Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử – Tập 10 (Lời nói đầu)

Việt Nam - Hồ Chí Minh

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ  – HÀNH CHÍNH  QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
VIỆN HỒ CHÍ MINH

HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
TẬP 10

1967 – 1969
(Xuất bản lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung)
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
HÀ NỘI – 2009

LỜI NÓI ĐẦU

Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, tập 10 giới thiệu cùng bạn đọc ba năm cuối cùng trong cuộc đời của một vĩ nhân đã dành trọn vẹn 79 mùa xuân vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân và hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc.

Với khoảng 1.000 sự kiện bắt đầu từ ngày 1-1-1967 đến ngày 2-9-1969, tập 10 ghi lại những hoạt động toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở giai đoạn khốc liệt của cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước và của tình hình quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp. Những hoạt động của Người trong thời gian này, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời mình, có thể khái quát trong những điểm chủ yếu như sau:

Trên cương vị của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, chỉ đạo sát sao cuộc chiến đấu của nhân dân ta ở cả hai miền Nam – Bắc, từng bước đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ – ngụy ở miền Nam và chiến tranh phá hoại của chúng ở miền Bắc. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với quyết tâm “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng ta vạch ra và thực hiện một chiến lược toàn diện nhằm đạt mục tiêu:

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Cùng với sự chỉ đạo trên các mặt quân sự và chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã chỉ đạo việc mở ra một mặt trận đấu tranh mới: mặt trận đấu tranh ngoại giao, được đánh dấu bằng Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 13 – Chủ trương đó đã đưa lại cho cuộc chiến đấu của nhân dân ta sức mạnh tổng hợp, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo ra những khả năng to lớn cho chiến đấu và chiến thắng của dân tộc đồng thời cũng mở ra một hướng mới nhằm đi tới chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên đất nước ta.

Bằng nhiều hoạt động quốc tế với các hình thức khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đồng thời cũng mở ra con đường để Mỹ rút ra trong danh dự bằng một giải pháp hoà bình. Với một tinh thần hướng tới tương lai, Người tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ khi họ đến một lần nữa, nhưng không phải với những người lính mang vũ khí mà là để giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và củng cố hậu phương xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc phát triển nông, lâm, ngư nghiệp để đảm bảo đời sống nhân dân đến việc thực hành dân chủ ở nông thôn, chống lại tệ quan liêu tham nhũng. Người đã quan tâm chỉ đạo việc xây dựng Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp, trực tiếp viết lời giới thiệu và nhắc nhở phải tuyên truyền rộng rãi dưới nhiều hình thức để Bản Điều lệ thực hiện tốt. Người đặc biệt chú ý vấn đề chăm sóc thế hệ trẻ, nâng cao chất lượng giáo dục và đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng loại sách Người tốt, việc tốt nhằm bồi dưỡng con người mới xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng Người vẫn đi thăm một số địa phương, nhà máy, trận địa trực chiến, động viên đồng bào, chiến sĩ đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt mọi gian khổ, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong những năm cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không ngừng chăm lo xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh, xứng đáng là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân, lực lượng lãnh đạo của toàn dân tộc. Trong bài viết nhan đề Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Người căn dặn: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Đồng thời với việc lưu ý Đảng về tổ chức, Người cũng khẳng định những giá trị cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và coi đó là vũ khí tư tưởng, lý luận không thể thay thế được của những người cộng sản trên con đường thực hiện lý tưởng của mình.

Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử tập 10 giới thiệu cùng bạn đọc những tình cảm tha thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào miền Nam “đi trước, về sau”. Người cho mình chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng đối với đồng bào miền Nam. Vì vậy, Người đã xin khất lại việc nhận Huân chương Lênin cao quý mà Đảng và Nhà nước Liên Xô trao tặng Người. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, Người vẫn đề nghị Bộ Chính trị tổ chức để Người vào miền Nam thăm đồng bào chiến sĩ, động viên cuộc chiến đấu cho mau đến ngày thắng lợi, thống nhất non sông, Nam – Bắc một nhà.

Bạn đọc cũng tìm thấy trong tập 10 đời sống thường nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quan hệ của Người với bạn bè, đồng chí, với các chiến sĩ và đồng bào, qua đó hiện rõ tư tưởng nhân văn của một lãnh tụ vĩ đại, một con người giản dị và khiêm tốn phi thường.

Tập 10 được khép lại bằng sự kiện và quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta và bạn bè quốc tế trước khi Người đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các bậc cách mạng đàn anh khác.

Do tính chất quan trọng của tập 10, Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử giới thiệu lại toàn văn bản Di chúc lịch sử này.

Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử tập 10 kế tục và tuân thủ chặt chẽ phương pháp biên soạn với các nguyên tắc đã được trình bày ở tập 1. Các nguồn tư liệu chính để biên soạn đã được khai thác từ các cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, báo chí đương thời và một số sách tham khảo có chọn lọc và được thẩm định đầy đủ. Nhân dịp này, chúng tôi xin cảm ơn các cơ quan, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Thông tấn xã Việt Nam và các nhà khoa học, các cá nhân đã nhiệt tình giúp đỡ bổ sung tư liệu để chúng tôi hoàn thành tập sách này.

Các sự kiện về Hồ Chí Minh ở thời kỳ này rất phong phú, mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng chắc rằng vẫn có thể còn nhiều sự kiện chúng tôi chưa có điều kiện khai thác và tập hợp đầy đủ. Chúng tôi hy vọng nhận được sự giúp đỡ về tư liệu và xin chân thành cảm ơn về những đóng góp của bạn đọc gần xa.

Hà Nội, tháng 10 năm 2009
NHÓM BIÊN SOẠN

Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)

Advertisement