“Sửa đổi lối làm việc” là tác phẩm được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947. Theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu “Có thể coi “Sửa đổi lối làm việc” là sự tiếp bước nối dài nhằm hiện thực hóa những mục tiêu, nguyện vọng được đề cập trong “Tuyên ngôn độc lập” ”.
“Sửa đổi lối làm việc” thực chất là sửa đổi lề lối quan hệ với nhân dân. Chính vì vậy, tư tưởng “dân là gốc”, dân làm chủ toát lên từ mọi khía cạnh, mọi nội dung được đề cập trong “Sửa đổi lối làm việc”. Trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nhân dân là đối tượng trọng tâm của việc sửa đổi lối làm việc. Với năm nội dung chủ yếu như sau:
Cán bộ, đảng viên trước hết phải có lòng tin vào quần chúng nhân dân. Người căn dặn “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”, và phải biết dựa vào ý kiến của dân chúng để chỉnh sửa cán bộ và tổ chức, từ đó không ngừng nâng cao năng lực phục vụ nhân dân.
Cán bộ, đảng viên phải học quần chúng. Người cho rằng, “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng” nên chúng ta phải học, phải hỏi, phải hiểu dân chúng. Người cảnh báo: “Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng…”
Cán bộ, đảng viên phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với dân. Người nhấn mạnh. “Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình,… còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình”. Có dân chủ, mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến, tạo không khí hăng hái thi đua rộng khắp.
Cán bộ, đảng viên nói và làm gì nội dung cũng phải thiết thực với dân, xuất phát từ lợi ích của dân. Người căn dặn: “Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng… Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”.
Cán bộ, đảng viên đánh giá đúng vai trò, sức mạnh của quần chúng song tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Người chỉ rõ “Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu”. Cán bộ, đảng viên lắng nghe ý kiến của quần chúng, song không phải dân nói gì cũng nhắm mắt nghe theo, mà phải biết chọn lựa, vận dụng những ý kiến tích cực, tiến bộ vào công việc, để phục vụ dân tốt hơn.
“Sửa đổi lối làm việc” thực sự là một cuốn cẩm nang quý báu, về phong cách, lối làm việc của toàn bộ hệ thống chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện thật tốt các lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Sửa đổi lối làm việc” chúng ta sẽ xây dựng được Đảng trong sạch, vững mạnh.
Lê Tùng
Bạn phải đăng nhập để bình luận.