Báo chí cách mạng Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, rơi vào cảnh đen tối, nhân dân phải chịu bao khổ cực lầm than. Lúc bấy giờ báo chí cách mạng nước ta ra đời với mục đích làm công cụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, giác ngộ những người yêu nước đấu tranh cách mạng đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước. Đồng thời, phục vụ mục đích trong sáng và cao cả của Đảng, của sự nghiệp cách mạng, là công cụ để tuyên truyền khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân ta, biểu dương những cái tốt, người tốt, việc tốt, ngăn chặn và đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực.

ImageBác Hồ viết báo bằng máy đánh chữ. (Ảnh tư liệu)

Nền báo chí cách mạng Việt Nam ra đời đã 88 năm (21/6/1925 – 21/6/2013), kể từ khi tờ “Báo Thanh Niên” đầu tiên ra đời cho đến nay, những thế hệ nhà báo nước ta đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Và không thể nào quên người đã sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là một nhà báo xuất sắc, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng nước ta, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, lãnh tụ vĩ đại vô vàn kính yêu của dân tộc ta. Giờ đây, đã 44 năm Bác đã đi xa (từ 1969 đến nay), song những quan điểm, tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác trên từng lĩnh vực mãi luôn in đậm trong lòng dân tộc ta. Cũng như những quan điểm, tư tưởng và lời dạy của Bác về báo chí đến nay vẫn còn nguyên giá trị từ tính chất, nội dung và những nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh nào của mỗi giai đoạn lịch sử đất nước.

Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, Bác rất coi trọng báo chí đối với sự nghiệp cách mạng. Nhìn lại chặng đường hoạt động cách mạng của Bác, lúc bôn ba hải ngoại cũng như khi đặt chân về nước, Bác đã sớm thấy lợi khí cách mạng của báo chí là phương tiện, là vũ khí sắc bén, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng cho dân tộc, giành độc lập cho đất nước. Bác đã để lại cho đội ngũ làm báo những bài học sâu sắc và nhớ lại ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ “Báo Thanh niên” – cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Đây là tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên do Bác Hồ sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính. Thời ấy “Báo Thanh Niên” với 88 số, mở ra lớp đào tạo 300 cán bộ đều do Bác Hồ khởi thảo, chủ trì, giảng dạy là sự mở đầu một cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thời gian đầu báo ra mỗi tuần một kỳ với trên 500 tờ, sau đó do điều kiện khó khăn, báo ra 3 tuần, thậm chí 5 tuần một kỳ. Các tổ chức cách mạng trong nước ta đã dùng tờ báo để tuyên truyền, giác ngộ và giáo dục quần chúng; làm cầu nối truyền thông điệp và truyền ánh sáng tư tưởng cách mạng của Bác về cho dân tộc, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước ta.

Bác Hồ là người đã sáng lập ra nền báo cách mạng nước nhà, Bác đặt nền móng, Bác khơi nguồn cho báo chí cách mạng nước nhà phát triển, cũng như Bác tham gia viết báo suốt cả đời làm cách mạng. Những bài báo do Bác viết thật giản dị, dễ hiểu và vô cùng sâu sắc. Bác viết nhiều thể loại: chính luận, tuyên ngôn, tin ngắn, dài, tin bình, trào phúng, ký, hiệu triệu, thơ tự sự, trữ tình… và được ký bằng nhiều tên gọi, bí danh, bút danh khác nhau. Những bài báo Bác viết, được xem đó là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng. Bài báo cuối cùng Bác viết: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Một nhà văn hóa nổi tiếng của Liên Xô đã nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc là một nhà văn hóa lớn. Phong cách viết báo của Người thường đi thẳng vào đề, làm rõ tư tưởng trung tâm sự kiện bằng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn, ngôn ngữ thông tin đại chúng”.

ImageBác Hồ đọc báo nhân dân. (Ảnh tư liệu)

Quan tâm đặc biệt đến nền báo chí cách mạng nước nhà, tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Bác đã chỉ rõ: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ”. Với Bác, để báo chí luôn là diễn đàn của nhân dân, phục vụ nhân dân, Bác khẳng định: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo” và “Không riêng vì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt điều phải coi trọng ý kiến nhân dân”. Bác còn nói với các nhà báo: “Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công”. Đến Đại hội lần thứ III (8/9/1962), Bác lại nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Quan điểm, tư tưởng của Bác để báo chí hoàn thành sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng; là cầu nối để cộng đồng hiểu nhau hơn, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Bác đòi hỏi cán bộ báo chí cách mạng phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ hiểu biết chính trị và nhận thức. Chính vì vậy, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác viết: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng mới lọt tai quần chúng”. Bác còn căn dặn: “Viết dài mà rỗng thì không tốt, viết ngắn mà rỗng cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch”. Bác cũng từng nhắc nhở: “Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết cho đại đa số Công – Nông – Binh. Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”. Từ đó, Bác dạy: “Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”. Bác phê phán: “Viết ba hoa, dây cà dây muống là hình như để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy” và Bác chỉ trích: “Có người muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng, những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra”. Bác nhắc nhở đội ngũ nhà báo phải cẩn thận: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết, chớ viết càn. Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc đi đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu, những chữ thừa vô ích bỏ đi”; “Viết phải thiết thực”; “Nói có sách, mách có chứng”…

