Quan điểm của Bác Hồ về tìm kiếm và trọng dụng nhân tài khoa học

Một trong những cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh là các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đề cao vai trò của nhân tài, tích cực tìm kiếm và trọng dụng nhân tài là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Lịch sử chứng tỏ ông cha sớm định hình một tư tưởng có ý nghĩa chiến lược: Hiền tài là nguyên khí quốc gia và rất đề cao vai trò của nhân tài trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Năm 1484 và năm 1487, Thân Nhân Trung thừa lệnh nhà vua thảo bài văn bia, trong đó nêu rõ quan điểm cơ bản của nhà nước về hiền tài: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước càng mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp nguyên khí”[1].

Những thế kỷ sau đó truyền thống trên được tiếp tục giữ gìn và phát triển. Người anh hùng áo vải, cờ đào Nguyễn Huệ, thế kỷ XVIII cũng có “chiếu cầu hiền”. Ông viết: “Trẫm thường mong mỏi, lắng nghe và liên tục hỏi những người tài cao, học rộng sao chưa thấy đến? Phải chăng trẫm kém tài, ít đức chẳng đáng phò tá hay sao? Trẫm luôn lo lắng và nghĩ rằng cái nhà to sức một cây cột làm sao chống nổi, sự nghiệp dân an quốc thái sức một người sao có thể đảm đương”[2]. Đặc biệt những lời Nguyễn Huệ nói với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp rất đáng để đời sau suy nghĩ: “Quả đức sinh ra ở chốn binh đao, sự học hỏi chỉ ở sự nghe trông, nên trong đạo trị dân đã có nhiều điều thô lậu, phiền nhiễu, đó là cái tội bởi Quả đức chưa biết cầu hiền. Mong Phu tử nghĩ đến dân sinh, gắng sức giúp đời, cứu nước, để Quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có người mà cậy, khỏi phụ ý trời sinh ra người tài giỏi cho dân. Quả đức xin nghe theo lời dạy bảo”.

Dân nhân văn hoá Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển truyền thống trên đây của cha ông lên một tầm cao mới. Điều này thể hiện đặc biệt rõ từ khi Người sáng lập Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, 1945.

Lịch sử cho thấy đến ngày 1-3-1428 bóng dáng cuối cùng của quân xâm lược nhà Minh bị quét khỏi nước ta. Hơn một năm sau, 1429 Lê Lợi mới lệnh cho quan các nơi phải tiến cử người tài đức. Hồ Chí Minh đề xuất chủ trương tìm kiếm nhân tài sớm hơn rất nhiều. Hơn hai tháng sau Tuyên ngôn độc lập, ngày 14-11-1925, Hồ Chí Minh viết bài “Nhân tài và kiến quốc”. Tư tưởng nổi bật của bài viết là “kiến quốc cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Điều đặc biệt là một năm sau đó, 11-1946, Hồ Chí Minh lại viết “Tìm người tài đức”. Trong bài viết này, Hồ Chí Minh khẳng định trong số 20 triệu người Việt Nam “chắc không thiếu người có tài, có đức” nhưng vì Chính phủ “nghe không đến, thấy không khắp” nên những người tài đức chưa xuất hiện. Trên tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”[3]. Để sửa chữa khuyết điểm, tỏ rõ quyết tâm của chính quyền cách mạng trọng dụng nhân tài, Hồ Chí Minh chỉ thị cho các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức và phải báo cáo đầy đủ, rõ ràng lên chính phủ tên, tuổi, nghề nghiệp, tài năng, chỗ ở, nguyện vọng của người đó.

Có thể coi những văn kiện nêu trên là “chiếu cầu hiền, tài” đầu tiên của chính quyền cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, việc sử dụng con người, nhất là những người tài không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật – nghệ thuật của người lãnh đạo. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hoá tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hoá ra tài nhỏ”[4].

