Thứ ba, 01/12/2009, 04:16 (GMT+7)
Cách đây 90 năm, ngày 1-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết có một cuộc tụ họp người Việt Nam tại nơi cư trú của Nguyễn Ái Quốc ở Paris.
Ngày 1-12-1922, tham dự cuộc họp của Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thuộc địa kiểm điểm hoạt động của tổ chức này, Nguyễn Ái Quốc đề nghị nên lập một tổ chức trong hội chuyên lo tìm công ăn việc làm cho những người dân các xứ thuộc địa đang sinh sống trên nước Pháp.
Ngày 1-12-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, đơn kháng án của Tống Văn Sơ (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) gửi lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh được Tòa án Tối cao Hồng Công chấp thuận.
Ngày 1-12-1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết bài “Bịa đặt” đăng trên tờ Cứu Vong Nhật Báo tố cáo thủ đoạn chiến tranh tâm lý của phát xít Nhật. Bài báo viết: “…Dù bịa đặt về phương diện nào thì cũng không ngoài mục đích gây chia rẽ. Kết luận của chúng ta là: Điều bịa đặt còn độc hại hơn cả hơi độc. Chúng ta phải đề cao cảnh giác, chỗ nào cũng phải đề phòng, đừng bị mê hoặc bởi những lời bịa đặt”.
Ngày 1-12-1942, Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Thiên Giang (Quảng Tây). Tại đây, Bác viết bài thơ “Thiên Giang ngục 1-12”. Bài thơ được Băng Thanh dịch:“Ngoài lao sáu chín chiếc ang người (tục chôn cất người chết vào trong các ang gốm)/Chồng chất trong lao biết mấy mươi/Nhà ngục mà như nhà chế thuốc/Gọi là hàng chĩnh cũng không sai”.
Ngày 1-12-1949, Báo Vệ Quốc Quân đăng bài “Giải thưởng cháu Bác Hồ” của Bác, cho biết nhi đồng tại một địa phương đã gửi tới Bác một tấm áo và một món tiền tiết kiệm để tặng “đơn vị nào diệt được nhiều Tây nhất. Vậy tôi để cả áo lẫn tiền, tôi thêm 600 đồng nữa cho đầy 2.000 đồng làm giải thưởng gọi là “Giải thưởng cháu Bác Hồ” cho bộ đội Vệ Quốc quân và dân quân du kích… giết nhiều giặc, cướp nhiều súng, lập nhiều công nhất ở mặt trận Trung du. Các em nhi đồng đang mong đợi. Các anh lớn phải thi đua lập công”.
Ngày 1-12-1953, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày báo cáo “Tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất”.
Ngày 1-12-1954, Bác viết bài “Nam bộ anh hùng” đăng trên Báo Nhân Dân biểu dương nữ liệt sĩ Võ Thị Sáu của Nam bộ, coi đó là tấm gương cho thanh thiếu niên cả nước học tập.
Ngày 1-12-1962, nói chuyện với Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, Bác nêu rõ:“Khi dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng… Quần chúng đang chờ những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca ngợi chân thật những người mới, việc mới, chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu chúng ta đời sau… Khen hay chê đều phải đúng mức. Khen quá lời thì người được khen cũng hổ ngươi. Mà chê quá đáng thì người bị chê cũng khó tiếp thu… Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm xuân”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự
sggp.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.