Thư viện
Hồ Chí Minh – Hiền nhân cách mạng (Tiếp theo và hết)
Hồ Chí Minh – Hiền nhân cách mạng (Kỳ 2)
Bác Hồ của chúng ta chính là người đã nhìn rõ nhất vai trò của giai cấp vô sản và chủ nghĩa Mác – Lênin trong cuộc đấu tranh cứu nước: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của CNCS và của cách mạng thế giới”.
Hồ Chí Minh – Hiền nhân cách mạng (Kỳ 1)
Dân tộc nào cũng có những người anh hùng của mình, những người không tiếc thời gian và tính mạng đấu tranh cho cái đẹp của sự sống. Có những anh hùng không chỉ lưu danh thiên sử ở đất nước mình mà còn được vinh phong danh nhân ở tầm nhân loại nhờ những đóng góp nhân văn to lớn có ích chung cho sự phát triển của cả thế giới.
Cuộc đời Bác trong ca khúc cách mạng Việt Nam
Bác Hồ – vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của nhiều nhạc sĩ Việt Nam. Những bài ca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh thật bình dị trong sáng, gây xúc động mạnh mẽ với công chúng. Qua các ca khúc, cuộc đời của Người được các nhạc sĩ thể hiện một cách tự nhiên theo dòng chảy liền mạch của giai điệu. Tiếp tục đọc
Cuộc gặp lịch sử giữa Hồ Chí Minh với V.I. Lê-nin
Cuộc gặp lịch sử giữa V.I.Lê-nin với Nguyễn Ái Quốc ở “Sơ thảo những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa”… Những năm tháng sau đó Nguyễn Ái Quốc ước ao được gặp V.I. Lê-nin – Lãnh tụ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, người đã lập ra nhà nước đầu tiên với những bước đi đầu tiên để không có người bóc lột người, mọi người đều bình đẳng, ấm no… Nhờ có học thuyết của V.I. Lê-nin, người cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy con đường rõ rệt để giải phóng các dân tộc thuộc địa, trong đó có dân tộc Việt Nam.
Cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã đến Mát-xcơ-va nhưng V.I. Lê-nin đang ốm nặng. N.C. Crúp-xcai-a-người bạn đời thân thiết của V.I. Lê-nin tiếp người cộng sản phương Đông trẻ tuổi này. Nguyễn Ái Quốc trở thành học viên Trường Đại học Phương Đông tại Mát-xcơ-va với các hoạt động trong phong trào Cộng sản quốc tế.
Một nỗi đau lớn đến với Nguyễn Ái Quốc và nhân dân lao động, ngày 22-1-1924 V.I. Lê-nin từ trần. Lá cờ rủ băng tang đen trên toà nhà của Xô-viết Mát-xcơ-va…
Ngày 27-1-1924, Báo Sự Thật Liên Xô đăng bài của Nguyễn Ái Quốc “Lênin và các dân tộc thuộc địa” nói lên niềm khao khát tự do, độc lập của các dân tộc thuộc địa khắp năm châu được ánh sáng học thuyết Lênin vạch đường, chỉ lối. Tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V, trong tham luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa tháng 7-1924, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh cần tập trung sức lực để thực hiện những di huấn của V.I. Lê-nin về vấn đề thuộc địa cũng như những vấn đề khác.
31 năm sau khi V.I. Lênin qua đời, Bảo tàng Phòng làm việc và nơi ở của V.I. Lê-nin chính thức mở cửa. Người nước ngoài đầu tiên đến thăm Bảo tàng là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc của những năm tháng sống và học tập, làm việc ở Liên Xô trước đây. Trên trang đầu của cuốn Sổ ghi cảm tưởng của Bảo tàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Lênin, người thày vĩ đại của cách mạng mạng vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần kiệm, liêm, chính.
Tinh thần Lê-nin muôn đời bất diệt”.
13-6-1955
Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh – Người học trò xuất sắc của V.I. Lê-nin – Theo quyết định của UNESCO năm 1990 – Thế giới đã kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn. V.I. Lê-nin và Hồ Chí Minh đều là những lãnh tụ vĩ đại, những nhà văn hoá lớn của nhân loại.
