Thư viện

Người quay cảnh nội các Dương Văn Minh rời Dinh Độc Lập

Sáng sớm 1/5/1975, đoàn quay phim của đạo diễn Phạm Việt Tùng có mặt tại Dinh Độc Lập. Nội các Dương Văn Minh sau khi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, vẫn đang trú tại đây.

May mắn lớn nhất với người làm báo là được chứng kiến những thời khắc lịch sử của đất nước. Đạo diễn Phạm Việt Tùng là một người như thế. Tròn 35 năm trước, theo bước tiến thần tốc của Đoàn quân giải phóng, đạo diễn Phạm Việt Tùng có mặt tại Sài Gòn, kịp thời ghi lại những đoàn xe tăng hành tiến, cảnh nội các Dương Văn Minh tại Dinh Độc lập và hình ảnh hân hoan mừng chiến thắng của đồng chí, đồng bào thành phố Sài Gòn – Gia Định.

Tôi đến thăm Đạo diễn Phạm Việt Tùng giữa lúc ông đang chuẩn bị cho chuyến đi vào thành phố Hồ Chí Minh tham dự Lễ kỷ niệm 35 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từng là người quay phim tài liệu, ông cẩn thận lưu giữ được khá nhiều tư liệu, hình ảnh vô giá…

Vừa bật cho tôi xem những thước phim tư liệu quý hiếm thường được phát trên tivi vào những dịp kỷ niệm ngày hội thống nhất non sông, ông vừa “thuyết minh” thời điểm quay, ý tưởng cảnh phim. Đó là những hình ảnh về ngày 30/4 lịch sử đã ghi sâu trong kí ức của bao người Việt Nam, nhưng rất ít người biết tác giả là ai. Đây, hình ảnh những đoàn xe tăng thần tốc, bánh xích nghiến lên lá cờ của chế độ Sài Gòn và những đồ quân trang vứt ngổn ngang trên đường phố; đây, hình ảnh nội các Dương Văn Minh được quay rõ nét bằng phim màu; đây, hình ảnh người dân thành phố Sài Gòn đổ ra đường vây quanh  các chiến xa của quân giải phóng và nói chuyện với những người lính bộ đội Cụ Hồ, trên quân phục vẫn lem bụi đường hành quân.

quay-canh-noi-cac1
Đạo diễn Phạm Việt Tùng (người mặc com lê, ôm hoa) cùng một số thành viên trên chiếc xe tăng 390 đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập.

Đạo diễn Phạm Việt Tùng hồi tưởng lại những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời đạo diễn, quay phim tư liệu của ông: Trước lúc Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, chúng tôi được lệnh khẩn trương vào Nam. Ai nấy đều háo hức lên đường để chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc lịch sử.

Đoàn của tôi gồm 7 người, do anh Huỳnh Văn Tiểng dẫn đầu. Chúng tôi được trang bị 2 máy quay và khoảng 1.500m phim hầu hết là đen trắng, phim màu rất ít. Anh Lê Trang Liêm giữ một máy, chỉ quay phim đen trắng; còn tôi giữ chiếc kia dùng để quay phim màu. Ngày ấy, phim màu là thứ rất quý hiếm với chúng tôi. Số phim màu này chúng tôi có được là do nữ diễn viên Mỹ Jane Fonda trao tặng trong chuyến thăm của bà tới Việt Nam đầu những năm 1970.

Trên đường hành tiến, hai nhà quay phim đã thực hiện theo phương châm “quay cuốn chiếu”, nhưng phải tính toán tiết kiệm từng centimet phim, để vào tới Sài Gòn mới là nơi tác nghiệp chính.

Tại Sài Gòn, các nhà quay phim không khỏi choáng ngợp trước một thành phố hiện đại nhưng khá vắng lặng. Trên đường phố ngổn ngang những quân trang, vũ khí của đám tàn quân, có cả những lá cờ ba sọc lăn lóc.

“Tôi chợt nhớ trong những bộ phim tư liệu về chiến tranh vệ quốc của Liên Xô, có cảnh thu gom rồi ném những lá cờ của các sư đoàn phát xít xuống đường phố; đó cũng là một biểu tượng chiến thắng. Tôi kiên nhẫn chờ đợi và đã quay được (bằng phim màu) hình ảnh bánh xe tăng nghiến lên lá cờ của chế độ Sài Gòn vừa sụp đổ tan tành. Rồi phải quay được những cảnh người dân tràn ra đường mừng chiến thắng, quay cảnh sinh viên giữ gìn trật tự trị an những ngày đầu giải phóng. Họ là những người rất yêu nước, đã góp phần không nhỏ vào ngày toàn thắng” – Đạo diễn Phạm Việt Tùng nhớ lại.

Sáng sớm 1/5/1975, đoàn quay phim của đạo diễn Phạm Việt Tùng có mặt tại Dinh Độc lập. Nội các Dương Văn Minh sau khi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, vẫn đang trú tại đây. Đạo diễn Phạm Việt Tùng kể lại việc trả tự do cho họ: Tối 2/5/1975, Ủy ban quân quản TP Sài Gòn đã tổ chức việc trao trả tự do cho ông Dương Văn Minh. Tôi chọn được một vị trí thuận lợi ở góc phòng, đứng lên một chiếc ghế để hướng máy quay từ trên cao xuống.

Tại buổi trao trả, sau khi ông Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố phát biểu khẳng định một trang sử mới của đất nước Việt Nam đã bắt đầu, ông Dương Văn Minh xúc động nói: Ngày hôm nay, đại diện cho anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước… Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành một công dân của nước Việt Nam độc lập. Tiếp đó, ông Dương Văn Minh và các thành viên trong nội các cuối cùng của chế độ Sài Gòn tươi cười và bình thản bước ra khỏi phòng khánh tiết, trở về đời thường của công dân một nước Việt Nam thống nhất…

Về chiếc máy quay phim đã theo mình đi khắp dặm dài của đất nước, đạo diễn Phạm Việt Tùng cho biết: “Đây là chiếc máy quay phim của Thụy Sĩ khá hiện đại thời ấy, hiệu Paillad Bollex. Chiếc máy đã giúp tôi ghi lại những hình ảnh lịch sử, nó là vật bất ly thân, là người bạn tâm giao, thân thiết. Cách đây 3 năm, tôi đã tặng Bảo tàng Cách mạng chiếc máy này”.

Theo VTC News
Huyền Trang (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement

Cựu phóng viên AP kể thời khắc Dương Văn Minh đầu hàng

Là phóng viên ảnh làm việc cho hãng AP thường trú tại Sài Gòn, ông Phạm Kỳ (77 tuổi, bút danh Kỳ Nhân) đã trực tiếp có mặt tại Dinh Độc Lập trong thời khắc hồi hộp và quyết liệt nhất.

Ông kể lại, đúng 9 giờ sáng ngày 30/4/1975 tôi có mặt tại Dinh Độc Lập. Lúc này, ở sân cỏ phía trước Dinh có một Trung đội lính Lôi Hổ, được trang bị đầy đủ súng đạn muốn vào để gặp Tổng thống Dương Văn Minh.

cuu-pv-ap1
Ông Phạm Kỳ đang ngồi viết lại những sụ kiện lịch sử tại nhà riêng

Lúc này, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh nói với ông Nguyễn Văn Bính: “Ông là dân biểu của Hạ viện thuộc khối dân tộc xã hội, đồng thời là dân biểu đối lập thuộc nội các mới vào Phủ Tổng thống ngày 28/4/1975 cùng với ông Vũ Văn Mẩu là Thủ tướng Chính phủ vừa mới được bổ nhiệm.

Nhiều dân biểu khác, đa số họ thuộc khối dân tộc xã hội của hạ viện, riêng ông Lý Quý Chung vừa bổ nhiệm chức Tổng thống dân vận cũng có mặt trong Dinh”. Sau cuộc nói chuyện của Chuẩn tướng Hạnh với lính Lôi Hổ thì họ tự động bỏ súng ở sân cỏ để ra về.

cuu-pv-ap2
Từ trái sang phải (hàng đầu): SV Hà Thúc Huy (Điệp báo A10), nhà báo Đức Petearnet, Tổng thống Dương Văn Minh, Đồng chí Lâm (bộ đội), Đồng chí Hà Huy Đỉnh (áo đen, đang chỉ tay), KTS Nguyễn Hữu Thái (Điệp báo A10), Đồng chí Phạm Xuân Thệ. (Ảnh chụp lúc 12 giờ 20, ngày 30/4/1975 tại Đài Phát thanh Sài Gòn, do Phạm Kỳ (Kỳ Nhân) – Phóng viên Thông tấn AP (Cơ sở Điệp báo A10)

Đúng 11 giờ ngày hôm đó, tôi thấy xe tăng của quân giải phóng đang tiến vào từ phía sở thú, đối diện với Dinh, trên đường Thống Nhất.

Mặc dù đã bước qua tuổi 71, nhưng nhân chứng sống lịch sử 37 năm về trước vẫn nhớ như in từng giây phút diễn ra trong ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhất là thời khắc Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát bài “Nối vòng tay lớn” tại Đài Phát thanh Sài Gòn.

Ông là kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái – người phát thành viên “bất đắc dĩ” trong ngày Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng.

Ông kể lại, “Sáng tinh mơ ngày 30/4, nắm chắc tình hình chuẩn bị nổi dậy của sinh viên ở Đại học Vạn Hạnh và để cuộc chiến kết thúc không phải đổ máu, Sài Gòn không bị tàn phá, tôi bàn với người thân cận của Thượng tọa Trí Quang rồi chạy vội lên chùa Ấn Quang gặp vị lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn tới nhóm Dương Văn Minh để nhờ họ tác động”.

cuu-pv-ap3
KTS Nguyễn Hữu Thái bên bức hình kỷ niệm tại nhà riêng

Khoảng 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, ông được tin, Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi các binh lính Việt Nam Cộng hòa trên Đài Phát thanh Sài Gòn, hãy bình tĩnh, không nổ súng và ai ở đứng vị trí của người đó để gặp Chính phủ Cách mạng thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong trật tự, tránh đổ máu.

Nghe tin xong, ông cùng nhà báo Nguyễn Vạn Hồng và Giáo sư Huỳnh Văn Tòng vào Dinh Độc Lập thuyết phục những người quen biết trong chính quyền Dương Văn Minh bàn giao chính quyền cho phía Mặt trận Dân tộc giải phóng. Cùng lúc này, một nhóm sinh viên cầm vũ khí lên xe ca đến áp sát, chuẩn bị xâm nhập vào Đài Phát thanh.

