– Ngày 10/4/1953, đến với Lớp chỉnh Đảng Trung ương khoá III, Bác nói: “Trong khi rỗi, Bác thường đọc sách, sách mới có, sách cũ có. Hôm nay Bác nói một câu chuyện về sách cũ.
Ngày xưa, Khổng tử có câu: “Ôn việc cũ để biết việc mới”. Sau khi phân tích những thay đổi to lớn của thế giới mà xu thế là phe đế quốc ngày càng yếu, phe dân chủ hoà bình mạnh lên cũng như những trưởng thành của cuộc kháng chiến trong nước. Bác phân tích đến những vấn đề thuộc về “cá nhân chúng ta”.
Bác đọc bia Tiến sĩ tại Văn Miếu
Bác nói: “Thiện là gì? Là làm đúng chính sách của Đảng, phục vụ quyền lợi đa số nhân dân (công nông) thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, để lợi ích cách mạng, nhân dân lên trên hết, trước hết; trái lại là cái ác. Hai cái đó luôn đấu nhau.
Không ít cán bộ, đảng viên phạm tham ô, lãng phí, quan liêu; đó là phe ác nó thắng phe thiện. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên theo đúng chính sách của Đảng, chí công vô tư, thực hành cần, kiệm, liêm, chính – có nhiều cán bộ trực tiếp viết thư cho Bác hứa không có tham ô, thực hiện đúng lời hứa đó, và tự chỉnh huấn, rửa sạch được cái bệnh ấy – phe dân chủ hoà bình trong người các chú thắng lợi. Nếu không phe ác thắng lợi trong con người các chú.
Khổng tử nói: “Mình phải chính tâm tu thân” nghĩa là việc gì cũng phải làm kiểu mẫu, có thế mới “trị quốc bình thiên hạ” được. “Trị quốc bình thiên hạ” đây tức là ta kháng chiến đánh Pháp, xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hoà bình thế giới. Muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo. Nếu lòng mình không cải tạo thì dừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí muốn cải tạo xã hội làm sao được…”.
Quan niệm “chính tâm tu thân” cũng như nhiều nguyên lý của Khổng giáo nhiều lần được Bác Hồ vận dụng trên một tinh thần phù hợp với công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Ngay sau khi dành được độc lập, Bác đã bày tỏ sự trân trọng của mình đối với những di sản tích cực của Khổng giáo khi đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Báo “Cứu Quốc” tường thuật:
“9 giờ sáng ngày 21/10/1945, Hội Tư Văn Thăng Long gồm các bậc cựu văn thân đã tổ chức kỷ thu lễ đức Khổng Tử tại Đền Giám. Hồ Chủ tịch, cố vấn Vĩnh Thuỵ (Bảo Đại), các quan chức Chính phủ và Hà Nội đến dự. Trưởng quan Trung Hoa cũng có mặt.
Trước đỉnh trầm nghi ngút và bàn thờ thắp nến sáng rực, Hồ Chủ tịch đứng chủ lễ, các quan khách dàn thành hàng ngang hai bên. Sau khi hành lễ, các đại biểu phát biểu. Ông Trưởng quan Trung Hoa đọc đáp từ.
Hồ Chủ tịch dịch ra tiếng Việt như sau: Bên Trung Hoa cũng như Việt Nam, hàng năm vẫn làm lễ Khổng Tử để duy trì nền đạo đức, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Vậy mong rằng hai dân tộc cùng nhất trí hành động, đặng kiến thiết nền văn hoá phương Đông theo một tinh thần mới…”.
X&N
bee.net.vn