Hôm nay, chúng ta vui vẻ kết thúc lớp nghiên cứu. Tôi thay mặt Đảng và Chính phủ trước là cảm ơn cán bộ của lớp và anh em công nhân đã cố gắng hướng dẫn về tinh thần và tiếp tế về vật chất để giúp các cụ và các cô, các chú vui khoẻ nghiên cứu.
Thứ hai là cảm ơn các cụ đã không ngại tuổi già sức yếu, cố gắng xung phong nghiên cứu, làm gương mẫu cho anh em. Đó là một điều đáng quý trọng.
Ba là tôi vui lòng tuyên bố: các cô, các chú đều có tiến bộ, hoặc ít hoặc nhiều. Theo sự nhận xét của tôi thì tiến bộ ấy tỏ ra ở những điểm sau đây:
a) Mọi người đều nhận rõ rằng: Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất yêu quý trí thức. Yêu quý những trí thức gắn liền lý luận với thực hành, những trí thức thật lòng thật dạ phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Yêu quý những trí thức đoàn kết thành một khối với nhân dân, những trí thức của nhân dân.
b) Mọi người nhận rõ rằng trước kia, thực dân và phong kiến áp bức bóc lột tàn tệ công nông về vật chất. Nhưng công nông đã giữ vững tinh thần giai cấp và tinh thần dân tộc, giữ vững chí khí quật cường bất khuất. Khi có cơ hội cách mạng và kháng chiến thì công nông hǎng hái nổi dậy, đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng, hy sinh quên mình chiến đấu anh dũng. Còn đối với trí thức thì tuy rằng thực dân và phong kiến cũng trực tiếp bóc lột về vật chất, song chúng dành một tý ti cái chúng đã bóc lột được để mua chuộc trí thức. Nhưng chúng áp bức bóc lột trí thức tàn tệ về mặt tinh thần. Chúng đã làm cho trí thức xa rời thực tế, xa rời nhân dân. Chúng đã làm cho một số trí thức mơ màng đến nỗi quên nước mình bị nô lệ, quên tự mình là nô lệ, không phân biệt ai là bạn, ai là thù, không phân biệt được thế nào là sai, là đúng. Đó là một thủ đoạn vô cùng thâm độc của thực dân và phong kiến.
c) Mọi người nhận rõ rằng: muốn thoát ách nô lệ, muốn tự lập tự cường thì nhất định phải làm cách mạng, phải kháng chiến. Kháng chiến là tiếp tục công việc cách mạng để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Cách mạng của ta là cách mạng dân tộc giải phóng, cách mạng dân chủ nhân dân, cách mạng phản đế phản phong – cǎn bản là cách mạng nông dân, cách mạng ruộng đất.
Mọi người nhận rõ rằng: kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh. Tự lực cánh sinh để vượt mọi khó khǎn, chịu đựng gian khổ để chiến đấu trường kỳ. Chiến đấu được trường kỳ là nhất định thắng lợi.
Trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh là trách nhiệm chung cả toàn dân, cũng là trách nhiệm riêng của mỗi người, mà cán bộ trí thức thì cần phải làm gương, phải “tiên ưu hậu lạc”.
d) Mọi người nhận rõ rằng: muốn độc lập thành công, kháng chiến thắng lợi thì phải đánh quỵ đế quốc, đánh quỵ phong kiến. Và muốn đạt mục đích ấy thì phải có một lực lượng cực kỳ to lớn mạnh mẽ. Lực lượng ấy sẵn có ở nhân dân ta, mà nhân dân ta tuyệt đại đa số là nông dân lao động.
Muốn động viên lực lượng ấy, thì phải phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất. Ngoài ra không có cách nào khác.
Trừ bọn thực dân và bọn phong kiến bù nhìn Việt gian phản động, thì người Việt Nam ai mà không muốn kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công. Cho nên những người yêu nước, trước hết là cán bộ, cần phải có một lập trường dứt khoát, đứng hẳn về phía nông dân, về phía lực lượng chủ chốt, nó đưa kháng chiến đến thắng lợi, độc lập đến thành công…
Những điểm tôi nói trên là một tiến bộ quan trọng, vì nó xoay chuyển tư tưởng và lập trường từ hướng cũ sang hướng mới. Nhưng chúng ta phải nhận rằng khuyết điểm vẫn còn nhiều và tiến bộ ấy chỉ là một bước đầu trong cả đoạn đường cải tạo để đi đến chỗ tẩy rửa hết những chứng bệnh mà thực dân và phong kiến đã đầu độc vào tư tưởng và tác phong của chúng ta.
Chúng ta phải biết rằng: chúng ta có vinh dự sống trong một thời đại rất to lớn, sự vật thay đổi và phát triển rất mau chóng. Trong khoảng mấy mươi nǎm nay, chúng ta đã thấy bao nhiêu phát minh mới mẻ như vô tuyến điện, vô tuyến truyền hình, sức nguyên tử, v.v.. Người đã chinh phục nhiều lực lượng thiên nhiên để phục vụ cho loài người. Nhưng phát minh vĩ đại nhất và phát triển nhanh chóng nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin.
