Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử – Tập 1 (Từ năm 1904 đến năm 1910)

NĂM 1904

Tháng 4, ngày 13

Nguyễn Tất Thành chịu tang bà ngoại (theo âm lịch là ngày 28 tháng 2 năm Giáp Thìn).

Đây là cái tang lớn của cả gia đình. Sở dĩ ông Nguyễn Sinh Sắc học hành và đỗ đạt được chủ yếu nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình vợ. Bà ngoại cũng đã dành cho Thành và những người cháu sớm mồ côi mẹ lòng yêu thương sâu sắc.

             – Tư liệu của Khu di tích Kim Liên – Nghệ An.

Tháng 4, sau ngày 13

Sau khi bà ngoại mất, Nguyễn Tất Thành theo cha từ Võ Liệt trở về Kim Liên để có điều kiện lui tới Hoàng Trù chăm lo hương khói cho gia đình bên ngoại. Nguyễn Tất Thành được phụ thân gửi đến học một thời gian ngắn với thầy Trần Thân ở làng Ngọc Đình, cạnh làng Kim Liên.

         – Biên Bản Hội thảo về thời niên thiếu của Bác Hồ tại Nghệ An năm 1970. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

             – Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ – Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.42 – 43.

Khoảng tháng 6, tháng 7

Nguyễn Tất Thành được chứng kiến cảnh thực dân Pháp và quan lại bắt phu trong vùng hoàn thành gấp rút đoạn đường từ Cửa Rào (miền Tây Nghệ An) đi Trấn Ninh. “Vì bọn đốc công Pháp tàn bạo, nước độc và lương thực thiếu nên nhiều người đi phu bị chết, những người sống thì đều đau ốm”, nhân dân than thở và oán thán:

“Ai đi đến chốn Cửa Rào

Nhớ mang chiếc chiếu bó vào trải ra”.

Bó vào là để chôn, trải ra là để nằm dọc bờ dọc bụi. Ngày lên đường đi phu người ta thường nhớ kỹ để sau này làm giỗ.

            – Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.10.

            – Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ – Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.47 – 48.

            – Nhiều tác giả: Bác Hồ – hồi ký, Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.26 – 27.

Nửa cuối năm

Nguyễn Tất Thành theo cha sang làng Du Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian này ông Nguyễn Sinh Sắc dạy học tại nhà ông Nguyễn Bá Uý, ở thôn Hạ, xã Chính Trung, tổng Du Đồng, phủ Đức Thọ (nay là xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ).

Trong thời gian dạy học, ông Nguyễn Sinh Sắc đã tổ chức những buổi bình văn thơ, có lúc kéo dài tận khuya. Nguyễn Tất Thành thường chăm chú lắng nghe các buổi bình thơ đó.

Ngoài thời gian học tập, Nguyễn Tất Thành thường theo cha đến các vùng trong tỉnh như làng Đông Thái, quê hương của Phan Đình Phùng, làng Trung Lễ, quê hương của Lê Ninh, thăm các di tích thành Lục niên, miếu thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, v.v..

            – Tư liệu của Khu di tích Kim Liên – Nghệ An.

                  – Lời kể của bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cháu nội ông Nguyễn Bá Uý.

NĂM 1905

Tháng 7

Nguyễn Tất Thành theo cha đến huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình trong dịp ông Nguyễn Sinh Huy đi gặp các sĩ phu ở vùng đó 1).

Chính trong thời gian này, ông Nguyễn Thức Canh đến Kim Liên tìm Nguyễn Tất Thành để rủ đi xuất dương du học (phong trào Đông Du) nhưng không gặp 2).

        – Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.13.

            – Trần Trọng Khắc: Năm mươi bốn năm hải ngoại. Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

            – Phan Bội Châu niên biểu, Nxb. Văn – Sử – Địa, Hà Nội, 1957, tr.59 – 60.

Khoảng tháng 9

Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được ông Nguyễn Sinh Huy xin cho theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp – bản xứ ở thành phố Vinh, cách Kim Liên khoảng 14km.

Hai anh em trọ ở một gia đình nghèo mạn Cầu Rầm (Vinh) và chiều thứ bảy thường đi bộ về thăm nhà, sáng thứ hai lại xuống Vinh.

