Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ. Nhân dân bầu ra các Hội đồng nhân dân, Uỷ ban kháng chiến hành chính địa phương, và Quốc hội cùng Chính phủ Trung ương.
Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ vǎn hoá, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý, để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình.
Chế độ xô viết ở Liên Xô và chế độ nhân dân đại biểu đại hội ở các nước dân chủ mới đại khái cũng như vậy. ở Liên Xô không có giai cấp tư sản nữa. Xô viết tức là đại biểu cho toàn thể nhân dân: công nhân, nông dân trong các nông trường tập thể và tầng lớp trí thức.
ở Trung Quốc và ở nước ta, thì ngoài liên minh công nông, còn có giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc tham gia.
Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ.
Các cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung.
Từ Hội đồng nhân dân và Uỷ ban kháng chiến hành chính xã đến Quốc hội và Chính phủ Trung ương, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương. Thế là vừa dân chủ vừa tập trung.
Chế độ dân chủ tập trung khiến cho toàn thể nhân dân (công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc) đều trở nên chủ nhân chân chính của nước nhà, đều đoàn kết để kháng chiến kiến quốc.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.