Trong khoảng mấy mươi nǎm, chủ nghĩa ấy đã lan rộng ǎn sâu khắp thế giới, đã đánh tan xã hội cũ và xây dựng xã hội mới trên một phần ba quả địa cầu.
Ba mươi sáu nǎm trước đây, toàn thế giới là một thế giới cũ của tư bản, đế quốc và phong kiến. Ngày nay, một thế giới mới, rộng mênh mông nối liền từ Đông Đức sang Liên Xô, sang Trung Quốc đến Triều Tiên, 800 triệu người đã đoàn kết thành một khối nhất trí về tư tưởng, chính trị, kinh tế và quân sự. Xung quanh khối người ấy lại có hàng trǎm triệu nhân dân lao động và dân tộc bị áp bức đang vươn mình lên chống đế quốc, tư bản, phong kiến, đòi giải phóng tự do.
Đó là phe dân chủ hoà bình thế giới do Liên Xô lãnh đạo. Cùng đứng trong phe ấy, Việt Nam ta tiến bộ thế nào?
9 nǎm trước, tên tuổi nước ta bị lu mờ, không ai biết đến. Nay vì cách mạng, vì kháng chiến, tên tuổi nước ta lẫy lừng khắp thế giới, địch thì sợ, bạn thì yêu…
Sự tiến bộ của nhân dân ta tỏ rõ nhất là quân đội ta. 9 nǎm về trước, quân đội ta rất non yếu và thiếu thốn mọi bề. Nay quân đội ta đã trưởng thành mau chóng; đã tiến bộ vượt mức về chính trị cũng như về chiến thuật; đã đuổi giặc chạy dài ngót 500 cây số và chắc chắn sẽ quét sạch chúng ra khỏi đất nước yêu quý của chúng ta.
9 nǎm trước đây, nhân dân ta gồm cả trí thức ta, bị Tây khinh rẻ và gọi là “giống bẩn thỉu”. Ngày nay, ta có những anh hùng như Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị và đang nảy nở hàng trǎm chiến sĩ và anh hùng trong phong trào thi đua yêu nước.
Cho đến nhi đồng ta, trước kia chỉ biết chơi đùa hoặc chǎn trâu, hoặc bị bọn thực dân bắt liếm chảo cho chúng xem trong những ngày hội hè, kỷ niệm. Ngày nay, nhi đồng của chúng ta cũng hǎng hái tham gia kháng chiến, giết giặc lập công như cháu Nam, cháu Thư và nhiều cháu khác không kém anh hùng Trần Quốc Toản ngày xưa.
Nói tóm lại, 9 nǎm trước nhân dân ta bị làm nô lệ, ngày nay nhân dân ta là chủ nhân ông. Kết quả ấy cũng vì có chủ nghĩa Mác- Lênin soi sáng con đường cách mạng của chúng ta.
Phấn đấu trong một thời đại vẻ vang, làm cán bộ của một dân tộc anh hùng, đó là một vinh dự của người trí thức, đồng thời cũng là một nhiệm vụ nặng nề. Muốn làm tròn nhiệm vụ thì phải tiến kịp phong trào, tiến với dân tộc; phải cải tạo tư tưởng, giữ vững lập trường.
Chúng ta phải nhớ câu “Chính tâm tu thân” để “trị quốc bình thiên hạ”. Chính tâm tu thân tức là cải tạo. Cải tạo cũng phải trường kỳ gian khổ, vì đó là một cuộc cách mạng trong bản thân của mỗi người. Bồi dưỡng tư tưởng mới để đánh thắng tư tưởng cũ, đoạn tuyệt với con người cũ để trở thành con người mới không phải là một việc dễ dàng, không phải trong một lớp nghiên cứu vài tháng mà hoàn toàn thắng lợi. Chúng ta phải cố gắng nữa, cố gắng mãi. Dù khó khǎn gian khổ, nhưng muốn cải tạo thì nhất định thành công. Một là tin tưởng vào Đảng, Chính phủ và quần chúng có thể giúp đỡ mình cải tạo. Hai là tự mình phải có quyết tâm cải tạo thì nhất định cải tạo được.
Có hai thứ vũ khí rất sắc bén để giúp chúng ta cải tạo, tức là cố gắng học tập gắn liền với thực hành và không e ngại, không che giấu, thật thà tự phê bình và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Quyết tâm giữ vững hai điều kiện ấy và lợi dụng hai vũ khí ấy thì dù trước đã mắc nhiều khuyết điểm, thậm chí đã phạm tội lỗi, cũng nhất định cải tạo được, nhất định tiến bộ được.
Tôi mong rằng khi về cơ quan, về địa phương, các cô, các chú tiếp tục cố gắng học tập và cải tạo để thành người cán bộ trí thức mới của thời đại mới, của dân tộc mới mà Đảng, Chính phủ và nhân dân đang thiết tha mong chờ nơi các cô, các chú.
Nói ngày 26-9-1953.
Báo Nhân dân , số 142,
từ ngày 16 đến 20-10-1953.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.