Phát hiện nhân tài đã khó nhưng việc khó hơn là làm thế nào để đức tài của họ được phát huy cao nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính sự quan tâm sâu sắc và trọng dụng nhân tài của Hồ Chí Minh là động lực mạnh mẽ thôi thúc nhân tài cống hiến hết minh.

Một trong những minh chứng tiêu biểu cho vấn đề này là sự quan tâm sâu sắc, có thể nói đến mức tỷ mỉ của Hồ Chí Minh đối với Tôn Thất Tùng. Ngay sau Cách mạng tháng Tám Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tôn Thất Tùng. Bước ngoặt căn bản trong cuộc đời Tôn Thất Tùng xảy ra khi tổ chức bố trí ông “đến chữa bệnh cho một lão đồng chí”, người gầy xanh xao nhưng “có đôi mắt sáng”. Sau này, trong hồi ký của mình, Giáo sư Tôn Thất Tùng viết: “Từ cuộc gặp đầu tiên đó, tâm hồn tôi đã chuyển biến theo cách mạng Việt Nam, theo ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ”. Hồ Chí Minh rất quan tâm tới cuộc sống của các chuyên gia, nhân tài. Đầu năm 1946, khi biết Tôn Thất Tùng mới sinh con trai, Hồ Chí Minh đề nghị với Tôn Thất Tùng: Chú để tôi đặt tên cho cháu. Người nói: Tên chú có bộ mộc nên đặt tên cho cháu là Bách. Điều kỳ lạ là đến năm 1968, Hồ Chí Minh vẫn hỏi thăm Tôn Thất Tùng về Tôn Thất Bách mà hơn 20 năm trước Người đã đặt tên.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc tạo điều kiện trang cấp thiết bị hiện đại cho các nhân tài hoạt động khoa học. Một lần Tôn Thất Tùng trực tiếp gặp Hồ Chí Minh đề đạt nguyện vọng cần vài trăm nghìn Phrăng Pháp để mua tài liệu và thiết bị mới. Hồ Chí Minh hỏi sao không nhờ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em giúp đỡ. Sau khi được biết những thiết bị đó các nước xã hội chủ nghĩa chưa có, Hồ Chí Minh nói: Nước ta còn nghèo nhưng việc cứu sống con người là quan trọng, không thể dè xẻn. Sau đó, Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng đáp ứng yêu cầu của chuyên gia hàng đầu ngành y tế Việt Nam[5]. Chính sự quan tâm, chăm sóc đó của Hồ Chí Minh là nhân tố quan trọng nhất để không chỉ nhân dân Việt Nam mà cả thế giới biết đến Giáo sư Tôn Thất Tùng. Sự quan tâm đó quả thực có tác dụng lâu dài, sâu sắc. Bởi vì, không chỉ có Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng mà cả người con trai của ông, Phó Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Tôn Thất Bách đã trọn đời đi theo “ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ”. Nỗi tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp và người bệnh trước sự ra đi của hai cha con ông đã nói lên điều đó.

Trong việc tìm kiếm và trọng dụng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Hồ Chí Minh không chỉ chú ý đến nhân tài ở trong nước mà còn rất quan tâm tìm kiếm những cán bộ khoa học kỹ thuật là người Việt Nam định cư ở nước ngoài mời gọi, khuyến khích họ mang đức, mang tài phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Từ những năm 40. 50 thế kỷ XX những nhân tài Việt kiều sống tại Pháp, nơi cuộc sống vật chất và điều kiện cho hoạt động nghiên cứu khoa học thuận lợi hơn Việt Nam rất nhiều nhưng khâm phục đức độ, tài năng của Hồ Chí Minh và theo tiếng gọi của Tổ quốc nhiều người đã từ bỏ Pari hoa lệ phồn vinh theo Hồ Chí Minh lội suối, trèo đèo lên Việt Bắc mà không đòi hỏi một sự đãi ngộ đặc biệt nào cho riêng mình. Nhiều người trong số đó sau này đảm nhận những cương vị chủ chốt về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật của đất nước và được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về những đóng góp khoa học cho đất nước ngay từ đợt đầu tiên.

