BÀI PHÁT BIỂU TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ II QUỐC DÂN ĐẢNG TRUNG QUỐC 1)
Thưa các đồng chí, thưa các anh em,
Chúng tôi vui mừng được gặp mặt và nói chuyện với các vị, đồng thời cũng rất cảm tạ chư vị đã chân thành hoan nghênh. Qua đó, chúng tôi hiểu rằng tư tưởng cách mạng đã thâm nhập vào toàn thể dân chúng, và đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II này càng phát huy chủ nghĩa vĩ đại, chính sách vĩ đại của Tôn Tổng lý, để cùng với các dân tộc bị áp bức phấn đấu. (Vỗ tay).
Các đồng chí, chúng tôi muốn nói rằng, cách mạng cũng giống như khám bệnh vậy, trước hết phải biết căn nguyên của bệnh. Tất cả các dân tộc bị áp bức làm cách mạng là do mong muốn thoát khỏi nỗi thống khổ của dân tộc bị áp bức, cho nên tôi muốn trình bày về những nỗi thống khổ mà dân tộc An Nam đã phải chịu đựng.
Thưa các đồng chí,
Dân tộc An Nam chịu đau khổ đã sáu mươi năm, dân tộc An Nam bị xâm lược và áp bức đã sáu mươi năm. Chúng nó thường rêu rao rằng người Pháp chúng tôi đem văn hoá phương Tây đến, chúng tôi đối xử hoà bình với người An Nam các anh là vì chúng tôi muốn làm cho các anh được sung sướng. Nhưng sự thật là sáu mươi năm nay, chúng nó chỉ càng ngày càng áp bức thậm tệ nhân dân An Nam. Bây giờ xin nói qua một chút nhân dân An Nam đã cực khổ như thế nào trong sáu mươi năm qua để các đồng chí cách mạng ta được rõ.
Nỗi thống khổ thứ nhất mà người Pháp mang đến cho nhân dân An Nam chính là thuế thân. Bất cứ ai, từ mười tám tuổi trở lên, đều phải đóng thứ thuế này. Sau khi đóng thuế, Chính phủ phát cho một tấm thẻ để làm bằng chứng, không được để mất; nếu mất thì bị chúng bắt, đến khi nào nộp tiền lần thứ hai mới được tha. Chúng cho cảnh binh đi khám thẻ khắp mọi nơi mọi lúc, hầu như cứ một giờ khám xét một lần, vì thế dân chúng khổ không kể xiết. Đó là một kiểu người Pháp áp bức dân An Nam. Ngoài thuế thân ra, còn thuế nhà, thuế hàng hoá, v.v.. Không những nguồn lực kinh tế của người An Nam hoàn toàn bị người Pháp nắm giữ là chuyện đương nhiên, mà còn làm tăng thêm gánh nặng cho người An Nam, khiến nhân dân An Nam không còn khả năng sinh tồn về kinh tế nữa. Tất cả đất đai của An Nam, đại bộ phận cũng bị người Pháp chiếm làm tài sản, người An Nam không được quyền lập nghiệp. Đại thể, một bộ phận là sở hữu Chính phủ, một bộ phận là đất đồn binh của người Pháp, một bộ phận là đất các giáo sĩ chiếm cứ. Chỉ có một phần rất nhỏ là đất thổ cư của người An Nam thì lại phải đóng thuế nhà.
