Chuyện xưa – nay
QĐND – Tháng Ba năm Mậu Tý (1288), vua Trần Nhân Tông đem bọn bại tướng Ô Mã Nhi của đạo quân Nguyên-Mông xâm lược vừa bị đại bại, từ sông Bạch Đằng về phủ Long Hưng (Thái Bình) làm lễ “hiến phù” (dâng tù binh, báo tin thắng trận) ở tòa Chiêu Lăng (lăng vua Trần Thái Tông). Bỗng thấy những con ngựa đá chầu hầu bên nơi chôn cất vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần này, chân móng con nào cũng lấm bùn! Cảm xúc của người vừa lãnh đạo hai cuộc kháng chiến gian khổ chống giặc, bây giờ đại thắng, giữ yên sơn hà, khiến nhà vua nảy sinh được một tứ thơ lạ: Hẳn là anh linh tổ tiên cũng đã vừa đưa những chiến mã bằng đá này đi trận, nên bùn đất chiến trường mới vương đầy vó ngựa khi trở về như thế! Và thế là ra đời hai câu thơ tuyệt bút:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện Kim âu”!
Đất nước vừa qua hai cuộc kháng chiến gian khó mà đến như ngựa đá cũng phải vất vả đi trận, nhưng thế là để non sông mãi mãi được giữ vững, như đã và sẽ vững vàng mãi, những chiếc âu vàng-vật tượng trưng oai linh cho các vương triều!
Chữ “điện” trong tổ hợp từ “điện Kim âu” ở cuối những vần thơ mang hào khí Đông A này, vậy là đã được dùng rất đắt, để biểu lộ ý chí và hành động “giữ vững”. Nó đã đóng đinh chắc nịch vào thời gian-thế kỷ 13-và không gian-Đồng bằng châu thổ sông Hồng, “chiếc nôi của dân tộc”.
Nhưng, vào thời gian ấy, trên miền đất xa nhất về mạn tây bắc giang sơn Đại Việt, chưa có dấu ấn nào của chữ “điện” với nghĩa ấy. Chỉ mới thấy triều đình nhà Trần đặt ở đấy, một đơn vị hành chính, gọi là “đạo Lâm Tây”, sau đổi là “trấn Thiên Hưng”, quản lý hai “châu”, mang địa danh là “Gia Hưng” và “Quy Hóa”.
Lại đến tháng Ba năm Nhâm Tý (1432), vua Lê Thái Tổ thân chinh đánh dẹp thế lực cát cứ ở địa phương miền núi phía tây bắc đất nước thắng lợi trở về, thấy trên vách đá Chợ Bờ (Hòa Bình) có địa thế hiểm trở mà đẹp đẽ, bèn cho tạc khắc vào đấy một bài thơ “ngự chế”, sâu sắc và quyết liệt, vẫn là ý chí và hành động giữ vững-giữ yên mãi mãi non sông-đất nước, nhưng độc đáo và rất “hiện đại”, là có hai chữ “biên phòng”:
“Biên phòng hảo vị trù phương lược
Xã tắc ưng tu kế cửu an”!
Việc phòng bị (phòng vệ) biên cương (biên giới) phải tính toán mưu cơ chiến lược cho thật tốt, có thế thì quốc gia mới mãi mãi vững bền được! Chữ “biên” trong từ kép “biên phòng”, vậy là đã đủ đầy các ý tứ mà hiển hiện trong khí thế chiến thắng hào hùng của đoàn quân đi trấn dẹp họa loạn trên miền tây bắc xa xôi khải hoàn. Nhưng ở đấy, bấy giờ, vẫn chưa thấy có chữ “biên” nào làm địa danh cho thực địa. Chỉ thấy hai “châu” Gia Hưng và Quy Hóa, được đổi gọi là hai “lộ” cùng tên và thuộc “Tây Đạo”. Từ đây, đổi tiếp nữa, thì thành cấp hành chính, lần đầu tiên được gọi là “phủ”, nhưng tên phủ, thì vẫn chỉ là “An Tây” (phía tây yên ổn).
“Phủ An Tây”, đến thế kỷ 18, đời vua Lê Hiển Tông, không “biên phòng hảo vị trù phương lược” được như lời răn của vua Lê Thái Tổ, nên bị mất đến 6 châu vào tay nhà Thanh, là các châu: Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Hợp Phì, Tuy Phụ và Khiêm. Chỉ còn lại 4 châu, là: Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai và Luân.
Một góc nhỏ thung lũng Mường Thanh nhìn từ đỉnh đồi A1. Ảnh: Trần Định.
Và như thế, đến đây, ở nơi này, tuy đã có chữ “phủ”, nhưng vẫn chưa có chữ “điện” và chữ “biên”. Sự kiện xuất hiện những chữ này, chỉ được xác lập vào năm Tân Sửu (1841). Khi triều đình nhà Nguyễn, đời vua Thiệu Trị, trên cơ sở của “Phủ An Tây” thời Lê, quyết định đặt một “phủ” mới, với nghĩa: “Phủ giữ vững biên cương”-“Điện Biên Phủ”! Vào năm thứ nhất của niên hiệu Thiệu Trị này, phủ Điện Biên-Điện Biên Phủ, quản lý các “châu”: Ninh Viễn, Tuần Giáo, Lai Châu. Đến năm thứ tư của niên hiệu Tự Đức (1850), chuyển thêm châu Quỳnh Nhai theo về phủ Điện Biên, cho thành đủ 4 đơn vị cấp “châu”, cho miền “Phủ giữ vững biên cương” này.