Chính tại trường tiểu học này, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên tiếp xúc với khẩu hiệu TỰ DO – BÌNH ĐẲNG – BÁC ÁI 3).

            – Chưa hết năm học, Tất Thành cùng cha vào Huế nhân dịp cha vào Kinh đô nhận chức.

            – Tài liệu của Khu di tích Kim Liên và Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ – Tĩnh.

            – Hồi ký của ông Chu Văn Phi, người cùng học lớp dự bị với Nguyễn Tất Thành. Tài liệu lưu tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ An.

NĂM 1906

Cuối tháng 5

Nguyễn Tất Thành cùng Nguyễn Tất Đạt theo cha vào Huế trong dịp ông Nguyễn Sinh Huy vào kinh đô nhậm chức.

Những người đỗ cùng khoa với ông Nguyễn Sinh Huy đều đi làm thừa biện từ năm 1903, sau kỳ thi hai năm. Ông Nguyễn Sinh Huy không muốn đi làm quan, đã một vài lần lấy cớ ốm đau, chịu tang mẹ vợ, v.v. để nấn ná ở lại quê nhà. Song không thể trì hoãn thêm được nữa, cuối tháng 5-1906, ông phải vào Huế để chờ bổ nhiệm 4).

          – Tờ trình của Bộ Lại, ngày 15 tháng 4 (nhuận) năm Thành Thái thứ 18. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

               – Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ – Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.53.

Từ tháng 7

Nguyễn Tất Thành cùng cha và anh ở tại căn buồng trong dãy “Thuộc viên”, cấp cho ông Nguyễn Sinh Sắc gần cửa thành Đông Ba (Huế). Dãy nhà này nguyên là trại lính “phòng thành”, được sửa chữa lại làm nơi ở cho các quan nhỏ làm việc trong sáu bộ của Hoàng triều. Anh em Nguyễn Tất Thành ngoài thì giờ học phải thay nhau lo việc nội trợ giúp cha.

             – Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ – Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.53.

Tháng 9

Nguyễn Tất Thành vào học lớp dự bị (cours préparatoire) tại Trường tiểu học Pháp – Việt tỉnh Thừa Thiên 5).

Trường đặt trước cổng thành Đông Ba và xây trên nền của đình chợ Đông Ba ngày xưa nên nhân dân quen gọi là Trường Đông Ba. Trường dạy cả ba thứ chữ: chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán.

Ngoài việc học ở nhà trường, Nguyễn Tất Thành còn nhờ người mượn sách ở Lầu tàng thư (nơi lưu trữ sách và các loại văn thư của triều Nguyễn) về đọc.

            – Tư liệu của Khu di tích Kim Liên – Nghệ An.

            – Tư liệu của Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên – Huế.

            – Tư liệu khảo sát năm 1975 và năm 1976 của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

NĂM 1907

Tháng 9

Nguyễn Tất Thành vào học lớp sơ đẳng (cours élémentaire) 6) tại Trường tiểu học Pháp – Việt tỉnh Thừa Thiên.

         – Hồi ký của các ông Lê Thiện, Lê Thanh Cảnh. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

NĂM 1908

Tháng 4, ngày 12

Nguyễn Tất Thành tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên.

Thời kỳ này, hưởng ứng phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, nông dân các tỉnh Trung Kỳ nổi dậy chống thuế 1. Họ đi tay không. Họ chỉ đòi giảm thuế. Để tỏ tình đoàn kết nhất trí, họ đều cắt tóc ngắn và gọi nhau là “đồng bào”.

Vì những hoạt động yêu nước, tham gia cuộc đấu tranh của nông dân, Nguyễn Tất Thành đã bị thực dân Pháp để ý theo dõi. Ông Nguyễn Sinh Sắc cũng bị chúng khiển trách với lý do đã để cho con trai có những hoạt động bài Pháp.

            – Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.12.

            – Hồ sơ của mật thám Pháp. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8

Nguyễn Tất Thành với tên gọi Nguyễn Sinh Côn có thể được nhận vào Trường Quốc học Huế, theo thư của ông Hiệu trưởng Quốc học Sukê (Chouquet) gửi ông Khâm sứ Trung Kỳ.

