, bởi vì họ có ít hoặc không có ruộng đất, và họ bị bóc lột nặng nề bởi địa tô và nợ lãi quá cao. Từ nay, Chính phủ, Đảng và Mặt trận dân tộc cần phải kiên quyết thi hành một chính sách ruộng đất mới nhằm cải thiện số phận của nông dân chúng ta và đẩy mạnh cuộc kháng chiến của dân tộc…

Hiệu lệnh đã được phát ra. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sau khi chuẩn bị chu đáo, tháng 5 vừa qua Hội nông dân đã mở một cuộc hội nghị. Hơn 200 đại biểu đã có mặt. Người ta đã nghiên cứu kỹ các chỉ thị của Đảng và sắc lệnh của Chính phủ về chính sách ruộng đất mới. Người ta đã vạch ra một chương trình công tác để thật sự giảm tô và giảm tức. Người ta đã quyết định bắt đầu công việc trong một số vùng và dần dần mở rộng phong trào theo “vết dầu loang”.

Hội nghị kết thúc, các đại biểu được phân chia thành hai đoàn, đã đi thẳng về nông thôn trong hai vùng khác nhau. Mỗi đoàn được chia thành nhiều đội. Mỗi đội có khoảng 12 đến 15 người và phụ trách một làng nhất định. Mỗi thành viên trong đội phải tuân thủ chặt chẽ nội quy trong đó có một điều quy định việc “ba cùng”: 1) ở trong những nhà nông dân nghèo; 2) chia sẻ bữa ǎn với họ (cùng ǎn); 3) giúp đỡ họ trong mọi công việc.

Công tác của các đội được tiến hành theo từng giai đoạn: đến thǎm nông dân nghèo và nói chuyện với họ, nghiên cứu tình hình trong làng. Giải thích cho những nông dân đó nguồn gốc sự nghèo khổ của họ và cùng họ bàn bạc cách đấu tranh chống lại sự nghèo khổ đó. Giải thích chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ. Lựa chọn những người tích cực trong số nông dân. Trong các cuộc hội họp, khuyến khích nông dân nói lên sự áp bức và bóc lột mà họ phải chịu đựng, thức tỉnh lòng cǎm thù của họ đối với bọn địa chủ. Thành lập một uỷ ban lâm thời của Hội nông dân bao gồm các thành viên được lựa chọn trong số những nông dân tích cực nhất. Uỷ ban này sẽ lãnh đạo phong trào để thi hành chính sách ruộng đất mới.

Khi tất cả những việc đó đã làm xong, người ta tổ chức một cuộc mít tinh. Người ta dẫn những địa chủ có tội với nông dân tới. Nông dân – những nạn nhân của chúng, với chứng cớ trong tay, đã công khai buộc tội chúng.

Cuối cùng, toà án nhân dân xét xử và quyết định. Những kẻ có tội đã buộc phải trả lại cho nông dân những số tiền bất hợp pháp do phát canh thu được, số tiền công bị giữ lại một cách bất hợp pháp, trả lại những ruộng đất đã bị chiếm đoạt một cách gian lận, v.v..

Trong trường hợp bị cáo còn phạm những tội khác nghiêm trọng hơn, toà án nhân dân có quyền kết án đến mức tử hình.

Cho đến nay, đã có khoảng 20 làng thi hành những biện pháp này. Kinh nghiệm thu được khá phong phú. Đó là một cuộc đấu tranh giai cấp thật sự ở nông thôn. Những người lao động một khi thức tỉnh, đã tỏ ra có tính chiến đấu cao và có đầu óc thực tiễn.

Phần đông các địa chủ đều rất xảo trá và nham hiểm. Có những kẻ đã phạm những tội ác khủng khiếp cho đến nay vẫn che giấu được vì nông dân không dám tố cáo ra.

Trong những làng đã thi hành chính sách ruộng đất mới, chính quyền của bọn địa chủ phong kiến bị đánh đổ, nông dân lao động trở thành những người chủ. Trong 6 tháng cuối nǎm, phong trào đã lan ra tới hơn 200 làng. Nông dân rất phấn khởi, vì phong trào đã đáp ứng đúng nguyện vọng và lợi ích của họ.

*

*      *

Trong nửa đầu nǎm nay, cuộc chiến tranh yêu nước đã thu được những thành tựu đáng kể.