Ở bên ngoài, những chiếc xe tăng đang tiến vào Dinh. Xe tăng 390 chạy đầu tiên kế đến là xe tăng 843, chạy đến húc vào cổng phụ bên trái nhưng cổng không sập. Ngay lập tức, lái xe tăng 390 húc sập cổng chính để mở đường và đồng chí Bùi Quang Thận nhảy từ trên xe 843 xuống, cầm lá cờ giải phóng gắn trên cần ăng ten xe tăng rồi tiến vào thềm Dinh.

cuu-pv-ap4
 Xe Tăng 390 húc sập cổng chính Dinh Độc Lập 

Lúc này, tôi và Giáo sư Tòng đeo băng đỏ của lực lượng quần chúng nổi dậy, do không biết cách điều khiển cầu thang máy nên đồng chí Thận đi theo tôi và Giáo sư Tòng đi bằng thang bộ. Đến nóc Dinh, cả 3 chúng tôi phải leo thêm chiếc thang gỗ mới đến được chân cột cờ. Lá cờ giải phóng được kéo lên trong tiếng reo hò lẫn tiếng súng chỉ thiên chào mừng vang trời.

Ông xúc động, “Thật ngẫu nhiên, vào thời điểm lịch sử ấy trên nóc Dinh Độc Lập có 3 chàng trai của 3 miền đất nước: Anh Thận ở miền Bắc, Giáo sư Tòng miền Nam và tôi ở miền Trung. Cả ba anh em vừa xúc động, vừa sung sướng vừa hãnh diện”.

Gần 12 giờ, Trung tá Bùi Văn Tùng nghĩ ngay đến việc lật đổ chính quyền Sài Gòn do Tổng thống Dương Văn Minh cầm đầu để tránh những thiệt hại về người và của nên Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Trung tá Bùi Văn Tùng, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng, nhà báo Tây Đức Borries Gallasch… cùng đến Đài Phát thanh bằng xe Jeep để đọc lời đầu hàng.

cuu-pv-ap5

cuu-pv-ap6
Bản thảo chấp nhận đầu hàng do Trung tá Bùi Văn Tùng soạn thảo (Ảnh: Tuổi trẻ)

Tại đài, do tình thế khẩn cấp nên tôi đã trở thành phát thanh viên “bất đắc dĩ” của buổi phát thanh trực tiếp đầu tiên trong ngày trọng đại. “Đời sống bình thường từ nay đã trở lại Sài Gòn, thành phố mà Hồ Chủ tịch rất mong đợi, nay đã được giải phóng… Tôi xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này”.

Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”.

Và Trung tá, Bùi Văn Tùng tuyên bố chấp nhận đầu hàng: “Chúng tôi đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”.

Trong buổi phát thanh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã xúc động bày tỏ những quan điểm của mình và cất cao bài hát “Nối vòng tay lớn” – bài hát đầu tiên được phát trên sóng của Đài Phát thanh Sài Gòn trong ngày giải phóng.

Ông niềm nở kể lại, tại đài lúc đó, mọi việc diễn ra một cách bất ngờ và không hề có sự chuẩn bị trước nên khi làm việc ai cũng phải “lớ ngớ”. Khi ghi âm thì không có thiết bị ghi âm, nhà báo Đức đã cho mượn đài để thu âm. Đang lúc thu âm thì pin yếu nên các sinh viên phải chạy đôn chạy đáo đi tìm pin thay thế. Lời đầu hàng thì phải soạn thạo vội vàng.

cuu-pv-ap7
Niềm vui trong ngày chiến thắng

“Chiều 30/4/1975, mọi người dân Sài Gòn đều ra đường để cảm nhận bầu không khí trong ngày chiến thắng. Mọi người vui mừng reo hò, vỗ tay vang dội khi đón bộ đội giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Những người gặp nhau mừng mừng tủi tủi, họ như quên hết những khó khăn, khổ cực mà mình đã trải qua để hòa chung trong ngày chiến thắng. Còn chúng tôi bắt tay nhau thở phào một cách nhẹ nhõm và bất ngờ nói với nhau “thắng rồi ư”, mọi việc cứ diễn ra một cách thật bất ngờ”. Ông Thái vui mừng kể lại.

Cũng là một nhân chứng sống, chứng kiến những thời khắc diễn ra trong ngày trọng đại, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã  – người trực tiếp ghi lại cuốn băng trong buổi phát thanh, ngày 30/4/1975. Ông kể lại cho chúng tôi nghe, ngày hôm ấy, tất cả mọi người đều hân hoan, vui mừng trong ngày toàn thắng nên không ai nghĩ ra việc phải làm gì đó để lưu lại thời khắc quan trọng này.

Lúc đó, ông đang ở nhà nghe qua radio lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Mình, lời chấp nhận đầu hàng của ông Bùi Văn Tùng tại đài phát thanh nên ông đã dùng băng ghi âm ghi lại để vừa làm nguồn tư liệu và là bằng chứng sống trong lịch sử.

Ông kể lại, lúc đó, ông vừa ghi âm, vừa nghe tiếng xì xào nói chuyện, tiếng nhốn nháotại đài.

Ông cho biết, thời khắc 30/4/1975 là một biến cố lịch sử trọng đại, hiếm thấy, sau một cuộc chiến dài đã làm thay đổi cả chính quyền, chế độ. Và đây là một sự thay đổi rất lớn trong lịch sử nhân loại. Cuộc chiến cũng kết thúc một đất nước đã chịu 1 ngàn năm đô hộ.

Theo VTC News
bqllang.gov.vn

30 tháng 4 năm 1975 – mùa Xuân đại thắng

Cách đây 38 năm, với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc – Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui. Chiến tranh đã qua đi, đất nước Việt Nam nay đã đổi mới, vươn mình lớn mạnh nhưng mùa Xuân đại thắng năm 1975 vẫn luôn sống mãi trong ký ức của mỗi thế hệ người Việt Nam với ý nghĩa lịch sử vô cùng sâu sắc.

Ngay từ ngày 25/3/1975, Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã khẳng định thời cơ chiến lược đã đến, phải tập trung nhanh nhất lực lượng, phương tiện để giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn được Bộ Chính trị quyết định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Từ đầu tháng 4 năm 1975, quân dân ta sống trong những ngày hào hùng và sôi động nhất của lịch sử dân tộc. Cả dân tộc ta ra quân trong một mùa Xuân lịch sử với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” và khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Trận Xuân Lộc

Ngày 9/4,  ta tiến công vào thị trấn Xuân Lộc, một căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 16/4, quân ta phá vỡ phòng thủ Phan Rang. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở. Ngay từ khi mất Xuân Lộc, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức.

Chiến dịch Hồ Chí Minh

chien-dich-ho-chi-minh1Bản đồ tái hiện Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, kết thúc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Ảnh internet

Đúng 17h ngày 26/4, quân ta được lệnh nổ súng mở màn chiến dịch, 5 cánh quân từ các hướng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài tiến vào thành phố Sài Gòn. Ngày 28/4, các trận địa pháo của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Rạng sáng ngày 29/4, tất cả các cánh quân đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch

chien-dich-ho-chi-minh2Sáng 30/4/1975, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất
Ảnh internet

Đánh chiếm Dinh Độc lập

4. 3. mua xuan dai thangXe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975Ảnh internet

10h45p ngày 30/4, 4 xe tăng của ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện và ra lệnh cho quân Ngụy đầu hàng. Vào lúc 11h30 cùng ngày, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 2/5/1975, những địa phương cuối cùng của miền Nam được giải phóng.

Ý nghĩa lịch sử

4.4 . mua xuan dai thangNhân dân Sài Gòn nô nức xuống đường mừng chiến thắng.  Ảnh internet

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với trận mở màn Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đó là Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã hoàn toàn thắng lợi trong gần hai tháng liên tục và kiên cường chiến đấu (từ 18/3/1975 đến 2/5/1975). Đó là chiến thắng vẻ vang nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, là sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, một sự kiện có tác động lớn đến tình hình thế giới. Trải qua 21 năm tiến hành chiến tranh, 5 đời Tổng thống Mỹ điều hành 4 kế hoạch chiến lược thực dân mới và tiến hành chiến tranh xâm lược, đế quốc Mỹ từng bước leo thang biến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thành cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất trên thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Quân dân miền Nam với quyết tâm, ý chí thắng Mỹ với thế trận chiến tranh nhân dân đã lần lượt đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của chúng mà Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến thắng vĩ đại nhất quyết định số phận của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đã đập tan hơn 1 triệu quân Ngụy, lật đổ hoàn toàn chế độ Ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam, cố vấn Mỹ phải rời khỏi miền Nam, Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Chiến thắng đó đã giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và tay sai.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, đồng thời kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của đế quốc Pháp – Mỹ và chế độ phong kiến, rửa sạch nỗi nhục và nỗi đau mất nước hơn 1 thế kỷ của dân tộc Việt Nam.

Chủ nghĩa thực dân cũ, chủ nghĩa thực dân mới và thế lực phản động tay sai là nguyên nhân chia cắt đất nước. Thực dân Pháp chia nước ta thành 3 kỳ trong xứ Đông Dương 5 kỳ thuộc Pháp, xóa tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Ngô Đình Diệm chia cắt đất nước thành 2 miền Nam – Bắc với vĩ tuyến 17. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã xóa bỏ mọi ranh giới chia cắt đất nước, đất nước đã được thống nhất về mặt lãnh thổ, đó là điều kiện thuận lợi để hai miền Nam – Bắc thống nhất đất nước về mặt nhà nước và thống nhất trên các lĩnh vực khác.

Đường lối cách mạng dân chủ nhân dân của Đảng là mục tiêu của cách mạng, là niềm tin của dân tộc, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp tạo điều kiện cho miền Bắc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đại thắng mùa Xuân năm 1975 lật đổ chế độ đế quốc và tay sai, mở đường cho sự hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp cách mạng dân chủ nhân dân, xóa bỏ giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản ở miền Nam.

Đất nước không còn bóng giặc ngoại xâm, chế độ Ngụy quyền tay sai đã bị lật đổ, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất trong cả nước và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, một trong những chiến công hiển hách nhất của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Chiến dịch Hồ Chí Minh – trận kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước- cùng với trận Bạch Đằng (1288), Chi Lăng (1427), Đống Đa ( 1789), Điện Biên Phủ (1954) đã cắm một cột mốc vinh quang chói lọi trong quá trình đi lên của lịch sử nước ta, tô đậm truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Tình đoàn kết gắn bó keo sơn của ba dân tộc Đông Dương được thể hiện sâu sắc trong quá trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên một chiến trường thống nhất nhằm chống một kẻ thù chung với cùng một mục tiêu là giải phóng dân tộc. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không những mở ra bước ngoặt mới của lịch sử dân tộc và còn tạo thời cơ lớn cho nhân dân Campuchia giải phóng đất nước ngày 17/4/1975, cho nhân dân Lào giành độc lập ngày 2/12/1975.

Đối với đế quốc Mỹ, thất bại ở miền Nam năm 1975 là thất bại của một cuộc chiến tranh hao người tốn của nhất, là thất bại to lớn và nặng nề nhất trong lịch sử 200 năm của đế quốc Mỹ, thất bại đó đã tác động sâu sắc tới nội tình nước Mỹ, làm suy giảm uy tín và vị trí của Mỹ trên trường quốc tế.

Đối với thế giới, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đập tan cuộc phản kích lớn nhất vào các lực lượng cách mạng của tên đế quốc đầu sỏ, phá vỡ phòng tuyến ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc và sự mở rộng của chủ nghĩa xã hội ở khu vực Đông Nam Á, góp phần làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ.