            – Thư của ông Sukê (Chouquet) ngày 7-8-1908 7). Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại (CAOM), ký hiệu RI tủ GGI, hộp RSA.

            – Báo Lao động số Tết Ất Dậu (2005), bài của Nguyễn Đắc Xuân.

Tháng 9

Nguyễn Tất Thành vào lớp trung đẳng (cours moyen) tại Trường Quốc học Huế.

Thời kỳ này Trường Quốc học Huế (Quốc gia học đường) có các lớp sơ đẳng, trung đẳng và cao đẳng (cours supérieur). Trường dạy Pháp văn, Việt văn và Hán văn, ngoài ra còn dạy các môn khoa học khác. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính dạy trong trường.

Trong thời gian học tại Trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành được chứng kiến bọn thực dân Pháp khinh rẻ, bóc lột, hành hạ người Việt Nam, nhà trường ca ngợi chế độ thực dân phong kiến.

Nguyễn Tất Thành còn được nghe kể về những hành động của những ông vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân và những bàn luận về con đường cứu nước trong các sĩ phu yêu nước.

         – Hồi ký của ông Lê Thiện, Lê Thanh Cảnh. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

             – Hồi ký của La Hoài, đăng trong Tập san Hội ái hữu Quốc học, số 2. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

NĂM 1909

Khoảng đầu tháng 6

Nguyễn Tất Thành theo cha vào huyện Bình Khê 8) thuộc tỉnh Bình Định (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) nhân ông Nguyễn Sinh Sắc được cử nhậm chức tri huyện ở đó 9). Thời gian ở Bình Khê, Nguyễn Tất Thành thường được phụ thân dẫn đi thăm các sĩ phu trong vùng và thăm di tích lịch sử vùng Tây Sơn, nơi phát tích của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

         – Tờ trình của Bộ Lại ngày 29-5-1909. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

            – Lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh với mật thám Pháp ngày 7-5-1920. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

            – Tư liệu của Khu di tích Kim Liên – Nghệ An.

            – Nguyễn Tất Thành ở Bình Định, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ – Ban Khoa học Kỹ thuật Tỉnh uỷ Bình Định xuất bản năm 1991, tr.36.

Từ tháng 9

Để tiếp tục việc học tập, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ 10) dạy tại trường Tiểu học Pháp – Việt Quy Nhơn theo chương trình lớp cao đẳng (cours supérieur).

            – Tư liệu của cuộc Hội thảo Thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội, tháng 2-1987.

            – Lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh với mật thám Pháp ngày 7-5-1920. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

            – Hồi ức của bà Phạm Ngọc Diệp, chị ruột ông Phạm Ngọc Thạch. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

NĂM 1910

Tháng 1, sau ngày 17

Nguyễn Tất Thành được tin cha bị triều đình bãi chức và triệu hồi về Huế.

         – Tờ trình của Bộ Hình ngày 19 tháng 8 năm Duy Tân thứ 4. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

             – Điện của Khâm sứ Trung Kỳ gửi Công sứ Phan Thiết, ngày 10-11-1923. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Khoảng đầu tháng 9

Trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Do hết tiền, anh phải xin vào làm trợ giáo (moniteur), dạy môn thể dục tại Trường Dục Thanh 11), một trường tư thục do các ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh (con trai cụ Nguyễn Thông, một nhân sĩ yêu nước) thành lập năm 1907.

            – Hồi ức của các ông: Nguyễn Quý Phầu, Nguyễn Đăng Lầu, Từ Trường Phùng, học sinh Trường Dục Thanh năm học 1910 – 1911. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

            – Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.13.

            – Tư liệu của cuộc Hội thảo khoa học Bác Hồ với Thuận Hải, Thuận Hải với Bác Hồ, tháng 5-1986. Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

NĂM 1910 – 1911

Từ nửa sau tháng 9-1910 đến trước tháng 2-1911

Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thời gian đầu, thầy Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại một căn nhà có tên gọi là nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông.

Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Thầy thường phổ biến cho học sinh những thơ ca yêu nước, chẳng hạn bài Á tế á ca, bài Ca hớt tóc, v.v.. Thầy phụ trách thể dục buổi sáng của nhà trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh thăm phong cảnh trong vùng, như động Thiềng Đức, bãi biển Thương Chánh.