Trước hết đó là Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ. Khi Hồ Chí Minh sang Pháp năm 1946, ông đã là kỹ sư với mức lương hàng tháng quy ra vàng có thể tính bằng cây nhưng ông đã từ bỏ tất cả tình nguyện theo Hồ Chí Minh về nước. Ông là kỹ sư quân giới đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù đất nước còn rất nhiều khó khăn nhưng với tình yêu quê hương, đất nước và tài năng của mình ông là người có công đầu trong việc nghiên cứu, thiết kế và tổ chức sản xuất thành công nhiều loại vũ khí như lựu đạn, mìn đặc biệt là súng BaZôka, SKZ, những vũ khí này là nỗi kinh hoàng đối với thực dân Pháp trong kháng chiến. Trần Đại Nghĩa được tặng danh hiệu anh hùng lao động 1952, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên xô 1966, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam 1975 – 1983, giải thưởng Hồ Chí Minh 1996.

Có thể kể thêm một trí thức lơn mà cũng trở về từ Pháp tình nguyện theo kháng chiến, theo Hồ Chí Minh và cũng có những cống hiến xuất sắc đối với cách mạng. Đó là giáo sư Hồ Đắc Di. Năm 1918, tròn 18 tuổi Hồ Đắc Di sang Pháp học tại trường Đại học y khoa Pari. Tác động mạnh mẽ nhất đối với người sinh viên y khoa ngay từ năm đàu tiên ở Pháp năm 1919, nhân danh những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đến Hội nghị Véc-xây đưa yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam, trong đó yêu sách thứ 6 là “Tự do học tập, thành lập trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”[6]. Kể từ đó anh sinh viên Hồ Đắc Di cố gắng tìm đọc những tác phẩm, bài viết của Hồ Chí Minh đăng trên báo Người cùng khổ và hết lòng cổ vũ cho báo này. Một buổi sáng chủ nhật, tại câu lạc bộ của sinh viên Việt Nam ở số nhà 15 phố Xonmơra, phố Latinh Pari, Hồ Đắc Di nhận thấy ba thanh niên Việt Nam đang chụm đầu trao đổi với nhau. Trong số này Hồ Đắc Di chỉ biết người có chòm râu đen là Phan Châu Trinh – Người bạn đi cùng giải thích cho Hồ Đắc Di biết thêm: Người béo béo là luật sư Phan Văn Trường, còn người thanh niên trẻ tuổi, nước da hơi xanh, đôi mắt rực sáng, mảnh khảnh, gày gò chính là Nguyễn ái Quốc. Ba tiếng Nguyễn ái Quốc thực sự gây xúc động mạnh mẽ đối với Hồ Đắc Di, anh ngưỡng mộ và tình nguyện theo Nguyễn ái Quốc từ đấy mặc dù lúc đó người thanh niên này chưa có những ý niệm đầy đủ rõ ràng về cách mạng, về chủ nghĩa xã hội.

Sau khi tôi nghiệp Hồ Đắc Di về nước. Qua tìm hiểu ông biết thêm Việt minh do Nguyễn ái Quốc sáng lập, Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 do Nguyễn ái Quốc viết. Đặc biệt khi ông biết người thanh niên mảnh khảnh, gày gò hay lui tới câu lạc bộ sinh viên Việt Nam tại Pari năm nào thì ngày 2-9-1945 lại xuất hiện trên trên quảng trường Ba Đình đọc Tuyên ngôn độc lập. Sự kiện đó giúp Hồ Đắc Di khẳng định chính nghĩa là đây, độc lập tự do, hạnh phúc là đây. Trong lĩnh vực y khoa Hồ Đắc Di là người sáng lập ngành ngoại khoa Việt Nam. Ông là giáo sư hiệu trưởng Trường đại học Y dược Hà Nội, Chủ tịch tổng hội Y học Việt Nam. Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về y học năm 1996.