Tôi có thể nêu một ví dụ để chứng minh sự tàn ác của ách áp bức của người Pháp. Như thuế thân, năm 1914, mỗi tháng tôi đóng mười phrăng, nhưng đến năm ngoái, năm 1924, đã tăng lên đến một trăm phrăng. Đủ thấy sự tàn ác của bọn xâm lược Pháp là thế nào. ấy là chưa kể ngoài công trái như ở nước Pháp, chúng còn bắt nhân dân An Nam phải mua hàng của Pháp như một thứ thuế hàng hoá. Hàng hoá đó là gì? Nhiều nhất là rượu do Pháp sản xuất. Chúng làm ra thứ rượu tồi tệ nhất rồi bắt dân An Nam mua. Dù anh là chính khách, nhà buôn, thợ thuyền hay dân cày gì gì, ít nhất mỗi người một chai. Không thể không mua. Ngoài rượu ra, còn một thứ tệ hại hơn, độc hơn, đó là phải mua thuốc phiện. Thuốc phiện có lẽ là một khoản lớn trong dự toán thu nhập của nước Pháp, chiếm đến một phần tư dự toán. Tính thành con số, mỗi năm là bốn trăm triệu phrăng, đủ thấy nỗi khổ của người An Nam. Nhưng sự xâm lược của đế quốc Pháp không chỉ có thế. Chiến tranh lại là một chuyện lớn nữa. Hồi chiến tranh Âu châu, người Pháp bắt dân An Nam đi lính, tổng số trên mười vạn. Họ phải bỏ xác ngoài mặt trận chẳng được nhìn thấy quê hương. Cho nên, quả thật là nhân dân An Nam chẳng những phải nộp tiền mà còn phải nộp mạng cho chúng.
Còn một điểm nữa. Đế quốc Pháp một mặt áp bức dân tộc An Nam, mặt khác lại cấm những người anh em chống áp bức. Bởi vì chúng còn sang Trung Quốc dùng súng gươm giết những người anh em Trung Quốc của chúng tôi. Quả thật, đế quốc Pháp chưa bao giờ vừa lòng với sự áp bức của chúng, đã phải nộp thuế thân, còn bắt đóng thuế hàng hoá, đã mua rượu, còn bắt mua thuốc phiện, đã hy sinh tính mạng cho chúng mà chúng chẳng hề mảy may thương xót. Vậy mà người Pháp lại còn có một cách nữa làm khổ nhân dân An Nam, đó là làm thuê. Mỗi năm chúng bắt hàng mấy chục vạn người An Nam vào làm thuê trong các xưởng máy của Pháp. Hoàn toàn là làm trâu ngựa nô lệ cho chúng, không được một chút lợi lộc gì.
Thứ hai, người An Nam ở trên đất nước mình mà tuyệt đối không có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, ngay cả đi lại cũng chẳng được tự do, trong nước mình mà mình cũng không được tuỳ ý đi lại. Thí dụ, từ tỉnh này sang tỉnh khác phải có giấy thông hành mới được. Đi ra nước ngoài tất nhiên càng khỏi phải nói. Nếu làm trái thì phải xử tội rất nặng. Theo báo cáo của Chính phủ Pháp, mỗi xã hầu như tháng nào cũng có mấy trăm người bị xử tội như vậy.
Về giáo dục, trước kia người An Nam học sách Trung Quốc, chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc. Từ ngày người Pháp chiếm An Nam, thấy người An Nam cũng giống người Trung Quốc, cho nên cũng ra lệnh học sách Trung Quốc. Không ngờ từ sau Cách mạng Tân Hợi37của Trung Quốc, thấy rằng cho tiếp tục học sách Trung Quốc thì không ổn, cho nên chúng đã không cho phép người An Nam đọc sách Trung Quốc và học chữ Trung Quốc nữa. Chẳng những thế, chúng càng không muốn để cho người An Nam biết tình hình gần đây của Trung Quốc, bởi vì điều khiến bọn đế quốc không vui hơn cả là ý thức dân tộc của nhân dân bị áp bức.
Các đồng chí! Cách xâm lược của bọn đế quốc chúng nó, về vật chất là dùng đủ loại thuế má và các chất độc như thuốc phiện, về tinh thần là chính sách ngu dân; đó là những âm mưu thâm độc của chúng để xâm lược An Nam.