Nhớ đến công ơn, công lao trời biển của Bác, thế hệ những người làm báo nước ta đã tích cực rèn luyện, mài giũa ngòi bút, tự trau dồi và nâng cao cho mình bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, tác phong, đạo đức của người làm báo cách mạng, để xứng đáng là học trò của Bác và yêu cầu nhiệm vụ mới đang đặt ra. Nhất là trong thời đại ngày nay, thời kỳ của sự hội nhập báo chí nước ta với báo chí quốc tế là một bước ngoặt không thể quên được. Hơn bao giờ hết, đội ngũ nhà báo cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng, cần bản lĩnh khẳng định rằng dù đổi mới, hiện đại và hội nhập, báo chí nước ta vẫn là nền báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài kính yêu vô vàng của Việt Nam sáng lập ra và do Đảng ta lãnh đạo cho đến nay. Do đó, hiện tại và mãi mãi về sau, đội ngũ cán bộ làm báo phải luôn lấy tư tưởng, quan điểm của Bác làm kim chỉ nam cho nghề nghiệp của mình; học nhiều điều từ sự nghiệp làm báo, làm cách mạng của Bác; không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tấm gương của Bác, bằng ra sức nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi sát cuộc sống nhân dân, để tuyên truyền, vận động chuyển tải thông tin có ích đến với nhân dân. Đó là cách người làm báo tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức và chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp, tận tụy phục vụ nhân dân, góp phần tích cực trong công cuộc đổi mới, trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

ImageĐồng chí Nguyễn Thành Phong – Bí thư Tỉnh ủy họp mặt báo chí tỉnh nhà nhân dịp đầu xuân 2013. (Ảnh: H.C)

Theo dòng lịch sử của đất nước, báo chí cách mạng Bến Tre cũng đã sớm có mặt và liên tục hoạt động dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy từ những năm 1930 đến nay. Báo chí tỉnh ra đời nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền vận động cách mạng quần chúng, giáo dục đảng viên và đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng. Tờ báo đầu tiên mang tên “Dân Cày” được xuất bản sau khi liên Tỉnh ủy Bến Tre – Mỹ Tho được thành lập vào tháng 6/1930. Khi Đảng bộ Bến Tre tách ra thành một Đảng bộ độc lập, thì tháng 5/1930 Tỉnh ủy cho ra tờ “Búa Liềm”. Đến tháng 8/1933 thì có tờ “Tranh Đấu”, tiếp theo là tờ “Cờ Chiến Đấu” ra đời phục vụ cho việc phát động phong trào Đông Dương đại hội và chỉ đạo các cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ liên tục nổ ra trong tỉnh suốt từ năm 1936-1939. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 thất bại, Đảng bộ Bến Tre bị địch đánh khốc liệt, cơ sở Đảng nhiều nơi tan rã. “Ủy ban Sáng Kiến” lúc bấy giờ (như Tỉnh ủy lâm thời) được thành lập và cho phát hành ngay tờ báo “Sự Thật” vào tháng 4/1944. Đây là tờ báo bí mật cuối cùng của Bến Tre trong thời kỳ thực dân Pháp thống trị. Báo “Sự Thật” vẫn tồn tại hoạt động đều đặn; đến năm 1945 bước sang giai đoạn kháng chiến chống Pháp thì được thay tên mới là báo “Hy Sinh”. Ngay từ khi ra đời tờ báo “Hy Sinh” đã có những đóng góp hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia “Tuần lễ vàng”, vận động bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cùng các phong trào toàn dân sẵn sàng chiến đấu, thanh niên tòng quân, thành lập các đội cảm tử quân…. Sau này, tờ báo “Hy Sinh” được đổi tên mới là “Đoàn Kết” và tồn tại đến cuối năm 1950 thì nhường chỗ cho tờ “Thông tin Bến Tre” ra đời, được in chì, phát hành đều đặn mỗi tuần 01 kỳ. Sau Hiệp định Genève năm 1954, để hướng dẫn và chỉ đạo cuộc đấu tranh chính trị trong hoàn cảnh mới, Tỉnh ủy cho ra đời tờ “Hòa bình thống nhất” phát hành rộng rãi trong nhân dân và duy trì hoạt động cho đến ngày nổ ra cuộc Đồng Khởi long trời lở đất vào ngày 17/1/1960. Đến tháng 3/1960, tờ “Hòa bình thống nhất” được đổi thành báo “Chiến Thắng”, được in sáp, phát hành từ 700 – 1.000 bản/kỳ. Đến ngày 25/12/1960 nhân dịp chào mừng Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bến Tre ra đời, báo “Chiến Thắng” bắt đầu in chữ chì và giữ vững suốt đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đặc biệt, cùng tồn tại hoạt động với báo “Chiến Thắng” suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, còn có tờ báo “Văn nghệ Bến Tre” và tờ báo “Cứu nước cứu đạo”. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 11/11/1976, nhân ngày khai mạc Đại hội Đảng bộ, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định đổi tên báo “Chiến Thắng” thành báo “Đồng Khởi” cho đến ngày nay. Và sau đó đến ngày 20/12/1976 Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Đài Phát thanh Bến Tre, đến ngày 07/3/1995 thành lập Đài Truyền hình Bến Tre; ngày 23/11/1978 Chi hội Nhà báo tỉnh Bến Tre cũng chính thức được thành lập và đến ngày 16/12/2004 là Hội Nhà báo Bến Tre; báo Điện tử của báo Đồng Khởi tiếp tục được ra đời vào ngày 23/10/2007… và còn nhiều chuyên san, tạp chí, thông tin nội bộ, bản tin, báo điện  tử…  của các sở, ngành, đoàn thể tiếp nối ra đời và có mặt hàng tháng, quý… trên địa bàn tỉnh nhà. Có thể nói, báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử ra đời ở tỉnh ta đang trở thành kênh thông tin thống nhất, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sinh hoạt thông tin, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và ngày càng phát huy hiệu quả tiếng nói của Đảng bộ, của hệ thống chính trị và diễn đàn làm chủ của nhân dân Bến Tre. Điều đó, đã minh chứng nhiều năm qua lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đặc biệt đến công tác báo chí, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà báo trong tỉnh không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động báo chí. Thấm nhuần quan điểm, tư tưởng của Bác, đội ngũ nhà báo của tỉnh cũng đã tích cực nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo ra những ấn phẩm báo chí đáp ứng tốt nhu cầu thông tin, định hướng dư luận, động viên khích lệ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh; phát triển kinh tế  – xã hội; xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới; phát huy tuyên truyền người tốt việc tốt, cổ vũ động viên những con người mới, những nhân tố mới, những tấm gương tiêu biểu trong sự nghiệp đổi mới quê hương; tuyên truyền chủ quyền biển đảo và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc Việt Nam…. Và thực tế báo chí của tỉnh nhà nhiều năm qua đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân, chính quyền với nhân dân; là diễn đàn của nhân dân; tiếp thu sự phê bình của nhân dân; góp phần giáo dục toàn dân; đi đầu trong việc định hướng tư tưởng, góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội; tích cực đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

