Giữa năm 1951, Đại đội 612 – đơn vị Pháo Phòng không đầu tiên của quân đội ta được thành lập, có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ cầu Tà Lùng (Cao Bằng). Sau một thời gian thành lập, đại đội đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm. Một trong những người công tác ở đại đội này là Đại tá, Nhà giáo nhân dân Lê Quang Bửu, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Trung cao Phòng không.
Tiếp tôi trong căn nhà nhỏ ở Tập thể Viện Lão khoa, phố Trần Cung, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội, ông bồi hồi nhớ lại:
– Hơn 40 năm quân ngũ, tôi vinh dự được gặp Bác 3 lần, lần đầu tiên vào đầu tháng 3-1952, khi tôi là khẩu đội trưởng của Đại đội 612.
Buổi chiều hôm đó, đang giờ lau pháo, toàn đại đội được lệnh tập hợp để đón cấp trên đến thăm và nói chuyện. Tại sân nhà Ban chỉ huy đại đội, đơn vị hàng ngũ đã chỉnh tề, nhưng ai cũng bồn chồn, chưa biết “cấp trên” là ai. Bỗng từ hàng đầu ồn ào: Bác Hồ? Đúng Bác Hồ rồi! Một cụ già áo nâu bình dị đang đi vào cùng với đồng chí Trần Đăng Ninh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cung cấp – nay là Tổng cục Hậu cần)…
Ban liên lạc Đại đội 612 thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Đại tá, NGND Lê Quang Bửu – người đứng bắt tay Đại tướng). Ảnh do Đại tá Lê Quang Bửu cung cấp.
Trực ban đại đội hô “Nghiêm” và tiến về phía Bác, vừa chuẩn bị chào báo cáo thì Bác đã ôn tồn bảo: “Thôi không báo cáo nữa, để Bác vào nói chuyện”. Bác tiến vào giữa hàng quân, âu yếm nhìn chúng tôi một lượt, đưa tay ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Bác nói: “Hôm nay trên đường đi công tác, Bác ghé thăm các cháu, Bác tặng mỗi cháu một cái bánh và cứ hai cháu một điếu thuốc lá, hút chung cho đoàn kết”. Nhận quà từ tay Bác mà chúng tôi cứ ngỡ như mơ! Bác kể chuyện Cù Chính Lan đánh xe tăng giặc ở đường số 6. Bác nói đến Chiến dịch Hà Nam Ninh, đại ý: Lâu nay địch cố thủ trong thành phố, như con rùa thụt đầu vào trong mai, ta không đánh được. Ta chọc, chọc, rùa thò đầu ra, bấy giờ là ta chặt… Những lời Bác nói thật giản dị, dễ hiểu, giúp lớp lính trẻ chúng tôi tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến…
Ngừng một lát, Bác cười và hỏi: “Bây giờ các cháu hứa gì với Bác?”. Thay mặt đại đội, khẩu đội trưởng Nguyễn Ngọc Chất trả lời: “Chúng cháu quyết tâm thực hiện những lời Bác dạy và xin hứa với Bác, trong năm nay bắn rơi hai máy bay giặc Pháp”. Bác liền đưa một ngón tay làm hiệu và dặn: “Các cháu cố gắng bắn rơi một chiếc, báo cáo Bác biết để Bác khen thưởng”.
Đồng chí Trần Đăng Ninh tiếp lời Bác: “Hôm nay Bác còn bận nhiều việc, bây giờ Bác ra thăm trận địa pháo rồi Bác về”.
Chúng tôi ai cũng muốn được kéo dài thêm những giây phút bên cạnh Bác, quây quần bên Bác, nhưng biết Bác bận nên đành rẽ ra, nhường lối để Bác đi ra công sự pháo. Đến lán của khẩu đội 1, Bác cúi nhìn vào hai dãy ván có lót ổ rơm, Bác hỏi: “Chú nào chỉ huy ở đây?”.
