Một góc nhìn về văn hóa Hồ Chí Minh

“Đã có nhiều đoàn làm phim với nhiều góc độ tiếp cận về Bác, nên sau khi khảo sát, chúng tôi quyết định chọn cách tiếp cận mới, là một góc nhìn văn hóa về Hồ Chí Minh. Thực tế, nét văn hóa ở Bác chính là điều các nhân chứng đặc biệt ấn tượng”, NSƯT đạo diễn Trần Cẩm, tác giả kịch bản và đạo diễn phim “Hồ Chí Minh với nước Nga”.

Kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đang phát sóng bộ phim “Hồ Chí Minh với nước Nga”. Đây là bộ phim tài liệu lịch sử nhiều tập đầu tiên về Bác được VTV đầu tư, thực hiện tại nước ngoài trong thời gian ngắn nhất. Với những câu chuyện được bố cục có hệ thống, phim đã mang đến những hình ảnh chân thực, xúc động về tình cảm của Bác với nhân dân Nga, sự thủy chung, sâu nặng của nhân dân Nga với Bác, với nhân dân Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi đã gặp gỡ NSƯT, đạo diễn Trần Cẩm, tác giả kịch bản và đạo diễn phim.

PV: Là một trong các “chuyên gia” phim tài liệu về Hồ Chủ tịch với gần 20 bộ phim và từng đoạt Cánh diều vàng ở thể loại này, vì sao đến nay, ông mới quyết định làm phim về Bác ở Nga?

NSƯT Trần Cẩm: Trong 30 năm Bác bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã đi nhiều nước, nhưng có tới 6 năm Người học tập và làm việc ở Liên Xô. Người đã tìm thấy ở nước Nga những kinh nghiệm quý báu để giành độc lập tự do cho dân tộc và cả nền văn hóa tương lai. Vì thế, có nhiều sự kiện, nhân chứng quan trọng ở Nga. Nhưng đến giờ VTV mới có điều kiện làm phim, bởi chi phí rất lớn, do phải đi nhiều nơi, vì sinh thời, Bác từng có mặt ở hầu khắp nước Nga. Các nhân chứng ngày ấy đều đã cao tuổi, nhiều người không còn nữa, nếu chúng tôi không chạy đua với thời gian, sẽ không kịp gặp ai nữa. Việt Nam xác định Nga là đối tác chiến lược đặc biệt, là nước đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong chiến tranh, cho đến hôm nay, như lời Tổng thống Putin: “2 nước có mối quan hệ đặc biệt mà trách nhiệm của chúng ta phải gìn giữ quan hệ tốt đẹp đó”.

PV: Cách ông xác định tiêu chí và lựa chọn các địa danh ở Nga có liên quan đến Bác?

NSƯT Trần Cẩm: Nguồn thông tin quan trọng là hồi ký của ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng thông qua đại diện của VTV tại Nga để tìm lại những người từng gặp Bác. Chúng tôi đã gặp gỡ hơn 60 nhân chứng người Nga và hơn 10 người Việt ở 9 thành phố và 2 nước cộng hòa, với những câu chuyện tiêu biểu, ấn tượng sâu đậm, để có chất liệu cho bộ phim mang ý nghĩa lịch sử này.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

NSƯT Trần Cẩm: Bộ phim là 8 câu chuyện kể độc lập, nhưng xâu chuỗi hợp lý, giúp người xem dõi theo hành trình của Bác: St Peterburg là một điểm nhấn, vì là nơi lần đầu tiên Người đặt chân đến nước Nga vào ngày 30/6/1923 từ cầu tàu số 7. Hay tượng đài Bác Hồ với thông điệp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” ở thủ đô nước Nga được xây dựng những năm 90 và gìn giữ đến nay, trong bối cảnh tượng đài Lênin, Các Mác bị tháo dỡ, cho thấy nhân cách của Người đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ với các tầng lớp nhân dân Nga.