ImageHọp mặt báo chí tỉnh Bến Tre tại huyện Giồng Trôm nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là những quan điểm, tư tưởng của Bác đã trường tồn gắn liền với nền báo chí cách mạng Việt Nam suốt 88 năm qua, đã góp phần cho đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức. Những quan điểm, tư tưởng của Bác để lại cho nền báo chí cách mạng nước nhà là một kho tàng quý báu, đội ngũ nhà báo hôm nay và mai sau của nước ta nói chung, Bến Tre nói riêng cần phải luôn phấn đấu kế thừa và phát triển sự nghiệp báo chí của Bác trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, lĩnh vực báo chí ngày một đổi mới, hiện đại và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Vì vậy, đòi hỏi người làm báo tiếp tục học tư duy, học phong cách và đạo đức làm báo của Bác, để góp phần phát huy tính chiến đấu của báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hội nhập, trước hết đội ngũ nhà báo cần thể hiện trong việc làm sáng tỏ đường lối, chủ trương và các chính sách của Đảng và Nhà nước ta; động viên và cổ vũ lòng hăng hái, tinh thần phấn đấu của nhân dân vì sự nghiệp đổi mới đất nước… Và phát huy tính chiến đấu của báo chí cách mạng Việt Nam còn được thể hiện trong việc đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, phê phán các luận điệu xuyên tạc và các hành vi chống phá của các thế lực thù địch đối với Việt Nam ta.

Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2013), những người làm báo hôm nay thật vinh dự, tự hào vì có Bác, nhà báo cách mạng vĩ đại, người thầy lỗi lạc của báo chí cách mạng Việt Nam. Mỗi nhà báo, để trở thành nhà báo cách mạng thật sự chân chính, hãy tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; nâng cao trách nhiệm của người làm báo, phải có đạo đức cách mạng, nhất là chí công vô tư, cái tâm trong sáng, có hiểu biết rộng; không ngại khó khăn, hy sinh, vì nhân dân phục vụ; trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị, để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng trình độ về mọi mặt, hiểu biết ngoại ngữ, lăn lộn thực tiễn và gắn bó mật thiết với nhân dân. Đặc biệt, kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững quan điểm báo chí cách mạng do Bác sáng lập ra và do Đảng ta lãnh đạo suốt 88 năm qua. Có như thế, đội ngũ nhà báo mới thật sự xứng đáng góp phần nâng cao tính chiến đấu của báo chí cách mạng Việt Nam trong việc tuyên truyền, động viên, cỗ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phấn đấu đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

(Tham khảo tư liệu HCM toàn tập và Thông tin nội bộ BTG TU Bến Tre)

Theo bentre.gov.vn
Vkyno (st)

Advertisement