Thắng lợi mùa Xuân năm 1975 đã quyết định sự giải thể của khối quân sự SEATO do Mỹ cầm đầu tháng 9 năm 1975, góp phần đem lại hòa bình, an ninh và sự hòa hợp của khu vực Đông Nam Á.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung không chỉ là thắng lợi riêng của dân tộc Việt Nam mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Thắng lợi đó đã góp phần tăng cường sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, thu hẹp trận địa của chủ nghĩa đế quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là nguồn cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc, phong trào dân chủ tiến bộ trên thế giới, tiếp tục chứng minh một chân lý của thời đại ngày nay là: Một dân tộc kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc có đường lối lãnh đạo đúng đắn, có sự đồng tình giúp đỡ của quốc tế thì nhất định sẽ giành được thắng lợi dù phải đương đầu với tên đế quốc đầu sỏ.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân hai miền Nam – Bắc đã sum họp một nhà. Trong cuộc đọ sức giữa ý chí Việt Nam và sức mạnh quân sự Mỹ, mặc dù phải chiến đấu gian khổ, hi sinh nhiều người, nhiều của, nhưng tinh thần và ý chí của nhân dân Việt Nam quyết tâm giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà đã toàn thắng. Chiến thắng oanh liệt đó mãi là niềm tự hào của mỗi thế hệ người dân Việt Nam, là động lực tinh thần to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã chọn: Độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, CNH-HĐH, xây dựng và phát triển đất nước, sánh vai với bạn bè thế giới như Bác Hồ kính yêu vẫn hằng mong muốn./.

Huyền Trang (tổng hợp)
bqllang.gov.vn

Trái tim Việt Nam không khi nào chia cắt

(VOV) – Gần 4 thập kỷ đã trôi qua, những ngày tháng Tư lịch sử năm ấy vẫn còn nguyên trong tâm thức của hàng triệu người Việt.

Cuộc sống hòa bình, độc lập tự chủ hôm nay được xây đắp bằng xương máu của biết bao người con Việt Nam yêu nước thương nòi. Chiến tranh có thể hủy diệt nhiều thứ, nhưng không thể phá hoại được tinh thần đoàn kết, yêu thương gắn bó của dân tộc ta.

Chiến tranh, xét cho cùng là vô nghĩa. Người mẹ Việt Nam, người mẹ Mỹ hay người mẹ Pháp, mẹ nào mất con cũng đau. Mẹ Việt Nam còn thêm một lần đau nữa vì có con cầm súng cho bên này, bên kia. Việt Nam ta đã từng trải qua nhiều cuộc bể dâu, song sức mạnh của tình yêu quê hương và lòng tự tôn dân tộc luôn luôn giúp cho chúng ta hành động thuận theo lẽ phải và đại nghĩa. Lẽ phải là đất nước Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ.

Đại nghĩa là Việt Nam ngay khi chiến thắng lập tức chìa bàn tay hòa giải ra để hướng tới hòa bình vĩnh cửu. Còn giữa người Việt Nam với nhau thì không có thắng thua, cùng trong một nhà ai muốn làm cho trái tim mẹ thêm một lần rỉ máu?!
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Thất bại trong “chiến tranh đặc biệt”, năm 1964 đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam. Ngay lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy xu thế sớm hay muộn gì Mỹ cũng “Việt Nam hóa chiến tranh”, nên trong thư gửi nhà triết học – chiến sĩ hòa bình nổi tiếng người Anh Bớt-tran Rút-xel, Người đã viết: “Chúng tôi luôn luôn thiết tha với hoà bình và chủ trương giải quyết vấn đề Việt Nam bằng phương pháp hoà bình”.

Thực tâm khoan dung, sau khi kí Hiệp định Paris 1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ trương thành lập Hội đồng hòa giải – hòa hợp dân tộc, nhưng vì nhiều lí do khác nhau và trước những diễn biến mau lẹ của tình hình trong nước cũng như trên thế giới, nên chiến thắng 30/4/1975 đã trở thành tất yếu lịch sử.

Cách đây 6 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa trực tiếp khẳng định, tư tưởng chủ đạo của chiến dịch mùa Xuân năm ấy là “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Khi bắt được tù binh, chúng ta đã thả hết, không có cuộc trả thù “tắm máu” nào, các đô thị miền Nam hầu như nguyên vẹn, không bị tàn phá.

Hòa giải, hòa hợp là truyền thống của Việt Nam, nên từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách cởi mở, coi đồng bào ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không tách rời của dân tộc. Nhiều người ra đi đã trở về với nhiệt tâm thực sự và có đóng góp đáng kể trong những lĩnh vực khác nhau. Nhưng nhiều người chưa hiểu rõ hoặc còn mặc cảm, và có một số người, không ít, vẫn giữ thái độ hận thù. Song, dù thế nào đi nữa thì sự hòa hợp tốt đẹp đã, đang và sẽ trở về trọn vẹn, bởi người Việt Nam ta sinh ra từ một gốc, đất nước thống nhất và đang phát triển đầy ấn tượng cả về kinh tế – xã hội, văn hóa, chính trị, ngoại giao,… Đó là cơ sở vững chắc cho một niềm tin, tư tưởng thống nhất, một tình cảm thống nhất.

Tiền đề của hòa giải là khoan dung. Tha thứ là phẩm chất của kẻ mạnh. Với Mỹ chúng ta còn sẵn sàng “khép lại quá khứ” thì không có lí do gì mà người Việt Nam ta lại nghi ngờ nhau về tinh thần hòa giải để xây dựng tương lai tươi đẹp cho đất nước. Tuy nhiên, cho dù trái tim mẹ Việt Nam rất bao dung cũng không thể khoan thứ sự dối trá, lọc lừa, cho dù “nước mắt mẹ không còn” cũng phải dằn lòng loại bỏ những phần tử cơ hội, lợi dụng hòa giải để mưu đồ cá nhân, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

Mẹ Việt Nam cũng không muốn nhìn thấy những đứa con cứ mãi lầm đường lạc lối để các thế lực phản động thù địch lợi dụng như lá bài ẩn hiện trong ống tay áo dơ bẩn của chúng. Vẫn biết hơn 20 năm chiến tranh là rất dài với mất mát ở cả hai phía. Trong nhiều gia đình có những vết thương rất sâu nên hàn gắn không dễ dàng. Nhưng đây là hành trình mà mỗi người phải tự vượt qua để chiến thắng bản thân mình. Hành trình ấy có thể 20 năm, 40 năm hay kéo dài hơn nữa, nhưng là con dân nước Việt cần biết chung sức chung lòng, biết đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên những đau thương, hận thù.

Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người”. Hiểu rõ cái giá của độc lập, thống nhất, dân tộc Việt Nam ta càng đoàn kết gắn bó để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách. Từ tháng Tư lịch sử ấy, từ mùa Xuân năm ấy, chúng ta khẳng định được trong thực tiễn một chân lí không thay đổi: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Trái tim Việt Nam chưa khi nào, và mãi mãi về sau này không bao giờ chia cắt./.

Giang Trung Sơn/VOV1
vov.vn

This entry was posted on Tháng Năm 10, 2013, in 30.04.1975.

Gặp lại “Nụ cười chiến thắng”

(GD&TĐ) – Nụ cười và câu nói nổi tiếng của chị: “Liệu chính quyền các ông còn tồn tại bao lâu mà kết án tôi 20 năm khổ sai” trước bản án ngày 2/8/1968, đã thành biểu tượng cho khí phách anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam. 45 năm đã qua kể từ sự kiện lịch sử đó. Mặc dù rất bận rộn, nhưng chị và chồng – Luật sư Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) vẫn dành một buổi tối trải lòng với chúng tôi, những người lính.

Câu chuyện bắt đầu từ ký ức về những ngày đầu theo cách mạng: Võ Thị Thắng  sinh ra và lớn lên từ Rạch Rích, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An trong một gia đình mà ba má và 9 anh chị em đều tham gia, gắn bó với cách mạng. Từ lúc 9 tuổi, chị tham gia đưa thư, mang cơm cho cán bộ trong hầm bí mật, được ba má chị che chở nuôi giấu trong nhà. Từ tình yêu thương các bác, các cô, các chú, chị có tình cảm với cách mạng và trở thành một đảng viên kiên trung. Năm 13 tuổi, chị thi đậu vào trường công lập Gia Long Sài Gòn (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai); 16 tuổi là thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Bến Lức – Long An và khi 17 tuổi, được tổ chức điều về Sài Gòn hoạt động trong phong trào thanh niên – sinh viên – học sinh.

Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 của quân và dân ta ở miền Nam, địch tập trung lực lượng điên cuồng phản kích. Tại Sài Gòn, chỉ tính riêng trong hai năm 1968 -1969, chúng tiến hành hơn 7.000 cuộc hành quân cảnh sát, càn quét phá vỡ nhiều cơ sở, bắt bớ nhiều đảng viên và cán bộ cách mạng. Các căn cứ như Rạch Bần, Phú Định, Rạch Ông, Rạch Cát… bị địch đánh phá chà đi xát lại nhiều lần. Đời sống của người dân điêu đứng, việc đi lại, làm ăn gặp nhiều khó khăn, trắc trở.

Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” của Võ Thị Thắng

Trên địa bàn Quận 6, địch tăng cường các đồn bót và các chốt chặn, lập các trạm gác trên cầu, ở các bến sông và chợ búa, tập trung quân liên tục lùng quét, phá vỡ nhiều cơ sở cách mạng. Trong khu vực cư xá Phú Lâm A – Hòa Đồng Tôn Giáo có tên liên gia trưởng khét tiếng gian ác, từng gây nhiều nợ máu với cách mạng. Tên này rất gian ngoan, xảo quyệt, do đó việc tiếp cận khó khăn. Nhằm phá thế kìm kẹp của kẻ thù, nữ đảng viên Võ Thị Thắng được giao nhiệm vụ trừng trị tên ác ôn này. Dưới sự chỉ đạo của Biệt động Quận 6, trực tiếp là anh Tám Thọ, anh Ba Phong, đêm 27/7/1968, Võ Thị Thắng bí mật tìm cách đột nhập vào nhà riêng tên ác ôn. Trong bóng tối lờ mờ, chị gọi tên xác định đối tượng trừng trị và bóp cò nhưng khẩu K54 bị kẹt đạn. Nhân đó, tên địch vùng chạy thoát thân. Thấy động, bọn lính bảo vệ vòng ngoài ùa vào bắt chị cùng đồng chí làm nhiệm vụ hỗ trợ. Mặc dù bị địch tra tấn rất dã man nhưng chị vẫn giữ trọn khí tiết người chiến sĩ cách mạng. Không có chứng cứ, bọn địch phải trả tự do cho bà con và đồng đội chị.

