“Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc”

– Ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho điền chủ và nông gia Việt Nam xác định: “Việt Nam ta là một nước sống về nông nghiệp”.

Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”.

Giới thiệu về mô hình “hợp tác xã” còn rất mới mẻ, Bác viết: “Hợp tác xã là gì? Nói tóm lại, hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thí khó nhọc ít mà ích lợi nhiều. Vì vậy, hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi cho nhà nông. Nó là một cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà. Hợp tác xã nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. Hợp tác xã nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”.

Tháng 4-1965 HCM thăm nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông,HN.jpg (83KB);Tháng 4/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, Hà Nội

Bức thư kêu gọi: “Hỡi đồng bào điền chủ nông gia! Anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh, dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn, góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho tới tỉnh thành đâu đâu cũng phải có hợp tác xã. Tục ngữ có câu “Một cây làm chẳng lên non, nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao”, đồng bào điền chủ nông gia hãy hăng hái cùng nhau làm việc kiến quốc đó”.

Trước đó 20 năm, năm 1925, trong tác phẩm được coi là giáo khoa cho những người cách mạng mang tên “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc dành chương cuối cùng viết về “Hợp tác xã” và đưa ra những quan điểm cơ bản: “Hợp tác xã đâu hết (đầu tiên) sinh ra ở bên Anh, mấy người thợ vải rủ nhau lập ra một cái hội “làm vải cho tốt và bán giá trung bình trong làng xóm”.

Từ đó mà các hình thức hợp tác xã phát triển mạnh ở nhiều ngành và nhiều nước “tuy cách làm có khác nhau ít nhiều nhưng mục đích thì nước nào cũng như… lời tuyên ngôn của hợp tác xã Anh đã nói: ”Cốt làm cho những người vô sản giai cấp hoá ra anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây…”.

Về lý luận, Bác phân tích: “Tục ngữ An Nam có những câu “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và “Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy. Nếu chúng ta đứng riêng thì sức nhỏ, mà làm không nên việc…” và giới thiệu các loại hình hợp tác xã khác nhau như “hợp tác xã tiền bạc” (tín dụng), “hợp tác xã mua bán”, “hợp tác xã sản sinh”…” nói tóm lại hợp tác xã rất có lợi cho nên dân các nước làm nhiều lắm”.

Những tư tưởng về hình thức tổ chức kinh tế được gọi là “hợp tác xã” này hoàn toàn không đồng nhất với phong trào hợp tác hoá được thực hiện trong khuôn khổ “cải tạo xã hội chủ nghĩa” sau này, một hình thức tiến bộ, thích ứng với thời chiến, tuy nó đã có những đóng góp lịch sử nhưng nó cũng sớm bộc lộ những yếu kém, sai lầm trong quản lý như quan liêu, thiếu dân chủ… khiến nó mang lại cho người dân sự thiếu tin tưởng dẫn đến sự giải thể. Tuy vậy, những tư tưởng cơ bản của “hợp tác xã” vẫn giữ nguyên những giá trị trong đời sống tổ chức kinh tế và xã hội hiện đại.

X&N
bee.net.vn

Advertisement