Giới thiệu tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng

Nhà văn Sơn Tùng sinh năm 1928, tại làng Hoa Luỹ (nay là Kim Luỹ), Diễn Châu, Nghệ An, một vùng đất ngay bên bờ biển. Sơn Tùng lớn lên trong cộng đồng dân chài lấy thuyền làm nôi và tiếng sóng vỗ bờ làm lời ru của mẹ. Chính cái mênh mông, phóng khoáng của biển cả đã hun đúc nên khí phách phóng túng pha chút ngang tàng của Sơn Tùng. Nhưng “gã thuyền chài” ấy lại được giáo dưỡng trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống “trọng chữ hơn trọng miếng ăn”.

Nhà văn Sơn Tùng được phong Anh hùng lao động – Ảnh T.T. Sơn (dantri.com.vn)

Năm 1941, ở tuổi 16, tràn đầy nhiệt huyết, Sơn Tùng đeo ba lô hoà vào dòng chảy của cơn lốc cách mạng. Ban đầu ông hoạt động trong phong trào thanh niên, sinh viên thủ đô. Sau khi Hà Nội giải phóng, Sơn Tùng vào học tại trường Đại học nhân dân và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961 ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong. Năm 1967 ông được điều vào Nam thành lập và phụ trách tờ Thanh niên giải phóng. Năm 1971 ông bị thương nặng và rời chiến trường miền Nam mang trên mình 14 vết thương, 3 mảnh đạn còn găm trong sọ não. Nửa người bên phải hầu như bị liệt, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, mắt bên phải bị mờ. Ông được đưa sang Trung Quốc chữa bệnh và được vào viện điều dưỡng 3 năm liền. Sau đó ông xin về nhà và … luyện khí công. Với nghị lực phi thường, ông khổ luyện từ 2h sáng tới 8h tối, sức khoẻ ông dần dần bình phục. Trí nhớ cũng hồi phục dần. Khi tay phải duỗi ra được, chân tập tễnh bước thấp bước cao, Sơn Tùng đã lao vào công việc. Điều đầu tiên mà ông làm là truy tìm cho được tác giả của lá Quốc kỳ mà trong những năm tháng ở chiến trường miền Nam ông đã dày công tìm kiếm. Hàng chục chuyến đi, hàng ngàn giờ lao tâm khổ tứ, cuối cùng ông đã tìm ra được cho chúng ta tác giả Quốc kỳ: Nguyễn Hữu Tiến.

Một đời viết có duyên, đôi khi, chỉ cần để lại cho đời một câu thơ, một đầu sách, đã là đáng tự hào. Với Sơn Tùng, lẽ dĩ nhiên, ông để lại nhiều hơn thế, dù nhắc đến ông, điều đầu tiên người ta nhắc đến hẳn nhiên là ba chữ Búp sen xanh – một cuốn sách đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong ký ức của nhiều thế hệ bạn đọc bởi những trang viết kỹ lưỡng, chân tình, xúc động. Không chỉ “Búp sen xanh”, ông còn quyết dành trọn cả đời viết của mình cho đề tài gan ruột: Hồ Chí Minh, với cả chục đầu sách: Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm, Bông sen vàng, Trái tim quả đất, Bác về, Từ làng Sen, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hoa râm bụt, Sáng ánh tâm đăng, Bác ở nơi đây, Chuyện Bác Hồ cả trăm năm chưa hề thấu ngọn nguồn…

Với sự cố gắng phi thường, bất chấp bệnh tật, vết thương đau nhói hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, từ năm 1974 đến 1990 ông đã cho ra đời 13 cuốn sách bằng tay phải chỉ còn 3 ngón co quắp. Tuy nhiên, công bằng mà nói, đề tài mà Sơn Tùng thể hiện thành công nhất vẫn là đề tài lãnh tụ, mà đỉnh cao là Búp sen xanh. Đây cũng là công trình mà ông bỏ ra nhiều thời gian và công sức nhất: bắt đầu từ năm 1948 và hoàn thành vào năm 1980. Bằng những chuyến đi không biết mệt mỏi, những cuộc tìm kiếm kiên trì, cuối cùng ông đã gặp được bà Lê Thị Huệ để rồi từ những câu chuyện với bà Huệ ở tuổi 80 ông đã tái dựng lại một trong những quãng đời gian khó, nhưng đẹp đẽ và thơ mộng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát hiện của Sơn Tùng đã mở ra một bước ngoặt, một cách tiếp cận hoàn toàn mới tới cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Năm 1981 Búp sen xanh với 100.000 bản ra đời đã gây một tiếng vang lớn.

Cuốn tiểu thuyết lần lượt nhận đủ các loại giải thưởng và chuẩn bị tái bản lần thứ 2 thì không hiểu từ đâu xuất hiện một lời phán: cuốn sách “có vấn đề”. Ngày 23/6/1983, một tờ báo đã dành cả nửa trang phê phán Sơn Tùng dưới tiêu đề Vài ý kiến về Búp sen xanh: “…Không thể nào có một nhân vật Út Huệ yêu Bác, chờ đợi Bác, theo dõi con đường Bác đi cứu nước suốt hàng chục năm mà trong tư tưởng, hành động lại không có biểu hiện gì trước phong trào chung của cách mạng cả nước đang phát triển…”. Bài báo kết luận: “Điều nguy hiểm hơn là tác giả Búp sen xanh đã gắn sự kiện mối tình của Út Huệ và Bác với sự kiện cắm hoa huệ trong nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch, và gắn sự kiện đó với câu nói của Bác năm 1962 khi tiếp đoàn cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc: miền Nam luôn trong trái tim tôi”. May thay, cuối cùng thì một kết luận chính thức của cơ quan chức năng “Búp sen xanh không có vấn đề gì” đã dẹp bỏ những lời đồn đại và phê phán vô căn cứ đó. Lập tức 100.000 cuốn của lần tái bản thứ 2 đã ra mắt bạn đọc. Rồi mối tình của cô Út Huệ với chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đựơc đưa lên màn ảnh bạc và ngày nay người ta tiếp nhận nó như một lẽ đương nhiên…

* Tác phẩm

————— Hết —————

(Theo Lê Thọ Bình – Vietnamnet 14/02/2004)


tennguoidepnhat.net