Nhằm đối phó với phong trào diệt ác, phá kìm của cách mạng ở “Thủ đô” Sài Gòn, Mỹ – ngụy vội vàng đưa Võ Thị Thắng ra xử tại tòa án quân sự vùng 3 chiến thuật. Tại phiên tòa, trước thái độ bình thản, hiên ngang của Võ Thị Thắng, tên ủy viên chính phủ của chính quyền Sài Gòn, với giọng tức tối kết tội:

“ … Võ Thị Thắng, cựu nữ sinh Gia Long, có thể nói là duyên dáng – với gương mặt thùy mị dịu dàng, nhưng không ngờ hành động của cô ta lại hoàn toàn trái ngược với gương mặt đó, nhất là thái độ vô lễ của cô ta khi đứng trước tòa án… Đề nghị chiểu theo Luật 10/59 tòa xử mức án tối đa”.

Khi nghe tuyên đọc bản án 20 năm khổ sai, người con gái Long An hiên ngang nở nụ cười và nói: “Liệu chính quyền các ông còn tồn tại bao lâu mà kết án tôi 20 năm khổ sai”. Khí phách và nụ cười bình thản của Võ Thị Thắng trước tòa án quân sự địch đã khiến kẻ thù phải run sợ, nhưng lại là niềm tự hào của người dân Sài Gòn – Gia Định.

Trong những năm tháng bị tù đày, chị cùng tập thể nữ tù chính trị bị địch đàn áp, đánh đập, giam cầm, đối xử hết sức dã man, 2 lần bị đày ra Côn Đảo, giam vào chuồng cọp. Nhưng với niềm tin vào thắng lợi của cách mạng và sức mạnh của tình cảm đồng chí, đồng đội, các chị đã giữ vững ý chí chiến đấu. Chị xúc động nhớ lại khi bị đày ra Côn Đảo, lúc bước đến cầu tàu bị đánh tới tấp nhưng các đồng chí, đồng đội đã đưa cả tấm thân đỡ cho nhau. Trong những ngày ở chuồng cọp, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, có lần địch xé lẻ phân tán để dễ bề đàn áp, truy bức trong đêm lạnh giá, gió hú, sóng gầm, nhưng các chị vẫn kiên định một lòng tin vào chiến thắng, và mọi người đều móc tay vào nhau xiết chặt đội ngũ.

Từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, với bản lĩnh đã được tôi luyện trong đấu tranh, chị hăng hái công tác và vững vàng trong cơ chế thị trường. Trong những năm 1996 – 2007, chị được giao trách nhiệm đứng đầu ngành du lịch – một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, nhạy cảm. Cùng với cấp ủy, chỉ huy Tổng cục, chị vừa điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động và chăm lo xây dựng nội bộ; vừa hoàn thành xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược ngành, xây dựng quy định, quy chế, góp phần xây dựng Pháp lệnh Du lịch rồi Luật Du lịch… Chị đã cùng tập thể, chèo chống khá thành công để giữ vững và đưa ngành du lịch từng bước sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới, xứng đáng là ngành “kinh tế mũi nhọn” của đất nước, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra bạn bè quốc tế.

Hơn 40 năm hoạt động cách mạng, chị đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các trọng trách Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IX, X) và đại biểu Quốc hội (khóa IX, X, XI). Từ khi về nghỉ hưu, chị cùng chồng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội và dành thời gian chăm lo tổ ấm gia đình, tạo điều kiện cho con cháu học tập, công tác.

Chia tay anh chị, nhưng giọng nói nhỏ nhẹ, bình dị, mộc mạc, bức ảnh trên tường với nụ cười chiến thắng, cùng những câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội của chị càng làm tôn thêm vẻ đẹp không lẫn vào ai khác của người phụ nữ bất khuất Võ Thị Thắng một thời nổi tiếng và bình dị giữa đời thường hôm nay.

Nguyễn Minh Ngọc – Phạm Xuân Trường
gdtd.vn

Chiến thắng của tinh thần yêu nước và trí tuệ Việt Nam

(GD&TĐ) – Từ những ngày đầu tháng tư, nhân dân cả nước nói chung, Tây Nam bộ nói riêng, đã sống lại không khí hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân cách đây 38 năm, lần lượt giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung và hải đảo, miền Đông Nam bộ, Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Chiến thắng 30/4 là kết quả của cả chặng đường dài chiến đấu gian khổ, hy sinh của mọi người dân Việt yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mỗi mùa xuân đến, hơn 83 triệu người dân đất nước con Lạc cháu Hồng không thể nào quên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đó không chỉ là sự hoài niệm về một thời đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng lẫy lừng chiến công vang dội của lớp lớp cha anh đi trước, mà còn để chiêm nghiệm sâu hơn cội nguồn sức mạnh của dân tộc.

Đại thắng mùa Xuân 1975 cách đây đã 38 năm, nhưng ý nghĩa của nó vẫn còn tỏa khắp, nhất là mỗi độ xuân về trên đất nước Việt Nam. Với đại thắng hào hùng và oanh liệt mùa Xuân 1975 đã ghi những trang vàng chói lọi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, thật đáng tự hào.

Cuộc Tổng tiến công thần tốc mùa xuân năm 1975 như một điều kỳ diệu, niềm tự hào và nguồn cảm hứng lớn lao, bất tận của các thế hệ người Việt Nam. Không có gì lạ bởi đó là trang sử đặc sắc, hiếm có trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam và thế giới.

Với khí thế hào hùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và thời cơ “một ngày bằng 20 năm”, chỉ trong 55 ngày đêm, với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị, quân và dân ta đã toàn thắng bằng ba chiến dịch then chốt: Chiến dịch Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Với khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã nhanh chóng dẫn đến sự kiện 30/4/1975. Hơn một triệu ngụy quân và cả bộ máy ngụy quyền Sài Gòn bị xóa sổ, đất nước đi đến thống nhất.

Sự kiện này là ý chí, nguyện vọng và niềm tin tất thắng của dân tộc, đồng thời cũng là chân lý của thời đại. Ý chí và niềm tin toàn thắng của cả dân tộc Việt Nam không chỉ bày tỏ sâu sắc trong “Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước” của Bác Hồ vào tháng 7/1966: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa… song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tiếp đó, Người đã nhấn mạnh “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!” (thơ Xuân năm 1969) và được thể hiện bằng những trận chiến lẫy lừng, dũng mãnh của quân dân ta.

Chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, đầy gian khổ hy sinh, nhưng rất anh dũng, kiên cường của quân dân ta, là thắng lợi mang ý nghĩa dân tộc và ý nghĩa thời đại sâu sắc, là kết quả sự nỗ lực vượt bậc, chiến đấu hy sinh, nêu cao tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đại thắng mùa Xuân 1975 là bản anh hùng ca tuyệt đẹp của chủ nghĩa yêu nước, là một “biểu tượng Việt Nam” sáng ngời của thế kỷ XX. Cả dân tộc vang khúc khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Ngày toàn thắng 30/4/1975 đi vào lịch sử như một kết thúc chiến lược vô song. Trải qua cuộc trường chinh 30 năm với ba mốc son chói lọi: Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân 1975 toàn thắng, cả nước ta đã hoàn thành vẻ vang sự nghiệp cứu nước. Từ đó đã hun đúc thêm niềm tin và sức mạnh cho phong trào giải phóng dân tộc, cho các lực lượng hòa bình và tiến bộ trên thế giới.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta mãi mãi gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh – ngọn cờ tất thắng và linh hồn của sự nghiệp kháng chiến giành độc lập dân tộc, đồng thời chính là thành quả của khối đoàn kết nhất trí giữa ý Đảng, lòng dân và sự thống nhất ý chí, thống nhất hành động, phấn đấu cho mục đích cứu nước cao cả trong toàn Đảng, toàn dân ta.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự kiện quan trọng, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và có ý nghĩa quốc tế vô cùng to lớn. Với Đại thắng này, là bài ca hùng tráng nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là kết tinh truyền thống yêu nước của dân tộc, là bản lĩnh và trí tuệ của người Việt Nam, một đất nước không khuất phục trước kẻ thù, một dân tộc được hun đúc từ truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình, đã được phát huy trong từng chiến dịch, từng giai đoạn lịch sử với phương châm “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo”, tạo nên “thế trận lòng dân” và “chiến tranh nhân dân” vững chắc, đánh bại mọi thứ bom đạn, vũ khí tối tân, chất độc hóa học và âm mưu xảo quyệt của chủ nghĩa đế quốc, trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời của tinh thần yêu nước Việt Nam, đưa âm hưởng của nó mãi mãi ngân vang trong mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

38 năm qua, tận hưởng những thành quả rực rỡ từ ngày đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất đến nay, đặc biệt là gần 30 năm đổi mới, chúng ta càng thấm thía hơn giá trị của chiến thắng 30/4. Để có được những hoa thơm, trái ngọt nhân dân ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu. Từ những mảnh vụn chiến tranh, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Lòng yêu nước, bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ sáng tạo và các giá trị văn hóa Việt Nam luôn được bồi đắp và tỏa sáng, tạo thành sức mạnh của dân tộc, vượt qua mọi khó khăn thách thức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị theo chuyên đề năm 2013 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Năm tháng sẽ trôi qua, song thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là bản anh hùng ca mãi mãi âm vang theo dòng chảy lịch sử, nuôi dưỡng tâm hồn, tinh thần yêu nước và trí tuệ của con người Việt Nam, bồi đắp và làm phong phú thêm sức mạnh chính trị và tinh thần của dân tộc, quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nguyễn Thanh Hoàng
gdtd.vn

___________________________

(1): Richard Nixơn – 1999: chiến thắng mà không cần chiến tranh, Nxb. Simon and Schuster.
(2): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2000, tập 12, tr.108.

Bộ Chính trị quyết định tổng tấn công trong thời gian sớm nhất

Sáng 31-3, Bộ Chính trị họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược thứ ba, đòn cuối cùng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy.

Đến thời điểm này, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã 2 quân đoàn chủ lực của ngụy, 40% binh chủng kỹ thuật hiện đại, thu và phá hủy 40% cơ sở vật chất và hậu cần của chúng, giải phóng 12 tỉnh với gần nửa số dân của miền Nam. Âm mưu co cụm của địch bị thất bại.

Tuy vậy, địch vẫn ngoan cố lập tuyến phòng thủ từ Phan Rang trở vào. Chúng hy vọng ngăn chặn và đẩy lùi cuộc tiến công của ta, giữ thế cầm cự cho tới mùa mưa, sau đó củng cố lực lượng phản kích, tái chiếm lại những vùng đã mất.

Hội nghị nhất trí nhận định: Ta hơn hẳn địch cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất. Tốt nhất kết thúc trong tháng 4 năm 1975. Phải hành động “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”.

Với quyết định trên, các cánh quân của ta thần tốc đổ vào chiến trường trọng điểm. Từ hậu phương lớn miền Bắc, Quân đoàn 1 tiến vào miền Nam không kể ngày đêm. Hậu phương miền Bắc huy động tối đa sức người sức của cho trận đấu cuối cùng- tấn công đầu não quân ngụy, giải phóng Sài Gòn.

N.T.H.H. tổng hợp
sggp.org.vn

This entry was posted on Tháng Năm 3, 2013, in 30.04.1975.