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng
Huyền Trang (st)
bqllang.gov.vn
“Người đời không phải là thánh thần”
Nhưng không, tôi phải nói thật: Những thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi.
– Ngày 28/1/1946, trên báo Cứu Quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên dưới một văn kiện có tựa đề là “Tự phê bình”.
Đó là một văn bản kiểm điểm lại tình hình đất nước kể từ sau cuộc Cách mạng giành chính quyền thành công với 4 tháng phấn đấu không biết mệt mỏi của nhân dân và Chính phủ. Trên từng lĩnh vực chính trị, xây dựng thể chế, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, chăm lo đời sống nhân dân… tuy đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng trong văn kiện này, người đứng đầu chính phủ vẫn “tự phê bình”:
Bác Hồ và Tổng bí thư Trường Chinh tháng 1/1955.
“Vì yêu mến và tin cậy tôi mà đồng bào giao vận mệnh nuớc nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bến bờ hạnh phúc của nhân dân. Nhờ sức đoàn kết của toàn dân mà chúng ta tranh được độc lập. Nhưng Chính phủ vừa ra đời thì liền gặp những hoàn cảnh khó khăn…
Trước hoàn cảnh khó khăn đó, đồng bào đã cố gắng, người giúp sức, kẻ giúp tiền. Còn tôi thì lo lắng làm tròn nhiệm vụ của mình sao cho khỏi phụ lòng đồng bào toàn quốc. Chỉ vì tôi tài hèn, đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào… Chính phủ do tôi đứng đầu chưa làm việc gì đáng kể cho nhân dân ”.
Phân tích tình hình đất nước, vị Chủ tịch Chính phủ thẳng thắn đánh giá: “Có thể nói rằng: Những khuyết điểm đó là vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này lẽ khác. Nhưng không, tôi phải nói thật: Những thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi.
Người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ. Vận mệnh nước ta ở trong tay ta. Chúng ta đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, thì chúng ta nhất định thắng lợi”.
Có thể nói đây là một thông điệp rất minh bạch của người đứng đầu Nhà nước quan niệm về một thể chế dân chủ và ứng xử của những người có trách nhiệm đối với nhân dân của mình.
X&N
kienthuc.net.vn
“Nhờ cụ cầu Đức Chúa ban phúc cho Tổ quốc”
Ngày 23/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Giám mục Lê Hữu Từ, đề nghị giám mục tiếp tục ủng hộ chính phủ.
– Ngày 23/1/1947, trong bối cảnh chiến tranh đã mở rộng ra cả nước, khối đoàn kết toàn dân trong đó có các tôn giáo cần được huy động vào việc phụng sự nền độc lập của Tổ quốc đồng thời đấu tranh chống lại những âm lưu lợi dụng tôn giáo của thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư và giao cho người thân tín của mình là Vũ Đình Huỳnh mang vào Phát Diệm trao tận tay cho Giám mục Lê Hữu Từ, người có vai trò trong giáo hội Thiên Chúa giáo và cũng là người đã nhận làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Thư viết bằng những lời lẽ chân thành:
“Đã lâu không được gặp cụ, tôi nhớ lắm. Từ ngày thực dân Pháp bội ước gây hấn, toàn thể đồng bào ta phải đồng tâm nhất trí, kháng chiến cứu quốc… Vì công việc còn bận, tôi chưa có thể gặp cụ để trực tiếp cảm ơn cụ, tôi xin phái người thân tín là ông Huỳnh thay mặt tôi đến hỏi thăm và chúc cụ mạnh khoẻ”
Bác đề nghị giám mục tiếp tục ủng hộ chính phủ trong kháng chiến cũng như đã từng giúp trong các thuơng thảo ngoại giao và bức thư kết thúc: “Nhờ cụ cầu Đức Chúa ban phúc cho Tổ quốc và xin cụ nhận lời chào thân ái của tôi”.