Thưa các đồng chí,
Bọn đế quốc cố nhiên là áp bức người An Nam, nhưng đồng thời chúng cũng áp bức cả người Trung Quốc. Điều đó, các đồng chí có mặt trong Đại hội đại biểu lần thứ II này chắc chắn đều biết. Vì người Trung Quốc cũng bị đối xử như vậy. Họ cũng phải đóng thuế thân. Và tất nhiên, dù là gái trai già trẻ, họ cũng không được tự do đi lại, muốn đi lại cũng phải có thẻ thông hành. Đồng thời, chúng còn cấm cả tổ chức hội họp, trục xuất các đồng chí Quốc dân đảng. Vì chúng cho rằng, phàm là người của đảng cách mạng thì đều nguy hiểm, cho nên không đuổi không được. Có điều, cách chúng làm thật là hiểm độc, bởi vì chúng đã lợi dụng những phần tử xấu trong người Trung Quốc để chống lại các đồng chí cách mạng, chống lại Chính phủ cách mạng Quảng Châu. Tôi có thể nêu một ví dụ, như lúc Tôn Trung Sơn tiên sinh tạ thế, toàn Trung Quốc cố nhiên đều truy điệu, mà các nước trên thế giới cũng rầm rộ truy điệu. Nhân dân An Nam chúng tôi đương nhiên cũng muốn làm lễ truy điệu như người Trung Quốc, nhưng bọn Pháp cấm không cho phép làm. Tôi có thể nói rằng, ở An Nam bọn đế quốc chẳng những dùng mọi cách để chống lại cách mạng, mà đồng thời còn tìm mọi cách công kích Quốc dân đảng, công kích Chính phủ Quảng Châu.
Chúng ta biết rằng, các dân tộc bị áp bức trên thế giới hiện nay có Ai Cập, Marốc, Xyri, An Nam, Trung Quốc và rất nhiều nước khác. Cho nên, chúng ta cần phải liên hiệp lại, cùng nhau chống chủ nghĩa đế quốc. (Vỗ tay).
Đế quốc Pháp chẳng những thấy cách mạng thì sợ, mà đặc biệt thấy cách mạng Trung Quốc lại càng sợ. Cho nên, chúng không ngần ngại dốc toàn lực ra để giúp bọn phản cách mạng, giúp vũ khí cho bọn Trương Tác Lâm, hòng can thiệp vào phong trào cách mạng quốc dân của chúng ta.
Thưa các đồng chí, như đồng chí Uông Tinh Vệ nói, cách mạng không có biên giới quốc gia. Dù là Ai Cập, Marốc hay tất cả các dân tộc bị áp bức nào, hễ cùng bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, thì phải cùng nhau liên hiệp lại. Đả đảo đế quốc Pháp! Đả đảo chủ nghĩa đế quốc trên thế giới! Quốc dân đảng nhất định giúp chúng tôi giải phóng, giúp tất cả các dân tộc bị áp bức giải phóng. Không phân biệt nước nào, dân tộc nào, tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung của chúng ta. (Vỗ tay).
Hôm nay tôi rất vui mừng, bởi vì Quốc dân đảng có được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II này, sắp tới nhất định sẽ giúp nhiều cho người cách mạng. Vì thế tôi xin chúc: Quốc dân đảng Trung Quốc muôn năm! Cách mạng Trung Quốc thành công muôn năm! Cách mạng An Nam thành công muôn năm! Cách mạng thế giới thành công muôn năm!
(Chủ tịch: Đề nghị mọi người cùng hô to: Cách mạng An Nam thành công muôn năm!).
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.2, tr.213-217.
___________
1) Phát biểu lấy tên Vương Đạt Nhân, bí danh của Nguyễn Ái Quốc, trong phiên họp ngày 14-1-1926.
(*): Do báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thêm vào.
LÊNIN VÀ PHƯƠNG ĐÔNG
Quốc tế thứ nhất đã đặt cơ sở cho học thuyết cộng sản, nhưng vì tồn tại trong một thời gian ngắn nên chỉ kịp đề ra những đường lối cơ bản của học thuyết đó mà thôi. Vấn đề các nước thuộc địa chưa được Quốc tế thứ nhất nghiên cứu đầy đủ.
