(Tamnhin.net) – Đã gần 40 năm trôi qua nhưng người dân huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) vẫn còn nhớ như in những ngày tháng hàng nghìn người nô nức khai thác những hòn đá có màu đỏ tươi dưới lòng đất để góp phần xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Trương Phúc Chủ kể lại với PV chuyện khai thác đá Hồng Ngọc góp phần xây lăng Bác Hồ
Khoảng thời gian không lâu nhưng cũng đủ để khẳng định màu sắc nguyên bản của loại đá mang tên Hồng Ngọc riêng chi có ở bản Duồng thuộc xã Điền Hạ (Bá Thước – Thanh Hóa).
Đá Hồng Ngọc là loại đá có màu đỏ tươi, nặng hơn các loại đá khác nếu cùng kích cỡ. Đặc biệt, loại đá này theo nghiên cứu của các nhà khoa học màu đỏ nguyên bản của đá không bị phai mờ đến hàng nghìn năm sau. Chính vì thế, khi thực hiện việc xây dựng Lăng Bác và tìm nguồn đá làm 2 lá cờ là Quốc Kỳ và Đảng Kỳ, loại đá này đã được lựa chọn.
Câu chuyện về việc khai thác, vận chuyển đá ngày đó đã trở thành một giai thoại trong lịch sử của người dân vùng núi Điền Hạ – Bá Thước. Để tận mắt chứng kiến và tìm hiểu về một loại đá quí hiếm và những con người cách đây gần 40 năm về trước trực tiếp khai thác đá, chúng tôi đã ngược TP. Thanh Hóa về phía tây hơn 100km để đến bản Duồng, nơi chứa ẩn câu chuyện về những ngày khai thác đá chưa từng được kể. May mắn thay chúng tôi đã tìm được người trực tiếp chỉ đạo công trường khai thác đá Hồng Ngọc ngày đó, ông Trương Phúc Chủ, nay đã ngoài 80 tuổi, người được phân công trực tiếp quản lý và phân phối, điều động nhân công tham gia khai thác đá.
Màu sắc nguyên bản của đá Hồng Ngọc
Trong niềm tự hào, ông Chủ kể: Vào thời gian cuối năm 1973 đều năm 1974, một công trường khai thác đá sục sôi khí thế của hàng nghìn người dân tình nguyện (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Dao, Thái) đến từ khắp nơi đổ về bản Duồng ở xã Điền Hạ (Bá Thước – Thanh Hóa). Vui như ngày hội khi người dân được biết tại nơi đây có thứ đá mà không nơi nào trên đất nước Việt Nam có và đã được chọn làm 2 lá cờ mang biểu trưng cho Tổ quốc để đặt trong Lăng Bác.
“Khi đó, cứ vào mỗi buổi sáng, hàng nghìn người dân từ các địa phương lân cận không kể già trẻ, gái trai lại ùn ùn đổ về bản Duồng hăng say đào bới sâu hàng chục mét dưới lòng đất để chọn từng hòn đá có màu đỏ tươi rói mang cái tên Hồng Ngọc (đẹp như Ngọc và có màu đỏ). Ngày đó, khi nghe tin Trung ương lựa chọn đá có màu đỏ tại đồi Chợ Phét (đồi cây đa) không những tôi mà tất thảy người dân vùng núi Bá Thước vui lắm. Khi này tôi đang là cán bộ của huyện, tôi cũng như hàng nghìn bà con tự hào lắm vì vùng quê mình có một thứ đá mà không nơi nào trên đất nước Việt Nam chúng ta có được”.
Thời gian đó, ông Chủ đang là trưởng phòng giáo dục huyện Bá Thước nhưng vì là người nhiệt huyết và nơi lấy đá chính là nơi ông sinh ra và lớn lên. Vậy là ông trược tiếp được phân công chỉ đạo công trường khai thác đá. Đặc biệt là việc kêu gọi và huy động người dân tham gia đào đá để kịp thời gian làm hai lá cờ.