Tháng 1/1960 Bác gặp các cháu học sinh Trường Phan Chu Trinh tại Văn Miếu
Thời điểm này đang xảy ra một vài xích mích giữa đồng bào lương và giáo mấy hôm sau (1/2/1947), Bác lại viết thư gửi Giám mục để kiên trì giải thích: “Trong Hiến pháp ta đã định rõ: Tín ngưỡng tự do. Nếu ai làm sai Hiến pháp, khiêu khích Công giáo thì sẽ bị phạt.
Chắc cụ không bao giờ tin rằng Việt Minh chống đạo vì cụ thừa biết rằng Việt Nam Độc lập Đồng minh là cốt đoàn kết tất cả đồng bào để làm cho Tổ quốc độc lập chứ không phải để chia rẽ, phản đối tôn giáo.
Mà tôi cũng không bao giờ nghi rằng đồng bào công giáo chống Việt Minh, vì hơn ai hết, đồng bào công giáo càng mong cho Tổ quốc độc lập, cho tôn giáo được hoàn toàn tự do; và tôi chắc ai cũng tuân theo khẩu hiệu: Phụng sự Thượng đế và Tổ quốc…
Những sự xích mích nhỏ giữa một số đồng bào, tuy là đáng tiếc, vì đạo đức giáo hoá chưa được phổ cập, không thể động chạm đến sự đại đoàn kết của chúng ta… triệt để hoàn thành đại đoàn kết, để toàn dân không phân lương – giáo, chỉ một tâm lo chống ngoại xâm. Nhờ cụ cầu Chúa ban phúc cho nước nhà mau đi đến kháng chiến thắng lợi.”
Sau đó, Bác lại viết thư tiếp (10/3) vừa động viên Giám mục Lê Hữu Từ vừa mềm mỏng giải quyết một số vấn đề nẩy sinh trong quan hệ lương – giáo ở địa phương. Thư cũng nhờ Giám mục vận động đồng bào Phát Diệm phá cầu để đề phòng quân Pháp tiến chiếm.
Đây cũng là lúc thực dân Pháp đang tìm mọi thủ đoạn chia rẽ lương – giáo và lôi kéo nhân vật này để rồi sau đó không lâu, Giám mục Lê Hữu Từ đã từ bỏ hàng ngũ kháng chiến theo giặc Pháp …
X&N
kienthuc.net.vn
“Lenin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”
Nguyễn Ái Quốc đã viết một bài bày tỏ cảm xúc trước sự kiện này và được đăng trên tờ “Pravda” (Sự Thật).
– Ngày 22/1/1924, Nguyễn Ái Quốc đang học và làm việc tại Liên Xô thì nhận được tin V.I.Lenin đã từ trần vào đêm hôm trước (21/1/1924).
Nguyễn Ái Quốc đã tới trụ sở Quốc tế Nông dân ở Matxcova để dự phiên họp bất thường.

Tháng 1 /1960, Bác Hồ giành nhiều thời gian thăm hỏi bà con kiều bào Thái Lan về nước
Tại đây, Nguyễn Ái Quốc được phân công cùng một số đồng chí khác viết “Lời kêu gọi của Quốc tế Nông dân”.
Văn kiện kêu gọi: “Nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta là thực hiện những lời khuyên quan trọng nhất của Lenin. Điểm quan trọng nhất trong di huấn chính trị của Người là thực hiện liên minh công nông, củng cố khối đoàn kết nông dân ở nông thôn và công nhân ở thành thị…
Hãy cất lên thật to, thật mạnh giữa quần chúng nông dân lời kêu gọi: Nông dân và công nhân ở tất cả các nước hãy đoàn kết lại!”
Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã viết một bài bày tỏ cảm xúc trước sự kiện này và được đăng trên tờ “Pravda” (Sự Thật). Bài báo có nhan đề “Lenin và các dân tộc thuộc địa” mở đầu bằng câu: “Lenin đã mất! Tin này đến với mọi người như sét đánh ngang tai, truyền đi khắp các bình nguyên châu Phi và các cánh đồng xanh tươi ở châu Á..