Còn Quốc tế thứ hai với những đại biểu của nó như Mácđônan, Văngđécvendơ, Henđécxôn, Blum và nhiều người khác thì lại quá chú ý đến vấn đề này. Trong bất cứ trường hợp thuận lợi nào, những người này cũng nhấn mạnh sự nhất trí của họ với chính sách đế quốc chủ nghĩa mà bọn tư bản thực hiện ở các nước ấy. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa cho sự nghiệp giải phóng của mình, không những không được sự đồng tình của họ mà còn ngược lại. Ví dụ, sau khi lên nắm chính quyền, Mácđônan chẳng kém gì Bônđuin và Sămbéclanh đã đàn áp nhân dân Ấn Độ, Xuđăng và các dân tộc khác đã can đảm đấu tranh chống lại bọn người nước ngoài ức hiếp họ.
Với sự tán thành của các ngài đó, người ta đã dội bom xuống các làng mạc bản xứ, và đã đàn áp nhân dân các nước thuộc địa dã man, tàn bạo không sao tả xiết. Mọi người đều biết về chính sách phân biệt công nhân da trắng với công nhân da màu mà bọn thoả hiệp luôn luôn thi hành, về việc các công đoàn chịu ảnh hưởng của bọn xã hội giả hiệu đó không muốn kết nạp các công nhân da màu vào hàng ngũ của mình. Trong chính sách thuộc địa của Quốc tế thứ hai, bất cứ ở đâu cũng lộ rõ bộ mặt thật của tổ chức tiểu tư sản này. Bởi vậy, cho tới tận Cách mạng Tháng Mười, ở các nước thuộc địa, học thuyết xã hội chủ nghĩa đã bị coi là một thứ học thuyết chỉ dành riêng cho những người da trắng, một thứ thủ đoạn mới để lừa dối và bóc lột người bản xứ.
Lênin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa.
Lênin là người đầu tiên đã kiên quyết lên án mọi thành kiến đối với nhân dân các nước thuộc địa đã ăn sâu vào tận xương tuỷ của nhiều công nhân châu Âu và châu Mỹ. Những luận cương của Lênin về vấn đề thuộc địa39 được Quốc tế Cộng sản tán thành đã gây ra một cuộc cách mạng hoàn chỉnh trong tất cả các nước bị áp bức trên thế giới.
Đồng chí Lênin là người đầu tiên đã nhấn mạnh và nhận thức hết tầm quan trọng to lớn của việc giải quyết một cách đúng đắn vấn đề thuộc địa đối với cách mạng thế giới. Trong tất cả các Đại hội của Quốc tế Cộng sản, của Quốc tế Công đoàn, và của Quốc tế Thanh niên cộng sản, vấn đề thuộc địa luôn luôn được đặt lên hàng đầu.
Lênin là người đầu tiên đã nhận thức và đánh giá hết tầm quan trọng lớn lao của việc lôi cuốn nhân dân các nước thuộc địa vào phong trào cách mạng. Lênin là người đầu tiên đã nhận thức rằng nếu không có sự tham gia của họ thì không thể có cách mạng xã hội.
Với tất cả sự sáng suốt vốn có của mình, Lênin đã nhận thấy rằng muốn cho công tác trong các nước thuộc địa được thành công tốt đẹp thì cần phải lợi dụng triệt để phong trào giải phóng dân tộc trong các nước đó, rằng giai cấp vô sản trên thế giới, bằng việc ủng hộ phong trào ấy thì sẽ có nhiều bạn đồng minh mới hùng mạnh trong cuộc đấu tranh của mình cho cách mạng xã hội.
Tất cả các đại biểu các nước thuộc địa đã tham dự các Đại hội của Quốc tế Cộng sản sẽ không bao giờ quên được rằng lãnh tụ Lênin, đồng chí Lênin đã quan tâm đến họ dường nào, rằng Người đã biết đi sâu tìm hiểu như thế nào những điều kiện công tác phức tạp và thuần tuý có tính chất địa phương. Từ đó đến nay, mỗi người trong chúng ta đã có đủ thời gian để thấy rõ hàng chục lần rằng những nhận xét của Lênin đúng biết chừng nào, và những lời giáo huấn của Người thật quý giá biết bao.