         – Hồi ức của các ông: Nguyễn Quý Phầu, Nguyễn Đăng Lầu, Từ Trường Phùng, học sinh Trường Dục Thanh năm học 1910 – 1911. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

            – Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Chủ  tịch Hồ Chí Minh – Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.15.

            – Tư liệu của cuộc Hội thảo khoa học Bác Hồ với Thuận Hải, Thuận Hải với Bác Hồ, tháng 5-1986. Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

——————–

1) Trong số các sĩ phu đó có ông Nguyễn Quang Đoàn, con trai của lãnh tụ chống Pháp Nguyễn Quang Bích.

2) Trong cuốn Hồi ký Năm mươi bốn năm hải ngoại của Trần Trọng Khắc (tức Nguyễn Thức Canh) có đoạn: “Tôi cùng cụ Sào Nam ở chung trong một thuyền. Chín mười ngày sau, lúc các đồng chí đã đến họp, bàn bạc xong, cụ lên đường ra Bắc, tôi cùng Ngư Hải tiên sinh đồng đi cáo biệt với cách mạng đồng chí và tìm thanh niên xuất dương du học. Cụ Phó bảng Thái Sơn đương thời có tặng tôi một bài thơ thất ngôn tuyệt cú để làm quà tiễn biệt. Chúng tôi trước tới nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc rủ anh Nguyễn Sinh Cung đồng đi, nhưng anh Cung đã đi ra Bắc không được gặp”.

3) Năm 1923, trả lời nhà thơ Ôxíp Manđenxtam, Nguyễn Ái Quốc nói: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp TỰ DO – BÌNH ĐẲNG – BÁC ÁI”.

Những tài liệu cũ đều ghi Nguyễn Tất Thành vào Huế năm 1905 và đều chưa có tài liệu về việc Nguyễn Tất Thành học lớp dự bị Trường tiểu học Pháp – bản xứ tại Vinh.

Qua tờ trình của Bộ Lại ngày 6-6-1906 và hồi ký trên đây, chúng tôi cho rằng Nguyễn Tất Thành tiếp xúc với khẩu hiệu trên ở thời điểm năm học 1905 – 1906 tại Vinh (Nghệ An).

Theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương, loại trường Pháp – bản xứ được thiết lập tại tỉnh lỵ các tỉnh trên toàn cõi Việt Nam từ năm 1905.

4) Trong tờ trình của Bộ Lại đề ngày 15-4 (nhuận) năm Thành Thái thứ 18 (tức ngày 6-6-1906) có ghi rõ: “Mới đây theo lời bẩm của Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (bốn mươi lăm tuổi, người tỉnh Nghệ An) viên này dự trúng phó bảng kỳ thi Hội khoa Tân Sửu năm Thành Thái thứ 13. Lần đó về thăm quê nhà xong việc bị bệnh ở lại quê quán uống thuốc, nay bệnh đã khỏi đến bộ tôi đợi mệnh”.

Qua tài liệu này, chúng ta biết được ông Nguyễn Sinh Huy cùng hai người con trai đã đến Huế vào cuối tháng 5-1906 và tháng 6-1906 mới nhận chức Thừa biện Bộ Lễ.

5) Theo lời khai của Nguyễn Tất Đạt ở Sở mật thám Huế ngày 19-3-1920: 15 tuổi, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế. Nguyễn Tất Đạt làm thợ máy in tay ở Toà Khâm sứ, còn Nguyễn Tất Thành tiếp tục học ở Trường Pháp – Việt. Nguyễn Tất Thành đỗ sơ đẳng tiểu học năm 1908 và được vào học tại Trường Quốc học Huế.

6) Về việc học tập của mình, có lần Bác nói với đồng chí thư ký của Bác rằng: Bác học chính thức trên ghế nhà trường chỉ hết lớp nhì của bậc tiểu học (theo nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ. Bác nói vào tối ngày 27-8-1945).

Đối chiếu toàn bộ quá trình, chúng tôi cho rằng Bác học lớp dự bị (préparatoire) tại Vinh vào năm 1905 – 1906 nhưng chưa học hết năm học, vào Huế Bác học lại lớp dự bị và tiếp đó học lớp sơ đẳng (cours élémentaire) tại Trường tiểu học Đông Ba vào các năm học 1906 – 1908.