Lenin đã mất rồi thì chúng ta biết làm thế nào? Liệu có những người dũng cảm và rộng lượng như Lenin để không quản thời gian và sức lực chăm lo đến sự nghiệp giải phóng của chúng ta không? Đó là những điều mà quần chúng nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa băn khoăn tự hỏi…
Còn chúng tôi những người cộng sản, những người sinh ra ở các thuộc địa, chúng tôi vô cùng đau đớn… Song chúng tôi tin tưởng rằng Quốc tế Cộng sản và các phân bộ của nó, trong đó có các chi bộ ở các nước thuộc địa sẽ thực hiện được những bài học và những lời giáo huấn mà vị lãnh tụ để lại cho chúng ta…
Khi còn sống Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội. Lenin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”.
X&N
kienthuc.net.vn
“Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc”
Trong một nước dân chủ, mọi người đều có tự do tin tưởng, tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái.
– Ngày 21/1/1946, báo Cứu Quốc đăng toàn văn câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một số nhà báo nước ngoài sau khi cuộc Tổng tuyển cử đã thành công tốt đẹp và quốc dân đang chờ đợi những thay đổi trong đời sống chính trị nước nhà. Câu trả lời của Bác đầy tính triết lý và tính chiến đấu tự như một tuyên ngôn về lẽ sống của mình:
“Nhân dịp các bạn tân văn ký giả ngoại quốc hỏi đến, tôi xin đem câu trả lời của tôi công bố ra cho đồng bào trong nước và nhân sĩ nước ngoài đều biết:
1. Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận vậy…
Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi sẽ làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi..
2. Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng Dân tộc Việt Nam. Đảng đó chỉ có một mục đích là làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài.
Rất mong nhân sĩ nước ngoài và đồng bào trong nước rõ cho” .
Chỉ một năm sau, ngày 21/1/1947 ứng với ngày 30 Tết Đinh Hợi, Bác đến Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, lúc đó đang sơ tán tại Chùa Trầm, để đọc “Lời kêu gọi nhân Tết nguyên đán” và đọc lời thơ chúc Tết Xuân Đinh Hợi:
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào/Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi /Thống nhất, độc lập nhất định thành công”.
X&N
kienthuc.net.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại
Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã sinh ra nhiều anh hùng giải phóng dân tộc, nhiều người được vinh danh…
Người người nối tiếp nhau, viết lên trang sử vẻ vang cho dân tộc, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng vĩ đại nhất, trang sử Người để lại là trang sử vẻ vang nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc vĩ đại, bởi vì, Người là người Việt Nam đầu tiên đã tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam, con đường cách mạng vô sản. Người sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước – giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, bao cuộc khởi nghĩa đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập và thống nhất Tổ quốc đều lần lượt thất bại. Phong trào cứu nước của nhân dân Việt Nam đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Nhà yêu nước tiền bối Phan Bội Châu đã sớm nhận rõ tư tưởng vĩ đại của người lãnh tụ mới của phong trào cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc, đặt niềm tin vào Nguyễn Ái Quốc. Cụ từng nói với nhiều người khi đến thăm cụ ở Bến Ngự rằng: “… đời hoạt động cách mạng của tôi rốt cuộc là một thất bại lớn. Đó là bởi tuy tôi có lòng mà thực bất tài. Nhưng dân tộc ta thế nào rồi cũng độc lập. Nhất định phải thế. Hiện nay đã có người khác lớn hơn lớp chúng tôi nhiều, đứng ra đảm đương công việc để làm tròn cái việc mà chúng tôi không làm xong. Ông có nghe tiếng ông Nguyễn Ái Quốc không? Ông ấy còn thì nước ta nhất định sẽ độc lập. Vì ông ấy giỏi.”
Đúng như đánh giá của Phan Bội Châu, chính lúc đó, bằng sự mẫn cảm chính trị và qua tìm hiểu thực tiễn cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua hạn chế của các bậc tiền bối, Người là người đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, đỉnh cao của văn hóa nhân loại, tìm ra con đường cứu nước cho cách mạng Việt Nam – cách mạng vô sản, đó là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với chủ nghĩa quốc tế chân chính, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Từ đó, Người mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng mở ra con đường giải phóng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Không chỉ kế thừa, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn góp phần phát triển học thuyết của V.I Lênin về cách mạng thuộc địa, làm sáng tỏ mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa; đưa ra luận điểm về tính chủ động của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và khẳng định sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng nỗ lực của bản thân các nước thuộc địa. Hơn thế nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ rất sớm: cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể tiến hành trước, và thắng lợi của nó sẽ “giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”.
Đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa Đảng lên vị trí đảng cầm quyền. Từ ngày Đảng ra đời, Người luôn chăm lo từng bước trưởng thành của Đảng, rèn luyện Đảng thành đội tiên phong vững vàng, sáng suốt của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đó là khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, tạo ra sức mạnh vô địch vượt qua mọi thử thách khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Đây chính là tư tưởng chiến lược xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Mặt trận là nhân tố quan trọng bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam thành một đội quân cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Những nhân tố quyết định trên đảm bảo vững chắc cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Mở đầu là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ thế giới, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và tự do, sánh vai cùng các dân tộc đấu tranh không mệt mỏi cho một xã hội công bằng, tiến bộ, văn minh.
Tiếp đó, những thắng lợi vĩ đại, vang dội khắp năm châu của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, là người anh hùng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc. Công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Người gắn liền với lịch sử quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam, với những trang hào hùng nhất trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng dân tộc vĩ đại, đã đi vào lịch sử và sống mãi với muôn đời sau.
Vượt lên trên tất cả các bậc tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là “biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”, mà Người còn có “sự đóng góp quan trọng và nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”. Người là “kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”, Người đã được ghi danh vào danh sách “các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hoá trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thê giới” như Nghị quyết 24C/18.65, phiên họp Đại Hội đồng UNESCO, khoá họp lần thứ 24, tại Pari đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khuyến nghị các nước thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người.
Thật khó mà tách rời Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc với Hồ Chí Minh – nhà văn hóa kiệt xuất. Bởi vì, lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, với vinh dự lớn là một nước nhỏ đã đánh thắng hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng nhân dân khỏi thân phận nô lệ, khỏi cái đói, cái rét, giành lại cho nhân dân Việt Nam những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa, đó không chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà là cuộc đấu tranh không mệt mỏi của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chính là sự nghiệp văn hóa cao cả nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà văn hóa kiệt xuất, kiến trúc sư của nền văn hóa mới Việt Nam, Người sớm nhận thấy vai trò và sức mạnh của văn hoá, đưa văn hoá vào chiến lược phát triển của đất nước. Để xây dựng một nền văn hoá mới, ngay từ khi nước nhà mới giành được độc lập (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc là phát triển văn hóa, xoá mù chữ, nâng cao dân trí, phát triển giáo dục. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Do vậy, phải chống giặc dốt đi đôi với chống giặc đói và chống giặc ngoại xâm, trước hết phải là xóa nạn mù chữ, để tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết đọc, biết viết “Mọi người Việt Nam đều phải hiểu biết quyền hạn của mình, phải có kiến thức mới để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phát động phong trào xây dựng đời sống mới, để xây dựng một nền đạo đức mới, con người mới; chống những thói quen xấu và hủ tục lạc hậu; phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân. Nền văn hoá mới mà Người chủ trương xây dựng là một nền văn hoá luôn hướng con người tới chân, thiện, mỹ, tới hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc, tới tình hữu ái giữa người với người.
Trên hành trình vạn dặm đi tìm chân lý, đến nhiều nước, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, Người đã học tập và làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn văn hoá phương Đông và phương Tây. Người đã từng hấp thụ văn hoá nhân đạo và dân chủ của phương Tây, đặc biệt là tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của truyền thống văn hoá Pháp. Người trân trọng mọi giá trị văn hoá nhân loại, tôn trọng và chấp nhận những giá trị khác biệt với sự lựa chọn của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra chủ trương kế thừa truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc phải đi đôi với việc học tập và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá của nhân loại: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ ”.