Cán bộ xã Điền Hạ chỉ cho chúng tôi đặc điểm của đá Hồng Ngọc
Ông Chủ kể tiếp về những thăng trầm, vất vả trong suốt 7 tháng trời đào đất, tìm đá: “Khi thời gian chỉ còn 1 tháng mà đá kiếm chưa đủ vì phải đào bới sâu dưới lòng đất hàng chục mét, trên diện rộng cả chục hécta đồi rừng. May mắn thay, đúng lúc này thì chúng tôi phát hiện ra một tảng đá lớn hơn 3 mét khối (nặng chừng 7 tấn) treo leo trên ngọn đồi Chợ Phét. Thời gian không còn nhiều, việc rời tảng đá xuống chân đồi và vận chuyển ra Hà Nội là một bài toán khó, bởi lẽ trong quá trình đó không được dùng gậy sắt, không được lăn thẳng xuống đất vì nếu không may làm vỡ hay sứt tảng đá sẽ không kịp thời gian để cung cấp đá cho quá trình xây và hoàn thành Lăng Bác.
Ngay lúc đó, chúng tôi đã trưng cầu ý kiến, hay đúng hơn là hiến kế trong hơn 3 nghìn người dân địa phương. Có nhiều ý kiến cho rằng phải phá bỏ đi 3 ha rừng già rồi dùng trực thăng cẩu tảng đá xuống xe để vận chuyển. Nhưng nếu vậy sẽ mất hàng tháng trời với rất nhiều người tham gia, sẽ không kịp thời gian bàn giao đá. Như điều gì đã định trước, ông Chủ người trực tiếp ngày đêm chỉ đạo tại công trường đã nảy ra ý tưởng là chặt các cây gỗ to và thẳng sau đó kết thành mảng rồi từ từ cho tảng đá lăn xuống chân đồi vừa không phải phá bỏ rừng vừa mất ít thời gian, công sức.
Được mọi người đồng ý, ngay lập tức việc chặt cây, kết mảng được triển khai và thành công khi chỉ cần 1 tuần, tảng đá đã được đưa xuống chân đồi vẹn nguyên. Khi này lại thêm một vấn đề nữa là đưa tảng đá lên xe để vận chuyển. Dù đã dùng dòng dọc loại to nhất có thể để kích tảng đá nhưng trong quá trình kích vì quá nặng nên dòng dọc làm bằng sắt đã bị gãy. Một lần nữa hàng nghìn người dân địa phương phải dùng cách đào hầm dưới tảng đá rồi cho xe lùi vào.
Đưa được tảng đá lên xe, tưởng chừng mọi việc thuận tiện nhưng một vấn đề nữa nảy sinh đó là đường vận chuyển. Vì khi đó các con đường vào bản Duồng nhỏ và lầy lội, xe ô tô không thể vận chuyển đá với khối lượng lớn. Hơn 3 nghìn người đã ngày đêm mở 3km đường xuyên qua cánh đồng, khe suối rồi dùng các loại cây gỗ xếp thành đường để xe có thể vận chuyển đá. Cuối cùng, hơn 50 xe ô tô với hơn 300 khối đá Hồng Ngọc (tương đương 4000 hòn đá lớn nhỏ) được người dân Bá Thước khai thác và vận chuyển an toàn ra Hà Nội để bàn giao cho các đơn vị xây dựng Lăng Bác.
Địa điểm khai thác đá Hồng Ngọc cách đây gần 40 năm về trước
Khi vận chuyển đã ra Hà Nội, ông Trương Phúc Chủ cũng chính là người đã đại diện cho nhân dân ra để bàn giao và tham gia quá trình xẻ đá, chọn đá để gắn thành cờ. Hơn 1 tháng ở Hà Nội cùng những nghệ nhân chế tác, các nhà khoa học cuối cùng 2 lá cờ đã hoàn thành (mỗi lá cờ dài 1,2m, rộng 80cm) sau khi hoàn thành Lăng Bác, 2 lá cờ được đặt nơi trang trọng nhất mà đến ngày nay những ai viếng thăm Lăng Bác đều thấy rõ 2 lá cờ màu đỏ tươi được làm bằng đá Hồng Ngọc ngàn năm sau màu sắc chẳng phai mờ (theo nghiên cứu của các nhà khoa học khi chọn đá Hồng Ngọc làm cờ).
Câu chuyện về đá Hồng Ngọc được dùng làm 2 lá cờ đặt nơi trang trọng nhất trong Lăng Bác cho đến ngày nay vẫn là một dấu ấn lịch sử của người dân vùng núi Bá Thước khi chính những đôi bàn tay, công sức của họ được khắc ghi trong một công trình vĩ đại của đất nước – Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: Phúc Ngư