Bác Hồ với vấn đề thời cơ trong cách mạng Tháng Tám

(ĐCSVN) – Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 của Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng và một hình mẫu đáng tự hào về tổng khởi nghĩa giành chính quyền cho các dân tộc bị đế quốc, thực dân nô dịch trên thế giới noi theo.

Là người Mác xít chân chính, giàu trí tuệ, nung nấu lý tưởng giải phóng đất nước, Bác hiểu con đường phải đi, những việc phải làm và hướng nỗ lực chuẩn bị vào đó để giành quyền chủ động bùng nổ cách mạng khi có thời cơ: ngày 19/9/1924 Bác trả lời họa sĩ Thụy Điển Erich Giôhanxơn: con đường giải phóng Việt Nam là: “… khởi nghĩa vũ trang trong cả nước”; “phải tổ chức càng nhiều càng tốt những nhóm vũ trang của người nông dân và công nhân tại Việt Nam. Đó là những tế bào có thể hợp thành hạt nhân của cuộc khởi nghĩa” (1). Năm 1927, Bác viết tác phẩm “Đường Kách Mệnh”. Đó là những nét lớn làm cơ sở cho cương lĩnh của Đảng ta sau này. Tháng 6/1925 Bác sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 2/10/1929 Bác viết bài “Chủ nghĩa tư bản đế quốc Pháp ở Đông Dương”, vạch trần những thủ đoạn bóc lột, bắt phu, bắt lính của thực dân Pháp ở Đông Dương, chỉ cho nhân dân ta bộ mặt và bản chất của quân thù. Từ ngày 3-7/2/1930 Bác chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, thông qua “chính cương vắn tắt”, “sách lược vắn tắt” và “điều lệ vắn tắt” của Đảng do Người khởi thảo. Từ đây cách mạng Việt Nam có bộ tham mưu tối cao thống nhất lãnh đạo – đó là điều kiện tiên quyết để cách mạng thành công. Sau Hội nghị Trung ương I (tháng 10/1930) Bác viết: “Để chống lại đàn áp cần phải chuẩn bị thật chu đáo và lãnh đạo có kế hoạch mọi cuộc đấu tranh, phải phát triển và huấn luyện đội tự vệ nông dân”, “cần làm cho nông dân nhận thức rõ lực lượng và vai trò của mình” (2). Đó là những ý tưởng đầu tiên cho sự ra đời của quân đội. Tháng 1/1935 Bác viết thư gửi Bộ phương Đông (thuộc Quốc tế cộng sản) đề nghị một số biện pháp nhằm bồi dưỡng lý luận Mác – Lênin cho các cán bộ đảng viên ở các nước thuộc địa… đưa họ vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Tháng 7/1939 từ Trung Quốc Bác gửi thư về cho Trung ương Đảng: “… phải tổ chức Mặt trận Dân chủ rộng rãi… Mặt trận Dân chủ Đông Dương phải liên hệ với Mặt trận Nhân dân Pháp” (3). Tháng 10/1941 Việt Nam độc lập đồng minh (Việt minh) thành lập. Đây là điều kiện tiên quyết thứ hai bảo đảm sự thành công cho cách mạng. Tháng 2/1941 Bác về nước chỉ đạo lập các hội cứu quốc tại căn cứ địa Cao Bằng và chỉ thị phải tuyên truyền vận động quần chúng, có như vậy cách mạng mới thành công.

Là người nhuần nhuyễn học thuyết Mác – Lênin, lại am hiểu sâu sắc trước tác của những nhà chính trị, quân sự tầm cỡ thế giới ở phương Đông (Khổng Tử, Tôn Tử, Ngô Khởi, Gia Cát Lượng…), Bác thấy rất rõ ý nghĩa to lớn của vấn đề thời cơ. Cách mạng Việt Nam luôn phải đối mặt với các kẻ thù lớn, hung bạo (Nhật, Pháp), vấn đề thời cơ càng là mối quan tâm đặc biệt của Bác, Bác tìm mọi biện pháp nắm tình hình, phân tích kết luận chính xác, đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng để phát động tổng khởi nghĩa đúng lúc, bảo đảm chắc thắng, ít tổn thất, thương vong. Quá trình vận động, chuẩn bị cách mạng, Bác còn thường xuyên uốn nắn những chủ trương, hành vi manh động, không hợp thời. Tháng 11/1940 được tin Nam kỳ khởi nghĩa, Bác nhận định: “Tình hình… có lợi cho ta”, nhưng thời cơ chưa đến, chưa thể khởi nghĩa được. Song nay đã nổ ra rồi thì cần tổ chức rút lui cho khéo để duy trì phong trào”. Tháng 3/1945 sau khi Nhật đảo chính Pháp, Bác nhắc nhở: chuẩn bị tổng khởi nghĩa lúc này cũng chính là sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 15/8/1945 Bác phát biểu ở Hội nghị toàn quốc của Đảng: tích cực thì nắm được thời cơ, không tích cực thì thời cơ không chờ mình. Theo Người thời cơ tổng khởi nghĩa chỉ tồn tại trong thời đoạn từ Nhật đầu hàng Đồng minh (13/8/1945) đến trước khi quân Đồng minh vào nước ta giải giáp quân Nhật (28/8/1945). Chính vì biết chủ động chuẩn bị, nắm được thời cơ và hành động đúng thời cơ mà chỉ với năm ngàn đảng viên, Đảng cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo tổng khởi nghĩa thành công trong cả nước.

Thành công ấy trước hết thuộc về Thường vụ, Trung ương và Đảng cộng sản Đông Dương, trong đó có vai trò đặc biệt của Bác Hồ – người giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng – người có khả năng hội tụ sức mạnh của Đảng, của dân tộc và của thời đại. Bác đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bão tố đến bến bờ vinh quang. Cống hiến lớn lao, xuất sắc của Bác về nghệ thuật tạo, nắm và chớp thời cơ, sử dụng lực lượng áp đảo của quần chúng nhân dân giành thắng lợi nhanh gọn, ít đổ máu… trong tổng khởi nghĩa vẫn là bài học nóng hổi và luôn có giá trị cho chúng ta và cho các dân tộc bị nô dịch trên thế giới.

Ghi chú:

1 – Báo Nhân dân ngày 16/3/1980.
2 – Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, trang 38.
3 – Sách đã dẫn, trang 114,115.
4– Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, trang 77.

Đỗ Lai Tiệp (CTV)

cpv.org.vn

Advertisement