Là linh hồn của công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời xúc tiến công cuộc xây dựng nền văn hóa mới nước nhà với các tiêu chí: Dân tộc, khoa học và đại chúng. Người đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hoá mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là những giá trị đóng góp vào sự phát triển văn hoá của thế giới. Đi trước thời gian, nhiều chủ trương văn hoá được Người để ra rất sớm – từ giữa những năm 40 và 50 của thế kỷ XX, như: Xoá mù chữ, trồng cây, trồng người, phủ xanh đồi trọc, cải tạo môi trường sinh thái, v.v.., đến thế kỷ XXI này đã trở thành những vấn đề nóng, cấp bách, mang tính toàn cầu, mà nhân loại bắt buộc phải quan tâm, giải quyết.
Những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá đang là kim chỉ nam cho chúng ta trong việc xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đồng thời không ngừng mở rộng sự giao lưu văn hoá với thế giới.
Một trong những điều kiện giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng, hoạt động văn hóa, tiếp thu tri thức nhân loại, là Người biết nhiều ngôn ngữ khác nhau, sử dụng một cách thành thạo trong viết văn, viết báo, làm thơ, viết kịch. Trải qua mấy chục năm học tập và rèn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước vươn lên tầm cao của trí tuệ thời đại để từ đó mà vận dụng và phát triển, sáng tạo và đổi mới, đóng góp vào kho tàng văn hoá thế giới những giá trị đặc sắc, in đậm dấu ấn Việt Nam – Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà thơ, nhà văn lớn. Thơ của Người phần lớn viết bằng tiếng Việt, có nhiều bài viết bằng chữ Hán, không chỉ là những những vần thơ tuyên truyền, đuổi giặc, mà thơ của Người còn thể hiện khát vọng tự do, công lý, cơm áo, hoà bình, cổ vũ cho cái đẹp và mối quan hệ nhân văn giữa người với người, đậm chất chữ tình, với nghệ thuật uyên bác. Đó là những nội dung chủ yếu làm nên thơ Hồ Chí Minh, với những giá trị nhân văn cao quý, toả sáng từ một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn lớn, là người mở đầu và đặt nền móng cho nền văn xuôi cách mạng Việt Nam. Người viết nhiều thể loại: truyện ngắn, ký, kịch, tiểu phẩm, văn chính luận,… Ở lĩnh vực nào cũng có những thành công nổi trội. Văn chính luận của Người giàu tri thức văn hoá, giàu tính luận chiến, lập luận chặt chẽ, lý luận sắc sảo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà báo vĩ đại, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Người rất khiêm tốn, không nhận mình là nhà báo, chỉ nhận mình là “người có duyên nợ với báo chí”. Chính Người đã sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo cách mạng: Le Paria (1922); Thanh niên (1925); Việt Nam Độc lập (1941)… Với trên 60 bút danh khác nhau, Người đã viết hàng nghìn bài báo, góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng ở thuộc địa, hướng tới CNXH, giáo dục về CNXH, xây dựng kinh tế, bồi dưỡng con người mới… “Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút, chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ bình dị giàu hình tượng, nói lên được điều lớn, bằng chữ nhỏ”.
“Văn hóa là sợi dây có khả năng nối liền nhân dân các nước và các dân tộc. Những tinh hoa văn hóa của một dân tộc đều là tài sản chung của nhân loại và ngược lại, những đỉnh cao văn hóa loài người là những của báu không dành cho riêng ai. Sự hiểu biết lẫn nhau, sự học tập và tôn trọng nhau xưa nay đều thể hiện sâu sắc qua văn hóa, nơi tập trung những biểu hiện rực rỡ nhất của tâm huyết và sức sáng tạo của con người”. Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng sự nghiệp hoạt động cách mạng, hoạt động văn hóa của mình, đã là người Việt Nam đầu tiên bắc nhịp cầu hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với các dân tộc trên thế giới.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hóa và nhà cách mạng thống nhất hữu cơ làm một, tri thức văn hóa chỉ nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động cách mạng. Không những vậy, chính yếu tố văn hóa trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Người có một sức thu hút mạnh mẽ, một khả năng cảm hóa đặc biệt đối với người xung quanh, ngay cả đối với những người nước ngoài, dù cho từ đâu tới và thuộc hệ tư tưởng nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn còn bởi vì chính bản thân Người, cuộc sống của Người, là hiện thân của nền văn hóa mới Việt Nam, là mẫu mực của con người mới Việt Nam và là đề tài không bao giờ cũ, là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà báo… tạo ra những tuyệt tác, bởi vì, “ngay giữa cuộc đời mình”, Người đã đi vào truyền thuyết, “Cuộc sống của Người là một bài thơ đầy nét anh hùng ca”.
