Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Người là một trong những nhà tư tưởng, lãnh tụ cách mạng đã bàn nhiều đến vấn đề đạo đức.
Tag Archive | Đạo đức Cách mạng
Đạo đức cách mạng là suốt đời “tận trung với nước, tận hiếu với dân”
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều thời gian và công sức quan tâm chăm lo rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một yếu tố cốt lõi, theo Người là mỗi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng. Người nói “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(1), “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình hoạt động cách mạng phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Theo Người “có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá”(3).
Đạo đức cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là đạo đức mới, về bản chất nó khác xa đạo đức cũ trói buộc con người trong những lợi ích cá nhân ích kỷ, hẹp hòi. Đạo đức cách mạng gắn liền với chế độ mới, nó là đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. “Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”(4), “là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”. Đạo đức cách mạng đòi hỏi phải ra sức thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của nhân dân, của tập thể, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, giữ vững kỷ luật của Đảng. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tuyệt đối không thể lưng chừng”(5). Người chỉ rõ: “Đảng viên là người thay mặt Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì vậy, lợi ích của người đảng viên phải ở trong chứ không thể ở ngoài lợi ích của Đảng, của giai cấp. Đảng và giai cấp thắng lợi và thành công, tức là đảng viên thắng lợi và thành công”(6). “Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho CNXH và CNCS thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới”(7). Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng, trước hết bản thân người cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đồng thời phải ra sức tuyên truyền, vận động cho quần chúng thực hiện. Phải là người tiên phong, dẫn đường cho quần chúng thực hiện một cách có hiệu quả, muốn vậy trong lời nói và việc làm người cán bộ, đảng viên phải luôn thống nhất và làm gương cho quần chúng noi theo, phải làm cho quần chúng tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”(8). “Đạo đức cách mạng là hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng”(9).
___
(1, 3, 5, 6, 8,9) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, NXBCTQG, H.2002, tr.283, 284, 286, 288, 289, 290. (2) Sđd, tập 5, tr.252-253. (4) Sđd, tập 7, tr.480. (7) Sđd, tập 12, tr.93.
Lê Văn Tuyên
Học viện Chính trị Quân sự
Bạn phải đăng nhập để bình luận.