– Ngày 10/7/1954, trên tờ “Nhân Dân” của Đảng, với bút danh “C.B” quen biết với công chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tới một phương thức làm việc quan trọng để bảo đảm công tác lãnh đạo. Đó là một vấn đề tưởng chừng chẳng mấy quan trọng: “Gửi báo cáo và xin chỉ thị”.
Bài báo đặt câu hỏi: “Vì sao Đảng phải giữ vững chế độ ấy?” và trả lời: “Vì có như vậy, cấp trên mới kịp thời hiểu rõ tình hình, nêu lên nhiệm vụ, định ra kế hoạch, động viên quần chúng, để thực hiện chính sách của Đảng. Cấp dưới mới thấy rõ đường lối, thấm nhuần chính sách tránh khỏi sai lầm, làm tròn nhiệm vụ. Đồng thời, kinh nghiệm của nơi này có thể phổ biến và giúp nơi khác. Nếu cấp dưới không báo cáo kịp thời và đầy đủ thì cấp trên không hiểu rõ tình hình thực tế, không giúp đỡ được cấp dưới. Và cấp dưới sẽ gặp nhiều lúng túng, sai lầm”.
Tháng 7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp chung với các ông Phạm văn Đồng, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp
Bằng cách viết giản dị như một tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, bài báo đặt vấn đề: “Ai phụ trách viết thỉnh thị báo cáo? Và báo cáo nên thế nào?” và giải đáp: “Bí thư các cấp phải phụ trách, không thể giao việc ấy cho một cán bộ khác. Viết báo cáo thì các tài liệu phải nghiên cứu kỹ, xét lại kỹ và phải đúng sự thật. Phải toàn diện, phải nắm khâu chính. Phải nắm tình hình lúc đó và nơi đó thi hành chính sách của Đảng thế nào; tư tưởng của cán bộ và quần chúng thế nào? Phải có phân tích và kết luận. Phải nêu cả ưu điểm và khuyết điểm .Tuyệt đối không nên báo cáo một cách mơ hồ, giả dối, chỉ nói cái tốt mà giấu diếm cái xấu.
Mỗi việc quan trọng, thì trước khi làm phải báo cáo rõ kế hoạch và thời hạn công tác. Trong khi làm thì báo cáo rõ công việc phát triển thế nào? Khi làm xong thì phải báo cáo tổng kết kinh nghiệm.
Có như vậy, trong Đảng ý chí mới nhất trí, lãnh đạo mới thống nhất, đoàn kết mới chặt chẽ, kinh nghiệm mới dồi dào, mọi việc mới kịp thời và thành công… Cán bộ các cấp phải hiểu rằng: chế độ thỉnh thị và báo cáo là rất quan trọng và mỗi cán bộ phụ trách phải kiên quyết làm đúng chế độ ấy”.
Đấu tranh chống lề thói quan liêu là một trong những mục tiêu hàng đầu nhằm bảo đảm sức mạnh lãnh đạo của một tổ chức cách mạng. Đó là một cuộc phấn đấu không dễ dàng và lề thói quan liêu chính là một trong những yếu tố làm mất sức chiến đấu và mất cán bộ của tổ chức cách mạng mà Bác luôn là người đi đầu trong cuộc đấu tranh gian khổ đó.
X&N
bee.net.vn