Là một vĩ nhân đã để lại dấu ấn đặc biệt trong thế kỷ XX, từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị (1919), đến khi từ biệt thế giới này (1969), sau đó 10 năm, 20 năm… sự kính trọng, ngưỡng mộ, đánh giá cao của nhân loại đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề thay đổi. Một vài nhận thức của chúng tôi trên đây chỉ là đôi nét phác thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh-Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất mà nhân loại đã ghi nhận. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, đã và đang được các nhà nghiên cứu tiếp tục khai thác, nhằm phát hiện, tôn vinh những giá trị văn hóa, tư tưởng trong cuộc đời Người cho công cuộc bảo vệ và xây dựng cuộc sống mới hôm nay. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”, Người sẽ sống mãi và đồng hành cùng dân tộc trên con đường “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Theo TS. Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ngôi nhà nhỏ và nhân cách lớn
Không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường của Bác mà không trào dâng niềm xúc cảm trước sự vĩ đại của một nhân cách văn hóa lớn đã trở thành huyền thoại ngay trong cuộc sống đời thường của mình. Với nếp sống thanh cao, giản dị trong một tầm suy nghĩ sâu sắc mãi mãi là bài học lớn cho mỗi người chúng ta.
Năm 1954, từ Việt Bắc trở về Hà Nội, từ chối không ở ngôi nhà của toàn quyền Đông Dương để dành làm nhà tiếp khách cho Đảng và Nhà nước, Bác Hồ chọn cho mình gian nhà cấp bốn của người thợ điện. Ngôi nhà 1 tầng khoảng 50m2, ẩm thấp, ở bên góc bờ ao trong Phủ Chủ tịch (cách ngôi nhà sàn hiện nay khoảng 100m). Nhà đổ mái bằng nên mùa hè rất nóng, còn mùa đông thì lạnh.
Mùa hè năm 1958, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, Cục trưởng Cục thiết kế Dân dụng, Bộ Kiến trúc (nay là Công ty TVXD dân dụng Việt Nam, Bộ Xây dựng) được giao thiết kế ngôi nhà ở cho Bác.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh kể lại: Lúc đó được giao thiết kế nhà ở cho Bác là điều mơ ước của một kiến trúc sư. Bác đã chịu nhiều gian khổ, nay hòa bình rồi, Bác cần phải sống trong một biệt thự sang trọng là điều đương nhiên, hình như Bác biết ý định đó Bác nói: “Bác không phải vua quan nên không thể ở trong những ngôi nhà sang trọng như chú vẽ đây. Chú thiết kế cho Bác ngôi nhà ở phía bên kia bờ ao, giống như nhà sàn Việt Bắc trước kia Bác đã ở. Chú xem nên làm thế nào thật đơn giản, chỉ cần một phòng ngủ và một phòng làm việc nhỏ thôi, không cao lắm, không cầu kỳ”.
Bác căn dặn kiến trúc sư rất cụ thể: Cần làm hành lang xung quanh để khi có các đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác có lối đi và khi Bác làm việc, các đồng chí phục vụ đi lại không ảnh hưởng đến Người. Bác nói: Lợi dụng vách ngăn hai phòng làm một giá sách cho gọn, tiết kiệm và tiện sử dụng. Người nhắc nhở: Nhà làm bằng gỗ bình thường, gỗ loại một để dành làm tà vẹt đường sắt và trường học. Dưới tầng trệt, Bác bảo làm bệ xi măng thấp ở chung quanh, trên có lát ván tạo thành hàng ghế băng dài cho các cháu thiếu niên vào chơi có đủ chỗ ngồi.
Khi đó, Bác đã gần 70 tuổi, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đề nghị đặt thêm khu vệ sinh trong nhà để sử dụng thuận tiện, nhưng Bác không đồng ý. Bác bảo: “Khu vệ sinh ở nhà cũ còn tốt, cứ để Bác dùng cho đỡ lãng phí, và tạo điều kiện để Bác đi lại cho khỏe mạnh”.