Chỉ nhờ có thái độ khôn khéo của Lênin đối với vấn đề thuộc địa, mới có thể lay động quần chúng chưa được giác ngộ, và lạc hậu nhất trong các nước thuộc địa. Sách lược của Lênin về vấn đề này được các đảng cộng sản trên toàn thế giới áp dụng đã ngày càng lôi cuốn được những phần tử ưu tú và tích cực ở các nước thuộc địa vào phong trào cộng sản. Việc Lênin giải quyết vấn đề dân tộc phức tạp ở nước Nga Xôviết, việc đảng cộng sản thực hiện trong thực tiễn vấn đề này là một vũ khí tuyên truyền mạnh mẽ nhất trong các nước thuộc địa.
Đối với tất cả các dân tộc bị áp bức và bị nô dịch, Lênin đã thể hiện một bước ngoặt trong lịch sử cuộc đời đau khổ và bị mất quyền của họ, là tượng trưng cho một tương lai mới, xán lạn.
NGUYỄN ÁI QUỐC
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.2, tr. 218-220.
BÁO CÁO GỬI QUỐC TẾ CỘNG SẢN
(Báo cáo của Đông Dương)
Đồng chí thân mến,
A. Sau đây là những việc tôi đã làm cho Đông Dương từ khi đến đây:
1. Tổ chức một tổ bí mật.
2. Tổ chức một Hội liên hiệp nông dân (những người An Nam sống ở Xiêm).
3. Tổ chức một tổ thiếu nhi (7) lựa chọn trong con em nông dân và công nhân. Các em đang ở Quảng Châu và được nuôi dạy bằng tiền của chúng tôi.
4. Tổ chức một tổ phụ nữ cách mạng (bắt đầu từ tháng 4 gồm khoảng 12 hội viên).
5. Tổ chức một trường tuyên truyền. Các học viên được bí mật đưa đến Quảng Châu. Sau một tháng rưỡi học tập họ trở về nước. Khoá thứ nhất được 10 học viên. Khoá thứ hai sẽ mở vào tháng 7 tới, sẽ có khoảng 30 người.
Vì đi đường thì lâu ngày (khoảng 2 tuần lễ), nguy hiểm và tốn kém nhiều và khả năng tài chính của chúng tôi thì eo hẹp (với tiền lương của tôi, tiền lương của một trong số các đồng chí của tôi và một ít trợ cấp của các đồng chí Nga), nên công việc không được nhanh chóng như chúng tôi mong muốn.
B. Về tình hình chính trị Đông Dương thì đồng chí hãy đọc bài của tôi gửi cho Inprekorr1) kèm theo đây.
C. Ở Pari có một tổ chức của thuộc địa – Hội liên hiệp các thuộc địa – trong đó có nhiều người An Nam. Những người An Nam này có 2 tờ báo: tờ Le Paria bằng tiếng Pháp và tờ L’Ame Annamite2) bằng tiếng quốc ngữ. Trong số người An Nam đó có một người, Nguyễn Thế Truyền, mà các đồng chí chúng ta ở Ban nghiên cứu thuộc địa biết rõ. Tôi nhờ đồng chí giúp tôi liên lạc với Nguyễn Thế Truyền do Ban nghiên cứu thuộc địa làm trung gian và nói với Nguyễn Thế Truyền gửi các tờ báo đó cho tôi. Tất cả thư từ gửi cho tôi phải qua Mátxcơva, vì không thể liên lạc trực tiếp được.
D. Ở đây, chúng tôi đã xuất bản tờ báo hằng tuần “Thanh niên”.
3. Từ 20 tháng 4, tôi có gửi cho hiệu sách của Đảng 550 phrăng và nhờ gửi cho tôi báo L’ Humanité, báo La Vie Ouvrière và tạp chíInprekorr bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, mà các đồng chí Trung Quốc đã yêu cầu tôi cung cấp. Hôm nay là ngày 3 tháng 6 mà tôi vẫn chưa nhận được gì cả. Nhờ đồng chí hỏi giùm hiệu sách vì sao?
Cảm ơn và gửi đồng chí lời chào cộng sản thân thiết.
NGUYỄN ÁI QUỐC
Địa chỉ: Nilốpxki
Nhờ ông lãnh sự Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết tại Quảng Châu chuyển.
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.2, tr. 223-224.
