60 năm tác phẩm Sửa đổi lối làm việc

(ĐCSVN– Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2008) và 60 năm tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10-1947 – 10-2007) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách 60 năm tác phẩm Sửa đổi lối làm việc.

Thiết thực thực hiện cuộc vận động của Đảng và nhân dịp kỷ niệm 60 năm tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự đồng ý của Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phối hợp với Báo Nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, tổ chức Hội thảo khoa học – thực tiễn quốc gia với chủ đề: 60 năm tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Cuộc Hội thảo đã nhận được sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học của nhiều bộ, ban, ngành, nhà trường, học viện, viện nghiên cứu… Các bài tham luận khoa học đã tập trung phân tích làm nổi bật những tư tưởng, quan điểm cách mạng, khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc về xây dựng Đảng cầm quyền, về công tác cán bộ, về đạo đức cách mạng, về mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, v.v.. Đồng thời, các bài tham luận cũng đã nêu bật được ý nghĩa, tính thời sự nóng hổi của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc đối với sự nghiệp đổi mới đất nước của chúng ta hôm nay với nhiều thành công nhưng cũng còn tồn tại không ít khuyết điểm, yếu kém cần phải được sửa đổi, khắc phục, theo đúng tinh thần “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là một tấm gương sáng chói và mẫu mực về đức hy sinh cao cả cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, kể từ khi chuẩn bị cho sự ra đời chính đảng mácxít – lêninnít chân chính ở Việt Nam cho đến khi Người rời xa chúng ta để về cõi vĩnh hằng, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu và trăn trở nhiều nhất là vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thành công, đem lại độc lập cho Tổ quốc, phồn thịnh cho đất nớc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Do đó, Người thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, củng cố Đảng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức đủ tài, để trong bất kỳ giai đoạn nào, Đảng cũng phải là một tổ chức cách mạng tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của dân tộc, làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân đã tin tưởng giao phó.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, về công tác cán bộ, về giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên được thể hiện trong rất nhiều bài viết, bài nói của Người, mà một trong số đó là tác phẩm Sửa đổi lối làm việc hoàn thành vào tháng 10-1947 tại Chiến khu Việt Bắc trong hoàn cảnh Đảng ta cầm quyền mới được hai năm, chính quyền cách mạng còn non trẻ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang trong những năm đầu tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vô cùng gian khó. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Người được Nhà xuất bản Sự thật xuất bản đầu năm 1948 và phổ biến rộng rãi trong toàn quốc đã chỉ đạo, hướng dẫn toàn Đảng thực hiện một cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng thực sự nâng cao năng lực lãnh đạo, nâng cao uy tín, đạo đức và sự gắn bó máu thịt với nhân dân, lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc gồm có sáu phần, là sự thể hiện những tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thực sự có ý nghĩa sâu sắc trong xây dựng Đảng ta cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là cẩm nang cho cán bộ, đảng viên trong học tập, phấn đấu công tác, tu dưỡng đạo đức và rèn luyện tác phong làm việc. Với những câu văn ngắn gọn, hàm súc, lời văn gần gũi với quần chúng, dễ đọc, dễ hiểu, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc đề cập một cách toàn diện các vấn đề về xây dựng Đảng:

Tự phê bình và phê bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều lần nhất trong tác phẩm bởi tầm quan trọng đặc biệt của nó đối với công tác xây dựng Đảng. Tự phê bình và phê bình, theo Người, là để nhận rõ ưu điểm, thấy được khuyết điểm, để từ đó mà tìm cách phát huy ưu điểm, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, để giúp nhau tiến bộ, để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn.

Sửa đổi lối làm việc của Đảng để sửa trị các chứng bệnh nguy hiểm bên trong như chủ quan, hẹp hòi, ba hoa. Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm, nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì nguy hại vô cùng. Từ bệnh chủ quan mà sinh ra các bệnh kém lý luận, khinh lý luận, lý luận suông; bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức. Từ bệnh hẹp hòi mà sinh ra nhiều bệnh khác như: chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa… Từ thói ba hoa mà sinh ra nhiều thói xấu khác: dài dòng, rỗng tuếch; cầu kỳ; khô khan, lúng túng; báo cáo lông bông; lụp chụp cẩu thả; “sáo cũ”; nói không ai hiểu; bệnh hay nói chữ… Để chữa khỏi những bệnh đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương thuốc hay nhất vẫn là tự phê bình và phê bình.

Mấy điều kinh nghiệm phê phán những khuyết điểm trong công tác như cách lãnh đạo kém và quan liêu dẫn tới không biết cất nhắc cán bộ tốt, hao phí nhân tài, không biết nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc, làm việc ít có sáng kiến và lòng hăng hái, cách lãnh đạo không đợc dân chủ, cách công tác không được tích cực, không sát quần chúng, hợp quần chúng… Đồng thời, đối với sai lầm, khuyết điểm trong mỗi công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có những chỉ dẫn thiết thực, cụ thể để sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm đó.