7) Toàn văn thư của ông Sukê trả lời Công văn số 526 ngày 4-8-1908 của Khâm sứ Trung Kỳ như sau:

Huế, ngày 7 tháng 8 năm 1908.

Tiếp theo thư số 526 đề ngày  4-8 năm nay của Ngài, tôi hân hạnh báo cho Ngài rõ có thể tiếp nhận vào Trường Quốc học học sinh có tên Nguyễn Sinh Côn, người gốc Nghệ An, học sinh Trường Pháp – Việt tỉnh Thừa Thiên.

Ký tên: Chouquet.

Qua thư của ông Sukê và lời khai của Nguyễn Tất Đạt ngày 19-3-1920 thì tháng 9-1908, Nguyễn Tất Thành mới vào học Trường Quốc học Huế.

8) Lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh với mật thám Pháp ngày 7-5-1920 nói rõ lúc thân phụ của bà đi nhậm chức tri huyện Bình Khê có đưa Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt đi cùng.

 Đối chiếu với nguồn tài liệu khác: Bác nói với đồng chí Phạm Ngọc Thạch rằng, lúc Bác vào Quy Nhơn thì Phạm Ngọc Thạch mới sinh (7-5-1909), như vậy Bác có mặt ở Quy Nhơn cùng lúc với phụ thân đến nhậm chức vào khoảng đầu tháng 6-1909.

9) Trong tờ trình của Bộ Lại ngày 29-5-1909 (ngày 14-4 năm Duy Tân thứ 3) ghi rõ:

“Bộ Lại tâu,

Phụng Chiếu tri huyện huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định) hiện nay đang khuyết (do Hồ Tiếu Khanh dính líu tiền nong bị triệt hồi chờ xét), tỉnh ấy đã phái viên hậu bổ Phạm Lê Doãn kiêm tạm.

Bộ tôi chọn trong các người tại chức lâu năm đang được bổ dụng (là các ông trước tác tòng chức hành tẩu Bộ Lễ Lê Văn Tường, trước tác tòng chức thừa biện Bộ Lễ Nguyễn Sinh Huy, biên tu tòng chức hành tẩu Bộ Hình Nguyễn Đình Quảng), 12 ngày trước nhóm bàn, tiếp công văn trả lời của quý Khâm sứ đại thần Gơrôlô rằng y bổ Nguyễn Sinh Huy làm tri huyện Bình Khê. Xét trước tác tòng chức thừa biện Bộ Lễ Nguyễn Sinh Huy (bốn mươi tám tuổi, người tỉnh Nghệ An, đỗ phó bảng tháng 4 năm Thành Thái thứ 13 bổ thụ chức kiểm thảo, làm thừa biện Bộ Lễ, tháng 2 năm Duy Tân thứ 2 thăng chức tu soạn thư trước tác, tháng 3 cùng năm lĩnh chức trước tác thực thụ) xin cải bổ chức đồng tri phủ lãnh chức tri huyện huyện này”.

10) Ông Phạm Ngọc Thọ là thân sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, lúc đó là trợ giáo hạng nhì (instituteur auxiliaire 2e classe) của Trường tiểu học Pháp – Việt Quy Nhơn.

11) Năm 1960, tập sách Bác Hồ do nhiều tác giả viết, được Nxb. Văn học in tại Hà Nội. Khi đọc bài Quê hương và thời niên thiếu của Hoài Thanh và Thanh Tịnh viết, Bác nói với đồng chí thư ký hai ý:

– Bác không có ý định dừng lại Phan Thiết song đến đó thì tiền lộ phí đã cạn mới quyết định ở lại tìm việc làm để có tiền đi tiếp cuộc hành trình.

– Bác không dạy học ở Phan Thiết lâu đến “bảy, tám tháng” như Hoài Thanh và Thanh Tịnh đã viết.

(Ý kiến của đồng chí Vũ Kỳ trong buổi làm việc với Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương về bản thảo Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh).

– Theo Nguyễn Tất Đạt, lương tháng trợ giáo của Nguyễn Tất Thành là 8 đồng.

Theo dangcongsan.vn
Vkyno (st)