ở đồng bằng Bắc Bộ, những cǎn cứ du kích mới đã được thành lập và tǎng cường, đặc biệt là tại các tỉnh Thái Bình, Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương. Cái mới trong thời kỳ này là các chiến sĩ du kích của chúng tôi đã tiến công vào cả trung tâm của các tỉnh như Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Kiến An. Trong tỉnh sau cùng này, các chiến sĩ của chúng tôi đã phá huỷ hàng trǎm tấn bom và đạn đại bác và đã đốt cháy hàng chục vạn lít ét xǎng.

Các boongke ở Yên Vĩ, hệ thống dinh luỹ mà theo các nhà chức trách Pháp thì đó là “vinh quang” của cố Thống chế Tátxinhi, đã bị chiếm và bị phá huỷ.

Bản tổng kết tình hình 6 tháng ở đồng bằng Bắc Bộ là như sau: thiệt hại về người của địch là 17.000 tên bị diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Về vật chất: 4 tàu đổ bộ và 4 canô bị đánh chìm, hai đoàn xe lửa bị phá huỷ, 9 máy bay, 24 xe tǎng và 680 xe vận tải và nhiều xe có động cơ khác đã bị phá huỷ. Chúng tôi thu được: 3.800 súng trường, 820 súng đại liên và tiểu liên, 15 ba dô ca, 7 đại bác, v.v..

Theo những báo cáo chưa đầy đủ, trên tất cả các mặt trận, chúng tôi đã tiêu diệt 23.000 binh lính địch (bị giết, bị bắt, mất tích).

Từ tháng 12-1950 đến tháng 5-1953, thi hành chính sách nhân đạo, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tha cho về với gia đình hơn 35.000 tù binh Pháp, lê dương và bù nhìn.

Như tôi đã nêu ở trên, việc giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân đã thu được những kết quả tốt đẹp. Quân đội nhân dân cũng đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực quân sự. Chính ngay kẻ địch của chúng tôi cũng buộc phải thừa nhận điều đó. Xin dẫn báo Le Monde: “… Ngày nay họ đã có một lực lượng bộ binh mà trong loại hoạt động quân sự ấy thì có thể thuộc loại ưu tú nhất thế giới, ít tốn kém không thể tưởng tượng được, cực kỳ cơ động, trang bị chỉ bằng khí tài nhẹ. Chống lại thứ bộ binh khó tìm ra tung tích ấy thì xe tǎng, đại bác, máy bay đều không làm gì được” (báo Le Monde, ngày 21-5-1953). Kẻ địch thú nhận rằng cứ mỗi nǎm chiến tranh, xứ Đông Dương lại ngốn mất của nó 100.000 lính, nuốt mất của nó 500 tỷ phrǎng, tức là một số tiền ngang giá 250.000 ngôi nhà ở, nhưng vẫn bị những tổn thất to lớn mà không cải thiện được về mặt chiến lược, không đạt kết quả chính trị, không có hy vọng. Nó cũng thú nhận rằng vào nǎm 1953, tình hình ở Trung Kỳ vẫn mong manh. “Việt Minh đã có những sư đoàn khá tốt, đất nước thuận lợi đối với họ, họ giữ quyền chủ động. ở Bắc Kỳ, tình hình thật sự là xấu. Quân đội của chúng ta (Pháp) đã bị sa lầy ở Đông Dương” (báo Climats).

*

*      *

Còn chúng tôi, chúng tôi không say sưa với thắng lợi và không đánh giá quá thấp kẻ địch, nhưng chúng tôi tự cảm thấy ngày càng mạnh lên, ngày càng thêm vững tin vào thắng lợi cuối cùng của chúng tôi, ngày càng quyết tâm đuổi ra khỏi Tổ quốc mình bọn thực dân Pháp và quan thầy của chúng là bọn can thiệp Mỹ, mặc dù chúng tôi vẫn không từ bỏ thái độ bè bạn và hữu nghị đối với nhân dân Pháp.

Tháng 7 nǎm 1953
DIN

Tuần báo Vì một nền hoà bình
lâu dài, vì một nền dân chủ
nhân dân, bản tiếng Pháp,
số 250, ngày 21-8-1953.
cpv.org.vn

Advertisement