Máu và hoa

KÝ ỨC 30-4:

(GD&TĐ) – Cuộc chiến tranh kết thúc, đất nước sạch bóng thù, non sông liền một dải, dân tộc Việt Nam lại chung lòng xây dựng cuộc sống mới. 38 năm sau đất nước đã có những bước chuyển quan trọng, với nhiều thành tựu trong xây dựng hòa bình. Nhưng ký ức về cuộc chiến tranh thần thánh thì vẫn mãi mãi đi cùng mỗi người Việt Nam… 

Ngày mới trên chiến khu xưa

Năm 1951, Trung ương Cục miền Nam ra đời, thay cho Xứ ủy Nam bộ có từ năm 1946. Trong những năm tháng chiến tranh, Trung ương Đảng đã xác định vai trò to lớn của T.Ư Cục miền Nam, nên đã tập trung ở đây rất nhiều lãnh đạo tài giỏi, cả trên mặt trận chính trị, quân sự lẫn ngoại giao. T.Ư Cục miền Nam thực sự là “bộ não” của cách mạng miền Nam, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chấp hành T.Ư. Các cá nhân từng công tác tại T.Ư Cục miền Nam đều có những đóng góp to lớn, sau khi hòa bình lập lại đều nắm những cương vị chủ chốt của Đảng, Chính phủ.

Cầu Hiền Lương (Vĩnh Linh, Quảng Trị)

T.Ư Cục miền Nam từng có nhiều giai đoạn đứng chân trên đất Tây Ninh. Nhất là ở vùng Tân Biên, nơi có những khu rừng già âm u và cũng giáp biên giới Campuchia (qua vùng Xa Mát). Tây Ninh từng bị địch chà đi xát lại, sau hòa bình kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, ai đến Tây Ninh vào thời điểm này đều ngỡ ngàng trước sự vươn lên hết sức mạnh mẽ. Suốt những chặng đường dài vài chục cây số bám theo đường lớn, là những cánh rừng cao su bạt ngàn. Cao su Tây Ninh diện tích lớn nhất nước và cũng đem lại giá trị kinh tế cao nhất nước ở loại cây công nghiệp này. Giáp Campuchia, Tây Ninh có nhiều cửa khẩu. Xa Mát đã có quyết định đầu tư cho đến năm 2020 sẽ trở thành cửa khẩu quốc tế quan trọng. Còn hiện thời, Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài gồm: Khu thương mại công nghiệp (phi thuế quan), Khu quản lý hành chính, Khu quản lý và kiểm soát cửa khẩu quốc tế, Khu đô thị và dân cư, Khu du lịch – dịch vụ, Khu vực phát triển nông – lâm nghiệp với tổng diện tích 21.284 ha bao gồm các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và các xã Phước Lưu, Bình Thạnh, Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng. Đặc biệt, nằm trên đường xuyên Á tại đây có 3 cửa khẩu, gồm Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ Phước Chỉ, Long Thuận, phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với Campuchia và các nước trong khối ASEAN. Mộc Bài chỉ cách TP Hồ Chí Minh 70 km và thủ đô Phnom Penh của Campuchia 170 km. Vì thế, nếu trong chiến tranh nơi đây là căn cứ địa cách mạng, thì nay đã trở thành giao điểm quan trọng giữa hệ thống đường quốc tế và đường quốc gia ở phía Nam đất nước.

Du khách nước ngoài thăm địa đạo Củ Chi (TPHCM)

Máu và hoa

Gần 40 năm. Cỏ cây đã phủ xanh những vùng đất lở loét đạn bom nhưng hôm nay đi đâu trên dải đất này người ta cũng lại nhớ về những năm tháng vô cùng ác liệt. Này đây địa đạo Vịnh Mốc, nơi người dân “Lũy thép Vĩnh Linh” tự vùi mình trong lòng đất để bám trụ nơi bom đạn khốc liệt, cái chết có thể đến với mỗi con người bất cứ lúc nào.

Này đây cây cầu Hiền Lương lịch sử, là nơi “nước sông chia đôi sơn hà” với vĩ tuyến 17 như một nhát chém xẻ chia đất nước. “Bên kia cầu Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê…” Bên này sông là ta, bên kia sông là địch, và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng là để đến một ngày “Anh đứng chờ em giữa cầu Hiền Lương”.

Này đây Làng Vây, nơi xe tăng bộ đội cụ Hồ lần đầu tiên xung trận trên chiến trường miền Nam.

Này đây một thị xã Quảng Trị đổ nát, chỉ duy nhất còn lại một ngôi nhà hai tầng sau những trận chiến ác liệt năm 1972.

Ngày 30/4 là dịp để chúng ta nhìn lại cuộc chiến, suy ngẫm về những gì được mất để từ đó thêm quyết tâm, thêm năng lượng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, không phụ máu xương của những người đã khuất.

Này đây Khe Sanh, này đây Đường Chín…, biết bao con người đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, trước khi từ giã cõi đời vẫn mong đến ngày nước nhà thống nhất.

Quảng Trị, “bãi chiến trường xưa nay đã thành thương trường”. Điều đó đúng với Khu kinh tế – thương mại Lao Bảo. Cửa khẩu Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, đối diện với cửa khẩu Den Savanh của Lào), là nút quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông – Tây.  Năm 2008, Chính phủ tiếp tục phê duyệt quy hoạch chung các khu kinh tế cửa khẩu tại Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, Khu kinh tế – Thương mại đặc biệt Lao Bảo là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, quy chế, biện pháp và chính sách.

Như vậy là Lao Bảo – Khe Sanh nói riêng và Quảng Trị đất lửa nói chung không chỉ là vùng đất máu lửa mà là vùng đất đến nay đã nở hoa. Hoa nở trên điêu tàn của cuộc chiến. Hoa nở trong cuộc sống bình dị của mỗi người dân Quảng Trị, từng chịu đựng biết bao hy sinh mất mát. Quảng Trị, mảnh đất máu và hoa đang vươn mình, vững bước đi tới tương lai.

Chiến thắng 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc như  một trang vàng chói lọi. Cả dân tộc đã làm cuộc trường kỳ kháng chiến ròng rã 21 năm trời, với biết bao xương máu để giành cho được độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Trong những ngày cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ leo thang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn thì chúng ta cũng quyết giành bằng được độc lập dân tộc”. Quyết tâm của Người, ý chí của Người cũng là quyết tâm, ý chí của tất cả những người Việt Nam yêu nước.

Chiến Thắng
gdtd.vn

Đột phá Buôn Ma Thuột, trận mở màn then chốt

(GD&TĐ) – Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược  mùa xuân năm 1975, quân ta đã đánh vào nơi hiểm yếu nhất của địch, theo hướng từ Đông sang Tây, mà không theo hướng từ Bắc xuống Nam, đã mở ra thế chia cắt làm đôi thế trận phòng ngự chiến lược toàn miền Nam của quân ngụy Sài Gòn, cô lập số quân còn lại của chúng ở phía Bắc Quân khu II và uy hiếp lực lượng của chúng ở Quân khu III. Và, thị xã Buôn Ma Thuột ở Nam Tây Nguyên đã được xác định. Tại sao vậy?

1. Vì Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ tỉnh Đắk Lắk, là một thị xã lớn, có diện tích khoảng 25 km2, nơi đặt căn cứ của Sư đoàn 23 ngụy nhưng lại nằm sâu trong vùng hậu phương địch, không trực tiếp đối mặt với trận tuyến của ta, nên địch không đề phòng mà số quân đồn  trú ở đây cũng không nhiều. Hơn nữa, đột phá Buôn Ma Thuột, nơi địch sơ hở, nơi hiểm yếu của khâu yếu nhất trong hệ thống phòng ngự của địch, một vị trí chiến lược rất cơ động, nên từ đấy, ta sẽ tạo đà nhanh chóng phát triển lực lượng ra các hướng chủ yếu khác, nhất là tiến thẳng xuống đồng bằng Nam Trung Bộ và có thể đi xa hơn, tới miền Đông Nam Bộ. Nhìn lên bản đồ, chúng ta thấy Buôn Ma Thuột giữ một khoảng cách khá đều với Bắc Tây Nguyên, đồng bằng Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ – Sài Gòn. Đó là một vị trí trung tâm của chiến trường, vượt ra ngoài phạm vi Tây Nguyên, hướng tới toàn cục. Một đầu mối giao thông, nằm giữa những con đường rất tốt và rất thuận tiện. Từ trận đánh Buôn Ma Thuột, sức chấn động mạnh mẽ sẽ đến ngay cơ quan Tổng hành dinh quân ngụy.

Cho đến đầu năm 1974, thế bố trí của quân ngụy Sài Gòn là yếu ở giữa và mạnh hai đầu. Do đó, hướng đột phá chiến lược của cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975, dĩ nhiên phải là Tây Nguyên. Nhưng vấn đề cụ thể đặt ra là Bắc hay Nam Tây Nguyên?

Đến trước Hiệp định Paris, tháng 1/1973, các chiến dịch Tây Nguyên thường được tổ chức ở phía Bắc. Sáu, bảy đợt hoạt động quân sự có tính chất chiến dịch đều diễn ra ở đây.

Những đàn voi vận chuyển vũ khí và lương thực phục vụ chiến dịch trên đường 14 (Tây Nguyên)  Ảnh: TL

2. Trên thực tế, cũng đã có một chiến dịch cho Nam Tây Nguyên – chiến dịch Bu Prăng – Đức Lập – vào thời kỳ khó khăn – năm 1969 – nhưng đã không thực hiện được vì không đủ khả năng bảo đảm công tác hậu cần.

Từ năm 1973, tuy khả năng bảo đảm hậu cần chiến dịch đã tốt hơn rất nhiều thì trái lại, việc bảo đảm vận chuyển chiến lược Bắc – Nam đi qua khu vực này, lại càng phức tạp hơn khiến cho việc thực hiện một chiến dịch tiến công ở Nam Tây Nguyên lại càng trở nên cấp thiết. Vì hành lang vận chuyển Bắc – Nam, cho đến thời kỳ này, khi đi qua phía Bắc Đức Lập (Nam Tây Nguyên) – nơi có địa hình độc đạo, rất hiểm nghèo mà địch chiếm giữ – chúng ta vẫn phải đi chệch một chút sang vùng đất phía Đông Campuchia, trước khi vào đến Nam Bộ. Lực lượng Khơme đỏ đã lợi dụng điều này, nhất là trên đoạn đường tiếp giáp với Nam Bộ, đã nhiều lần tung binh lính ra ngăn chặn xe vận tải của ta, giết người, cướp hàng, đồng thời luôn luôn đưa ra yêu sách đòi ta rút bỏ con đường. Xuất phát từ những nguyên nhân ấy, các cơ quan chiến lược đã nhìn thấy vấn đề, trước hết là cần phải có ngay một chiến dịch tiến công ở Nam Tây Nguyên, nhằm nắn con đường vận tải chiến lược trở lại đất Việt Nam.

