Vị tướng ba lần được gặp Bác Hồ

Gần 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, 51 tuổi quân, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ. Kỷ niệm ấy theo ông suốt cuộc đời và luôn động viên, khích lệ ông vượt qua khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao phó. Kể về những kỷ niệm ấy, ông bồi hồi xúc động :

“Năm 1937, tôi tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh. Từ năm 1941 đến năm 1944, tôi được Tổng bộ Việt Minh cử đi học Trường quân sự Hoàng Phố của Trung Quốc. Đoàn học viên Việt Nam có hơn 30 người, do đồng chí Hoàng Văn Thái làm trưởng đoàn.

Tốt nghiệp xong, chúng tôi được chuyển đến Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc để học tiếp 5 tháng nữa chuyên về biệt động quân. Trường quân sự Hoàng Phố này do liên quân Trung – Mỹ tổ chức, hiệu trường là Thiếu tướng Từ Quang Anh. Học viên được biên chế hỗn hợp của người Trung Quốc và Việt Nam. Tôi được cử làm tiểu đội trưởng.

Bị chính quyền Quốc dân Đảng bắt giam trái phép tại Liễu Châu, sau khi được trả tự do, Bác Hồ tìm cách liên lạc với tướng Trương Phát Khuê – Tư lệnh Đệ tứ chiến khu để bàn việc hợp tác chống Nhật. Trên đường về nước, khi đi qua Nam Ninh, Bác đến thăm đoàn học viên quân sự Việt Nam chúng tôi đang học tập tại đây. Trong không khí thân tình, Bác hỏi thăm việc học tập, ăn ở của học viên, căn dặn chúng tôi phải đoàn kết nội bộ và đoàn kết với bạn, giữ nghiêm kỷ luật, học tập tốt để sẵn sàng về nước chiến đấu. Đồng chí Hoàng Văn Thái cử tôi đi cùng Bác đến gặp vị thiếu tướng hiệu trưởng nhà trường để xin cho số học viên Việt Nam đang học ở đây được về nước chiến đấu chống Nhật. Trên đường đi, bác hỏi thăm tôi về quê quán, gia đình, việc học hành và động viên phải hăng say học tập, tu dưỡng rèn luyện. Không may hôm ấy hiệu trưởng nhà trường đi vắng nên Bác đã viết thư để lại, sau đó yêu cầu của Bác đã được nhà trường giải quyết. Trên đường về trời đã quá trưa, nhìn Bác người gầy xanh vì mới ra tù, tôi mời Bác vào hiệu Cao lâu với dụng ý đãi Bác một bữa cơm ngon để bồi bổ thêm sức khoẻ. Nhưng Bác cười và nói:

– Đất nước ta còn bị đế quốc đô hộ, dân ta đang phải sống cực khổ bần hàn, nên Bác cháu ta không được ăn uống lãng phí. Bây giờ hai Bác cháu ta đi ăn cháo quẩy.

Vừa ăn, Bác vừa nói chuyện vui vẻ. Ăn xong, Bác dứt khoát trả tiền chứ không để tôi trả. Qua đây tôi học được ở Bác lòng yêu nước, thương dân, ý thức tiết kiệm và tính chủ động trong mọi công việc. Bác không muốn làm phiền ai dù chỉ là việc nhỏ nhất.

… Mùa đông năm 1944, đoàn học viên chúng tôi tốt nghiệp khoá huấn luyện biệt động quân và trở về Pác Bó để nhận nhiệm vụ. Một hôm tôi và đồng chí Lê Thiết Hùng được lệnh đến gặp Bác Hồ. Bác tiếp chúng tôi tại ngôi nhà sàn nhỏ trong khu căn cứ. Sau khi phân tích tình hình trong nước và quốc tế, những thuận lợi và khó khăn của ta và địch, Bác nói chủ trương của Việt Minh lúc này là tiếp tục thành lập các đơn vị vũ trang tập trung để khi thời cơ đến sẽ cùng nhân dân đứng dậy cướp chính quyền. Bác giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Thiết Hùng và tôi về Lạng Sơn vận động quần chúng nhân dân ủng hộ Việt Minh, thành lập đội du kích tập trung làm nòng cốt đấu tranh chống địch. Bác cử đồng chí Lê Thiết Hùng là đại diện của Tổng bộ Việt Minh, còn tôi trực tiếp chỉ huy đội du kích. Khi chia tay, bác căn dặn chúng tôi rất tỉ mỉ và chúc chúng tôi sớm lập được chiến công để báo tin cho Bác biết.

