QĐND Online – “Được làm cận vệ của Bác là một niềm vinh hạnh lớn không phải ai cũng có được. Được gần Bác, tôi cùng các anh em khác đã có những kỷ niệm không thể nào quên. Sự giản dị và thanh bạch của Bác là tấm gương để cho thế hệ chúng tôi và thế hệ mai sau noi theo”.
Bác Tăng Văn Soát, người vinh dự được làm cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong gần 6 năm liền, đã xúc động chia sẻ với chúng tôi như vậy, khi ông cùng đoàn cán bộ phục vụ và bảo vệ Bác Hồ năm xưa thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Bác.
Nhập ngũ năm 1948. Năm 1953, ông được tuyển vào học lớp Công an Trung ương. Năm 1954, ông được chọn sang Cục Cảnh vệ. Sau quá trình rèn luyện, nhiều năm liền được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua, năm 1962, ông may mắn được chọn vào đội bảo vệ Hồ Chủ tịch. Đối với ông, đó là niềm vinh dự và tự hào lớn.
Đã bước qua tuổi 80, nhưng người cận vệ năm xưa vẫn nhớ như in cảm xúc ngày được chính thức nhận vào đội cận vệ của Bác. Hôm đó, đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác nói với ông: “Trưa nay ăn cơm xong chú đi với anh”. Trong lòng băn khoăn không biết mình sẽ đi đâu. Đúng 11 giờ 30 phút, sau bữa cơm trưa, ông theo đồng chí Vũ Kỳ qua nhà sàn của Bác. Sau khi nghe đồng chí Vũ Kỳ báo cáo: “Thưa Bác, hôm nay cháu đưa chú Soát sang xin Bác làm cận vệ”. Bác gật đầu đồng ý. Ông Soát mắt rưng rưng nhớ lại: “Lúc đó, tôi xúc động đến nỗi không thốt nên lời”.
Ông còn nhớ những ngày đầu tiên làm nhiệm vụ, Bác luôn căn dặn: “Khi được giao nhiệm vụ, chú được phép hỏi lại nếu chú nghe chưa rõ”. Ông nói: “Trong suốt quá trình được gần Bác, tôi thấm nhuần lời dặn dò đó của Bác. Làm việc gì cũng phải hiểu rõ nhiệm vụ thì mới hoàn thành tốt được”.
Bác Tăng Văn Soát đang chia sẻ những kỷ niệm về Bác
Cũng từng được phục vụ trong các buổi tiếp khách của Bác, cô Nguyễn Thị Đạc, cũng chia sẻ cho chúng tôi kỷ niệm về những lần may mắn được nói chuyện với Bác Hồ.
Cô không thể nào quên lần đầu tiên được gặp Bác.
Vừa nhìn thấy cô, Bác hỏi, “Cháu tên gì?”
“Dạ thưa Bác, cháu tên Đạc”, cô hồi hộp đáp lại.
Bác hỏi tiếp, “Thế bố cháu có phải nhà Nho không?”.
Chưa kịp trả lời thì Bác nói tiếp, “Có phải tên cháu trong bài thơ này không?”. Nói xong Bác từ từ đọc:
“Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi
Âm thanh chuyển động khắp nơi nơi”
Nghe Bác đọc xong hai câu thơ trên, cô reo lên: “Thưa Bác, đúng rồi ạ, đúng rồi ạ”.
“Tự nhiên mọi sự hồi hộp tan biến, thay vào đó là cảm giác gần gũi như nói chuyện với người thân vậy”, cô Đạc nhớ lại.
Cô chia sẻ thêm, ngày cô vào phục vụ ở đây là lúc cô mới tròn 18 tuổi, vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Những ngày đầu tiên làm việc, Bác luôn luôn tận tình chỉ bảo cho cô cũng như những người phục vụ ở đây.
Có lần Bác gọi cô đến và nói: “Hôm nay Bác tiếp khách, cháu ra vườn hái mỗi loại hoa một cánh hoa, rồi bỏ vào chén úp. Khi có khách thì rót nước chè vào những chiếc chén đó”. Ngày hôm đó, một vị khách vừa nhấp một ngụm trà, suy nghĩ một lát và nói: “Trà của Bác có mùi hoa bưởi”. Một người khác phản đối: “Không, trà có mùi hoa nhài”. Cứ như thế, mỗi người lần lượt đem ra ý kiến riêng của mình. Điều đó đã tạo ra không khí vui vẻ, thoải mái cho những vị khách trong buổi tiếp khách hôm đó.
Các buổi chiếu phim vào tối Chủ Nhật hàng tuần, Bác thường gọi các cháu sang xem. “Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh về Bác vẫn còn in đậm trong trái tim tôi và chắc chắn trong tim người dân Việt Nam, những người may mắn dù chỉ là một lần được gặp Bác. Những kỷ niệm về Bác như còn mới đây thôi. Chúng tôi hy vọng rằng, những câu chuyện này sẽ giúp thế hệ trẻ ngày hôm nay hiểu thêm về Bác”, cô Đạc chia sẻ.
Bài, ảnh: Trần Hoài – Mai Hương
qdnd.vn