Chúng tôi gặp gỡ nhà báo Cô-bê-lep, tác giả “Đồng chí Hồ Chí Minh” đã 3 lần tái bản, với lượng phát hành 200.000 bản, vượt xa nhiều cuốn tiểu thuyết ăn khách. Tầm tư tưởng của Người: muốn xây dựng đất nước phải đào tạo con người, được thể hiện qua câu chuyện 100 thanh niên và 100 thiếu niên đầu tiên được người cử sang Nga học từ năm 1954. Thực tế, nhiều lưu học sinh ở Nga về sau đã trở thành lãnh đạo cao cấp, nhà khoa học xuất sắc và cán bộ chủ chốt trong mọi ngành của đất nước v.v…

Bác Hồ với người dân Nga.

PV: Có câu chuyện nào liên quan đến Bác lần đầu được hé lộ trong phim?

NSƯT Trần Cẩm: Có chứ! Chúng tôi được tiếp cận với nhiều tài liệu của KGB từng được coi là tuyệt mật như “Hồi ức cựu binh”, “Những điều bí mật về chiến tranh Việt Nam” v.v… để hiểu thêm nhiều điều về tình cảm sâu nặng của Bác với những người bạn Nga, cũng như của các bạn Nga với Bác, với nhân dân Việt Nam.

PV: Đã rất nhiều người làm phim về Bác. Đây là thách thức cho những người đi sau. Ông có sự mới lạ trong tiếp cận hình tượng Bác để hấp dẫn người xem?

NSƯT Trần Cẩm: Đã có nhiều đoàn làm phim với nhiều góc độ tiếp cận về Bác, nên sau khi khảo sát, chúng tôi quyết định chọn cách tiếp cận mới, là một góc nhìn văn hóa về Hồ Chí Minh. Thực tế, nét văn hóa ở Bác chính là điều các nhân chứng đặc biệt ấn tượng. GS. Titarenco, Viện trưởng Viện Viễn Đông, chia sẻ: “Trên ngực con người đó không có tấm huân chương nào, nhưng vẫn đóng góp hết mình cho Tổ quốc và điều đó khiến chúng tôi phải suy nghĩ”. Có nhiều người Nga chưa gặp Bác, nhưng sau khi thăm nhà sàn, ao cá Bác Hồ, đã nhận ra sự khác biệt của vị lãnh tụ Việt Nam với các lãnh tụ mà họ biết. Thiếu tướng Anatoly Gozdeev, cựu quân nhân Nga tham gia bảo vệ bầu trời miền Bắc Việt Nam 1965-1972 nhớ lại: Giữa bom đạn dày đặc, Người vẫn đến thăm các chuyên gia quân sự Nga đang ở Việt Nam. Điều đó, truyền đến chúng tôi sự dũng cảm và niềm lạc quan chiến thắng.

PV: Những ngày làm phim về Bác ở nước Nga, ông cảm nhận thế nào về tình cảm của người dân Nga với Bác Hồ và với Việt Nam?

NSƯT Trần Cẩm: Chúng tôi đã gặp gỡ nhiều người, ở nhiều lứa tuổi khác nhau và khi biết làm phim về Bác, họ đều nhiệt tình giúp đỡ, tận tình dẫn đường đến những nơi Bác Hồ đã tới và sinh sống. Nhiều người ở xa hàng trăm cây số cũng trở về để trả lời phỏng vấn. Có người đã cao tuổi, sức yếu, vẫn đồng ý lên hình. Đó là tình cảm sâu nặng của họ với Bác Hồ, với Việt Nam và là điều phim ảnh không thể nói hết được. Với bộ phim này, chúng tôi muốn gửi đến người xem cái nhìn đầy đủ về quãng thời gian Bác sống, làm việc ở Nga; đồng thời, là sự tri ân tình cảm thủy chung hiếm có Việt – Nga mà nhân dân Nga dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
cand.com.vn

Advertisement