Thật ra, Bộ Tư lệnh Tây Nguyên cũng đã tính đến một chiến dịch như thế vào cuối năm 1973. Nhưng muốn thế, phải có đủ lực lượng, thậm chí còn phải có nhiều lực lượng. Còn muốn giải phóng ngay Buôn Ma Thuột, thì cần phải có ngay hai sư đoàn. Khả năng này nếu có được, không những sẽ bảo đảm vững chắc cho sự thông suốt của hành lang Bắc – Nam, là mục đích của chiến dịch lúc ấy mà còn tạo được địa bàn chiến lược rất cơ động, hướng tới các ngả. Nếu được như thế, chiến dịch rõ ràng sẽ mang một mục đích và ý nghĩa khác hẳn. Tuy thế, vấn đề ở đây, cố nhiên vẫn là lực lượng. Ở Tây Nguyên lúc bấy giờ chỉ có hai sư đoàn, đang phải ôm lấy mặt trận chính là hướng Bắc Pleiku, Kon Tum và một số trung đoàn độc lập, hoạt động ở hướng khác. Vậy cơ sở đâu để hạ quyết tâm? Chính là chiến lược, khi những người vạch kế hoạch ở cơ quan Tổng hành dinh, đã nắm được lực lượng trong tay. Những dự kiến về một chiến dịch ở Nam Tây Nguyên của các nhà chỉ huy quân sự cũng chính là bắt nguồn từ sự gợi ý và chỉ đạo của chiến lược. Mục đích của chiến dịch bao giờ cũng gắn chặt và chịu sự chi phối sát sao từ mục đích của chiến lược. Còn lại là vấn đề thời cơ. Nghĩa là khi nào thì có thể thực hiện được? Đó là thời cơ tăng thêm cho Tây Nguyên 2 sư đoàn – sư đoàn 968 và sư đoàn 316. Việc làm này sau khi được thực hiện đã xem như là “cái nút” của cuộc chiến. Lực lượng ở Tây Nguyên bỗng chốc trở thành một tập đoàn chiến lược mạnh, với 1 Quân đoàn, gồm 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập, cùng pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe tăng, xe thiết giáp, công binh, vận tải… được tăng cường, dày dạn chiến đấu, có phối hợp với sư đoàn 3 Sao Vàng và ba thứ quân của Quân khu V, cùng hành động vào thời điểm lịch sử mà mọi người đều đã biết, khi các điều kiện khác cũng đã chín muồi cho việc hạ quyết tâm.

Trên thực tế, từ kết quả của những hoạt động quân sự ở Bắc Tây Nguyên, về phía ta, đến tháng 10/1974, vùng giải phóng Tây Nguyên đã được mở rộng và nối liền, thành một vùng căn cứ tương đối hoàn chỉnh, từ Bắc Kon Tum đến Nam Gia Lai. Đặc biệt, sau hai năm 1973 và 1974, hành lang chiến lược từ miền Bắc, đã có thể vào đến tận chiến trường Nam Bộ, theo đó là đường ống dẫn xăng dầu, lực lượng, binh khí – kỹ thuật… đã được đưa vào.

Tuy vậy, cho đến đầu tháng 12/1974, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, cũng như quan thầy Mỹ, vẫn không nắm được và đánh giá đúng thế mới và lực mới của đối phương.

Chúng cho rằng, đầu năm 1975, hướng tiến công chính của ta sẽ nhằm vào Quân khu III, chủ yếu là Tây Ninh. Thời gian ta tiến công có thể là trước hoặc sau Tết, và cho đến tháng 6/1975 là cùng, tức là phải dừng lại trước mùa mưa. Với nhận định ấy, các tướng lĩnh quân ngụy được lệnh phải ra đòn trước để phá kế hoạch của ta. Các quân khu, tiểu khu bị đốc thúc phải mở chiến dịch “bình định cấp tốc” trong ba tháng, kể từ ngày 1/1/1975 để “ngăn chặn chiến dịch Đông – Xuân của Việt Cộng”. Và chúng vẫn giữ nguyên thế bố trí chiến lược “mạnh hai đầu” mà không tăng thêm lực lượng ở giữa cho Quân khu II và Tây Nguyên.

3. Thế nhưng, vào thời điểm đầu năm 1975, hướng đột phá chiến lược của ta, tuy vẫn là Tây Nguyên nhưng không thể là phía Bắc. Bởi lẽ, vùng đất này luôn luôn là nơi đối đầu, nơi tập trung lực lượng mạnh của ta và của địch. Hãy lấy Kon Tum, Pleiku làm thí dụ.

Nếu tiến công vào Kon Tum thì không thể phát triển được thế chiến thắng. Năm 1972, ta đã đánh Kon Tum nhưng không thu được kết quả. Vì căn cứ này gần miền Bắc hơn nên địch đề phòng rất kỹ và cũng ở gần Pleiku hơn nên dễ được Pleiku phản kích chiếm lại hoặc tăng cường lực lượng để Kon Tum có đủ khả năng chống đỡ. Còn ở Pleiku, địch rất mạnh. Đây là căn cứ đầu não của Quân khu II, nơi khống chế đường 19 mạch máu (mà theo quan niệm của quân nguỵ “làm chủ đường 19 là làm chủ Tây Nguyên”). Vì vậy, khi biết tin ta đánh Tây Nguyên, chúng một mực tin rằng ta sẽ đánh vào phía bắc mà cụ thể là Kon Tum, Pleiku.

Chúng cũng lập luận nếu ta đánh vào phía Nam Tây Nguyên thì cũng chỉ là đánh vào những thị xã, thị trấn nhỏ, không đáng kể, như Gia Nghĩa, Đức Lập, nhằm mục đích thông thường. Chúng không quan niệm được rằng, về mặt địa – quân sự, Nam Tây Nguyên là một địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc đánh tiêu diệt lớn, nhất là vùng chung quanh Buôn Ma Thuột. Nhưng cho đến cuối năm 1974 – đầu năm 1975, trên thực tế, việc bảo đảm hậu cần hiện vẫn còn là khâu yếu, chưa khắc phục được. Chính cái nguyên nhân ấy khiến cho các chiến dịch không thể tiến hành được ở Nam Tây Nguyên.

Cho nên, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn đinh ninh rằng việc ta tiến công vào Nam Tây Nguyên trong chiến cục mùa xuân 1975 là điều khó có thể xảy ra. Từ suy nghĩ đó, địch cho rằng, ta không đủ sức đánh vào Buôn Ma Thuột vì không thể bảo đảm nổi vật chất hậu cần và đưa lực lượng vào nên chúng ít phòng bị. Bởi thế, Buôn Ma Thuột là trận đánh then chốt quyết định, một đòn đánh hiểm, đánh vào nơi xung yếu mà lại là nơi sơ hở nhất và hết sức bất ngờ đối với quân ngụy.

Dương Xuân Đống (Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự)
gdtd.vn

Trọn đời đồng đội tìm nhau

Trong một trận đánh không cân sức giữa 20 chiến sĩ ta và gần 200 lính Mỹ ở điểm cao 300 Đất (Quảng Trị), Trung đội trưởng Đào Văn Phê tổ chức lui quân thì thấy thiếu trinh sát Trần Văn Hải. Mặc cho pháo cầy, đạn xé, Đào Văn Phê quay lại trận địa tìm Trần Văn Hải. Lúc ấy, Hải bị thương đã được anh tìm thấy và chuyển về tuyến sau an toàn. Hòa bình lập lại, gần 35 năm Trần Văn Hải đi tìm người đã cứu mình mà không có thông tin gì ngoài cái tên: Đào Văn Phê.

Vượt đạn bom tìm cứu đồng đội

Đầu năm 1969, Tiểu đoàn K3-Tam Đảo chúng tôi tác chiến trên Mặt trận Quảng Trị. Chúng tôi triển khai lực lượng bám đánh địch ở khu vực điểm cao 300 Đất, 300 Đá Làng Tre, Đồi Hành, Đồi Hòm, 544 và 1008. Khoảng 16 giờ  ngày 19-3-1969, địch cho rất nhiều máy bay loại N19, VO10 quần đảo rồi bất ngờ phóng liền ba quả pháo khói xuống cao điểm 300 Đất. Lập tức từng tốp, từng tốp phản lực F4H lao xuống đánh bom dữ dội. Pháo của địch ở các căn cứ quanh đó cũng bắn dồn dập vào đây.

Trung đội 3, Đại đội 11 do Trung đội trưởng Đào Văn Phê đang ém quân gần đó nhận định: Địch đánh phá dọn bãi dữ dội thế này rất có thể bọn Mỹ sẽ đổ quân. Sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của Đại đội trưởng Đỗ Văn Mến, Trung đội 3 do trinh sát tiểu đoàn Trần Văn Hải dẫn đường, bí mật cơ động lực lượng áp sát cao điểm 300 Đất. Đúng như dự đoán, sau gần 30 phút đánh phá, khoảng một đại đội Mỹ được hơn 10 lần chiếc trực thăng H34 chở ồ ạt đổ quân xuống điểm cao 300 Đất. Quân Mỹ vừa tiếp đất, Trung đội trưởng Đào Văn Phê lệnh cho cả trung đội nổ súng. Hàng loạt lựu đạn, thủ pháo tới tấp ném vào đội hình địch. Bị đánh bất ngờ, đội hình địch rối loạn. Trận đánh diễn ra mau lẹ, nhiều tên địch bị tiêu diệt ngay tại trận địa. Do chênh lệch về lực lượng, Trung đội 3 lúc đó chỉ có 20 đồng chí kể cả trinh sát, trong khi quân Mỹ khoảng 200 tên, nên sau khi nổ súng tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, Trung đội trưởng Đào Văn Phê lệnh cho trung đội rời khỏi trận địa nhằm bảo toàn lực lượng.

Cựu chiến binh Trần Văn Hải và Đại tá Đào Văn Phê (bên phải) trong ngày gặp lại.

Về đến vị trí tập kết, điểm lại quân số, Đào Văn Phê phát hiện còn thiếu đồng chí trinh sát tiểu đoàn Trần Văn Hải. Lúc này, sau khi bị đánh bất ngờ, bọn Mỹ bắt đầu gọi pháo, máy bay đánh phá ác liệt xung quanh khu vực điểm cao 300 Đất. Bom, pháo của địch đánh ngay cả vào hậu cứ của Trung đội 3. Khói lửa ngút trời. Lau sậy cháy ngùn ngụt. Không một chút do dự, Trung đội trưởng Đào Văn Phê lập tức quay trở lại điểm cao 300 Đất dưới làn mưa bom, bão đạn của địch để tìm Trần Văn Hải. Sau một hồi tìm kiếm, Đào Văn Phê gặp Trần Văn Hải đang nằm bất tỉnh dưới một hố pháo, máu lênh láng mặt đất. Biết Hải bị thương vào lưng, anh Phê bình tĩnh lấy băng cá nhân băng tạm vết thương để cầm máu, rồi đưa Hải lên lưng mình băng qua bom đạn về cứ. Sau đó, Trần Văn Hải được chuyển tiếp qua các viện quân y điều trị, ra Bắc và về phục viên với tỷ lệ thương tật 4/4.

