Thứ năm, 05/11/2009, 03:23 (GMT+7)
Cách đây 84 năm, ngày 5-11-1925, với bí danh Nilovski, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân đưa ra những nhận xét và đánh giá về đội ngũ nông dân Trung Quốc. Thư cũng cho biết Nguyễn Ái Quốc chưa thực hiện được việc liên hệ với Ban Chấp hành Quốc dân Đảng Trung Hoa như nhiệm vụ được giao.
Ngày 5-11-1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Nông dân báo cáo về phong trào nông dân tại 7 tỉnh Nam bộ (Gia Định, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho) và 2 tỉnh miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh. Bác nhận định:“Đế quốc Pháp khủng bố phong trào nông dân dữ dội chưa từng thấy… Nhiều làng đỏ bị triệt hạ và đốt trụi. Mặc dầu bị đàn áp dã man, phong trào vẫn tiếp tục phát triển… Hiện nay ở một số làng đỏ, Xô Viết nông dân đã được thành lập”. Thư cũng cho biết dự kiến sẽ tổ chức Đại hội Nông dân lần thứ nhất và đặt vấn đề “Quốc tế Nông dân có thể giúp đỡ cho các nạn nhân bị khủng bố thì rất hay”.
Ngày 5-11-1945, tại quảng trường trước Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự “Ngày Kháng chiến” để biểu thị sự ủng hộ cuộc kháng chiến oanh liệt của đồng bào Nam bộ. Trong bài diễn văn đọc trước dân chúng, Bác nhấn mạnh: “…vì chính nghĩa, công lý của thế giới, vì đất nước giống nòi của Việt Nam mà toàn quốc đồng bào ta nổi lên tranh đấu quyết giữ vững nền độc lập của ta. Chúng ta không ghen ghét gì dân Pháp, nước Pháp, chúng ta chỉ kiên quyết chống chế độ nô lệ và chính sách tàn nhẫn của bọn thực dân Pháp. Chúng ta không đi cướp nước ai. Chúng ta chỉ gìn giữ nước ta và chống lại bọn Pháp đi cướp nước. Vì vậy chúng ta không cô độc. Những nước yêu chuộng hòa bình và dân chủ, những dân tộc nhỏ yếu trong thế giới đều đồng tình với ta. Vì toàn dân ta đoàn kết ở trong, vì nhiều bạn đồng tình ở ngoài, cho nên chúng ta nhất định thắng lợi…”.
Cùng ngày, Bác ra “Lời kêu gọi kiều bào Việt Nam ở Pháp”: “Đồng bào hãy làm cho thế giới văn minh và nhất là dân tộc Pháp nghe thấy tiếng nói của Tổ quốc. Các bạn hãy chiến đấu để phá tan những sự điêu toa của bọn thực dân Pháp đang tuyên truyền một cách bỉ ổi… Đồng bào hãy tỏ ra là xứng đáng với những anh em đang chiến đấu anh dũng ở Nam bộ để bảo vệ cho nền độc lập của nước nhà”.
Cũng trong ngày 5-11-1945, trên Báo Cứu Quốc đăng bài “Toàn dân kháng chiến” của Bác, đưa ra quan điểm “muốn kháng chiến lâu dài để tới thắng lợi cuối cùng, cần phải động viên hết thảy mọi lực lượng mới mong đi tới thắng lợi cuối cùng… Cho nên, trước nguy cơ dân tộc, là dân tộc mất nước, phải hy sinh hết cả ý riêng, tâm tính riêng, lợi ích riêng cho đến cả tính mạng cũng không tiếc… Thực hiện được toàn dân kháng chiến, phần thắng thế nào cũng về ta!”.
Ngày 5-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo văn kiện quan trọng “Công việc khẩn cấp bây giờ”, trong đó xác định 2 nội dung quan trọng là “Kháng chiến kiến quốc” và “Trường kỳ kháng chiến”. Đây được xem là 2 tư tưởng quán triệt toàn bộ công cuộc bảo vệ nền độc lập vào thời điểm nghiêm trọng này, với những định hướng cụ thể: “Tổ chức du kích khắp nơi. Tăng gia sản xuất khắp nơi. Dù phải rút khỏi các thành phố, ta cũng không cần. Ta sẽ giữ tất cả thôn quê. Khi chỉ có hai bàn tay trắng, với một số đồng chí bí mật, leo lói trong rừng, ta còn gây nên cơ sở kháng Nhật, kháng Pháp. Huống gì bây giờ, ta có quân đội, có nhân dân. Nam bộ địa thế khó, chuẩn bị kém, mà kháng chiến đã hơn một năm. Ta địa thế tốt, lực lượng nhiều hơn, nhất định kháng chiến được mấy năm, đến thắng lợi”. Cùng ngày, đến thăm Trường Hàng Than, Bác ghi vào sổ vàng: “Thầy siêng năng, Trò siêng học. Thế là tốt lắm”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự
sggp.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.