Trong số những trí thức lớn từ Pháp trở về nước phục vụ cách mạng có thể kể thêm Phan Huy Thông. Ông là người nhận 2 bằng tiến sĩ ở Pháp, tiến sĩ luật học, tiến sĩ văn chương. Khi Hồ Chí Minh sang Pháp năm 1946, ông là thư ký riêng của Người. Về nước ông không chỉ hoạt động trong lĩnh vực khoa học mà còn tham gia nhiều hoạt động chính trị xã hội như Phó Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, đại biểu quốc hội khoá II và III. ông là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học cộng hòa dân chủ Đức, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội năm 2000.

Trình bày vắn tắt một vài nhân vật và sự kiện liên quan đến việc Hồ Chí Minh tìm kiếm và trọng dụng nhân tài trong những nghành khoa học từ những người Việt Nam học tập và thành đạt ở nước ngoài, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng dưới thời Hồ Chí Minh số người thành danh ở nước ngoài không nhiều nhưng Người vẫn tìm mọi cách để tranh thủ sự đóng góp của họ đối với đất nước. Ngày nay chúng ta có hơn 3 triệu người Việt Nam định cư ở hàng chục nước trên thế giới trong đó nhiều người sinh sống và làm việc ở những nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Cộng hoà Liên bang Đức. Trong số họ có nhiều người thành đạt về khoa học, một số khác có vốn và kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Vấn đề đặt ra cho Đảng và Nhà nước hiện nay là trên cơ sở quan điểm Hồ Chí Minh, chúng ta cần có chủ trương, giải pháp thông thoáng để thu hút ngày càng nhiều nhân tài người Việt định cư ở nước ngoài phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới.

Càng cuối đời Hồ Chí Minh càng lo lắng đến công việc tìm kiếm và sử dụng nhân tài. Hồ Chí Minh viết trong Di chúc: Đảng và Nhà nước cần lựa chọn những người ưu tú nhất trong bộ đội, thanh niên xung phong đào tạo họ thành những cán bộ, công nhân kỹ thuật giỏi, những người vừa “hồng” vừa “chuyên” đó là “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[7]. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là công việc rất quan trọng rất cần thiết”.

Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thời đại khoa học công nghệ, kinh tế tri thức trong sự nghiệp đổi mới Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, Đảng và Chính phủ đã đề ra chủ trương, biện pháp đề đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài. Trên một số lĩnh vực đã xuất hiện những nhân tài. Sự nghiệp đổi mới đang đòi hỏi ngày càng có nhiều nhân tài hơn nữa. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện mới, Văn kiện Đại hội X viết: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài”[8]. Việc thu hút trọng dụng nhân tài là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Văn kiện Đại hội X nhấn mạnh: “Có chính sách thu hút các nhà khoa học công nghệ giỏi trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Hiện nay, hơn lúc nào hết đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta cần phải trung thành, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, quan điểm của Người về tìm kiếm, trọng dụng nhân tài nói riêng./.

PGS.TS Nguyễn Khánh Bật
Ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Tâm Trang (st)

____________________

Chú thích:
[1] Kỷ niệm 500 năm ngày mất Thân Nhân Trung: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Trung tâm UNéCO thông tin tư liệu lịch sử văn hoá Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, 1999, tr.10.
[2] Trần Thế Linh: Gương sáng người xưa, Nxb Thanh niên, H, 2003, tr.15.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H 1995, tập 4, tr. 452.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 280.
[5] Bộ Y tế – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bảo vệ sức khoẻ, Nxb CTQG, H, 1997, tr. 215.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 1, tr 435.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 504.
[8] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr. 96.

bqllang.gov.vn

Advertisement