Gần 35 năm đi tìm ân nhân

Thời gian trôi đi, Trần Văn Hải về quê lấy vợ, sinh con, nhưng anh không thể quên trận đánh ngày 19-3-1969 ở điểm cao 300 Đất và Đào Văn Phê – người đồng đội đã băng qua lửa đạn cứu sống mình. Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm cứ sau Tết Nguyên đán, anh Hải lại cơm đùm, cơm nắm đi tìm đồng đội, ân nhân dù việc này giống như mò kim đáy biển. Chỉ biết mỗi tên người cứu mình, anh Hải dò la được tin tức gì về Đào Văn Phê là lại khăn gói lên đường. Giáp Tết năm 2004, một người bạn cũ cho biết: hình như Đào Văn Phê quê ở Hải Hưng (?). Thế là ăn tết xong, Hải thuê xe ôm tiếp tục hành trình đi tìm ân nhân.

Trần Văn Hải quyết định đi tỉnh Hưng Yên trước. Một ngày rong ruổi khắp các nẻo đường lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đến đâu, gặp ai anh cũng hỏi nhưng chẳng có manh mối gì. Thấm mệt sau một ngày “hành quân”, anh cùng người xe ôm đồng hành rẽ vào một quán ăn bên đường. Trong lúc trò chuyện, Trần Văn Hải vắn tắt kể cho bác chủ quán nghe chuyện đi tìm ân nhân. Nghe đến tên Trần Văn Phê, bác chủ quán cầm lấy tay anh Hải hỏi dồn dập: “Có phải Đào Văn Phê, trước khi nhập ngũ là công nhân mỏ than Khánh Hòa không?”. Trần Văn Hải nghe bác chủ quán nói mà mừng đến rơi lệ. “Ông Phê là chú tôi đấy! Hai bác đi qua xóm chú Phê hơn 10 cây rồi! Nhưng giờ chú tôi và các cháu đang ở trên Hà Nội. Hiện chú mang quân hàm đại tá. Tôi có địa chỉ của chú ấy đây”.

Thế là sau gần 35 năm, Trần Văn Hải mới tìm được địa chỉ của người đồng đội, ân nhân đã cứu sống mình trong trận đánh ở điểm cao 300 Đất. Sau đó ít ngày là cuộc gặp gỡ đầy cảm động tại gia đình Đại tá, cựu chiến binh Đào Văn Phê, nguyên Trưởng phòng Cán bộ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng), ở số nhà 24 phố Tây Sơn, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông. Gặp nhau trong niềm vui trào nước mắt, Trần Văn Hải lấy trong ba lô của mình ra tặng bạn một cân bột sắn dây của nhà trồng được và hai chiến lợi phẩm thu của Mỹ mà anh cất giữ bấy lâu: bộ lập là và bộ cạo râu cánh cụp cánh xòe.

Trần Văn Hải sinh năm 1947, quê ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam, nhập ngũ tháng 12-1967. Đào Văn Phê sinh năm 1948, quê ở xã Hùng An, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, nhập ngũ tháng 10- 1967.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Hợi
qdnd.vn

Sự ra đời của bài “Giải phóng miền Nam”

Tháng 3-1960, Nghị quyết 5 của Trung ương Đảng đề ra hai nhiệm vụ chiến lược, đó là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Tập hợp toàn dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và huy động sự ủng hộ của thế giới.

Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Mục tiêu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là động viên nhân dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai ở miền Nam, tiến tới xây dựng miền Nam một chế độ hoà bình, trung lập và dân chủ, từng bước sau này thực hiện thống nhất đất nước.

Nhằm hoàn chỉnh sự ra đời của mặt trận, các nhạc sĩ: Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước được giao nhiệm vụ khẩn cấp sáng tác một bài hát chính thức cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ảnh minh họa/tư liệu internet.

Nhạc sĩ Huỳnh Văn Tiểng kể: “Tôi được đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Namcho biết là phải tuyệt đối giữ bí mật việc sáng tác ca khúc này. Theo đồng chí Phạm Hùng, về nội dung cần thể hiện những điểm sau: “Bài hát có tính chất Quốc ca này cần nhắm vào đối tượng không chỉ nhân dân miền Nam mà cho cả nhân dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ; kêu gọi nhân dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ trực tiếp đứng lên đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ tay sai của đế quốc Mỹ; nêu rõ triển vọng thống nhất đất nước Việt Nam…”.

Do các yêu cầu về bảo đảm bí mật nên cả ba nhạc sĩ cùng nhau bàn bạc cân nhắc rất kỹ từng lời, từng ý trước khi sáng tác bài hát này. Cụ thể, để thể hiện chủ trương mới, quan trọng của Đảng và cách mạng lúc này là phải đấu tranh vũ trang, các ông đã đưa câu kêu gọi nhân dân trực tiếp chiến đấu: “Cầm gươm, ôm súng ta xông tới”. Muốn thực hiện được chiến lược này phải đoàn kết nhân dân Trung Nam Bắc lại để diệt đế quốc Mỹ, nhưng điểm mới trong chiến lược là tha cho ngụy quyền chứ không tiêu diệt, nên bài hát có câu:“Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước/Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước”.

Để minh hoạ cho đường lối đoàn kết dân tộc, tác giả đã nêu lên 2 địa danh tiêu biểu của hai miền là Cửu Long và Trường Sơn. Vì thế trong bài có câu: “Đây Cửu Long hùng tráng/Đây Trường Sơn vinh quang”. Và để thể hiện ý chí thống nhất đất nước của toàn dân dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong bài hát có câu: “Vai sánh vai chung một bóng cờ”. Điệp khúc của bài hát là kết luận toàn bộ sách lược mới của Đảng và phản ánh sự tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng bằng câu: “Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi. Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”.

Cuối cùng, tên tác giả phải thay đổi để bảo đảm tính độc lập của Chính phủ Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Ba nhạc sĩ nhất trí đề tên tác giả Huỳnh Minh Liêng, tức là 3 chữ đầu của họ 3 người: Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu (Liêng) Hữu Phước. Trong đó, chữ Lưu của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết chữ L hơi tháu, nên khi người công nhân xếp chữ nhìn chữ L thành ra chữ S, do vậy tên tác giả từ Huỳnh Minh Liêng ra Huỳnh Minh Siêng. Sau khi phát hiện ra, có ý kiến nên sửa lại, nhưng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lại giải thích: Cứ để chữ Siêng cũng có ý nghĩa là siêng năng.

Sau khi sửa chữa 3 lần, bài hát được thông qua và phổ biến rộng rãi trên cả  nước và thế giới. Đặc biệt, bài hát trên của ba nhạc sĩ được dư luận nhiệt tình đón nhận.

Tư Liệu 
qdnd.vn

Ngày chiến thắng hành trình của độc lập, tự do, hạnh phúc

LTS: Có lẽ ít đất nước nào, một chính Đảng cầm quyền, một quân đội hiến dâng xương máu từ nhân dân mà ra như đất nước ta. Ngày chiến thắng cũng là ngày vui chung của dân tộc: ngày không có người thất bại – Cả dân tộc đều ngẩng cao đầu thắng Pháp và Mỹ xâm lược. Máu đổ xuống làm nên chiến thắng chỉ một dòng máu đỏ – Máu của những người con đất Việt ưu tú nhất: những Đảng viên cộng sản, chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam (những nông dân công nhân trí thức học sinh mặc áo lính)… Hơn hết là những người yêu nước, yêu hòa bình đâu sợ chiến chinh.

Trong niềm xúc cảm của ngày chiến thắng năm nay, bạn đọc hãy cùng ĐBND tiếp chuyện ĐBQH, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, TSKH, HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN:

PV: Thưa Hòa Thượng, năm ngoái chúng ta đã bàn về Ngày chiến thắng. Hình như đây là đề tài còn ám ảnh chúng ta mãi mãi.

Trùng trùng quân đi như sóng nơi năm cánh sao xòe trên năm cửa ô thắng thực dân Pháp.

Và, Sài Gòn ơi ta đã về đây ngày 30.4.1975 lịch sử. Trong dòng người về thành phố Hồ Chí Minh năm ấy, hòa trong sắc áo xanh là muôn màu sắc áo của dân chúng Sài Gòn. Và cờ nữa, cờ đỏ sao vàng, cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi không thấy sự pha trộn màu áo màu cờ nào hòa hợp như vậy. Tôi không nghĩ tôi là một người lính đứng riêng mà là một thành viên của đất nước này, dân tộc này.

Thầy có tâm trạng công dân độc lập này không, thưa Thầy?

Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Lịch sử Việt Nam là lịch sử chống xâm lược liên miên. Sau gần 1000 năm lệ thuộc Trung Quốc, dân ta đã đứng dậy và trụ vững từ nhà Đinh và tiền Lê; đến đầu thế kỷ thứ XI Việt Nam khởi đầu thiết lập nền độc lập, tự chủ. Hai trăm năm triều Lý đã đại thắng quân Tống và quân Chiêm (Champa). Hạ bán thế kỷ thứ XIII, Trần Nhân Tông đã hai lần đại phá quân Nguyên Mông (1285 và 1288). Đầu thế kỷ thứ XV, Lê Lợi đại thắng mấy mươi vạn quân Minh. Hạ bán thế kỷ thứ XVIII, vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) đánh tan hơn hai mươi vạn quân Thanh trong vòng hơn một tuần lễ. Cuộc chiến từ thế kỷ thứ XIX, do phương Tây xâm lược, với tàu thuyền và vũ khí hiện đại, Việt Nam đã không thể đối đầu với quân Pháp, và bị Pháp đô hộ gần 100 năm. Thời bấy giờ, các phong trào Cần vương, Đông du cứu nước, và rất nhiều cuộc kháng Pháp đều thất bại. Tình hình đổi khác từ sau chuyến tây du của Hồ Chí Minh, và từ sau ngày Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản ngày 3.2.1930, chủ trương du kích chiến khắp ba miền đất nước. Năm 1945, sau thế chiến thứ Hai, cách mạng giành chủ quyền từ cựu hoàng Bảo Đại. Quân Pháp lại dấn thân quyết tâm tiêu diệt Cách mạng… Sau chiến thắng quân Pháp năm 1952 tại Cao – Bắc – Lạng, quân Cách mạng đã biểu hiện rõ sức mạnh quân sự tham chiến trận địa chiến. Quân Pháp thành lập căn cứ quân sự bất khả xâm phạm tại Điện Biên Phủ. Năm 1954, quân Cách mạng vây chặt Điện Biên, từng bước tiêu diệt các chốt quân sự của Pháp và đã đánh bại hoàn toàn quân Pháp. Toàn bộ tướng lãnh, sỹ quan và quân đội Pháp đầu hàng: đây là một chiến công vang dội khắp Thế giới bấy giờ, mở ra hướng giải phóng các dân tộc bị trị, Pháp đành ký hiệp định Genève (1954) trả lại hoàn toàn chủ quyền cho Việt Nam. Nhưng âm mưu của Mỹ và phương Tây vẫn cố bám trụ tại Việt Nam, đã chia đôi Nam, Bắc Việt Nam thành hai miền với hai chế độ chính trị khác biệt. Cách mạng Việt Nam lại phải tiếp bước cách mạng giải phóng miền Nam chống lại sức mạnh quân sự can thiệp của Mỹ. Cuộc chiến ở miền Nam bấy giờ rất ác liệt, quân Mỹ đi từ thất bại này đến thất bại khác. Sau khi thua trận không chiến oanh kích miền Bắc, đặc biệt là cuộc oanh kích B52 Hà Nội 12 ngày đêm, cường quốc quân sự và kinh tế số một thế giới đã phải tiếp bước quân xâm lược Pháp, nếm mùi thất bại chua xót, tức tưởi, đã phải ký Hiệp định Paris (1973) và rút tất cả quân về nước: thế giới bàng hoàng; các nước Á, Phi hết lòng ngưỡng mộ chiến thắng của Việt Nam…