Sau khi được Bác góp ý, bản vẽ thiết kế đã nhanh chóng hoàn thành và đi vào thi công. Trong thời gian Bác đi công tác, đội thi công 30 chiến sỹ công binh đã khẩn trương xây dựng và hoàn thành ngôi nhà vào ngày 1-5-1958, sau khoảng một tháng. Khi công trình cơ bản đã xong, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh mời Bác đi thăm nhà, một lúc sau dừng lại Bác cười nói: “Chú Kiến (Bác vẫn gọi thân mật Kiến trúc sư là chú Kiến – kiến trúc, kiến thiết) làm nhà cho Bác sang quá, còn hơn cả nhà quan tể tướng ngày xưa”. Vào dịp sinh nhật năm 1958, Bác Hồ đã chuyển sang ở ngôi nhà này cho tới ngày 17-8-1969.
Buổi khánh thành ngôi nhà sàn, Bác Hồ mặc bộ quần áo nâu, đi đôi guốc mộc. Bác chiêu đãi kiến trúc sư và thợ thi công bằng bữa “tiệc ngọt” tân gia, Bác nói vui: “Kẹo thuốc hôm nay là tiền nhuận bút của Bác bỏ ra mua, không phải của công đâu, Bác khao đấy, các chú cứ thoải mái, không hết thì mang về”. Trước khi về, Bác chờ bằng được “chú Kiến” ra ngồi ở giữa rồi mới chụp ảnh chung kỷ niệm.
Được một thời gian, nghe anh em cảnh vệ kể lại, những đêm làm việc khuya nghe tiếng phất muỗi của Bác, trong lòng thương Bác vô cùng, bởi đèn sáng giữa một khu vực nhiều cây cối và gần hồ nước nên nhiều muỗi. Đây cũng là điều mà Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh chưa thể lường hết được, ông vô cùng xúc động và ân hận. Sau nhiều lần bàn tính cuối cùng ông đã đưa ra phương án tối ưu là dùng lưới đồng nhỏ căng lên các ô cửa sổ, vừa ngăn muỗi mà vẫn có gió mát. Công việc trên làm khi Bác vắng nhà, vẫn sợ khi Bác về lại phê bình là tốn kém.
Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc với kích thước đã ở mức tối thiểu: Dài 10,15m rộng 6,82m, có hai tầng, tầng trên cao 2,62m có hai phòng: mỗi phòng rộng 13,50m2 dùng làm phòng ngủ và phòng làm việc về mùa đông. Tầng dưới cao thông thủy 2,20m là nơi Bác Hồ thường làm việc về mùa hè, nơi họp Bộ Chính trị quyết định nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam, nơi tiếp khách thân mật. Cầu thang một nhịp 14 bậc đặt ở hướng tây nam, che được ánh nắng ban chiều dọi vào phòng ngủ.
Ngôi nhà sàn này Bác đã sống và làm việc trong 11 năm cuối đời, chỉ có những vật dụng rất đơn sơ: Một chiếc bàn, giá sách, tủ quần áo, giường gỗ cá nhân, tấm chăn đơn, chiếc chiếu cói, cây quạt cọ, chai nước lọc. Điều này đã được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong trường ca “Theo chân Bác”:
Nhà gác đơn sơ một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn…
Ngôi nhà sàn Bác Hồ không những có ý nghĩa về lịch sử mà còn là một công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”.
Ngày 15-5-1975, ngôi nhà sàn Bác Hồ được xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa đặc biệt của Quốc gia. Năm 2001, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh (1908-1975) đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật, đợt 1 về cụm công trình kiến trúc: Lễ đài Ba Đình (1955), nhà sàn Bác Hồ (1958), Lễ đài Ba Đình (1960).
Nhiều năm đã trôi qua, những ngôi nhà ở của Bác Hồ mãi trở thành biểu tượng cho lối sống giản dị, trong sáng của đạo đức một con người Việt Nam chân chính – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại!
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Huy Phách/ Báo Bắc Ninh
Tâm Trang (st)
bqllang.gov.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.