Tư cách và đạo đức cách mạng được Người đề cập không dài nhưng toát lên đầy đủ những nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng, tầm quan trọng của nó đối với mỗi con người cũng như đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, đặc biệt, Người đã bàn tương đối cụ thể về phương pháp rèn luyện đạo đức cách mạng. Người nêu lên tư cách của Đảng chân chính cách mạng gồm 12 điều, mà theo Người: “Muốn cho Đảng được vững bền, mười hai điều đó chớ quên điều nào”. Về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, Người chỉ rõ, cán bộ, đảng viên phải: “Trọng lợi ích của Đảng hơn hết”, nghĩa là “vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính Đảng”. Người chỉ ra năm tính tốt của người cán bộ chân chính cách mạng gồm: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, và khẳng định: “Đó là đạo đức cách mạng… Đạo đức đó… không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”.

Vấn đề cán bộ luôn là vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Người cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Với quan điểm đó, Người đề cập đến một cách toàn diện về công tác cán bộ bao gồm cách huấn luyện cán bộ, dạy cán bộ và dùng cán bộ, lựa chọn cán bộ, chính sách cán bộ… chỉ rõ những khuyết điểm trong công tác cán bộ và chỉ dẫn cách khắc phục, để xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện một đội ngũ cán bộ có đức có tài, trong đó đức là gốc, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Phương thức lãnh đạo của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng cách nói giản đơn, dễ hiểu là cách lãnh đạo. Theo Người, cách lãnh đạo đúng là liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng và liên hợp lãnh đạo với quần chúng. Cách lãnh đạo đúng còn phải biết làm việc theo cách quần chúng, học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng. Lãnh đạo phải gắn với công tác kiểm tra, giám sát thì mới có hiệu quả, đồng thời phải giữ vững mối liên hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng và nhân dân, “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng”, bởi vì “không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”, v.v..

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Sửa đổi lối làm việc cách đây đã 60 năm, nhưng những vấn đề Người nêu ra trong tác phẩm vẫn sống mãi với thời gian. Bởi vì, đó là những vấn đề đã được Người nghiền ngẫm, suy nghĩ, dự đoán, tiên liệu khi Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền, được Người viết ra bằng toàn bộ tâm huyết, bằng lý luận, khoa học và kinh nghiệm thực tiễn hoạt động cách mạng của mình. Học tập, quán triệt và vận dụng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Đảng ta đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, đổi mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả chính trị, tư tưởng và tổ chức để không ngừng trởng thành, nâng cao năng lực tổ chức và năng lực lãnh đạo, nâng cao sức mạnh chiến đấu, uy tín, đạo đức cách mạng, sự liên hệ máu thịt với nhân dân, để từ đó lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và đem lại những thành công có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đổi mới hơn 20 năm qua của đất nước ta.

Hơn 60 năm đã trôi qua, đất nước ta đã trải qua bao nhiêu thay đổi lớn lao, nhng những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc vẫn là những vấn đề nóng hổi tính thời sự đối với quá trình đổi mới, phát triển đất nước ta hiện nay. Những căn bệnh của Đảng cầm quyền, của cán bộ, đảng viên mà Người đã phát hiện, cảnh báo từ 60 năm trước vẫn còn tồn tại, thậm chí có phần phức tạp hơn trước, khó sửa chữa hơn trước, như Đảng ta đã chỉ ra: “Dân chủ trong Đảng và trong xã hội còn bị vi phạm. Kỷ cương, kỷ luật ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp uỷ còn yếu. Quan hệ giữa Đảng và nhân dân có lúc, có nơi bị xói mòn… Không ít tổ chức đảng yếu kém…, không đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở, thậm chí có những tổ chức cơ sở đảng tê liệt, mất sức chiến đấu. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp, yếu kém cả về phẩm chất và năng lực; thiếu tính chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nớc, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng; một số ít có biểu hiện bất mãn, mất lòng tin, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”. Thoái hoá, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi… Đó là một nguy cơ liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.

Chính vì vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách hiện nay. Đảng ta đã phát động và tiến hành cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Vì vậy, việc học tập, nắm vững và thực hiện có hiệu quả những lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Sửa đổi lối làm việc thực sự có ý nghĩa sâu sắc đối với Đảng, cán bộ, đảng viên trong cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Trên cơ sở hơn 63 bài tham luận khoa học tại Hội thảo của các tác giả, Nhóm Biên soạn và Ban Biên tập đã chỉnh lý, biên tập và sắp xếp thành năm phần. Các bài viết được tập hợp vào mỗi phần chỉ mang tính tương đối, bởi các vấn đề được đề cập trong đó đều xoay quanh chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phần thứ nhất: Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự lãnh đạo của Đảng.

Phần thứ hai: Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với công tác cán bộ.

Phần thứ ba: Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với việc giữ vững mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân.

Phần thứ tư: Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Phần thứ năm: Ý nghĩa cách mạng và tính thời sự của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.

BVK

dangcongsan.vn