Sài Gòn ơi ta đã về đây                                                             Tranh cổ động của Thúy Hằng

Chỉ có chiến thắng lẫy lừng quân Nguyên Mông mới có thể so sánh với chiến thắng Pháp, Mỹ của Cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Cái vĩ đại của chiến thắng Pháp, Mỹ này không phải chỉ nằm ở quân sự, mà là nằm ở tài lãnh đạo của Cách mạng dưới sự soi sáng, dẫn dắt của trí tuệ Hồ Chí Minh, mà là nằm ở chỗ quân, dân nhất trí chịu vô vàn gian khó, nằm gai nếm mật trong suốt 80 năm chống Pháp và 20 năm chống Mỹ: đó là vĩ đại của dân tộc của thời đại Hồ Chí Minh. Đây là một bài học lịch sử nữa vô cùng giá trị mà nhân dân Việt Nam cần giữ làm lòng trong thời chiến cũng như thời bình (luôn luôn phải ở tư thế quốc phòng sẵn sàng tự vệ): không một người Việt Nam nào, dân hay quân, tôn giáo hay phi tôn giáo, mà có thể cảm thấy mình đứng riêng ra ngoài tập thể của Dân tộc, đất nước; đây cũng là một ý nghĩa của Xã hội Chủ nghĩa. Từ kinh nghiệm lịch sử của cận đại và hiện đại này, yêu cầu của lịch sử là Đảng Cộng Sản Việt Nam (hay Đảng cách mạng cận đại và hiện đại của Việt Nam) cần nắm giữ vai trò một Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, và tiếp tục lãnh đạo đất nước lâu dài, tính từ từng đơn vị một trăm năm kể từ năm 1975.

PV: Đi qua gian lao suốt 80 năm chống thực dân Pháp và 20 năm chống đế quốc Mỹ, hàng trăm cuộc khởi nghĩa và phong trào nổi dậy với nhiều màu sắc đấu tranh. Vậy nhưng, chỉ đến khi vàng vàng bay đẹp quá sao sao ơi chúng ta mới có độc lập để mà mưu cầu tự do, mưu cầu hạnh phúc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, bản lĩnh của một chính Đảng của Hồ Chí Minh về xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trên quê hương Hùng Vương đã thành hiện thực. Ngày chiến thắng, thưa Thầy, là của dân, của Đảng và của quân đội Nhân dân Việt Nam?

Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Rõ ràng, ngày 10.10.1954 và ngày 30.4.1975 là hai ngày chiến thắng vẻ vang của cách mạng Việt Nam, của lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại. Sau ngày 30.4.1975, Việt Nam đã độc lập, tự do và hạnh phúc trên danh nghĩa, mà chưa là của thực tế xã hội. Ba mươi tám năm qua, dưới sự lãnh đạo ưu việt của Đảng, Việt Nam đang vừa hội nhập, vừa xây dựng xã hội Xã hội Chủ nghĩa: xây dựng từng bước đi CNXH, hướng về mục tiêu XHCN (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh); đang nỗ lực để vượt qua từng khó khăn về phát triển giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội; đang đòi hỏi toàn Dân, toàn Đảng, toàn Quân một nỗ lực mới, một nhận thức mới về các bước đi của mình thế nào để tương xứng với nỗ lực trong thời kỳ kháng chiến, thế nào để có những thành quả kinh tế, xã hội tương xứng với thành quả kháng chiến, thế nào để có độc lập, tự chủ thực sự, để có tự do và hạnh phúc thực sự. Thời chiến, cái nhục của nô lệ và cái khổ của bất công áp bức là động lực khơi dậy sự đoàn kết quân dân nhất trí (Dân, Đảng và Quân nhất trí), khơi dậy sự hy sinh của cá nhân và gia đình vì đại nghĩa của Dân tộc. Thời bình, động lực ấy chìm lặn nên sự hy sinh vì đại nghĩa cũng yếu dần và chìm lặn. Làm thế nào để đánh thức dậy sự hy sinh cao cả đó, khi mà người cán bộ và người dân đi vào hưởng thụ, đi vào danh vọng và lợi dưỡng, đi vào chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, lợi ích nhóm? Đấy là vấn đề học tập và thực hành Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI. Đấy là vấn đề giáo dục của cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiểm họa của diễn biến hòa bình, về các âm mưu liên tục đánh phá từ bên ngoài, về các mưu đồ xâm lược đang ẩn khuất đâu đó, về cái nhục của một đất nước nghèo nàn, chậm tiến so với các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới, và về sự chưa thực sự tự chủ của mình về kinh tế, tài chính… Chỉ khi sức mạnh của toàn Dân, toàn Đảng, toàn Quân trong thời chiến được khơi dậy một lần nữa trong thời bình thì chúng ta mới yên lòng nghĩ đến Ngày chiến thắng thực sự của thời kỳ xây dựng xã hội XHCN trên quê hương của Vua Hùng. Quân đội và nhân dân đều cần học tập kỹ lịch sử, chính trị của đất nước và cần hiểu rằng lực lượng xâm lược của thế giới chưa bao giờ dừng nghỉ, để chúng ta thức tỉnh, lập lại sự đoàn kết nhất trí và sự hy sinh vì đại nghĩa, vì sự tự chủ, độc lập, tự do, và sự hưng vượng thực sự của đất nước. Học tập và học tập mãi. Thực hiện và thực hiện mãi. Quê hương Việt Nam là thế. Không làm được điều đó, đất nước lại đi vào suy thoái… Rất nguy hiểm!

Cần hiểu thêm rằng: Nhân dân – Đảng Cộng sản Việt Nam – Quân đội nhân dân Việt Nam tuy là 3 thành tố nhưng chỉ là một. Cùng một nguồn cội tỏa sáng từ cách mạng dân tộc Việt Nam.

Minh họa của T. Hằng

PV: Thưa Hòa Thượng, ngày 10.10.1954 ở Hà Nội, ngày 30.4.1975 ở Sài Gòn là ngày chiến thắng, ngày gặt hái thành quả cách mạng. Có mùa màng là vì đã gieo hạt giống. Thầy có thể từ quan niệm của Phật giáo mà luận bàn thêm về việc gieo giống  ươm cây, thưa Thầy?

Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Ngày chiến thắng 10.10.1954 là kết quả đấu tranh của toàn Dân, toàn Đảng và toàn Quân sau gần 25 năm, từ năm 1930 đến 1954. Ngày chiến thắng 30.4.1975 là kết quả đấu tranh sau 21 năm, từ năm 1954 đến 1975. Toàn Dân, toàn Đảng và toàn Quân đã dốc tâm kháng chiến, chịu vô vàn gian khổ. Tất cả đã vì sự nghiệp Độc lập, Tự do và Hạnh phúc của nhân dân. Đấy là một cuộc kháng chiến vĩ đại. Đấy là một chiến thắng kỳ vỹ, là một trang sử đầy bi tráng. Nhìn từ giáo lý nhà Phật: tất cả hiện hữu đều do điều kiện sinh (hay gọi là nhân duyên sinh), nhân thế nào thì quả thế ấy. Có thể nói rằng kết quả chiến thắng trên là do hội đủ các yếu tố:

Nhân cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh là đặc biệt cao thượng; trí tuệ và tài năng của Hồ Chí Minh là phi phàm.

Đảng có khoa học tổ chức đặc thù, và bao gồm các đảng viên, cán bộ tuyệt đối trung thành, có năng lực và trí tuệ.

Toàn Dân và toàn Quân hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến trường kỳ của Hồ Chí Minh, một lòng tham gia kháng chiến, hy sinh quyền lợi cá nhân và gia đình vì đại cuộc.

Chính nghĩa cách mạng tỏa sáng, thuyết phục được các dân tộc trên thế giới.

Cái nhục vong quốc, nô lệ và cái khổ chịu bất công áp bức là động lực làm bung dậy sức mạnh chiến đấu.

Chiến thắng trên khó có thể lập lại một lần nữa trong lịch sử, dù biết rằng lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng có chiến thắng tương tự.

Vì sự vật là do điều kiện sinh, nên mỗi thời đại có những điều kiện lịch sử, xã hội khác nhau, có những con người khác nhau, và có những sự cống hiến và sức mạnh khác nhau. Do vậy mà phương thức vận hành khác nhau; chiến thuật, chiến lược khác nhau, mục tiêu đấu tranh khác nhau. Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh, có ý kiến băn khoăn rằng: làm thế nào để tái hiện sức mạnh của thời kỳ kháng chiến vào hiện đại của phát triển? Hỏi tức là trả lời rồi vậy: nếu đối chiếu với thời kỳ kháng chiến, thì hiện đại có một số điểm đòi hỏi nhất thiết phải được thiết lập như:

Một lãnh tụ tiêu biểu về trí tuệ và đức hạnh;

Các cán bộ, đảng viên gương mẫu, thể hiện đúng chức năng của mình;

Vận động toàn Dân, toàn Đảng và toàn Quân thực hiện đại đoàn kết vì nền độc lập, tự chủ vì sự nghiệp xây dựng và phát triển (cũng là vấn đề sinh tử, sinh tồn);

Toàn Dân, toàn Đảng và toàn Quân sống đúng hiến pháp và pháp luật.

Đó là điều kiện “cần” được thực hiện trong bối cảnh toàn dân nỗ lực làm giàu, hưởng thụ tự do, dân chủ, trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới. Điều kiện “đủ” để có nhữngngày chiến thắng trong giai đoạn xây dựng và phát triển là sự thành công rực rỡ của văn hóa, giáo dục, y tế, của kinh tế – xã hội, và của an ninh, quốc phòng; là sự thành công của sự xóa sạch nghèo đói, là sự thành công của phổ cập giáo dục đến cấp Trung học phổ thông hay Đại học; và là sự thành công của  Việt Nam có vị thế đáng kể trong khu vực và trên thế giới.

Tất cả điều kiện “cần” và “đủ” tựu trung quy vào một vấn đề duy nhất: mỗi người công dân có đủ khả năng, “nhận thức” và đức hạnh. Vấn đề này lại phụ thuộc vào vai trò giáo dục của Đảng, Học đường, Gia đình và các phương tiện truyền thông. Gieo giống và ươm cây cho hiện tại và tương lai là thế: vấn đề con Người và nhận thức đúng đắn về lịch sử, xã hội của con Người.

PV: Chân thành cám ơn Hòa thượng!

Thanh Tâm thực hiện
daibieunhandan.vn