______________
1)Tên viết tắt của tờ tạp chí Thư tín quốc tế (Correspondance internationale), cơ quan nghiên cứu lý luận của Quốc tế Cộng sản.
2) An Nam hồn.
GỬI UỶ BAN TRUNG ƯƠNG THIẾU NHI 1)
Các đồng chí thân mến,
Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu, Trung Quốc) một nhóm thiếu nhi An Nam. Các em đều từ 12 đến 15 tuổi. Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức, và ở đó mọi việc giáo dục đều bị cấm. Các em còn nhỏ nhưng các em đã đau khổ nhiều. Các em đã để cha mẹ ở nhà cách hàng nghìn kilômét để bí mật đến Trung Quốc. Nhiều em có cha mẹ bị người Pháp bắt giam vì các em đã bỏ gia đình đi ra nước ngoài, như những người cách mạng!
Khi chúng tôi nói với các em về Cách mạng Nga, về Lênin và về các bạn, – những chiến sĩ lêninnít Nga nhỏ tuổi – thì các em rất sung sướng và đòi sang với các bạn, để thăm các bạn, ở với các bạn, học tập với các bạn, và để trở thành như các bạn – những chiến sĩ lêninnít chân chính nhỏ tuổi.
Chúng tôi đã hứa với các em là sẽ viết thư cho các bạn về vấn đề đó. Và giờ đây tôi đã làm việc ấy. Chúng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ không từ chối tiếp nhận 3 hay 4 bạn nhỏ An Nam của các bạn, có phải không? Nếu các bạn đồng ý cho các em đến thì các bạn sẽ làm những việc sau đây:
1. Uỷ nhiệm cho đồng chí Bôrôđin, đại diện của Liên Xô tại Quảng Châu, làm mọi điều cần thiết cho hành trình của các em (gửi thư của các bạn cho Quốc tế Cộng sản hay cho Bộ Dân uỷ ngoại giao)2).
2. Nói rõ các bạn có thể tiếp nhận bao nhiêu thiếu nhi An Nam.
3. Đến tháng nào thì ở Mátxcơva bắt đầu rét? (Vì các em thiếu nhi đó đến từ một nước rất nóng, phải chọn thời gian cho các em đi).
4. Tới Mátxcơva thì các em sẽ đến địa chỉ nào?
Tôi đợi các bạn trả lời và gửi đến các bạn lời chào cộng sản.
Ngày 22 tháng 7 năm 1926
NGUYỄN ÁI QUỐC
Địa chỉ của tôi: Nilốpxki, Hãng thông tấn Rôxta, Quảng Châu, Trung Quốc.
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.2, tr. 225-226.
_______________
1) Uỷ ban trung ương Đội thiếu niên tiền phong trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Lênin.
2) Bản tiếng Pháp viết “Narkomindel”.
GỬI ĐẠI DIỆN ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN PHÁP TẠI QUỐC TẾ THANH NIÊN CỘNG SẢN
Đồng chí thân mến,
Chúng tôi đã đưa đến Quảng Châu một số trẻ em An Nam. Chúng tôi đã lập một nhóm thiếu nhi. Chúng tôi muốn gửi 3 hay 4 em qua Nga để các em được tiếp thụ một nền giáo dục cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp. Tôi đã viết thư cho Uỷ ban trung ương thiếu nhi Mátxcơva. Tôi đề nghị đồng chí ủng hộ yêu cầu của tôi và tiến hành mọi hoạt động cần thiết để người ta trả lời tôi được mau chóng và thuận lợi hơn.
Tôi chờ thư trả lời của đồng chí và gửi đến đồng chí lời chào cộng sản anh em.
Địa chỉ:
Ô. Lu, Thông tấn xã Rôxta, Quảng Châu, Trung Quốc.
(Đồng chí hãy đưa thư của đồng chí cho người liên lạc của Quốc tế Cộng sản và đừng gửi qua bưu điện, vì ở đây tôi hoạt động bất hợp pháp).
Quảng Châu, ngày 22 tháng 7 năm 1926
NGUYỄN ÁI QUỐC
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.2, tr. 227.
Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.