-Ngày 26/6/1921, tại Paris, Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí là người của các thuộc địa Pháp như Algerie, Tunisie, Madagascar… họp bàn việc thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa.
Tháng 7/1921, Hội Liên hiệp Thuộc địa được thành lập với lời kêu gọi: “Nếu câu phương ngôn “Đoàn kết làm ra sức mạnh” không phải là một câu nói suông. Nếu đồng bào muốn giúp đỡ lẫn nhau. Nếu đồng bào muốn bênh vực cho quyền lợi của bản thân mình, cũng như quyền lợi của tất cả đồng bào ở các xứ thuộc địa. Hãy gia nhập Hội Liên hiệp Thuộc địa”.
Tờ báo Le Paria (Người cùng khổ)
Điều lệ của Hội xác nhận: “Mục đích của Hội là tập hợp và hướng dẫn cho mọi người dân các xứ thuộc địa hiện sống trên đất Pháp để soi sáng cho những người dân thuộc địa về tình hình mọi mặt ở nước Pháp nhằm mục đích đoàn kết họ; thảo luận và nghiên cứu tất cả những vấn đề chính trị và kinh tế thuộc địa…Trong phạm vi tài chính sẵn có, Hội có thể cung cấp cho tất cả hội viên những báo chí và tài liệu có liên quan đến sinh hoạt các thuộc địa, hoặc chuyên lo bênh vực cho các thuộc địa”.
Thành phần tham gia Ban chấp hành ban đầu có Nguyễn Ái Quốc, thợ sửa ảnh (đại diện cho Đông Dương) và đại diện các thuộc địa khác như Dahomey (nay là Bénain), Réunion, Guadeloup, Quần đảo Antilles, Martinique, Guyanne. Địa chỉ của Nguyễn Ái Quốc (9 ngõ Compoint, quận 17, Paris) được dùng là một trong những địa chỉ của Hội.
Hội đã ra tờ báo Le Paria (Nguời cùng khổ) làm cơ quan ngôn luận của Hội với lời kêu gọi: “Trong lịch sử phong trào quần chúng bản xứ ở các thuộc địa của Pháp, chưa bao giờ có một tờ báo được lập ra để nói lên nỗi đau khổ và tình trạng cùng khốn của họ, bất kể là họ thuộc đất nước và giống nòi nào…
Le Paria tố cáo những sự lạm quyền về chính trị, lối cai trị độc đoán, tình trạng bị bóc lột về kinh tế mà nhân dân các vùng lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại đang là nạn nhân. Báo kêu gọi họ đoàn kết lại, đấu tranh cho tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ. Báo kêu gọi họ, tổ chức họ, nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi các lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và bác ái”.
Tờ Le Paria ra số đầu ngày 1/4/1922 với khẩu hiệu “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa”, đến 1/1924 đổi thành “Diễn dàn của vô sản thuộc địa”. Hội quy tụ được khoảng 200 hội viên.
Như thế, không chỉ trên phương diện lý luận mà ngay trong hoạt động thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người khởi xướng và tiên phong trong sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa.
X&N
bee.net.vn