– Dạ thưa Bác, cháu-khẩu đội trưởng Nguyên lễ phép báo cáo. “Các cháu có rét không? Phải lót thêm rơm cho đủ ấm” – Bác bảo tiếp: “Cháu chỉ huy anh em luyện tập trên pháo cho Bác xem”.
Cả khẩu đội hồi hộp. Tiếng khẩu lệnh, tiếng pháo quay, tiếng nạp đạn, nòng pháo vươn cao… Bác cười: “Được, làm giả thôi, đừng bắn thật…”. Bác dặn: “Các cháu phải ngụy trang cho khéo, giống với cảnh vật xung quanh để giữ bí mật chứ đừng ngụy trang để lộ hình vành khăn của công sự pháo như thế này!”. Thôi Bác về.
Chúng tôi lặng người dõi theo từng bước Bác đi cho đến khi xe lăn bánh xa dần trong màu xanh rừng đồi biên giới của Tổ quốc.
Ngay sau đó, đại đội phát động thi đua sôi nổi “Quyết tâm thực hiện 5 điều Bác dạy”, sau một tháng, đơn vị tiến bộ mọi mặt. Duy chỉ còn một tâm tư lo lắng mà cán bộ, chiến sĩ luôn trăn trở, suy nghĩ là, đến bao giờ mới bắn rơi được máy bay địch để lập công dâng Bác?
Đến một ngày giữa tháng 4-1952, vào đúng lúc trưa, trinh sát phát hiện một máy bay đang lượn nhiều vòng ở vùng núi phía xa, khi ẩn, khi hiện. Đơn vị báo động sẵn sàng chiến đấu và hồi hộp quan sát, chờ đợi. Phần tử bắn đã lấy sẵn, đạn đã nạp xong. Từng giây chầm chậm trôi qua. Bỗng máy bay đổi hướng, bay thẳng vào trận địa. Mừng quá! Thời cơ lập công dâng Bác đã đến.
Bắt được mục tiêu, đồng chí chỉ huy hô: “Chuẩn bị… Bắn!”. Một loạt đạn dài vút lên lao thẳng vào mặt tên giặc trời. Mấy giây chờ đợi, hồi hộp… “Trúng rồi! Trúng rồi! Hoan hô… Hoan hô!”. Một chớp lửa ở nách cánh máy bay… rồi một vệt khói lớn kéo dài… máy bay tròng trành chúi đầu xuống. “Hồ Chủ tịch muôn năm… Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Chúng tôi mừng rỡ hô vang để nhớ lại lời hứa với Bác. Chiếc máy bay địch rơi cách trận địa khoảng 3km, trên đất Trung Quốc, là loại máy bay khu trục F8F Bearcat (Gấu Mèo).
Sau đó, đại đội tổ chức lễ mừng công đón nhận thư khen của Bác và một tấm ảnh Bác cỡ 9x12cm, phía sau có ghi dòng chữ “Thân tặng các cháu bắn rơi máy bay”, cùng với quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh tặng thưởng huân chương cho đại đội. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đội 612 nhận nhiệm vụ mới, đổi phiên hiệu là Đại đội 3, đồng chí Nguyễn Viết Xuân làm chính trị viên. Trong trận đánh máy bay Mỹ ngày 18-11-1964, đồng chí Nguyễn Viết Xuân 3 lần bị thương vẫn không rời vị trí chiến đấu, trước lúc hi sinh anh vẫn dồn hết sức động viên đồng đội “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Lời hô của Nguyễn Viết Xuân đã trở thành mệnh lệnh và bản lĩnh chiến đấu của bộ đội phòng không. Để học tập và phát huy tấm gương anh dũng hi sinh của người chính trị viên, Đại đội 3 được lấy phiên hiệu là Đại đội Nguyễn Viết Xuân.
NGUYỄN NGỌC TÙNG ghi
qdnd.vn