Vâng lời Bác, chúng tôi hăm hở bắt tay vào công việc. Trong thời gian ngắn, lực lượng cách mạng ở huyện Tràng Định (Lạng Sơn) phát triển rất nhanh, hầu như vùng nông thôn do ta làm chủ, địch chỉ quản lý được thị trấn và vùng phụ cận. Chúng tôi đã thành lập được đội du kích tập trung khoảng vài chục người, vũ khí trang bị chủ yếu là súng kíp, súng trường mua lại của quân Tưởng Giới Thạch.

Tháng 5 năm 1945, Đội du kích tập trung Lạng Sơn tổ chức đánh úp một đồn lính khố xanh đóng ở biên giới Việt Nam – Trung Quốc, bắt sống tên chỉ huy đồn và diệt tên bang trưởng (trưởng khu phố nhỏ thuộc đồn). Sau khi giáo dục về chính sách của Việt Minh, chúng tôi tha cho viên chỉ huy này về đoàn tụ với gia đình. Nhưng em trai của tên bang trưởng chạy thoát sang Trung Quốc cầu cứu đưa lính biệt động- thổ phỉ quốc dân đảng sang đánh để chiếm lại đồn. Đồng chí Lê Thiết Hùng lo tổ chức lực lượng phòng thủ trên đồn và phân công tôi xuống thương thuyết với chúng. Rất may viên chỉ huy lính biệt động lại chính là học viên trong tiểu đội do tôi làm tiểu động trưởng khi học ở trường biệt động, nên tôi giải thích cho hắn biết mục đích của chúng tôi đánh đồn và cùng bàn biện pháp chuẩn bị để đối phó với quân Nhật. Viên chỉ huy nghe theo và rút quân về bên kia biên giới.

… Mùa hè năm 1968, từ Mặt trận Tây Nguyên ra Bắc công tác, tôi được tham gia đoàn cán bộ Quân giải phóng miền Nam đến thăm và báo cáo tình hình với Bác. Đoàn của chúng tôi có 8 cán bộ chỉ huy cấp cao đang trực tiếp chiến đấu ở chiến trường do đồng chí Trần Văn Trà – Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam dẫn đầu.

Bác tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tại Phủ Chủ tịch. Khi chúng tôi đến, Người đã ngồi chờ sẵn. Bác hơi gầy, da xanh, riêng cặp mắt thì vẫn sáng ngời. Chúng tôi lần lượt đến bắt tay và chúc sức khoẻ Bác. Bác mời chúng tôi ngồi, ăn bánh kẹo, uống nước và kể chuyện chiến trường cho Bác nghe. Đồng chí Trần Văn Trà thay mặt đoàn báo cáo vắn tắt với Bác tình hình chiến đấu của quân và dân miền Nam. Ta đã giành được những thắng lợi to lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, đẩy chúng vào thế bị động về chiến lược. Địch đang tìm mọi cách đối phó hòng giành lại những vùng đã mất… Quân và dân miền Nam đoàn kết quyết tâm chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam để đón Bác vào thăm. Bác biểu dương quân và dân miền Nam đánh giỏi, thắng lớn, Bác căn dặn chúng tôi tuyệt đối không được chủ quan khinh địch. Vì Mỹ – Nguỵ tuy thua đau nhưng còn rất ngoan cố, chúng chưa từ bỏ ý đồ xâm lược đất nước ta mà sẽ còn tiến hành nhiều mưu đồ xảo quyệt. Quân dân miền Nam phải hết sức cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ và quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn.

Chúng tôi ghi nhớ những lời căn dặn sâu sắc đó và lưu luyến chia tay Bác. Mọi người thầm hứa sẽ cố gắng chiến đấu để góp phần giải phóng miền Nam, để đồng bào và cán bộ chiến sĩ miền Nam được vinh dự đón Bác vào thăm.

Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng được gặp bác.

Phạm Hoè
(Ghi theo lời kể của G.S, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo)

bqllang.gov.vn