Điện Biên Phủ, ngay từ khi thành “Phủ giữ vững biên cương”, đã lấy cánh đồng-thung lũng “Mường Thanh” làm trung tâm. Vùng đồng bằng lớn nhất miền núi rừng Tây Bắc này-trong câu “Nhất Thanh, Nhì Lò (Nghĩa Lộ)”-còn được coi là một miền đất gốc (đất sinh thành) của đồng bào dân tộc Thái. Vì thế, trong ngôn ngữ Tày-Thái, “Thanh”, chính âm là “Theng” (“Then”), với nghĩa là “Trời”. Còn “Mường” thì chính là tên gọi của một hình thức tổ chức (đơn vị) cư trú-hành chính cổ truyền đặc trưng của người Thái. (Đồng bào Mường “mượn” hình thức tổ chức xã hội này của người Thái-để lập nên những “Mường Bi”, “Mường Vang”, “Mường Thàng”, “Mường Động” (theo thứ tự “nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”)-thì cùng được gọi tộc danh bằng cái tên Thái của các đơn vị xã hội là “Mường” luôn, trong khi chính tên dân tộc, lại là “Mol”, với nghĩa là “Người”.
Địa danh gốc Thái “Mường Theng (Then)” biến âm sang tiếng Việt, thì thành Mường Thanh, do đó, chuyển cả ngữ nghĩa -từ chỗ là “Mường Trời”-ra là “Mường Xanh”!
Lại chuyển nghĩa và biến âm một lần nữa, khi chữ Hán (trong ngôn ngữ Hán-Việt) ở những bộ chính sử Đại Việt (thế kỷ 18), Việt Nam (thế kỷ 19)-đặc biệt là trong sách “Kiến văn tiểu lục” nổi tiếng ở thế kỷ 18 của Lê Quý Đôn-vì không có con chữ nào để chỉ (phản ánh) đúng những từ, phát âm đúng, là “Mường” và “Theng” (Then), nên đã phiên âm “Mường” thành “Mãnh” và “Theng” (Then) thành “Thiên”! “Mường Theng” (Then), với nghĩa là “Mường Trời”, thế là thành “Mãnh Thiên” với nghĩa là “Trời mạnh”!
Miền đất gốc của đồng bào và văn hóa Thái này, trước khi trở thành trung tâm của Điện Biên Phủ từ năm 1841, thì cũng đã là trung tâm của một liên kết lịch sử Việt-Thái, ở thế kỷ 18.
Ấy là lúc mà phong trào khởi nghĩa nông dân Hoàng Công Chất, từ giữa đồng bằng châu thổ sông Cái (sông Hồng) chuyển những hoạt động chiến đấu-đấu tranh lên đất “Mãnh Thiên” – Mường Thanh, từ năm 1751. Khi ấy, nơi đây đang bị nạn “giặc Phẻ-giặc Hả” ở xa hơn nữa về mạn tây bắc, đến hoành hành. Bọn này xây một tòa thành, gọi là “Xám Mứn” (Tam Vạn) ở phía nam cánh đồng Mường Thanh làm nơi hùng cứ. Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất, nhận lời cầu cứu của các thủ lĩnh người Thái là Ngải và Khanh, đã điều quân đến đánh tan bọn “giặc Phẻ-giặc Hả”. Sau đó, cùng đồng bào địa phương-gồm cả người Thái, người Lự, người Lào… xây thêm một tòa thành lớn nữa-vẫn trên cánh đồng Mường Thanh-làm căn cứ của nghĩa quân, gọi là “Thành Chiềng Lê” (thành Bản Phủ), phát triển-kéo dài cuộc khởi nghĩa đến tận năm 1769.
Mường Thanh-Điện Biên Phủ, thành miền đất và có truyền thống là căn cứ (địa bàn) quân sự chiến lược và lợi hại từ đấy. Để cho đến giữa thế kỷ 20, thì trở thành “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu”, khi lịch sử dân tộc chọn nơi đây để “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.
Với ý nghĩa là: Nơi (phủ) giữ vững (điện) cương giới (biên), địa bàn chiến lược đã diễn ra lập nên những chiến công kỳ diệu này của quân dân ta, trong những năm 1953-1954, còn có cả những đóng góp về mặt… ngôn ngữ và ngôn ngữ học rất bất ngờ nữa.
Ấy là, trong tiếng Pháp đã xuất hiện và được đưa vào từ điển hẳn hoi-một từ mới, biến tấu từ danh từ “Điện Biên Phủ” = “Dienbienfou”, đã cấu tạo “lập thành” một động từ – Dienbienfouer (đọc (phát âm) là: “Điêng-Biêng-Phu-êr”)-với nghĩa: Làm (hành động) một điều (việc) có ý nghĩa quyết định!
Và, khá khôi hài, là một biến tấu khác nữa-theo tự dạng và phát âm Pháp ngữ-câu nói (viết) theo mệnh lệnh thức hẳn là của quan quân binh lính Pháp nói với nhau: “Tiens bien, fou!” (đọc (phát âm) là: “Chiêng Biêng Phu)”, với nghĩa: “Đồ điên! Cố mà giữ cho chắc vào!”.
GS. LÊ VĂN LAN
Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)