– Ngày 24/3/1946 đã diễn ra cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao uỷ Pháp D’ Argenlieu trên tuần dương hạm “Émile Bertin” đậu trên Vịnh Hạ Long.
Vào thời điểm ký kết Hiệp định Sơ bộ 6/3, diễn biến chính trường nước Pháp có những thay đổi mạnh mẽ. Đảng Xã hội Pháp đã thay thế Tướng De Gaulle trên chính trường.
Phái “diều hâu” ở Đông Dương đứng đầu là Cao uỷ – Đô đốc D’ Argenlieu tìm mọi cách phá hoại hoà hoãn, đặt Chính phủ Pháp vào những việc đã rồi, với Việt Nam là dung dưỡng các phần tử khiêu khích và tách Nam Bộ thành lập chính phủ tự trị.
Ngày 24/3/1966, Bác nói chuyện tại Đại hội thi đua bảo đảm giao thông vận tải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
Và trong nội bộ tìm cách gạt các nhân vật chủ trương thực hiện Hiệp định Sơ bộ. Trong bối cảnh và ý đồ ấy, D’ Argenlieu đã đề nghị tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng địa điểm được mời đến lại là trên một chiến hạm đậu tại Vịnh Hạ Long.
Bác nhận lời và ngày 24/3/1946 từ sân bay Gia Lâm, bằng một chiếc thuỷ phi cơ, Bác cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam và Thứ trưởng Bộ nội vụ Hoàng Minh Giám bay đến điểm hẹn: Tuần dương hạm “Émille Bertin”
Đô đốc D’Argenlieu đã tiếp đón với hình thức trọng thị để tỏ rõ quyền lực tối cao của mình ở Đông Dương cũng là để gạt bỏ ảnh hưởng của Tướng Leclerc, người có khuynh hướng hoà hoãn đã tham gia quá trình dẫn đến ký kết Hiệp định Sơ bộ mà Đô đốc cho rằng đã nhượng bộ Việt Minh quá nhiều. Hạm đội Pháp đã duyệt binh vừa để chào mừng vừa để thị uy sức mạnh của vũ khí.
Cuộc thảo luận xoay quanh việc thúc đẩy những cuộc tiếp xúc cao cấp giữa hai bên trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh mà vị Chủ tịch nước Việt Nam yêu cầu sẽ phải được diễn ra tại thủ đô nước Pháp nhằm ngăn chặn những mưu đồ của các phần tử thực dân muốn phá hoại những nỗ lực hoà bình và tranh thủ chính giới tiến bộ ở Pháp.
Cũng trong cuộc tiếp xúc này mà nội bộ giữa hai viên đô đốc và tướng Pháp càng trở nên căng thẳng. Leclerc sau khi tỏ rõ sự bất đồng với D’Argenlieu, không bao lâu sau bị điều động rời khỏi Đông Dương. Còn viên đô đốc thực dân thì đòi hỏi phải có một cuộc hội nghị sơ bộ ở Đà Lạt nhưng đã phải chấp nhận một chuyến thăm viếng chính thức của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sang thăm hình thức Cộng hoà Pháp.
Trên máy bay trở về Hà Nội, Bác nói với viên tướng Pháp Salan, người đi tháp tùng đoàn cảm nghĩ về cuộc găp này: “Nếu đô đốc (D’Argenlieu) muốn đem tàu bè ra lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược các dòng sông của chúng tôi!”.
Nhận xét sau cuộc hội kiến này, chính viên Đô đốc D’ Argenlieu đưa ra nhận xét: “Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bản lĩnh vững vàng. Ông biết mình muốn điều gì và chỉ đạo hoạt động của mình một cách kiên nhẫn… Chủ tịch có được cái kỹ thuật của một lãnh tụ cách mạng, cũng là cái kỹ thuật của đảng đã đào tạo nên ông” (P.Devillers. “ Paris-Sài Gòn- Hà Nội”, tr.295).
X&N
bee.net.vn