Ông Vũ Kỳ, như chúng ta đều biết, nhiều năm được làm việc gần Bác, có vị cán bộ yêu mến gọi ông là “tiểu đồng” của Bác Hồ. Tuổi đã ngoài tám mươi, với bộ quần áo nâu giản dị, ung dung, thanh thản, hoàn toàn minh mẫn, ông kể lại rành rọt từng giờ các sự kiện.
Ngày 1/1/1968, ông vừa nói vừa giải thích thêm: 4 giờ chiều, máy bay cất cánh từ Nội Bài. Cùng đi có anh Lê Văn Lương, Như Thế Bảo bác sỹ riêng của Bác và mình. Máy bay hạ cánh, nghỉ tại Ngọc Tuyền Sơn, khu nhà nghỉ của các Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc. Trời Bắc Kinh tuyết bay nhẹ, nhiệt độ xuống 1 độ âm…
Những ngày sau đó các bác sỹ Trung Quốc tới chăm sóc sức khỏe cho Bác. Bác vẫn đi tham quan đây đó. Tôi hỏi: “Bác sang, về danh nghĩa, đi công khai bí mật thưa anh?”- Chẳng công khai cũng không bí mật. Ta không đăng báo nhưng cứ để phóng viên Tây săn tin. Hả, hả…Trong chuyện trò thân mật ông Vũ Kỳ có thói quen đệm thêm từ “hả, hả” sau mỗi đoạn câu có ý cần nhấn mạnh. Ông Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) sang nghỉ ở Hung-ga-ri. Bác đi chữa bệnh. Ông cười: Bác Hồ từ năm 1967 sức khỏe sút kém…
Tôi hiểu, về nghệ thuật nghi binh trong chiến tranh, giới quân sự thế giới hiện tại tôn các tướng lĩnh chúng ta lên hàng bậc thầy. Ông Vũ Kỳ, bảo tôi nhớ lại đôi nét tình hình cuộc chiến qua mùa khô 1966-1967, bọn Mỹ xâm lược leo thang đã tới đỉnh cao. Nhưng, cuộc phản công lần thứ hai với hai gọng kìm “tìm diệt” và “Bình định” của chúng đều đã đại bại. Chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân 1968 nhằm bồi thêm một đòn quyết liệt nữa vào quyết tâm đeo bám chiến tranh của chúng- được thông qua tại Hội nghị Trung Ương 14 (12-1967), nhưng thực ra, kế hoạch chuẩn bị công phu, tỉ mỉ, hoàn toàn bí mật, đã được triển khai trước đó do Bác Hồ và Bộ tham mưu chiến lược của Người trực tiếp chỉ đạo. Giờ G, ngày N bàn bạc, quyết định xong xuôi thì Bác….đi Bắc Kinh.
Thú thực, tôi định hỏi ông cho rõ hơn về những thông tin ít ỏi đó, đại để rằng việc ta làm cũng nhiều lời bàn ra tán vào lắm…Nhưng, nghĩ lại, lại thôi. Ông Vũ Kỳ nói, vẫn nhớ như in buổi tối giao thừa chờ đợi- tối 28-1, ngày ta là ngày 29 tháng chạp- thiếu, tức 30 Tết nhớ nhà, nhớ vợ con lắm, cứ đoán thầm giờ này ở nhà ai đang làm gì. Xem chừng Bác cũng khác mọi tối. Cơm xong, Bác quay ra quay vào bảo ông mở băng dân ca ba miền, có các bài Ví dặm, hò xứ Nghệ càng hay, Bác cháu cùng nghe, đi nghỉ sớm, còn dậy đón giao thừa. Bác dặn dậy trước gọi Bác. Ông xem lại giường chăn, mời Bác đi nghỉ sớm. Còn ông, nhớ vợ con, chắc khó chợp mắt, vả lại còn chuẩn bị quà Tết chúc Bác như Bộ Chính trị đã dặn.
Chiếc đồng hồ trên tường nhích từng tý. Chiếc đài điện giữa gian phong rộng đang bắt sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nghe rất rõ. Cả hai Bác cháu đang chờ đợi giây phút thiêng liêng trong lòng đất trời của Tổ quốc, của dân tộc…Tích tắc, tích tắc…tiếng thứ mười hai từ loa đài phát ra gần như chấm dứt đồng thời với loại pháo nổ đầu tiên giòn giã. Rồi giọng Bác ấm áp, rành rọt.
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên, toàn thắng ắt về ta!
Tiếng Bác từ loa vừa dứt cùng lúc với loạt pháo nổ thứ hai, Bác như nói một mình: Miền Nam nổ súng rồi. Bấy giờ ông Vũ Kỳ chưa biết sau lời Bác là giờ G ngày N. Ông vội đi lấy chậu hoa thủy tiên buộc dây đỏ chúc Tết ông và dặn từ đó theo dõi chặt chẽ tin chiến thắng từ bên nhà…
5 giờ 30 phút, Thủ tướng Chu Ân Lai, các đồng chí Lý Phú Xuân, Khang Sinh cùng phu nhân tới chúc Tết Bác. Bác mời cơm thân mật, chiêu đãi phim, vài tiết mục văn nghệ, 8 giờ khách ra về. Ngoài trời 9 độ âm, tuyết rơi trắng xóa, ngập sân vườn.
Hôm sau, mồng một Tết Trung Quốc, sau Tết ta một ngày. Bác cũng mời ban, chúc Tết, chiêu đãi. Không ai biết rằng trong lòng Bác rất vui vì dồn dập tin thắng lớn từ bên nhà báo cáo sang qua đường dây trực tiếp: tại Sài Gòn hàng loạt mục tiêu quan trọng bị tiến công: tòa nhà đại sứ Mỹ, dinh tổng thống ngụy, các cơ quan chỉ huy đầu não quả ngụy quân, cảnh sát…Tại Huế, quân ta gần như làm chủ thành phố…
Sáng sớm mồng 6 Tết, đúng 3-2, ngày thành lập Đảng, mới 6 giờ 15 phút, Bác gọi ông sang chuẩn bị giấy bút ghi. Bác bảo: chú viết đi! Đã lâu chưa làm bài thơ nào, phẩy, xuống dòng. Ông tỏ vẻ chưa hiểu. Bác động viên: chú cứ viết đi! Đến đây thử làm xem ra sao. Chấm, xuống dòng. Ông nghĩ bụng, không dám hỏi: quái, 2 câu rồi mà chả thấy “thơ” đâu cả. Bác đi tới bàn làm việc, tay phải bóp trán: Lục khắp giấy tờ vẫn chẳng thấy, phẩy, xuống dòng. Và rồi, Bác đứng dậy: Bỗng nghe vần “Thắng!” vút lên cao…
“A”- chỉ suýt nữa ông Vũ Kỳ kêu lên thành tiếng, thì ra, tất cả hồn thơ là ở chữ “Thắng” này đây. Bác bảo chữ Thắng viết hoa trong ngoặc kép là vì thế.
CTT – GTĐT Sưu tầm
Nguồn: vinhphuc.gov.vn
Vkyno (st)